ĐÔI NÉT VỀ LIỄU CHÂU
Liễu Châu là một thành phố thuộc phía bắc tỉnh Quảng Tây. Liễu Châu nằm bên hai bờ trên một khúc lượn của sông Liễu Giang, cách tỉnh lỵ Nam Ninh khoảng 255 km. Liễu Châu cách Bắc Kinh 3.535 km, cách Thượng Hải 2.033 km và cách Hồng Kông 727 km. Liễu Châu là thành phố đầu tiên mà sông Liễu Giang chảy qua. Do đó nước ở thành phố này rất sạch.
Liễu Châu có lịch sử hơn 2.100 năm. Thành phố ra đời vào khoảng năm 111 trước Công nguyên, lúc đầu có tên là Tanzhong. Năm 742 đổi tên thành Long Thành (thành phố rồng), trước khi đổi thành tên như ngày nay vào năm 1736. Liễu Châu là thành phố lịch sử và văn hóa quan trọng của tỉnh Quảng Tây. Nhân vật nổi tiếng nhất trong lịch sử của Liễu Châu là Liễu Tông Nguyên (773-819), một nhà chính trị, thi sĩ dưới thời nhà Đường, mất tại Liễu Châu.
Giống như nhiều vùng khác của Quảng Tây, cảnh quan xung quanh Liễu Châu là sự pha trộn của đồi, núi đá vôi và nhiều hệ thống hang động. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, du lịch khám phá mạo hiểm,...
Cùng với phong cảnh non xanh nước biếc, Liễu Châu còn nổi tiếng với huyền thoại về ca tiên của dân tộc Choang.
Văn hóa dân tộc Liễu Châu có nét đặc trưng riêng với tứ tuyệt là bài ca của dân tộc Choang, điệu múa của dân tộc Dao, ngày tết của dân tộc Mèo và ngôi nhà của dân tộc Động. Ngoài ra, những kiến trúc dân tộc như cầu Phong Ngũ Trình Dương (cầu có mái để chắn gió che mưa cho người đi qua cầu và Nhà Trống Tam Giang đã thu hút rất nhiều du khách chọn tour du lịch Trung Quốc giá rẻ bằng đường bộ.
Liễu Châu được gọi là Long Thành, Hồ Thành, và là thành phố du lịch nổi tiếng về văn hóa lịch sử của Trung Quốc. Đồng thời, là trung tâm kinh tế quan trọng của Đại Tây Nam.
Liễu Châu có tài nguyên du lịch dồi dào và phong cảnh lịch sử nhân văn lâu đời, giáp với Quế Lâm và con đường cao tốc từ Liễu Châu đến Quế Lâm chỉ khoảng 150 km. Liễu Châu nằm trong cùng tuyến du lịch với Quế Lâm và cùng được mệnh danh là thành phố đẹp như “sơn thủy Quế Lâm, văn hóa Liễu Châu”. Mùa hè không quá nóng, mùa đông không rét đậm, rất thích hợp cho du lịch.
NHỮNG ĐIỂM THAM QUAN HẤP DẪN Ở LIỄU CHÂU
Núi Tây Phong Lĩnh
Để có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn khung cảnh non nước hữu tình của Liễu Châu, du khách hãy ghé thăm ngọn núi Tây Phong Lĩnh. Mặc dù Tây Phong Lĩnh không cao nhưng rất hữu tình. Du khách sẽ được những hướng dân viên du lịch chính là những người dân sống tại đây giới thiệu về ngọn núi này. Theo truyền thuyết trên đỉnh núi có Tiên, có Rồng. Dưới chân núi có hồ nước đó là hồ Tiểu Long Đàm, xa xa là núi Mã Yên, như chiếc yên ngựa khổng lồ. Hồ nhỏ Tiểu long đàm dưới chân Tây Phong Lĩnh thông ra hồ lớn Đại Long đàm, Đại Long Đàm lại thông ra sông Liễu Giang. Sông Liễu Giang xuất phát từ dãy núi Việt Thành Lãnh cũng thuộc Liễu Châu, rồi chạy vòng quanh ôm trọn thành phố Liễu Châu trước khi đi tiếp. Có một huyết mạch lưu thông phong thủy đất này.
Núi Tây Phong Lĩnh nằm liền kề ngay bên đường Ngư phong, đại lộ Liễu Thạch, thuộc thành phố Liễu Châu. Trong tâm thức của mỗi người dân Việt, Tây Phong Lĩnh gắn với một bài thơ nổi tiếng ghi lại giờ phút tự do của Bác Hồ khi được trở về với thiên nhiên phóng khoáng sau 18 tháng lao tù khổ ải trong nhà tù Tưởng Giới Thạch trong quãng thời gian từ 1942 đến 1943. Vì vậy nơi đây là địa điểm du lịch vô cùng ý nghĩa đối với người Việt Nam khi đi du lịch Trung Quốc.
Khu di tích nơi ở và làm việc của Bác Hồ
Khu di tích nơi ở và làm việc của Bác Hồ tại Liễu Châu cũng là một điểm dừng chân không thể thiếu của những du khách Việt. Tới đây, du khách sẽ bồi hồi xúc động khi được nhìn ngắm lại những kỷ vật mà Bác Hồ chúng ta đã sử dụng trong những năm tháng xa Tổ quốc.
Khách sạn Lạc Quần
Khách sạn Lạc Quần được xây dựng từ những năm 1930. Nơi đây chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại của nước Trung Hoa cũng như cách mạng Việt Nam khi các cán bộ sang làm việc với Hồ Chủ tịch đều ở khách sạn này.
Đại Long Đàm
Du khách đi qua chân núi Tây Phong Lĩnh về phía Nam khoảng 3 km thì đến Đại Long Đàm - khu phong cảnh cấp khu của Khu tự trị dân tộc Choang. Đây là một khu du lịch lớn hội tụ cảnh quan sơn thủy thiên nhiên các-xtơ, bản sắc văn hoá của các dân tộc thiểu số miền Nam và cảnh quan thực vật và hang động các-xtơ á nhiệt đới, diện tích của khu du lịch này là 544 hecta, lớn gấp 2 lần so với Di Hòa Viên ở Bắc Kinh. Đại Long Đàm có đầm trong và đầm ngoài, nước đầm bốn mùa đều trong veo, mát mẻ.
Ven đầm có 7 hòn núi xoay quanh, người ta gọi nó là núi Thất Nữ. Phía chính đông có một ngọn núi do trên sườn núi có một cái động có thể nhìn thấy bầu trời xanh như một cái gương nên ngọn núi này còn được gọi là núi gương. Đối diện với nó là một ngọn núi nhỏ xinh xắn giống như một cô gái duyên dáng yêu kiều và được gọi là núi Mỹ Nữ. Hai ngọn núi trông vào nhau tạo nên cảnh quan "tiên nữ soi gương" nổi tiếng. Bên cạnh nó là khu rừng Tương Tư tĩnh mịch, còn có một đường nhỏ đi đến hồ gương.
Cầu Phong Ngũ Trình Dương
Đi du lịch Trung Quốc đến với Liễu Châu, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng và tìm hiểu về cây cầu Phong Ngũ Trình Dương, còn có tên gọi là cầu Vĩnh Tế Trình Dương. Đây là một trong những cây cầu nổi tiếng trên thế giới. Nằm ở xã Lâm Khê, cách thị trấn Cổ Nghi huyện Tam Giang 20 km về phía Bắc, cầu Phong Ngũ Trình Dương là di tích lịch sử trọng điểm của nhà nước. Cầu được xây dựng năm 1916, là tác phẩm tiêu biểu cho cầu Phong Ngũ của dân tộc Động.
Cầu Phong Ngũ Trình Dương là một công trình kiến trúc dạng cầu kết hợp hành lang, hiên và đình. Cầu có hai bệ ở hai đầu, ba trụ cầu, ba nhịp, năm đình, 19 hiên, và ba tầng. Các trụ cầu được làm bằng đá trong khi các kiến trúc trên cầu chủ yếu làm từ gỗ với phần trên cùng là mái ngói. Chiều dài tổng cộng của cây cầu là 64,4 m với phần lối đi rộng 3,4 m, cầu cao hơn mặt sông khoảng 10 m.
Quách Mạt Nhược ngay lần đầu tiên nhìn thấy cây cầu này đã tỏ ý yêu thích cây cầu và làm một bài thơ về Trình Dương Kiều.
Bảo tàng đá Liễu Châu
Với diện tích hơn 42.000 m2 bao gồm cả trong nhà trưng bày và công viên ngoài trời, đây là bảo tàng đá lớn nhất Trung Quốc, lưu giữ và trưng bày các sản phẩm đá quý nổi tiếng Đông Nam Á, hợp thành bỏi hai bộ phận, được xây dựng vào năm 1994 và 1999. Phòng trưng bày rộng gần 3.000 m2 mang đặc điểm các dân tộc thiểu số vùng Quế Trung.
Nhà trưng bày mỗi năm đều triển lãm hàng nghìn bộ sưu tập đá quý kỳ lạ của hơn 60 loại đá. Trải qua hàng trăm triệu năm, dưới tác động của tạo hóa, nhiều khối đá trở thành các tác phẩm đá trông rất lạ mắt, có khối đá mọc tóc, có khối đá dáng hình như một thiếu nữ, hay Phật Quan Âm, có khối trông như Vạn Lý Trường Thành thu nhỏ... Và, có cả các loại đá giống như các món ăn, những lá cây, bông hoa đã hóa thạch, trở thành vật báu, khiến du khách đến thăm bảo tàng không khỏi ngạc nhiên. Đá ngọc khối lớn như mỹ ngọc, ngọc màu xen kẽ, các đường vân trên đá ngọc uyển chuyển, hài hoà, chỗ dày chỗ thưa, tạo nên dáng núi dáng mây, hình sông thế núi vô cùng kỳ diệu. Đá màu trứng Tam Giang Thái Noãn viên tròn mềm mại trang nhã, đá Thiên Nga lại như những nét mực đan thanh trên bức quốc họa của một đại họa sĩ. Ngoài ra, còn những loại đá lớn truyền thống hàng đầu như đá Thái Hồ, đá Linh Bích, hay những khoáng vật đá trong suốt Tinh Bảo vô cùng quý hiếm như "Hồn Trung Hoa", "Tì Bà gió thu", "Giang Sơn đa kiều", "Hùng Phong", "Xuân mãn linh trì", "Đường cổ trên sa mạc", "Chim hạnh phúc", Hùng sư nghênh khách", "Tiệc Mãn Hán" hay "Phu tử"...
Phố ẩm thực Thanh Vân
Thanh Vân là phố ẩm thực nổi tiếng nhất của Liễu Châu, nơi đó đã hội tụ các loại thức ăn tuyệt vời các món ăn hội đủ hương vị chua, cay tươi ngon. Quả thật, như người Trung Quốc thường nói, Liễu Châu là một thành phố “sản xuất” món ăn ngon.
Nếu có dịp du lịch Trung Quốc, du khách đừng bỏ qua vùng đất Liễu Châu vô cùng xinh đẹp nhé! Chúc các du khách có một chuyến đi vui vẻ và nhiều điều thú vị!