1/ Trung Nguyên Đại Phật
Trung Nguyên Đại Phật (hay Lỗ Sơn Đại Phật) là một bức tượng Đại Nhật Như Lai được xây dựng trong quần thể kiến trúc ở chân Nghiêu Sơn thuộc hương Triệu Thôn, huyện Lỗ Sơn, Hà Nam. Tượng Phật khổng lồ này bắt đầu xây dựng từ năm 1997 và hoàn thành năm 2002. Và kể từ khi được hoàn thành, bức tượng này đã giữ kỷ lục bức tượng cao nhất thế giới, vượt qua bức tượng Ushiku Daibutsu tại Nhật Bản. Đại sư Tinh Vân - Hội trưởng Tổng hội Phật quang Thế giới đã viết hàng chữ to cho tượng Phật là: "Thế giới Đệ nhất Trung Nguyên Đại Phật".
Tổng kinh phí của dự án Trung Nguyên Đại Phật là khoảng 55.000.000 USD, trong đó riêng bức tượng tiêu tốn khoảng 18.000.000 USD. Theo ước tính ban đầu, để làm nên bức tượng Phật khổng lồ này phải dùng hết 3.300 tấn đồng, 108 cân vàng, hơn 15.000 tấn thép đặc biệt, diện tích mặt ngoài là 11.300 m2 và được hàn nối 13.300 sênh đồng.
Bức tượng có chiều cao 128 m, tòa sen cao 20 m, kim cang tọa cao 25 m, tu di tọa cao 55 m. Nếu tính thêm cả phần lối lên và tòa nhà ở chân đế thì tổng chiều cao của bức tượng lên tới 153 m. Kể từ tháng 10/2008, phần đồi ở chân bức tượng được xây dựng thành hai đường lên mới với chiều cao phần trên là 15 m, vì vậy chiều cao tổng cộng hiện tại của bức tượng là khoảng 208 m.
2/ Mông Sơn Đại Phật
Mông Sơn Đại Phật (hay Tây Sơn Đại Phật) nằm trên vách núi phía tây bắc thôn Tự Đế, quận Tấn Nguyên, đô thị Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây. Hiện người ta chưa xác định được niên đại của tượng Phật.
Thời mạt nhà Nguyên, Mông Sơn Đại Phật bị phá hủy. Năm 1980 khi đô thị Thái Nguyên làm tổng điều tra địa danh thì mới phát hiện lại, khi đó phần đầu Phật đã không còn, thân bị phong hóa nghiêm trọng và bị vùi lấp trong đất đá.
Ghi chép trong thư tịch cổ thì Mông Sơn đại Phật cao 59 m, nhưng thực tế đo đạc từ đáy chân đến phần gáy của Mông Sơn đại Phật chỉ được 30 m, phần đầu Phật cao 10 m cộng thêm phần đế 6 m, tổng cộng được 46 m. Vào năm 2007 người ta lại trùng tu, gia cố thêm phần thân Phật cùng tôn tạo lại thành ra cao thêm 12 m.
3/ Nam Sơn Đại Phật
Nam Sơn Đại Phật nằm ở đô thị Long Khẩu, Yên Đài, Sơn Đông. Nam Sơn Đại Phật cao 38,66 m, nặng 380 tấn, được đúc bằng đồng thau, có 108 cánh hoa sen, 302 búi tóc, tổng cộng cần đến 642 linh kiện đúc đồng đen hợp thành.
Đây là tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng đang ngồi tọa thuộc loại hiếm có trên thế giới, thể hiện trình độ tinh hoa về nghệ thuật đúc tượng Phật hiếm thấy.
4/ Y Sơn Đại Phật
Y Sơn Đại Phật là hình Phật Tổ ngồi thuyết Pháp, được xây dựng năm 2007, nằm ở trấn Y Sơn, huyện Quán Vân, đô thị Liên Vân Cảng. Tượng Phật khổng lồ Y Sơn Đại Phật được đúc bằng hơn 70 tấn đồng, chiều cao 33 m (ngụ ý 33 tầng trời), ở độ cao 66 m so với mặt nước biển, là tượng Phật đồng tọa cao nhất ở Châu Á hiện nay.
5/ Di Lặc Đại Phật
Di Lặc Đại Phật tọa lạc tại Tuyết Đậu Sơn, thuộc thuộc trấn Khê Khẩu, Phụng Hóa, là một pho tượng Phật bằng đồng, trong tư thế ngồi, khắc họa hình ảnh hiền từ và tự tại của Bố Đại hòa thượng. Theo truyền thuyết thì Bố Đại hòa thượng là hóa thân của Phật Di Lặc, là người trưởng thành, xuất gia và viên tịch ở Phụng Hóa.
Tượng Di Lặc Đại Phật cao 56,74 m, riêng phần thân cao 33 m, Phật ngồi trên tòa sen cao 9 m và phần bệ của pho tượng cao 14,74 m. Bên cạnh đó còn có các công trình phụ. Tổng diện tích của khuôn viên tượng Phật là 12.000 m2.
Công trình này được khởi công xây dựng vào tháng 9/2005 và hoàn thành vào tháng 11/2008, với tổng vốn đầu tư hơn 400.000.000 NDT. Pho tượng được đúc từ 500 tấn đồng, cùng với 400 tấn sắt để tạo cốt sắt ở bên trong.
6/ Phổ Hiền Bồ Tát Thập Phương
Tượng Phổ Hiền Bồ Tát Thập Phương nằm trên Kim đỉnh, tọa lạc trên Nga Mi Sơn, tỉnh Tứ Xuyên được hoàn thiện vào tháng 5/2006 với chiều cao 48 m, nặng hơn 600 tấn.
Bức tượng này nói đến 10 đại nguyện của đức Phổ Hiền, và là tượng trưng cho mười phương vị trong Phật giáo, gồm Đông, Nam, Tây, Bắc, Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc, trên, và dưới, ngụ ý tâm nguyện vô biên của đức Phổ Hiền bao trùm thập phương tam thế chư Phật và muôn nghìn chúng sinh. 10 khuôn mặt của Tượng Phổ Hiền Bồ Tát chia làm 3 tầng, thần thái khác nhau, thể hiện mười trạng thái tâm lý của chúng sinh. Nội hàm của tượng Phật khổng lồ này vô cùng phong phú, đó là sự kết hợp hoàn hảo của giáo lý và tạo hình trong Phật giáo.
7/ Địa Tạng Bồ Tát
Tượng Địa Tạng Bồ Tát được bắt đầu xây dựng vào năm 1995 tại Cửu Hoa Sơn. Cửu Hoa Sơn là đạo tràng (nơi hành lễ) của Bồ Tát Địa Tạng, là một trong 4 ngọn núi Phật giáo nổi tiếng ở Trung Quốc. Cửu Hoa Sơn có thể trở thành đạo tràng của Bồ Tát Địa Tạng là vì Bồ Tát Địa Tạng là hóa thân của Thánh tăng Kim Kiều Giác tại thế gian và đã chọn nơi này tu khổ hạnh cho đến cuối đời.
8/ Lạc Sơn Đại Phật
Lạc Sơn Đại Phật, còn có tên gọi khác là Lăng Vân Đại Phật hay Gia Định Đại Phật. Bức tượng Phật Di Lặc này được tạc vào vách đá Thê Loan của núi Lăng Vân, nằm ở hợp lưu 3 con sông Mân Giang, Đại Độ và Thanh Y ở phía Nam tỉnh Tứ Xuyên.
Bức tượng đá Lạc Sơn Đại Phật cao 71 m, được xây dựng từ đời Đường Huyền Tông và phải mất gần một thế kỷ mới hoàn thành. Tượng Phật Di Lặc ngồi đối diện với núi Nga Mi, và có một dòng sông uốn quanh vách đá dưới chân của Phật.
Theo dân gian, trước khi tượng Lạc Sơn Đại Phật được xây dựng, thuyền bè qua khu vực này thường chảy xiết, gặp tai nạn mà không rõ nguyên nhân. Một lão hòa thượng tên là Hải Thông nhiều lần chứng kiến dân lành gặp nạn, cho rằng có thủy quái ẩn mình nên đã kêu gọi dân chúng hợp sức xây dựng tượng Phật nhằm trấn hung. Từ sau khi tượng Lạc Sơn Đại Phật được xây dựng, thuyền bè qua lại thuận lợi hơn, không còn xảy ra những vụ đắm thuyền như trước đây nữa. Có lẽ vì được xây dựng với hi vọng bảo vệ dân lành nên mỗi khi có tai ương lớn xảy ra, Phật Di Lặc đều nhắm mắt rơi lệ.
Các nhà khoa học Trung Quốc đã nhiều năm nghiên cứu nhưng vẫn chưa lý giải được tại sao tượng Phật lại đổ lệ mỗi khi có tai ương. Tuy nhiên, Lạc Sơn Đại Phật vẫn là biểu tượng tinh thần nói chung với người Trung Quốc nói chung và Tứ Xuyên nói riêng. Hàng năm, Lạc Sơn Đại Phật thu hút hàng triệu khách du lịch tới tham quan và thờ khấn Phật, mong Ngài ban phước lành cho muôn dân.
9/ Long Môn Đại Phật
Hang đá Long Môn nằm cách phía nam thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam khoảng 30 km, nó cùng với hang đá Đội Hoàng ở Cam Túc và hang đá Vân Cương ở Sơn Tây được mệnh danh là ba kho báu của nghệ thuật hang đá Phật giáo thời phong kiến Trung Quốc.
Hang đá Long Môn khai thác khi Bắc Ngụy Hiếu Văn Đế dời đô đến Lạc Dương (khoảng năm 493), nó liên tục được kiến tạo trong hơn 400 năm, trải qua các triều đại Đông và Tây Ngụy, Bắc Tề, đến Tùy, Đường, Tống. Tại đây có hơn 70 bảo tháp, hơn 100.000 tượng Phật điêu khắc. Tượng Phật khổng lồ lớn nhất cao 17,14 m, nhỏ nhất là 2 cm, hang đá này cho thấy trình độ nghệ thuật điêu khắc đá điêu luyện của người Trung Quốc cổ đại.
10/ Vân Cương Đại Phật
Hang đá Vân Cương nằm ở phía Nam chân núi Vũ Châu, phía Tây thành phố Đại Đồng (tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc) 16 km về phía Tây, do có vị trí gần mây nên nó được gọi là Vân Cương.
Sau 2 năm làm việc, một dự án để khôi phục lại các hang động chân núi Vũ Châu, một phần của hang động gần như hoàn thiện, vào đầu năm 2015, hai trong số dự án sẽ mở cửa cho công chúng tham quan.
Công trình kỳ vĩ tuyệt tác này có 53 hang động, chạy dài khoảng 1 km từ Đông sang Tây, gồm 51.000 tượng Phật, tượng lớn nhất cao 17 m, tượng nhỏ nhất chỉ 2 cm.
11/ Linh Sơn Đại Phật
Linh Sơn Đại Phật tọa lạc khu vực Tiểu Linh Sơn, nghiêng về hướng nam ngọn Tần Lý, Mã Sơn, thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô. Linh Sơn Đại Phật là một trong những cột mốc quan trọng trong sự phát triển văn hóa xã hội và kinh tế của vùng Vô Tích.
Cả quần thể Linh Sơn Đại Phật có diện tích chiếm khoảng 30 hecta. Nơi đây nguyên là nền cũ chùa Tường Phù - ngôi cổ sát nổi tiếng thời Đường Tống, là nơi được bảo tồn di tích, hoằng dương văn hóa, thực hiện chính sách Tôn giáo. Vị trí của Đại Phật được ngài Huyền Trang đời Đường đặt tên là Tiểu Linh Sơn, cho nên gọi là Linh Sơn Đại Phật.
Linh Sơn Đại Phật cao to sững sững, khí thế nguy nga hoành tráng bởi 3 ngọn núi bao quanh. Phía nam của Đại Phật là Thái Hồ, mặt sau tựa vào núi Linh Sơn, bên trái gắn liền Thanh Long, bên phải nối với Bạch Hổ, địa hình hiểm trở huyền bí, quang cảnh ưu nhã mỹ lệ.
Tượng Đại Phật dùng nguyên liệu bằng đồng kiến tạo, tượng trưng cho sự vĩnh hằng, đồng thời cũng thể hiện nền văn hoá truyền thống lâu đời của người Hoa. Đại Phật cao 88 m, thân 79 m và đài sen 9 m. Nhiều du khách khi đến đây đều cho rằng dù họ đứng ở bất kỳ vị trí nào cũng có cảm giác như mắt Phật đang dõi theo và che chở cho mọi người.
12/ Nam Sơn Hải Thượng Quan Âm
Thành phố Tam Á được mệnh danh là thiên đường nhiệt đới trên đảo Hải Nam và là một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Trung Quốc. Vùng đất này có nước biển rất trong, cát trắng mịn màng, thời tiết dễ chịu quanh năm. Nhờ có cảnh quan tuyệt đẹp nên nơi đây còn được gọi là “Hawaii của phương Đông”. Bên cạnh vẻ đẹp của biển thì việc nơi đây sở hữu bức tượng Nam Sơn Hải Thượng Quan Âm cao nhất thế giới càng làm tăng thêm sức hút cho Tam Á.
Bức tượng Nam Sơn Hải Thượng Quan Âm cao 108 m nằm trong khu du lịch Nam Sơn, cách trung tâm thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam 40 km. Bức tượng có 3 mặt quay về 3 hướng, một về đất liền và hai mặt hướng biển, tượng trưng cho lòng từ bi, bình an và trí tuệ.
Bảo tọa hoa sen ở phía dưới cao 10 m, có 4 tầng, mỗi tầng có 27 cánh hoa (tổng là 108 cánh hoa), so với bảo tọa hoa sen của Linh Sơn Đại Phật thì nhiều hơn 20 cánh hoa. Toàn bộ làm bằng hợp kim ti-tan.
13 - Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay
Bức tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay được hoàn thành vào năm 2009 tọa lạc ở Vi Sơn, tỉnh Hồ Nam. Đây là bức tượng đồng mạ vàng có chiều cao 99 m.
Với những tín đồ Phật giáo và kể cả những người ngoại đạo thì 13 tượng Phật khổng lồ nổi tiếng nhất của đất nước Trung Quốc gắn với cảnh quan thiên nhiên đẹp là những địa điểm không thể bỏ qua khi du khách đặt chân đến Trung Quốc. Hãy tham gia tour Trung Quốc của Viet Viet Tourism, du khách sẽ có cơ hội khám phá những địa danh nổi tiếng này!