Miêu Vương Thành là một bản làng nhỏ, nơi tập trung sinh sống của người dân tộc Miêu hay còn gọi là người H’Mông. Nằm cách Phượng Hoàng Cố Trần tầm khoảng 21 km, khi di chuyển từ thành cổ đến khám phá Miêu Vương Thành, du khách sẽ được thưởng ngoạn những cảnh đẹp thơ mộng dọc đường đi.
Khác với những người Miêu Thuần đã định cư ở vùng đồng bằng và hòa nhập với cuộc sống hiện đại, Miêu Vương Thành tại thành phố Đồng Nhân tập trung chủ yếu người Dã Miêu, những người sinh sống tại vùng sâu vùng xa, có ý thức bảo tồn và thể hiện văn hóa dân tộc vô cùng mạnh mẽ.
KIẾN TRÚC ĐỘC ĐÁO TẠI MIÊU VƯƠNG THÀNH
Theo dòng chảy của thời gian, mọi thứ ở ngôi làng này không thay đổi, vẫn còn bảo tồn nguyên vẹn giá trị của nền văn hóa hóa bản địa thậm chí càng rõ nét hơn trong cuộc sống hiện đại. Đến với Miêu Vương Thành, du khách sẽ choáng ngợp bởi lối kiến trúc nhà cửa ở nơi đây. Du khách sẽ thấy kiến trúc chủ yếu bằng đá tuyệt đẹp, từ đường đi, tường nhà, bậc thang hầu hết đều được làm bằng những tảng đá lớn nhỏ ghép lại và được chạm khắc rất tinh xảo. Đặc biệt nhất là những mái ngói âm dương sẫm màu nằm quần tụ ở địa hình chênh vênh.
Tại làng cổ Miêu Vương Thành còn có một khu nhà biểu diễn nghệ thuật của dân tộc Miêu, phía sau là khu trưng bày được gọi là bảo tàng của người Miêu. Khu nhà này có kiến trúc đặc sắc mang một nét cổ kính, tường được dựng bằng gỗ và trạm trổ cầu kì. Phía trước nhà được treo những chùm bắp ngô và ớt lủng lẳng để chống tà ma và cầu thực ấm no, tưởng chừng như chúng ta đang đi lạc vào thời kỳ cận đại.
Người Miêu thuộc dân tộc ít người thường sống tập trung ở những khu vực đồi núi nên nhà cửa của họ cũng được xây dựng theo kiến trúc phù hợp với địa hình dốc núi. Ngôi nhà truyền thống của người Miêu đa số dùng chất liệu bằng gỗ, xây trên các trụ cao có tên gọi là Điếu Cước Lâu.
Một ngôi nhà thông thường có 3 tầng, tầng 1 dùng để chăn nuôi gia súc tương tự với kiến trúc nhà sàn Tây Nguyên Việt Nam, tầng 2 là nơi sinh hoạt chung của các thành viên trong gia đình và tầng 3 là nơi lưu trữ thóc.
Tại Miêu Vương Thành, hầu hết các đồ vật được trưng bày trong nhà khá đơn sơ và thường là những vật dụng sinh hoạt và lao động sản xuất như khung dệt, công cụ trồng lúa,...
NHỮNG NÉT VĂN HÓA THÚ VỊ VÀ VẺ ĐẸP TÂM HỒN CỦA NGƯỜI MIÊU TẠI MIÊU VƯƠNG THÀNH
Đến Miêu Vương Thành, một hình ảnh thú vị hút vào tầm mắt du khách là màu xanh phấp phới của tà áo người Miêu. Màu xanh là màu truyền thống trong trang phục của người họ, đặc biệt là những cô gái Miêu. Phụ nữ Miêu rất khéo léo trong việc may vá, hầu như những trang phục họ mặc đều được may thêu từ thủ công. Điều đặc biệt trong lối trang phục của người Miêu là họ rất thích đeo trang sức bằng bạc. Theo quan niệm của họ, trang sức bạc là mang lại ánh sáng và có thể xua đuổi tà ma. Không chỉ vậy, họ còn quan niệm rằng, những cô gái Miêu đều phải có một bộ trang sức bạc trước khi lập gia đình, nếu không thì con gái không thể gả chồng.
Nếu có dịp ghé thăm Miêu Vương Thành, du khách hãy thử dành chút thời gian để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của không chỉ trang phục mà cả vẻ đẹp của những người phụ nữ nơi đây.
Không chỉ đảm đang việc nhà, họ còn là những người phụ nữ phóng khoáng và hồn hậu. Một bài hát thổ ngữ Miêu được họ cất lên hết sức tự nhiên và phòng khoáng. Tay nâng bình rượu, tay mời khách khiến ai cũng không thể từ chối. Phải uống cạn ly thì mới bước qua được cổng làng. Mùi rượu không quá đậm, nhàn nhạt, trong trong, nhưng lại thơm. Một thứ mùi thơm xuất phát từ tình cảm chân thành, ấm áp của người miền quê.
Đã đến lúc du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp Miêu Vương Thành qua những con đường đá, những dãy nhà cổ kính nối tiếp nhau trong những khu phố cũ kĩ. Ngôi làng mang một nét đẹp bình dị, không gian thanh bình, cuộc sống sinh hoạt nhẹ nhàng của người Miêu sẽ khiến bạn cảm nhận được văn hóa thường nhật của họ. Khi dạo bước tại đây, du khách sẽ bắt gặp những gian hàng nhỏ được bày bán khắp các con phố. Họ buôn bán trao đổi hàng hóa hàng ngày, ngoài ra còn có những món ẩm thực đặc trưng và quà lưu niệm để du khách có thể thỏa sức mua sắm.
Và nếu đến Vương Miêu Thành đúng thời điểm, du khách còn có cơ hội hòa mình trong không khí lễ hội của người Miêu.
Lễ hội Sister'rice của người Miêu, đây là lễ hội hết sức đặc biệt được diễn ra vào ngày 15/3 âm lịch hằng năm. Là dịp để các chàng trai và cô gái Miêu gặp gỡ và nói chuyện tình yêu. Trong ngày hội, các cô gái dân tộc sẽ được mời ăn "gạo chị em" và nhảy múa trong tiếng trống sôi động để thu hút các chàng trai.
Không chỉ có lễ hội tháng 3, đến với Miêu Vương Thành vào những ngày giữa tháng 8 âm lịch, du khách sẽ có dịp thưởng thức lễ hội trăng rằm ở đây. Giống như ở Việt Nam, người Miêu ở vùng Quý Châu cũng có lễ hội trăng rằm diễn ra vào ngày 15/8 âm lịch hàng năm. Dưới ánh trăng vàng dịu, những con đường được người dân trang trí bằng những chiếc đèn lồng rực rỡ. Vào thời điểm mặt trăng lên cao, họ sẽ ngồi trước nhà quây quần bên nhau để ăn bánh trung thu, thưởng thức trà.
Ghé thăm Miêu Vương Thành, du khách không chỉ được tận hưởng được vẻ đẹp của núi rừng mà còn là cơ hội để trải nghiệm cuộc sống, nét văn hóa của người dân nơi đây. Chắc chắn những con người thân thiện, không gian thanh bình với vẻ đẹp ngôi làng cổ kính sẽ là một ấn tượng khó quên trong lòng mỗi người khi ghé thăm nơi này trong hành trình du lịch Trung Quốc cùng người bạn đồng hành Viet Viet Tourism.