Tại Trung Quốc và nhiều nước Á Đông đã từng có một thời phong kiến phát triển thì tên tuổi của Bao Chửng - Bao Thanh Thiên được nhiều người biết đến. Đó là vị quan thanh liêm, vì nước vì dân.
Ông tên thật là Bao Chửng (999 - 1062), tự Hy Nhân. Ngoài ra, ông còn được gọi bằng rất nhiều tên khác như Bao Thanh Thiên, Bao Thị Chế, Bao Hắc Tử, Bao học sĩ hay Bao Long Đồ. Ông nổi tiếng là một vị quan “thanh liêm, chấp pháp nghiêm minh, không khiếp sợ quyền uy hay vị nể tư tình” dưới thời Hoàng đế Tống Nhân Tông (1022 - 1063).
Trong suốt thời gian làm quan, ông đã phá được nhiều vụ án, giúp dân cư an hưởng thái bình, nền kinh tế nhờ đó mà phát triển vượt bậc. Nghe tiếng Bao Công tận tụy và thanh liêm, nhà vua triệu ông về kinh giao cho chức Trung thừa, rồi lần lượt là Giám sát ngự sử, Trực học sĩ Long đồ các, Tam tư Hộ bộ Phó sử, đến Thiên Chương các Thị chế (nên người đời sau còn gọi ông là Bao Thị Chế).
Thực tế, mặt Bao Công không hề đen và cũng không có vầng trăng trên trán. Tạo hình Bao Công mà du khách nhìn thấy trên phim ảnh là kết quả do bị ảnh hưởng của Kinh Kịch, hát bội. Trong nghệ thuật Kinh Kịch, các diễn viên thường phải hóa trang mặt nạ trước khi biểu diễn. Mặt trắng là đại diện cho kẻ tiểu nhân; mặt đỏ là đại diện cho nghĩa khí, trung nghĩa; mặt đen đại diện cho nghiêm túc, công chính liêm minh, quân tử. Do đó, mặt Bao Công được tô đen để khắc họa bản tính liêm chính của ông.
Ông là một người cương trực, đã xử trảm con rể của vua theo pháp luật. Ông cũng chẳng mưu cầu việc riêng tư, mà xử tử người cháu ruột của mình vì phạm pháp. Nếu như du khách muốn biết về Bao Công và nơi mà ông đã từng xử án, cũng như tấm lòng ngưỡng mộ, cung kính của người dân Trung Quốc đối với ông, thì hãy đến thăm phủ Khai Phong, để cảm thụ một cách sát gần hơn những gì đã diễn ra ở đây hơn 1.000 năm trước.
Phủ Khai Phong nằm ở thành phố cùng tên của tỉnh Hà Nam, cách Bắc Kinh 808km. Khai Phong phủ ngày nay mà du khách tham quan chỉ là một công trình phục dựng ngay vị trí nền cũ ngày xưa. Công trình này hoàn thành vào năm 2003, sau 15 tháng thi công, dựa trên một cuốn sách cổ miêu tả về các kiến trúc Bắc Tống. Đến năm 2007, Khai Phong phủ nhận được giải Lỗ Ban - giải thưởng cho công trình phục cổ đẹp nhất Trung Hoa.
Nơi đây rộng 60 hecta, gồm nhiều sân bãi, thành lầu, nha môn, nơi làm việc, nơi nghỉ ngơi, nhà khách, nhà lao… Phía ngoài phủ, người ta đặt một chiếc trống to, vốn dành cho dân chúng đánh kêu oan. Bên trong nha môn là nơi xét xử các vụ án với “Cẩu đầu trảm”, “Hổ đầu trảm” và “Long đầu trảm” nổi tiếng.
Phía sau của khu công đường xử án là nơi tiếp khách, phòng làm việc của các quan cấp dưới giúp việc cho Phủ doãn Phủ Khai Phong. Tiếp đến là khuôn viên, sân vườn, phía sau nữa là nhà nghỉ, nhà ở của quan lại, bộ đầu, binh lính… Cuối dãy còn có nhà lao để giam giữ phạm nhân chờ ngày xét xử, hành hình. Nhà lao được chia làm 2 khu, khu nam và khu nữ. Bên ngoài nhà lao, còn giữ lại gông đeo cổ, xe tù…để cho du khách thấy được toàn bộ cách làm việc, sinh hoạt, xét xử, giam giữ tù nhân…của một Khai Phong Phủ ngày xưa.
Một điều thú vị là khi "lang thang" ở Khai Phong, du khách sẽ bắt gặp rất nhiều thứ liên quan đến Bao Công, ví dụ như hồ nước gọi là hồ Bao Công, cá dưới hồ là cá Bao Công, kẹo đậu phộng cũng gọi là kẹo Bao Công…
Khoảng sân trước phòng xử án có đặt một bia đá lớn gọi là Công sinh minh. Tất cả các phủ quan lại thời Bắc Tống đều bắt buộc phải có bia đá này. Trên bia khắc 16 chữ răn dạy của vua với các vị quan: “Nhĩ bổng nhĩ lộc - Dân cao dân chi - Hạ dân di nhược - Thượng thiên nan khi”, đại ý: “Bổng lộc của quan là máu thịt của dân, dân chúng dễ dàng bị bức hiếp nhưng trời cao thì không dễ”. Ngẫm cũng lạ, Bao Công thật ra cũng chỉ làm theo đúng 16 chữ trên, làm tròn chức trách của mình, vậy mà lại nổi tiếng thiên cổ. Chẳng lẽ từ xưa đến nay, tìm một vị quan chức làm tròn bổn phận khó đến vậy sao?
Đến thăm Khai Phong phủ, ngoài tham quan các công trình kiến trúc và tìm hiểu lịch sử, du khách còn bị cuốn hút bởi vô số hoạt động hấp dẫn nơi đây. Bên hồ nước có các chương trình biểu diễn xiếc và ảo thuật hấp dẫn. Các tòa lầu trong phủ là nơi tổ chức các hoạt cảnh, các trò chơi tái hiện cuộc sống thời xưa như cảnh thi đỗ trạng nguyên, cảnh gieo tú cầu, cảnh đám cưới… Không chỉ có vậy, du khách còn được xem các vở kịch tái hiện cảnh Bao Công xử án.
Mỗi ngày, tại Khai Phong Phủ đều có dàn diễn viên biểu diễn lại cảnh tượng Bao Công đi tuần, với kiệu, người, đánh trống, đánh chiêng…Sau nghi lễ Bao Công đi tuần về phủ Khai Phong, Phủ Khai Phong chính thức mở cửa cho du khách vào tham quan.
Sau khi tham quan Khai Phong phủ xong, du khách nên ngủ lại thành phố Khai Phong một đêm để đi dạo chợ đêm - một trải nghiệm cực kỳ thú vị dành cho du khách đấy! Đêm xuống, khu phố trung tâm Khai Phong rực rỡ ánh đèn lồng, các quầy hàng đủ màu sắc chen chúc bày bán hai bên đường, đủ mọi chủng loại, từ đồ ăn, thức uống, cho đến quần áo, đồ lưu niệm… Đặc biệt, thành phố Khai Phong còn tổ chức cho nhiều đoàn người mặc trang phục theo kiểu cổ, đi vào chợ đêm, biểu diễn các hoạt cảnh để thu hút khách du lịch.
Trên đây là những thông tin về Phủ Khai Phong mà Viet Viet Tourism muốn giới thiệu đến du khách. Nếu du khách muốn một lần ghé thăm địa điểm nổi tiếng này thì hãy đặt cho mình một tour du lịch Trung Quốc của Viet Viet Tourism nhé! Chúc các du khách có một chuyến đi vui vẻ và nhiều điều thú vị!