Công viên Hoàng Hoa Cương tại Quảng Châu thực chất là khu mộ liệt sỹ nằm trong khu vườn hoa và cây cảnh quanh năm xanh tươi được đan màu một cách tài tình. Đây là một địa điểm người Trung Quốc ghi nhớ công ơn của 72 người anh hùng đã anh dũng hy sinh chống lại triều đình phong kiến Mãn Thanh đã mục nát, đấu tranh cho một thời đại lịch sử mới tốt đẹp hơn. Và trong không gian khói hương nghi ngút và sự thành tâm kính trọng của xứ người, hiện lên sừng sững ngôi mộ một người anh hùng xứ Việt - liệt sĩ Phạm Hồng Thái.
Người anh hùng đó đã làm vang lên “Tiếng bom Sa Diện” năm 1924. "Tiếng bom" năm ấy tuy không giết được tên toàn quyền Đông Dương - Merlin khi ông ta tới thăm Quảng Châu, nhưng đã làm run sợ bọn quan thầy thực dân Pháp và gióng lên hồi chuông khích lệ, kêu gọi ý chí của những người con yêu nước tìm đường giải phóng dân tộc. Nhiều thanh niên ưu tú đã ra đi tiếp bước theo “tiếng bom Sa Diện”.
Kế hoạch đặt bom giết Merlin không thành và khi bị phát hiện, Phạm Hồng Thái quyết không để rơi vào tay giặc nên đã trầm mình xuống dòng Châu Giang tự vẫn (năm 1920). Trước hành động anh dũng đó, những chí sĩ yêu nước Quốc dân Đảng như Liêu Trọng Khải, Uông Tinh Vệ… đã mai táng Phạm Hồng Thái ở chân núi Bạch Vân. Đến năm 1925, tỉnh trưởng Quảng Đông lúc bấy giờ là Hồ Hán Dân đã trọng thị làm lễ cải táng mộ phần Phạm Hồng Thái vào Hoàng Hoa Cương, hướng mặt về Tây - Nam, nơi cố quốc Việt Nam của anh.
Hoàng Hoa Cương ngày nay đã được xây dựng thành một nơi để nhân dân tỏa lòng kính ơn với những người anh hùng dân tộc và cũng là nơi ngắm cảnh thiên nhiên rất đẹp. Thế nên, người dân nơi đây quen với tên gọi là công viên Hoàng Hoa Cương. Với diện tích khoảng 130.000 m2, ngoài 72 ngôi mộ liệt sĩ hy sinh trong cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911, Hoàng Hoa Cương không chỉ là nơi an nghỉ vĩnh hằng của những liệt sĩ mà còn là một công viên xanh tràn ngập nhiều sắc hoa, tỏa hương thơm ngát.
Ngoài cổng Hoàng Hoa Cương hùng vỹ và tráng lệ, tấm bia đá màu xanh sừng sững với dòng đại tự theo chiều thẳng đứng “Thất thập liệt sĩ chi mộ” và theo chiều ngang “Hạo khí trường tồn” vô cùng trang nghiêm do Tôn Dật Tiên đề tạc. Con đường từ ngoài vào trong rộng rãi, 2 bên trồng 72 loài thảo mộc xanh tốt quanh năm.
Tiến vào bên trong là một khối kiến trúc hình tam giác, trên đỉnh được xây dựng phỏng theo bức tượng Nữ Thần Tự Do biểu trưng cho sự khát khao độc lập và tự do. Con đường gần 200m ngay đó là 72 tấm bia liệt sĩ với 72 phong thái khác nhau, nhưng đều thể hiện sự hùng tráng và uy nghiêm. Mộ của Phạm Hồng Thái ở phía sau công viên, tọa lạc trên một khoảnh đất khá rộng. Trước khi bước vào khuôn viên ngôi mộ có một tấm bia lớn viết bằng tiếng Hán lược thuật lại hành động anh hùng của ông. Và thật lạ, chỉ riêng có mộ phần của Phạm Hồng Thái là có đặt dòng chữ "Mộ Liệt sĩ Phạm Hồng Thái" bằng Việt ngữ, và "Việt Nam Phạm Hồng Thái Liệt sĩ chi mộ" bằng Hán ngữ.
Ngày nay, không chỉ người dân Việt Nam (ở quê nhà và cả đang sống và làm việc ở Trung Quốc) mà cả người dân Trung Quốc khi có dịp đến Hoàng Hoa Cương đều ghé thăm mộ phần liệt sĩ Phạm Hồng Thái. Tuy nằm cách Tổ quốc hàng nghìn km, ngôi mộ vẫn quanh năm hương khói nghi ngút, rực rỡ những bó hoa của du khách người Việt viếng thăm.
Nếu có dịp du lịch Trung Quốc và lưu lại ở Quảng Châu, du khách đừng quên dành thời gian đến thăm viếng ngôi mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái ở Công viên Hoàng Hoa Cương nhé!