Cách thủ phủ Lhasa của Tây Tạng hơn 1.000 km về hướng Tây là núi thiêng Kailash với độ cao 6714m so với mực nước biển. Núi nằm gần hồ Manasarovar và hồ Rakshastal, một khu vực xa và thời tiết vô cùng khắc nghiệt của dãy Himalaya. Đây là điểm đến rất nổi tiếng trong giới những người hành hương suốt hơn 15.000 năm qua.
Núi Kailash là nơi bắt nguồn của một số con sông dài nhất ở châu Á: sông Indus dài 3,200km, sông Sutlej (một nhánh lớn của sông Indus), sông Yarlung Tsangpo dài 2,840km và sông Karnali (một nhánh của sông Hằng).
Với đặc điểm riêng, Kailash là địa điểm linh thiêng được tôn sùng nhất thế giới, một siêu thánh địa của cả bốn nền tôn giáo: Đạo Phật, Đạo Hindu, Đạo Jains và Đạo Bonpo, với hàng tỉ tín đồ. Tuy thế, hàng năm không có hơn một nghìn người hành hương Kailash. Sự kỳ lạ này được lý giải vì ngọn núi nằm ở phía tây hẻo lánh của Tây tạng nên di chuyển rất khó khăn và đây thường là những chuyến đi đầy nguy hiểm. Thời tiết ở đây quanh năm buốt giá, có thể thay đổi đột ngột nên những người hành hương buộc phải mang theo rất nhiều đồ dự trữ cần thiết cho suốt cuộc hành trình.
Kailash có nghĩa là Kho báu hay Vị thánh của núi tuyết. Đỉnh núi rất nhọn, trông như một kim tự tháp vươn lên chọc trời xanh. Nhìn từ phía Nam, những khối băng dựng đứng và những tảng đá đâm ngang trông giống như biểu tượng chữ thập ngoặc 卐 trong Phật giáo, thể hiện quyền năng bất diệt của Đức Phật. Kỳ diệu hơn, những đám mây sẽ tụ thành chòm ngay trên đỉnh núi vào những ngày đẹp trời khiến người ta nghĩ đến phúc lành.
Tín đồ Phật giáo tin rằng Đức Phật đã có chuyến ghé thăm kỳ diệu đến Kailash vào thế kỷ thứ 5 trước công nguyên, đi cùng với Ngài là năm trăm vị A-la-hán. Trong quá trình chuyển pháp luân, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giải thích nhiều về những giá trị của việc tạo tượng. Do vậy, Indra (vua của các vị thần) đã cúng dường những vật phẩm quý giá của các vị thần, Ananda (vị vua rắn hay thần Naga) đã cúng dường những phẩm vật quý giá của loài Naga, và vua Bình Sa Vương (vua của xứ Ma-kiệt-đà) đã cúng dường vàng và bạc… đến Đức Phật và thỉnh cầu Ngài cho phép tôn tạo ba pho tượng của Đức Phật, xem đấy như là một phương tiện để tạo công đức cho chúng sinh trong tương lai.
Dựa vào những lời chỉ dẫn của Đức Phật, một nghệ nhân bậc thầy là ông Viswakarma đã tạc ba pho tượng của Đức Phật và ba pho tượng ấy đã được chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni gia trì. Một pho tượng cao 15 feet đã được đưa lên thiên giới, một pho tượng cao 10 feet được đem đến vương quốc của loài Naga, và một pho tượng cao 2 feet đã được lưu giữ tại nước Ma-kiệt-đà để cho các tín đồ cúng dường và bày tỏ lòng tôn kính.
Một ngày nọ, bằng pháp thuật của mình, Mahakala đã đưa pho tượng Phật từ nước Ma-kiệt-đà đến cung điện của mình ở hồ Lanka, nằm ở chân núi Kailash, và cúng dường pho tượng. Sau đó, ông nghĩ rằng, cần có một vị trí đặc biệt để lưu giữ bức tượng linh thiêng đó và ông đã cố gắng cõng ngọn núi Kailash trên lưng để bay đến vương quốc của thần Naga ở hồ Lanka (còn gọi là hồ Rakshastal).
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và 500 vị A-la-hán đã bay từ Bồ Đề Đạo Tràng đến núi Kailash và dừng chân trên hòn đá được gọi là Kyil Khor Teng, hoặc “Lòng chảo Ganachakra của các vị A-la-hán”, ở bề mặt phía tây của núi Kailash. Đức Phật đã để lại dấu chân của mình trên bốn góc của núi Kailash và ngăn không cho Mahakala mang ngọn núi Kailash đến vương quốc của thần Naga. Bốn dấu chân của Đức Phật được gọi là “Bốn cái đinh nắm giữ núi Kailash”, bởi vì chúng ngăn không cho Mahakala mang ngọn núi đi. Sau đó, Đức Phật ngồi trên tảng đá ở phía trước ngọn núi Kailash và giảng dạy giáo lý cho các vị thần Naga đang cư ngụ tại hồ Manasarovar và hồ Lanka. Ngày nay, khách hành hương Phật giáo gọi tảng đá ấy là “Pháp tòa của Đức Phật”.
Núi Kailash là nơi linh thiêng duy nhất trên thế giới được tín đồ của Phật giáo, Ấn Độ giáo, Kỳ Na giáo và đạo Bonpo đều coi là thiêng liêng. Đối với các tín đồ của Phật giáo Nguyên thủy, đó là nơi lưu trú của Sthavira Angaja, với một hội chúng gồm 1.300 vị A-la-hán; với các hành giả của Kim Cương thừa thì núi Kailash là mạn-đà-la hay cung điện của Chakrasamvara. Tính chất thiêng liêng của núi Kailash và hồ Manasarovar đã được đề cập đến trong kinh điển. Với tín đồ của Ấn Độ giáo thì đó là nơi ở của thần Shiva. Núi Kailash cũng là nơi thiêng liêng của những người theo Kỳ Na giáo, bởi vì vị thánh đầu tiên của họ, hay Tirthankar, Bhagwan Rishabdevji, đã được Moksha (giải thoát) sau khi thiền định tại đấy. Với tín đồ của đạo Bonpo, núi Kailash là nơi linh thiêng mà ngài Miwo Shenrab, đấng sáng lập đạo Bonpo, đã giáng trần.
Chính vì sự linh thiêng của Kailash nên hàng năm, các tín đồ đã thực hiện cuộc hành hương đến ngọn núi này. Các tín đồ tin rằng nhiễu núi Kailash là một nghi lễ thiêng liêng mang lại nhiều may mắn và tẩy xóa đi tội lỗi trong cuộc đời. Tín đồ Ấn giáo và Phật giáo thực hiện nhiễu quanh núi theo chiều kim đồng hồ còn tín đồ của Đạo Jain và Bonpo lại đi theo hướng ngược chiều kim đồng hồ.
Đường xung quanh núi Kailash dài khoảng 52km. Ở độ cao hơn 5.400m, không khí loãng, nhiệt độ âm, tuyết rơi, nhiều đèo, vách đá, suối khe, các tín đồ sẽ mất 3 ngày để hành hương trên con đường này nếu điều kiện sức khỏe tốt.
Nếu có dịp du lịch Trung Quốc cùng người bạn đồng hành là Viet Viet Tourism, du khách đừng quên ghé thăm địa danh núi Kailash linh thiêng và nổi tiếng này nhé! Chúc du khách có một hành trình khám phá với nhiều điều thú vị!