Giao Hà là một địa điểm khảo cổ học của Trung Quốc nằm ở thung lũng Yarnaz, cách thành phố Turfan 10 km về phía Tây thuộc khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương. Đây là một pháo đài nằm trên đỉnh một vách đá dốc đứng, trên một cao nguyên khổng lồ có hình dáng như chiếc lá, nằm giữa hai thung lũng sông sâu. Dòng sông chảy đến từ phía Bắc, phân chia thành 2 nhánh bao bọc quanh Giao Hà và hợp lại ở nhánh sông phía Nam. Khối núi dài 1.700m, ngang 300m và cao 30m so với mặt sông.
Người Duy Ngô Nhĩ gọi thành cổ là “Duy Nhĩ Hòa đồ” nghĩa là “tòa thành dựng đứng” hoặc “tòa thành xây trên vùng đất cao”. Người Hán gọi là Giao Hà vì thành nằm ở trong khu vực giao nhau với các nhánh sông bao bọc xung quanh. Trong Hán thư, Tây Vực truyện có ghi lại: “Xa Sư Tiền quốc vương trị vì thành Giao Hà, nước sông phân nhánh bao bọc quanh thành cho nên có tên là Giao Hà”.
Lịch sử
Trong số những người dân định cư đầu tiên của khu vực này là những người Tochari (Thổ Hỏa La) thuộc Hệ ngôn ngữ Ấn-Âu, tại lòng chảo Tarim và lưu vực Turfan lưu vực từ trước năm 1800 TCN. Từ năm 108 TCN đến năm 450, Giao Hà là kinh đô của các vương quốc Tiền Gushi, đồng thời với triều đại nhà Hán, Tấn, và Nam-Bắc triều ở Trung Quốc.
Đây cũng chính là một địa điểm quan trọng dọc theo Con đường tơ lụa, tuyến đường thương mại về phía Tây, và giáp với các vương quốc Korla (Khố Nhĩ Lặc) và Karasahr (Yên Kỳ) ở phía Tây. Từ năm 450 đến 640, nó thuộc quận Cao Xương của vương quốc Cao Xương, và năm 640 nó đã được nhà Đường đổi thành huyện Giao Hà. Từ năm 640 đến 658, nó là nơi đóng trị sở của An Tây đô hộ phủ, tiền đồn quân sự cao nhất Trung Quốc đóng ở miền tây. Từ đầu thế kỷ 9, nó đã trở thành huyện Giao Hà của người Cao Xương Hồi Cốt, cho đến khi vương quốc của họ bị người Kyrgyz chinh phục vào năm 840.
Thành phố được xây dựng trên một "hòn đảo" lớn có chiều dài 1.650m, rộng tới 300m (chỗ rộng nhất) ở giữa một con sông hình thành hàng rào tự nhiên, đây chính là lý do mà thành phố không hề có bất cứ một bức tường bảo vệ nào. Thay vào đó, vách đá dựng đứng cao hơn 30m phía bờ sông đã trở thành bức tường tự nhiên. Cách bố trí của thành phố có khu dân cư phía đông và phía tây, trong khi phía Bắc dành cho các đền thờ và tháp Phật giáo. Cùng với đó là một nghĩa trang rất đáng chú ý và những tàn tích của một phủ làm việc lớn ở phần phía Đông Nam. Ước tính dân số tại đây là khoảng 7.000 theo thống kê dưới triều đại nhà Đường. Thành phố bị bỏ rơi sau khi nó bị phá hủy trong một cuộc xâm lược của quân Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn chỉ huy vào thế kỷ 13.
Các di tích được quan tâm bởi các nhà khảo cổ học và nhà thám hiểm Aurel Stein, người đã mô tả lại "một mê cung của những ngôi nhà đổ nát và đền thờ được chạm khắc xây dựng từ hoàng thổ". Di chỉ khảo cổ đã được khai quật một phần trong những năm 1950 và đã được bảo vệ bởi Chính phủ Trung Quốc kể từ năm 1961. Hiện nay, Chính phủ Trung Quốc và các tổ chức đang cố gắng để bảo vệ địa điểm khảo cổ này cũng như các thành phố, di tích khác trên con đường tơ lụa. Điều này bước đầu đã thành công khi Giao Hà trở thành một trong số 22 địa điểm của Trung Quốc được công nhận là Di sản thế giới vào năm 2014 dưới tên Con đường tơ lụa: Mạng đường Trường An - Hành lang Thiên Sơn.
Khám phá những vết tích đầy bí ẩn ở Giao Hà
Du khách men theo một con dốc để đi vào khu phế thành Giao Hà từ cổng phía Nam. Mới bước vào đầu cổng du khách sẽ thấy 1 phiến đá xi măng đặt nơi đây, được người hiện đại xây nên “Giao Hà cổ thành” xem ra quá phản cảm so với toàn cảnh kiến trúc cổ xưa. Ngay cửa ngõ vào thành là 2 khối đất đổ nát nhưng hình dạng của chúng cũng đủ để chúng tôi hình dung đến 2 tháp canh lớn. Vượt qua tháp canh là hình ảnh của một thành phố cổ với dáng vóc của những ngôi nhà, dinh thự, chùa chiền, đền đài… Điều lý thú là gần như tất cả nhà cửa ở đây đều được đắp bằng đất vàng, loại “hoàng thổ”. Ánh nắng khi chiều về đã bớt gay gắt, chiếu xiên trên những khối kiến trúc cổ xưa càng làm nổi bật sự tương phản giữa 2 sắc màu đậm nhạt đầy cổ kính.
Cả một góc trời rực rỡ màu vàng của đất, màu của vùng hoang mạc, xa xôi và khắc nghiệt. Đứng ở một góc cổ thành nhìn về phía Bắc là dãy núi Hỏa Diệm sơn màu đỏ tía. Các cạnh quanh khối núi Giao Hà là vách đá thẳng đứng, phía dưới vực là dòng sông, bây giờ chỉ còn là những rãnh nước cạn kiệt. Cảnh vật thật cô quạnh, thê lương mang đậm màu sắc của trời đất thuở hồng hoang.
Con đường đi vào khu phế tích rộng rãi và được lát bằng gạch khá bằng phẳng, dẫn du khách đi xuyên dọc qua trung tâm của thành cổ. Hai bên đường là những vách tường nhà đổ nát đầy bụi. Người dân xưa kia ở đây có thói quen xây nhà nửa ở trên, nửa âm dưới đất theo kiểu nhà-hang. Cổng nhà không hướng ra phố chính mà mở thêm nhiều ngỏ hướng ra phố.
Đây là lối cấu trúc theo kiểu kinh thành Trường An của nhà Đường. Những con ngõ ngoằn ngoèo, chật hẹp như dẫn du khách lạc vào không gian huyền ảo của một đô thị thời cổ đại. Chốc lát du khách lại bắt gặp một khối kiến trúc đổ nát có hình thù khá lạ mắt, có những lỗ, hốc gợi đến những kiểu khung cửa sổ, cửa ra mang hình dáng rất độc đáo.
Ngay đoạn ở giữa của con đường chính trong vùng trung tâm cổ thành là một quan thự (chốn quan lại làm việc). Chốn công đường này cũng là một tòa nhà đào âm dưới mặt đất. Bước xuống bậc thang sâu chừng hơn 2m, du khách đi đến một gian phòng khá lớn (đại sảnh), chỗ quan lại xét xử việc công. Nền lát gạch miếng rất cứng và bền - được làm bằng chính loại đất ở đây và nung khá lâu. Hai bên gian phòng có một hành lang khá dài nhưng bây giờ đã bị đất đá phủ kín. Hơn 2.000 năm, dưới bao lớp đất bụi thời gian, thật khó phân biệt đâu là dấu tích của thời Hán thuộc hay thời Đường.
Từ thế kỷ thứ hai trước Công nguyên, Giao Hà đã từng là kinh đô của vương quốc Xa Sư nằm trong sự khống chế của Hung Nô. Thời nhà Hán, sau khi đánh đuổi Hung Nô và chinh phục các nước Tây Vực, Hán Vũ Đế đã đặt tên “Mậu kỷ hiệu úy”- một chức quan lãnh binh và đặt doanh trại đóng quân tại Giao Hà. Vương quốc Tiền Xa Sư được tồn tại đến giữa thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên. Các dấu tích còn lại của thời vương quốc Tiền Xa Sư có thể nhận dạng một cách tương đối rõ ràng có lẽ, chỉ còn những ngôi nhà - hang nằm rải rác ở phía Đông Nam hoặc phía Bắc của thành và ở bên cạnh những ngôi mộ cổ gần các dòng nước ở phía Bắc và phía Tây.
Tuy nhiên thời hưng thịnh nhất của thành Giao Hà là thuộc vương quốc Cao Xương của dòng họ Cúc (499-640 CN). Giao Hà lúc bấy giờ là thành phố lớn thứ hai ở vương quốc Cao Xương do thái tử trực tiếp nắm giữ binh quyền. Nhà Đường cũng đã đặt phủ binh tại đây khi thu phục Tây Vực. Khi ấy, phủ binh có thành lập một dịch quán luôn đứng ra lo giao dịch buôn bán với nước ngoài, trạm kiểm tra việc giao thương, nhà khách, xưởng sửa chữa xe cộ, kho hàng… và dĩ nhiên là không thể thiếu chợ, xưởng chế tạo hàng thủ công mỹ nghệ mà nổi tiếng nhất là ngọc và đồ khảm bạc. Rất nhiều các di tích còn tồn tại cho đến ngày nay đều là kiến trúc thời Đường.
Nổi bật nhất là ngôi đại tự ở cuối con đường chính phía Bắc. Ngôi chùa có quy mô đồ sộ, bao gồm nền móng và 4 vách tường chung quanh. Bên trong khuôn viên còn sót lại dấu tích của một trụ tháp, nền đất của 3 dãy nhà. Phía sau tự viện là quần thể rộng có nhiều tháp Phật. Chính giữa là một tháp Phật rất lớn, cao 10m. Bốn góc, mỗi góc có 25 tháp nhỏ tạo thành thế trận hình vuông quanh tháp lớn ở giữa. Trải qua bao cuộc thay đổi tàn phá của thời gian, quần thể tháp Phật chỉ còn 4 khối trụ đất đổ nát nằm xung quanh tháp Phật ở giữa, nằm trơ trọi giữa những nền tháp nhỏ.
Một quần thể kiến trúc tháp Phật nguy nga, tráng lệ chỉ còn trong hoài niệm của một số rất ít người dân địa phương qua những câu chuyện kể truyền miệng. Bởi vì đến giữa thế kỷ thứ 9 sau Công nguyên, người Hồi Cốt (tổ tiên của người Duy Ngô Nhĩ sau này) đến cư ngụ và xây dựng lại thành cổ Giao Hà theo kiểu dáng mang màu sắc Hồi giáo.
Đến cuối thế kỷ 13, thành Giao Hà bị bỏ hoang một cách bí ẩn mà đến mãi đến bây giờ và nguyên nhân sự thật ra sao vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Ở phía Tây của phế thành, người ta khai quật được một di chỉ - nghĩa trang chôn cất hơn 200 quan tài trẻ em. Với những gì tìm được, xem ra giả thiết Giao Hà bị một trận đại dịch hoành hành, tàn phá có lẽ là thuyết phục hơn cả.
Trên đường về, du khách sẽ được những người ở địa phương mặc trang phục dân tộc của người Duy Ngô Nhĩ chào mời chụp ảnh lưu niệm. 20 NDT để được chụp bao nhiêu hình tùy thích bên các cô gái xinh như mộng, giá tiền xem ra cũng khá rẻ cho những du khách có tính thẩm mỹ. Giao Hà luôn đọng lại trong lòng khách những ấn tượng khó phai ngay từ cái đẹp trong hoang phế, từ bao điều kỳ bí.
Nếu có dịp du lịch Trung Quốc và ghé thăm vùng đất Tân Cương xinh đẹp, du khách đừng quên khám phá thành cổ Giao Hà nhé! Chúc các du khách có một chuyến đi với nhiều điều thú vị!