Một mình hiên ngang đứng sừng sững giữa hai con sông mang tên là Đại Độ và Thanh Y, Nga Mi Sơn là một trong những địa danh có vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ dung hòa với nét đẹp văn hóa Phật giáo, khiến nơi đây trở thành một trong tứ đại danh sơn của Trung Quốc. Đây là một ngọn núi tạo lạc ở phía Trung Nam tỉnh Tứ Xuyên thuộc miền Tây Trung Quốc, trên khu vực quá độ của lòng chảo Tứ Xuyên chạy theo hướng cao nguyên Thanh - Tạng. Nga Mi Sơn thu hút một lượng lớn khách du lịch tìm đến tham quan và có những khoảng khắc ý nghĩa tại nơi đây.
Được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho những dãy núi vô cùng nguy nga, hoành tráng. Cùng với hoa cỏ xanh tươi cộng với hương thơm nức mũi tạo nên vẻ đẹp khó cưỡng lại được, cho nên được gọi là “hùng tú”. Chặng đường chinh phục thử thách Nga Mi Sơn bắt buộc du khách phải trải qua tuyến đường lên núi gần vài trăm dặm. Đây thực sự là thử thách to lớn đối với những người leo núi. Nắm bắt được tình hình như vậy, những năm gần đây, kiến tạo đường dây cáp leo núi nên người du lịch nhẹ nhàng hơn, có thể nhìn ngắm vạn dặm biển mây, thưởng thức bốn phong cảnh tuyệt đẹp: ”Nhật xuất” (mặt trời mọc), “vân hải” (biển và mây), “Phật quang” (hào quang của Phật) và “Thánh đăng” (đèn Thánh).
Theo truyền thuyết cổ, Nga Mi Sơn cũng chính là ngọn núi nơi xuất phát của một môn phái võ đã đi vào lịch sử võ thuật Trung Quốc, đó là phái Nga Mi - môn phái chỉ toàn nữ nhập môn. Đến nay, không ai còn biết chắc Nga Mi võ phái có tồn tại thật không, chỉ biết rằng trong những tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, đây là một trong những môn phái lừng danh giang hồ với nhiều vị nữ trưởng môn tài ba, xinh đẹp.
Đỉnh cao nhất của Nga Mi sơn là đỉnh Vạn Phật của ngọn núi chính Kim Đỉnh, với độ cao 3.099 m. Tại đây du khách có thể nhìn thấy Nhật xuất, Vân hải, Phật quang, Thánh đăng - tương đương với 4 kỳ quan của Núi Nga Mi. Với địa thế cao chót vót, phong cảnh đẹp nên người ta nói tới Nga Mi Sơn như là “Nga Mi thiên hạ tú”.
Là một trong Tứ đại Phật giáo danh sơn, tại Nga Mi sơn có tới 26 ngôi chùa, miếu đón khách tham quan; trong đó có 8 ngôi chùa, miếu tiêu biểu: chùa Báo Quốc, chùa Phục Hổ, chùa Tiên Phong, chùa Vạn Niên, Kim Đỉnh Hoa Tạng, Thanh Âm Các, Hồng Xuân Bình và Tẩy Tượng Trì. Mỗi ngôi chùa lại có vẻ uy nghi, thư thái và là nơi sở hữu những kiệt tác nghệ thuật nhà Phật như tranh, phù điêu, tượng Phật…
Chùa Báo Quốc nằm ở chân núi Nga Mi, trên lối vào Nga Mi sơn. Đây là nơi diễn ra các hoạt động Phật giáo chính ở núi Nga Mi. Ngôi chùa này được xây dựng vào thời nhà Minh (cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17) còn có tên gọi là "Hội Tông đường". Đến thời vua Khang Hi nhà Thanh đổi tên thành "Chùa Báo Quốc". Chùa Báo Quốc tọa trên diện tích đất rộng 40.000 m2, bao gồm Sơn môn, điện thờ Di Lặc, điện Đại Hùng, điện thờ Thất Phật, điện thờ Phổ Hiền Bồ Tát và lầu chứa kinh văn nhà Phật.
Thanh Âm Các hay còn gọi là chùa Ngọa Vân nằm tại Ngưu Tâm Lĩnh của Nga Mi. Phong cảnh xung quanh chùa rất yên bình với hai suối Hắc, Bạch nằm phía dưới, với độ cao 710 m. Nổi bật ngay từ phía dưới con suối là những tảng đá lớn có hình dáng như tim một con trâu lớn gọi là Ngưu Tâm Thạch. Phía dưới của Thanh Âm Các là hai Phi đình, hai bên có cầu, gọi là song Phi Kiều. Nổi tiếng và ấn tượng đối với du khách khi đến thăm Thanh Âm Các là tượng Thích Ca Mâu Ni, Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền được thờ ở bên trong chùa.
Chùa Vạn Niên có kiến trúc mang đậm dấu ấn của Đạo giáo. Trong chùa có bức tượng Phổ Hiền Bồ Tát cao 7,35 m, nặng 62 tấn, được xem là bức tượng Phật cao nhất thế giới, được đúc bằng đồng mạ 20 kg vàng bên ngoài và là điểm tham quan không thể bỏ qua khi đến Nga Mi.
Ngoài ra, khi đến thăm Nga Mi Sơn, du khách cũng nên đến tham quan Bức tượng Đại Phật Lạc Sơn được tạc trên vách núi lớn nhất thế giới, nằm ở ngọn Thê Loan, đối mặt với Nga Mi sơn. Xưa gọi là "Đại tượng Mi Lạc", "Đại Phật Gia Định", bức tượng bắt đầu được tạc vào đầu năm Khai nguyên thời nhà Đường (năm 618 - 907). Pho tượng phật ngồi Mi lạc, tọa đông hướng tây, nét mặt đoan trang, tổng chiều cao 71 mét đã được thực hiện trong suốt 90 năm mới hoàn thành. Tượng phật được tạc dựa vào vách núi và hướng ra sông Lâm Giang, là pho tượng Phật tạc trên vách đá lớn nhất trên thế giới, được ví "núi là một pho tượng, Phật là một ngọn núi". Thân tượng Phật cao 59,98m, đầu cao 14,6m. Đỉnh đầu có 1.021 búi tóc và độc đáo nhất là phần móng tay của bức tượng, dù là bộ phận nhỏ nhất cũng đủ cho một người ngồi. Tượng Phật được khắc trạm tinh sảo, đường nét lưu loát, tỷ lệ thân phật cân đối, khí thế hùng vĩ, thể hiện nền văn hóa quảng đại của thời nhà Đường. Hai bên vách núi của tọa Phật, con có hơn 20 khám tượng phật đá của thời nhà Đường, trong đó có nhiều pho tượng rất công phu đẹp mắt.
Đến với Nga Mi Sơn, du khách cũng đừng bỏ qua hai địa điểm ấn tượng khác đó là Bạch Vân giáp và Cửu Lão động.
Bạch Vân giáp, hay gọi khác là "Nhất Tuyến Thiên", cũng là một cảnh quan đẹp của núi Nga Mi. Bạch Vân Giáp chỉ là một vách núi hẹp, có chiều dài khoảng 130 m, chiều rộng tầm 6 m, có cầu treo qua vách hẹp, nhưng mỗi lần chỉ đủ cho 2 người qua được.
Cửu Lão động là động lớn nhất ở núi Nga Mi, với chiều dài khoảng 1.500 m, chia làm ba đoạn khá là ấn tương với du lịch Trung Quốc. Tại đây, tương truyền về truyền thuyết có chín ông già tu tiên là Thiên Anh, Thiên Trụ, Thiên Nhật, Thiên Cầm Thiên Tâm, Thiên Xung, Thiên Phụ, Thiên Bồng, Thiên Nhuế.
Núi Nga Mi là nơi tập trung nhiều loại yếu tố tự nhiên, tại đây các thành phần trong hệ thống của khu vực được kết hợp với nhau. Hệ thống thảm thực vật Á nhiệt đới được bảo tồn hoàn chỉnh, sinh vật phong phú, tỷ lệ thảm rừng lên tới 87%. Núi Nga Mi có 242 giống thực vật cấp cao, 3200 giống cây, chiếm một phần mười tổng số loài thực vật Trung Quốc, trong đó có hơn 100 giống thực vật là đặc sản được phát hiện trên núi Nga Mi, một số trong đó được đặt tên theo hai chữ Nga Mi và trở thành đặc sản nổi tiếng đến nay. Ngoài ra, núi Nga Mi còn là nơi cư trú của nhiều loài động vật quý hiếm, có hơn 2300 loài động vật đã được biết đến. Núi Nga Mi là nơi quan trọng có ý nghĩa đặc biệt trong việc nghiên cứu hệ thống sinh vật của thế giới. Vào mùa đông nơi đây phủ trắng tuyết.
Nơi đây có một hiện tượng được người dân gọi là Phật Quang: ở Kim Đỉnh thỉnh thoảng có những luồng ánh sáng hình tròn bảy màu xuất hiện được xem như là hào quang của Phật. Đó là một khoảnh khắc, đứng trên đài cao nghìn dặm, du khách chợt thấy một cầu vồng hình tròn bảy sắc rực rỡ hiện lên trên không trung giữa mây ngàn, như hào quang của Bồ Tát hiển linh hiện hình trong niềm tin vào cõi vĩnh hằng. Dĩ nhiên không phải ai đến đây cũng có cơ duyên được chiêm ngưỡng Phật Quang, vì một năm chỉ có khoảng 70 ngày có thể xuất hiện hiện tượng ánh sáng đặc biệt này trong những khoảnh khắc hết sức bất ngờ dưới ánh mặt trời trên núi cao.
Chính sự linh thiêng này mà người Trung Quốc chỉ mong một lần trong đời lên đỉnh Nga Mi để bái đức Phổ Hiền Bồ Tát. Đó cũng là mong ước của người dân vùng Tứ Xuyên quanh năm mây mù, lên Kim Đỉnh để được ngắm trời xanh. Và đây cũng là một địa điểm mà nhiều khách du lịch nước ngoài khi tham gia tour du lịch Trung Quốc đều muốn một lần được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ và thiêng liêng nơi đây.