Slider

Tây Hồ là hòn ngọc của Hàng Châu - thành phố văn hoá lịch sử nổi tiếng, một trong 7 cố đô của Trung Quốc - được coi là “thiên đường giữa chốn nhân gian” thuộc tỉnh lỵ Chiết Giang - miền Đông Trung Quốc. Hàng Châu đẹp nổi tiếng một phần cũng vì có cảnh sắc Tây Hồ làm mê hoặc lòng người. Hàng năm, thắng cảnh này đón chào hàng triệu lượt khách du lịch từ khắp nơi đến đây để cùng du ngoạn và thưởng thức cảnh sắc thiên nhiên nên thơ, hữu tình. Nhiều người cho rằng Tây Hồ chính là biểu tượng cho nét đẹp và quyến rũ của Hàng Châu.

tay ho Hang chau 9

Tây Hồ là một hồ nước ngọt với chiều dài lớn nhất theo hướng Bắc - Nam là 3,3 km còn chiều rộng lớn nhất theo hướng Đông - Tây là 2,8 km. Diện tích của khu vực hồ khoảng 6,3 km², trong đó phần diện tích chứa nước khoảng 5,66 km².

Ba mặt giáp núi, nước hồ xanh mát, hồ được chia thành 3 phần bởi ba con đê ngăn là Tô đê (lấy tên của nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc là Tô Đông Pha), Bạch đê (lấy tên của nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc là Bạch Cư Dị) và Dương Công đê. Trong đó, Tô đê và Bạch đê giống như hai vành đai màu xanh nổi trên hồ, du khách đi trên đê nhìn gần hoa nở như gấm, nhìn xa núi hồ xanh biếc, được ngắm nhìn phong cảnh thay đổi theo từng bước đi.

Tô đê là một trong những khu cảnh đẹp nhất của Hàng Châu như câu thơ của đại thi hào Tô Đông Pha nhà Tống: "Tây Hồ cảnh trí lục điều kiều, cách chu dương liễu cách chu đào". Tô đê chạy theo hướng Nam - Bắc, dài 2,8km, hai bên dương liễu rủ xuống, ẩn hiện bởi đê được nối lại bằng sáu cầu đá cổ, cầu Ánh Ba, cầu Toả Lan, cầu Vọng Sơn, cầu Áp Đê, cầu Đông Phố và cầu Khoa Hồng, đi trên đê bóng người bóng cây nghiêng ngả mặt hồ, tưởng như vào tiên cảnh. Cảnh sắc Tô đê thay đổi theo bốn mùa, sáng chiều cũng khác, thơ nhất phải nói đến ánh bình minh của mùa xuân, khi bạn tản bộ trên Tô đê, tóc liễu vuốt ve, mầm chồi nẩy xanh, cả dải đê choàng trong sương mờ khói xanh, trên cành mấy tiếng chim vành khuyên, báo cho người ta biết rằng mùa xuân đã đến...

tay ho Hang chau 4

Tây Hồ cũng được chia thành 5 khu vực hồ nhỏ gọi là Ngoại Tây Hồ, Lý Tây Hồ, Hậu Tây Hồ, Tiểu Nam Hồ và Nhạc Hồ. Trong hồ có một ngọn đồi thấp gọi là Cô Sơn chiếm diện tích khoảng 200.000m2 và 3 đảo là Hồ Tâm Đình, Tiểu Doanh Châu, Nguyễn Công Đôn. Người ta còn có cách gọi thắng cảnh Tây Hồ là: Nhất núi, nhị đê, tam đảo, ngũ hồ.

tay ho Hang chau 8

Tây Hồ có 10 cảnh đẹp, mỗi phong cảnh này đều được đánh dấu bằng một bia với tên gọi được chính hoàng đế Càn Long nhà Thanh viết theo kiểu thư pháp là: "Tô đê xuân hiểu" (buổi sáng mùa xuân trên Tô đê), "Liễu lãng văn oanh" (chim oanh hót trong bụi liễu), "Hoa cảng quan ngư" (xem cá tại ao hoa), "Khúc viện phong hà" (hương sen thổi nhẹ tại sân cong), "Nam Bình vãn chung" (chuông chiều ở núi Nam Bình), "Bình hồ thu nguyệt" (trăng mùa thu trên hồ yên bình), "Lôi Phong tịch chiếu" (Lôi Phong trong ánh sáng buổi chiều), "Tam đàn ấn nguyệt" (ba đầm nước phản chiếu ánh trăng), "Đoạn kiều tàn tuyết" (tuyết còn sót lại trên cầu gãy), "Song phong sáp vân" (hai ngọn núi đâm vào mây). Nơi đây cũng tập trung rất nhiều đền và chùa thanh tịnh, trầm mặc và lâu đời, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến chùa Lôi Phong, nơi nổi tiếng với truyền thuyết dân gian Bạch Xà.

Tây Hồ được cho là sự hóa thân của Tây Thi, một trong Tứ đại mỹ nhân Trung Hoa thời Trung Quốc cổ đại. Kể từ thời cổ đại, Tây Hồ đã gắn liền với nhiều nhà thơ lãng mạn, nhà triết học thâm thúy, các vị anh hùng dân tộc.

Nơi đây còn gắn liền với những câu chuyện tình lưu dấu tự ngàn xưa. Dạo bước trên cầu Đoạn - một trong 10 cảnh đẹp của Tây Hồ, du khách sẽ nghe chuyện tình đầy sóng gió của nàng Bạch Tô Trân và chàng Hứa Tiên. 

tay ho Hang chau 2

Cầu Đoạn (theo tiếng Hán chữ “đoạn” ở đây có nghĩa là đứt, gãy; đoạn trong từ đoạn trường) vốn có tên là cầu Bảo Hựu, lại có tên khác là cầu Đoàn Gia (gia đình đoàn tụ) hay cầu Đoản (cầu ngắn). Cây cầu này gắn với một câu chuyện dân gian nổi tiếng nhất của Trung Quốc là “Truyện Bạch Xà” mà tại Việt Nam chúng ta quen gọi là “Thanh Xà - Bạch Xà”. Tương truyền, chính tại cây cầu này nàng Bạch Tố Trân và chàng Hứa Tiên đã gặp nhau, đem lòng yêu thương và trở thành vợ chồng. Câu chuyện vui buồn gặp nhau rồi lại chia tay nhau tại cầu Đoạn - Tây Hồ của Bạch Nương và Hứa Tiên làm xúc động không biết bao nhiêu du khách, làm cho Tây Hồ càng quyến luyến lòng người. Cuộc tình này đã phải trải qua nhiều sóng gió mới có thể tương phùng. Chính vì vậy, cầu Đoạn đã trở thành một trong những cây cầu nổi tiếng nhất của Tây Hồ.

tay ho Hang chau 3

Hay đến với Cầu Trường gắn với tình yêu thấm đẫm nước mắt của Lương Sơn Bá - Trúc Anh Đài. Theo tiếng Hán Việt thì từ “trường” có nghĩa là dài. Thế nhưng cây cầu này lại có chiều dài không tới 100m. Tại cây cầu này đôi bạn trẻ Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài quyến luyến không rời, họ cùng nhau đi qua đi tới 18 lần trước khi nói lời tạm biệt. Vì thế có câu:

"Trường kiều bất trường tình nghĩa trường.

Đoạn kiều bất đoạn thốn trường đoạn"

Hàm ý nói rằng: “Cầu Trường không dài nhưng tình nghĩa dài. Cầu Đoạn không gãy mà khiến lòng người đau như đứt từng khúc ruột ”.

Cầu Trường này còn có một cái tên khác là Cầu Song Đầu (có thể hiểu nôm na là cây cầu mà hai người nhảy xuống tự sát). Người ta kể rằng vào một đêm trăng sáng giữa thế kỷ XII sau công nguyên, một đôi trai gái tên là Vương Sinh và Đào Nữ đã đến cây cầu này và cùng nhau nhảy xuống tự tử. Kể từ đó Song Đầu trở thành cái tên mà dân gian đặt cho cầu Trường.

tay ho Hang chau 11

Dạo bước trên Cầu Tây Lãnh để được trở về với câu chuyện tình yêu của nàng Tô Tiểu Tiểu và Nguyễn Úc.  Tô Tiểu Tiểu vốn là một kỹ nữ xinh đẹp và tài hoa nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Tô Tiểu Tiểu là người Tiền Đường (nay là Triết Giang - Hàng Châu), sinh ra trong một kỹ viện, không biết bố là ai và mặc nhiên nàng trở thành một kỹ nữ. Tô Tiểu Tiểu hết sức xinh đẹp, tư chất lại thông minh, có tài cầm kỳ thi họa nên nàng sớm trở thành một kỹ nữ nổi tiếng nhất Hàng Châu thời bấy giờ.

Tô Tiểu Tiểu vốn yêu thích cảnh đẹp thiên nhiên, ngại vì đường xá khó đi nàng tự chế ra một cỗ xe cho mình và đặt tên là “Du bích xa”. Nàng thường ngồi trên chiếc du bích xa thưởng lãm cảnh đẹp Tây Hồ. Một hôm, trên đường ngắm cảnh trời mây nàng gặp một chàng trai cưỡi ngựa hoa, cả hai thoáng nhìn đã rung động nhưng không tiện trao lời. Tô Tiểu Tiểu chỉ ngâm nhỏ bốn câu thơ:

“Thiếp thừa du bích xa

Chàng thừa thanh thông mã

Hà xứ kết đồng tâm

Tây Lãnh tùng bá hạ”

Có ý rằng: “Thiếp ngồi trên xe du bích, chàng ngồi trên yên ngựa, biết có nơi nào kết đồng tâm được, có chăng dưới bóng cây tùng bên cầu Tây Lãnh”.

Sau buổi gặp gỡ đó hai người đã sớm kết nên duyên. Nguyễn Úc, vốn là con trai của quan thượng thư bộ Lễ, vâng lệnh cha đi công cán ở vùng Triết Đông, dừng chân ngắm cảnh Tây hồ mà nên duyên với nàng Tô Tiểu Tiểu. Nhưng không may sau đó cha của Nguyễn Úc có việc khẩn của triều đình nên phải cho người gọi chàng về gấp. Kể từ đó bặt vô âm tín của chàng, Tô Tiểu Tiểu vì nhớ thương Nguyễn Úc mà sinh bệnh mất khi tuổi vẫn còn rất trẻ. Theo tâm ý của cô, người ta an táng Tô Tiểu Tiểu ở bên cầu Tây Lãnh - nơi ghi dấu cuộc gặp mặt đầu tiên của nàng và Nguyễn Úc. Từ đó, bên bờ Tây Hồ lại có thêm một thắng cảnh cho người đời lui tới.

Cầu Đoạn, cầu Trường và cầu Tây Lãnh đã kết thành 3 cây cầu tình nhân nổi tiếng nhất của Tây Hồ. Đến với Hàng Châu, đi qua mỗi cây cầu này du khách không chỉ được ngắm nhìn phong cảnh tuyệt vời của thiên nhiên và tạo hóa nơi đây, mà còn hiểu hơn về những cái hay, cái đẹp trong văn hóa của Trung Quốc thông qua những câu chuyện kể dân gian.

tay ho Hang chau 5

Tây Hồ đặc biệt có cảnh sắc thiên nhiên biến đổi theo từng thời điểm khác nhau trong ngày và từng mùa trong năm; làm nên nét đẹp hấp dẫn du khách. Vào những mùa khác nhau du khách đều có thể cảm thụ được cái đẹp đặc thủ riêng của Tây Hồ ở những góc độ khác nhau, và mỗi du khách đến với Tây Hồ đều có được những thu hoạch riêng độc đáo của mình.

tay ho Hang chau 6

Vẻ đẹp của Tây Hồ được thể hiện đầy đủ hơn vào mỗi độ xuân sang. Bên bờ đê là hai hàng liễu xanh rờn chạy dài cùng những bồn hoa mọc đầy các loại hoa Phù Dung, Anh Đào, Ngọc Lan, Tử Vi, Hoa Quế và những bụi cây quất.Trong khung cảnh mùa xuân đào tía liễu xanh,tản bộ trên bờ đê người ta cứ ngỡ rằng mình đang được chứng kiến nàng Tây Thi thức tỉnh, những cành liễu mới mơn mởn với đáng thướt tha đu đưa giỡn đùa trong làn gió xuân, những cánh chim chao lượn cùng tiếng hót trong trẻo đem lại sự xốn xang trong cõi lòng du khách.

tay ho Hang chau 7

Mùa hè gọi về ánh nắng chang chang với cái nóng bức hầm hập, thế nhưng nếu bạn có mặt trong cảnh Đầm sen Khúc Viện thì mức độ nắng nóng đã vợi bớt vài phần. Khúc Viện nằm ở mé Tây Bắc của Tây Hồ, tiếp ghép với Tô đê ở phía Đông Nam, là một công viên ven hồ có diện tích lớn nhất với chủ đề ngắm cảnh đầm sen vào mùa hè. Ngày từ những năm vua Khang Hi đời nhà Thanh (năm 1662-1722) nơi đây đã trồng nhiều sen. Hiện nay, tại đây tập trung hơn 40 giống cây sen chất lượng cao bông to sắc thắm như Sen liền gốc, Sen chữ Phẩm, sen Trùng Đài, sen Thiên Phùng...

tay ho Hang chau 1

Đến Hàng Châu vào mùa thu du khách đừng quên ngắm cảnh trăng nước Tây Hồ. Mỗi độ trăng đầy thì trên mặt hồ lại xuất hiện kỳ quan “Trên vòm trời một vầng trăng tỏ,dưới mặt nước ba bóng trăng soi”. Vào mùa đông, du ngoạn cảnh đẹp Tây Hồ, du khách sẽ được ngắm cảnh tuyết phủ.

Những hình ảnh tuyệt vời của Tây Hồ luôn là những bức tranh tuyệt đẹp, như hòn ngọc du lịch quý giá của Trung Quốc. Đến Tây Hồ trong chuyến du lịch Trung Quốc và dạo bước trên những cây cầu, ngắm khung cảnh tuyệt diệu kết hợp giữa thiên nhiên và bàn tay của con người, du khách sẽ tạm quên đi những ưu phiền trong cuộc sống và xuyến xao cảm giác như đang cảm nhận được tình yêu đôi lứa đã đi vào huyền thoại, in hằn trên từng phiến đá, bờ đê, ngọn cây, hoa lá và con nước nơi đây.

HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG

098 3355 639
Trân Trân: skype viber zalo
0908 890 187

du lch m hoa k

test 3

hnh on

Tin Tức Mới Nhất