Bảo tàng Tian Yi nằm ở chân núi Thúy Vi, thuộc quận Thạch Cảnh Sơn, Bắc Kinh, lưu giữ nhiều công trình kiến trúc độc đáo và tư liệu quý về thái giám độc nhất vô nhị ở Trung Quốc.
Hoạn quan, hay còn gọi là thái giám, là một tầng lớp đầy bí ẩn trong xã hội phong kiến Trung Quốc. Đây là những nam thanh niên được tiến vào cung làm người hầu, buộc phải tịnh thân, sau đó trở thành thuộc hạ thân tín của hoàng triều. Nhiều người ở đỉnh cao quyền lực, chẳng thua kém các vị đại quan nhưng cũng không ít người chịu nhiều đau đớn, đầy đọa chốn thâm cung.
Bảo tàng này nằm trong quần thể lăng mộ thái giám Điền Nghị. Ông sinh năm 1534, tịnh thân và vào cung năm 9 tuổi, là thái giám trải qua ba triều đại nhà Minh là Gia Tĩnh, Long Khánh, Vạn Lịch. Vạn Lịch đế, hay còn gọi là vua Minh Thần Thông (1563 - 1620), hoàng đế thứ 43 nhà Minh, trị vì thời gian lâu nhất (48 năm), cực kỳ sủng ái Điền Nghị, thường xuyên giao phó các nhiệm vụ quân sự và chính trị quan trọng cho thái giám này.
Và sau khi ông qua đời, Vạn Lịch đế cho xây lăng mộ ngoài Tử Cấm Thành năm 1605. Hơn 10 thái giám theo phe Điền Nghị chết cũng được chôn cất tại đây, tạo thành quần thể mộ thái giám. Ngày nay, nơi này trở thành bảo tàng lưu giữ các kỷ vật về thái giám.
Lối vào lăng mộ có hai quan gác cổng, thể hiện địa vị cao của Điền Nghị. Mộ bị phá hủy nhiều trong thời kỳ chiến tranh vì người ta tin rằng có nhiều châu báu được chôn cất tại đây. Thời nhà Thanh, lăng mộ hầu như bị bỏ hoang. Đến năm 1998, nơi đây mới được tu sửa và trở thành một trong những bảo tàng thu hút nhiều khách tham quan ở Bắc Kinh.
Bảo tàng rộng 400 m2, là một kho tư liệu sống động về lớp người đặc biệt này của lịch sử. Bộ sưu tập hiện vật đang có tại đây phần lớn là nhờ sự đóng góp của vị thái giám cuối cùng Tôn Diệu Đình, ông này qua đời vào năm 1996, sau đó 2 năm, bảo tàng chính thức mở cửa đón khách tham quan.
Điểm gây chú ý nhất của bảo tàng Thái giám chính là phòng thiến, nơi tái hiện lại cảnh tượng kinh hoàng của quá trình tịnh thân một vị hoạn quan. Việc cắt bỏ bộ phận sinh dục của họ nhằm đảm bảo sự tôn nghiêm trong hoàng cung vì vậy được tiến hành với nhiều nghi thức. Thậm chí, trong cung, phòng thiến còn được coi là quan trọng hơn phòng ngủ của hoàng đế.
Thời cổ đại, có hai nơi chuyên phẫu thuật tịnh thân cho nam giới là "Nội vụ phủ" trong cung và "Cơ sở chuyên tịnh thân" bên ngoài. Quá trình tịnh thân được thực hiện theo mùa bởi nền y học cổ đại còn khá kém, chưa tìm ra loại thuốc sát trùng hiệu quả. Chính vì vậy, người ta thường tiến hành quá trình này vào cuối xuân đầu hạ, khi mà khí hậu ôn hòa và gần như không có ruồi muỗi.
Loại dao chính dùng để cắt bỏ bộ phận sinh dục được làm từ hợp kim vàng và đồng để tránh nhiễm trùng, trước khi sử dụng phải hơ qua lửa để sát trùng. Ngoài ra, người thực hiện còn kết hợp sử dụng một số loại dao khác.
Vài ngày trước khi phẫu thuật, người tịnh thân không được ăn uống để tránh đại tiểu tiện gây nhiễm trùng. Khi ở trên giường phẫu thuật, tịnh sư không gây tê cho bệnh nhân mà chỉ rửa sạch bộ phận sinh dục của họ bằng canh ớt nóng.
Xuất thân của thái giám có thể là những người tự nguyện, người bị phạt, bị cống nạp, thậm chí bị lừa bán. Trải qua quá trình tuyển chọn, họ bị ép phải tịnh thân mới chính thức trở thành thái giám.
Người tịnh thân xong sẽ không lộ yết hầu, giọng nói lảnh lót, cử chỉ động tác như đàn bà. Ngoài những thay đổi rõ nét về mặt sinh lý, họ còn dần biến đổi về mặt tâm lý. Hầu hết mất đi bản năng tình dục, nhiều người cảm thấy cuộc đời mình dường như kết thúc, chẳng còn bất cứ ý nghĩa thực tế nào nữa. Và sau khi hoạn, phần cơ thể này được thái giám trân trọng như mạng sống. Họ sẽ bảo quản nó cẩn thận đến suốt đời, tâm nguyện của thái giám là sau khi qua đời được chôn cùng bộ phận sinh dục để được toàn thây.
Hiện nay, tại bảo tàng còn trưng bày một xác ướp nguyên vẹn bí ẩn được cho là của Hoàng Chuyết Ngô, quan ngự y tứ phẩm thời vua Khang Hy (1654 - 1722).
Là nơi tái hiện một thời kỳ lịch sử đầy biến động của những con người đặc biệt trong triều đại phong kiến Trung Hoa, bởi vậy Bảo tàng Tian Yi luôn là một điểm đến nổi tiếng thu hút rất nhiều khách tìm đến khám phá. Nếu có dịp du lịch Trung Quốc, du khách đừng quên dành thời gian ghé đến bảo tàng đặc biệt này nhé!