Tọa lạc bờ Nam hạ du sông Trường Giang, thành phố Trì Châu - tỉnh An Huy - Trung Quốc, Cửu Hoa Sơn là một trong bốn thánh tích nổi tiếng của Phật giáo Trung Hoa. Nơi đây không những có phong cảnh đẹp, thiên nhiên hữu tình như một bức tranh lộng lẫy mà còn sở hữu vô số chùa chiền cổ xưa, có tuổi đời lên đến ngàn năm. Đồng thời Cửu Hoa Sơn cũng là một trong những khu thắng cảnh du lịch trọng điểm quốc gia đầu tiên của Trung Quốc. Ngọn danh sơn này được tổ chức thế giới UNESCO công nhận là di sản văn hóa thiên nhiên của nhân loại.
Vào triều đại nhà Đường thi nhân Lý Bạch trong một lần ngao du sơn thủy đi ngang qua địa danh này, phát hiện đây không khác gì một cõi bồng lai tiên cảnh, và là một tuyệt tác của tạo hoá dành cho nhân loại; dãy núi cao hơn ngàn trượng, phía trên có 9 đỉnh núi cao vút tạo thành hình một đáo Hoa Sen với 9 cánh, ông đã đặt tên cho ngọn núi này là Cửu Hoa Sơn.
Cũng bởi vẻ đẹp quá đỗi kiêu kỳ ấy mà ông đã dừng chân định cư tại địa danh này. Cũng đã từng 3 lần leo lên đỉnh của ngọn núi, từ trên cao nhìn xuống, mây trôi bồng bềnh, mây và núi như quyện thành một đã tạo nên cảm hứng bất tận giúp ông sáng tác nhiều bài thơ nổi tiếng, lưu danh đời sau, như là:
"Khí trời phân hai sắc,
Linh Sơn hé Cửu Hoa"
Hai câu thơ này đã hấp dẫn và lôi cuốn người đời sau với những giả thuyết linh thiêng về sự thần bí của Cửu Hoa Sơn, khiến người người lũ lượt rũ nhau hội tụ về nơi Thánh Địa này để chiêm bái và viếng thắng cảnh. Cũng từ đấy danh tiếng của núi Cửu Hoa được truyền bá rộng rãi trong nước Trung Quốc và ra đến cả nước ngoài. Một thi nhân vào thời Bắc Tống cũng có thơ khen ngợi rằng:
"Sở thời có núi có non,
Cửu Hoa hùng vĩ trần gian mấy bì"
Tổng diện tích của khu phong cảnh Cửu Hoa Sơn là 120 km². Diện tích bảo vệ là 114 km2. Cùng với các ngọn núi: Ngũ Đài Sơn thuộc tỉnh Sơn Tây, Nga Mi Sơn thuộc tỉnh Tứ Xuyên, và Phổ Đà Sơn thuộc tỉnh Triết Giang, Cửu Hoa Sơn là một trong 4 ngọn núi linh thiêng của Đạo Phật ở Trung Quốc, thường được nhắc đến với cái tên "Tứ Đại Phật giáo danh sơn".
Tương truyền vào năm 719 trước Công nguyên, có một vị hoàng tử nước Tân La (Hàn Quốc ngày nay), tên là Kim Kiều Giác, xuất gia từ nhỏ. Vì nghe danh của ngài Huyền Trang nên Kim Kiều Giác quyết định đến Trung Quốc vào thời Đường Huyền Tông, lên Cửu Hoa sơn tu hành, sau đó xây chùa thu nạp nhiều tín đồ, biến Cửu Hoa Sơn thành một thắng địa Phật giáo cực thịnh đương thời.
Sau 75 năm khổ luyện tu hành, năm 99 tuổi, Kiều Kim Giác bỗng nghe một tiếng gọi mơ hồ thì biết mình sắp chết liền gọi đệ tử đến dặn dò, rồi ngồi vào trong chum mà viên tịch. Ba năm sau, đệ tử mở nắp chum ra để an táng, thấy da thịt vẫn còn nguyên, sắc diện như khi còn sống, khi nhấc ra thì các khớp xương dao động thành tiếng lách cách
Phật giáo bảo đó là Bồ Tát truyền thế bèn đem thi thể đặt vào trong tháp, gọi tháp là Địa Tạng Nhục Thân tháp hay còn gọi là Nhục Thân Bảo điện, tọa lạc tại đỉnh Thần Quang trên Cửu Hoa sơn. Cứ ngày rằm và 30/7 (tương truyền là ngày sinh và ngày đắc đạo của Địa Tạng) tín đồ Phật giáo lại đến triều kiến Nhục Thân tháp rất đông.
Cửu Hoa Sơn hiện có 99 ngôi chùa, gần 1.000 tăng ni, hơn 10.000 pho tượng Phật và hơn 2.000 loại văn vật lịch sử quý hiếm. Ngoài gia, từ thời nhà Đường đến nay, ở đây còn có 15 pho tượng Nhục Thân (tượng sống), nhưng hiện chỉ có năm pho là có thể để cho du khách thập phương đến chiêm bái. Với Địa Tạng Bồ tát, Cao Sơn Huyền Tự, Địa Cung Thần Bí và Bí ẩn Nhục Thân... đã tạo nên văn hóa Phật giáo độc đáo của Cửu Hoa Sơn. Nơi đây, người người qua lại, khói hương nghi ngút suốt bốn mùa, tín đồ khắp nơi tụ về. Cho nên mới có câu: “Trùng trùng thắng cảnh ngàn khơi, cao tăng tự viện muôn nơi tụ về”.
Cửu Hoa Sơn thu hút du khách đến đây tham quan không phải nơi này đơn thuần là thánh địa của Phật giáo mà nó còn là vùng núi non có phong cảnh tuyệt đẹp. Núi ở đây rất hùng vĩ, tráng lệ, nguy nga tựa như một "đứa con"của Mẹ thiên nhiên, vĩnh viễn yên lặng, tường hòa, đứng đó cùng trời đất cả ngàn năm qua. Các loại núi đá ấy đủ hình thù kỳ dị, đủ loại kích thước nằm xen kẽ hay mọc lởm chởm giữa màu xanh tươi mát của rừng Tùng bạt ngàn. Bên cạnh đó, những dòng suối mát trong veo chảy róc rách, tựa như bài ca của thời gian, của thiên địa. Những dòng suối ấy từ khe núi đổ xuống, khi thì ào ạt vội vã, lúc thì chậm chạp, ôn nhu. Tựa như những dải lụa trắng tinh khôi uốn lượng, hay những làn sương khói mờ mờ ảo ảo, đan quyện vào nhau, tạo nên vô số điều kỳ thú đang chờ bạn khám phá. Vẻ đẹp của nơi đây khiến biết bao văn nhân, danh sỹ của các đời phải dừng chân lại, vẽ tranh, đề chữ, lưu dấu hay có những bài thơ bất hủ muôn đời. Khi đến Cửu Hoa Sơn, du khách còn có cơ hội thưởng ngoạn những kỳ quan thiên nhiên độc đáo như Vân Hải, Nhật Xuất, Vân Vụ và Phật Quang. Vậy nên ngọn núi Thánh này còn được người đời đặt cho những mỹ danh như “Liên Hoa Phật Quốc” hoặc “Tú Giáp Giang Nam”…
Khí hậu của Cửu Hoa Sơn khá ôn hòa, đất đai màu mỡ, tươi tốt nên môi trường sinh thái trong lành, tỷ lệ rừng bao phủ chiếm đến 90%. Có thể nói trong tứ đại Phật sơn của Trung Quốc, thiên nhiên ưu đãi cho Cửu Hoa Sơn nhiều nhất. Nào là hệ thực vật phong phú lên đến 1.560 chủng loại, kỳ trân dị bảo cũng được tìm thấy không ít ở vùng đất này. Hơn nữa, Cửu Hoa Sơn còn là nơi cư trú của 216 loại động vật hoang dã, quý hiếm. Trong đó có nhiều loài nằm trong sách Đỏ của thế giới. Vậy mới nói, chính sự đa dạng và hoàn chỉnh của môi trường sinh thái mà Cửu Hoa Sơn mới có phong cảnh đẹp đến mê hồn. Sự thay đổi của bốn mùa khác nhau rõ rệt. Xuân ấm, hạ nóng, thu mát, đông lạnh cùng những cảnh đẹp quyến rũ, khiến biết bao lữ khách đến đây, cảm thán như lạc vào chốn thiên cảnh của trần gian.
Cửu Hoa Sơn hội tụ thiên nhiên tươi đẹp, địa thế độc đáo, khí hậu ôn hòa và là một trong những Thánh địa Phật giáo của Trung Quốc nên có thể nói ngọn núi Thiêng này là nơi giao hòa gần nhất giữa Phật và người, là thiên đường để du khách trong và ngoài nước đến chiêm bái, thưởng ngoạn, tu thân dưỡng tính hoặc cầu nguyện cho một tương lai tươi sáng hơn. Nơi đây thật sự thích hợp để thả lỏng bản thân, mặc mọi ưu sầu trong cuộc sống, tìm đến thú vui bình dị, sống cuộc đời bình lặng nhất.
Du khách muốn thưởng thức vẻ đẹp của Cửu Hoa Sơn vào thời điểm đẹp nhất trong ngày thì hãy đến vào buổi sớm. Thiên nhiên tuyệt đẹp, khí trời se se lạnh. Hít sâu một cái, thở nhẹ ra mới ngấm được cái cảm giác trong lành nhất của tự nhiên. Núi non trùng trùng điệp điệp, oai hùng giữa đất trời. Mây trôi bồng bềnh, biển mây trắng như sương như khói, phiêu miểu ngây người. Suối chảy quanh, chảy xuống, âm thanh róc rách như bản nhạc không lời tuyệt hảo. Cây cối tươi xanh, thỉnh thoảng một vài cơn gió thổi qua, xì xào như lời bàn tán trăm năm qua. Chim chóc líu ríu, ca hát suốt bốn mùa. Và trong núi, xuất hiện rất nhiều cảnh vật kỳ bí, muôn màu muôn vẻ:
"Kỳ phong trùng điệp muôn nơi
Non xanh nước biếc cảnh ngời sắc hương
Mây vờn lưng núi tà dương
Chim buông tiếng hót vào chùa nghe kinh"
(Tác giả Tín Hòa)
Không có nơi nào thanh bình và tĩnh lặng như Cửu Hoa Sơn. Cây cối xanh um tùm, từng hàng từng hàng như những người lính trầm mặc canh giữ ngọn núi thiêng ngàn năm. Khí hậu mát mẻ, ôn hòa, không quá nóng cũng không quá lạnh. Bốn mùa thay đổi rõ rệt, bất kể khi nào bạn muốn đến cũng được. Mùa xuân có cái thú của mùa xuân, đó là lúc cây cối đâm chồi nảy lộc, vạn vật sinh trưởng theo thời gian. Mùa hè có cái đẹp của mùa hè, nắng vàng nhảy múa khắp nơi, hoa dại nở rộ ven đường, đây là mùa của sự sinh sôi và nảy nở.
Khi thu đến, sắc thu vàng óng, màu đỏ rực quyến rũ, vàng cùng đỏ như hóa thành một, một mà, nhuộm màu khắp Cửu Hoa Sơn. Và rồi mùa đông ghé đến, đây là mùa của sự thảnh thơi, tĩnh lặng, trời lạnh giá buốt, tuyết phủ khắp nơi, vẻ đẹp tinh khôi không chút tỳ vết. Vậy nên chẳng có gì lạ khi thế nhân phong ngọn núi này là "Đông Nam Đệ Nhất Sơn" và nó là một trong những điểm du lịch phát triển sớm và tốt nhất của Trung Hoa.
Đỉnh núi cao nhất của Cửu Hoa Sơn là đỉnh Thập Vương, cao 1.342m so với mực nước biển. Đỉnh cao thứ hai là Thất Hiền với chiều cao khoảng 1.334m. Đỉnh Thiên Thai xếp ở vị trí thứ 3, cao 1.306m. Còn lại có hơn 30 đỉnh núi khác với độ cao trên 1.000m, chênh lệch không nhiều. Vì núi cao nên mây mù bao phủ quanh năm, khí hậu cũng thay đổi theo nhiều tầng, núi non hiểm trở, chập chùng.
Xung quanh đỉnh Thiên Thai này tập hợp nhiều hang động huyền bí, đá núi hùng vỹ, cây cối xanh tươi, nhiều ngôi Cổ tự đều nằm trong khu vục này. Trong đó có nhiều ngôi cổ tự nổi tiếng qua nhiều thời đại phong kiến và được bảo tồn đến ngày nay, như Địa Tạng Thiền Lâm, Cổ Bái Kinh Đài, Đại Bi Viện, Quan Âm Phong Thượng Viện, Thúy Vân Am, Đạo Tăng Động, Vô Đáy Động... hơn 100 thắng cảnh tịnh mịch mà hùng vĩ, trang nghiêm mà huyền bí quyến rũ lòng khách phong trần như lạc vào chốn thần tiên. Cho nên từ xưa nơi đây được phong tặng là "Cõi Thiên Thai" của trần thế, từ trên đỉnh Thiên Thai nhìn xuống, du khách có thể tận hưởng được cảnh hùng vĩ của núi non và con sông Trường Giang như con rồng đang buông mình ngơi nghĩ, vắt ngang qua mặt đất phù du, lượn mình về phía xa xa của cõi hư không vô tận. Vì vậy từ ngàn xưa đã có thơ rằng:
"Thiên thai một cõi tiên bồng,
người đi kẻ ở hồng trần lắng phai
luyến lưu lưu luyến lòng ai
chưa lên đến đỉnh chưa về Thiên Thai"
(Tín Hoà)
Ở phía Tây của đỉnh Thiên Thai có hòn đá tên gọi "Đại Bàng Thính Kinh Thạch". Hòn đá kỳ diệu này gắn liền với câu chuyện truyền thuyết. Ngày xưa, khi ngài Kiều Kim Giác, tức là Địa Tạng Bồ Tát khi chưa đắc đạo hay giảng kinh tại đây. Một chú chim đại bàng hàng ngày nghe được, chính sự từ bi và thấu hiểu thế gian của Địa Tạng đã cảm hóa chú đại bàng, sau này nó hóa thành đá. Cho nên hòn đá ấy mới có cái tên vậy, nghĩa là Đá Đại Bàng Nghe Kinh. Rồi đỉnh núi Quan Âm thì có Quan Âm Thạch, nó có hình dáng bức tượng Ngài Quan Âm cưỡi mây du hành. Trong khi đó ở phía Tây của đỉnh Thập Vương lại có Mộc Ngư Thạch. Thạch Phật ở đỉnh Bát Mạnh, La Hán Sái Đỗ Bì ở đỉnh núi Trung Liên Hoa,…
Không chỉ có vậy mà Cửu Hoa Sơn còn có nhiều kỳ quan khác. Có thể kể đến như: Long Tuyền, khu thắng cảnh Hoa Đài, khu thắng cảnh Sơn Tiền, khu thắng cảnh Mẫn Viên, Đỉnh Liên Hoa.
Núi Cửu Hoa là tổng hợp nhiều khu thắng tích và di tích, quyện lẫn nhau, đường nét cổ đại ẩn hiện trong hiện đại tạo thành một quần thể du lịch mang đậm màu sắc văn hóa tôn giáo dân gian. Chính nét đẹp này đã tạo cho du khách cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát khi viếng cảnh, chiêm bái Phật tích tại Cửu Hoa Sơn.
Nếu du khách có ý định đến với điểm du lịch nổi tiếng này cùng người bạn đồng hành là Viet Viet Tourism thì đừng quên chụp lại thật nhiều bức ảnh để làm kỷ niệm sau chuyến đi nhé. Chúc du khách có một tour du lịch Trung Quốc với nhiều niềm vui và đầy ý nghĩa!