Thành cổ Bình Dao nằm ở miền Trung tỉnh Sơn Tây, cách thành phố thủ phủ Thái Nguyên, Trung Quốc hơn 90km. Thành cổ này nổi tiếng với những bức tường thành cổ và đường phố giữ nguyên được nét cổ kính xưa. Đây là thành cổ lịch sử cấp quốc gia, được xây dựng từ thời Tây Chu dưới thời Chu Tuyên Vương (827 - 782 trước công nguyên), đến thời Minh Hồng Vũ được trùng tu lại, bọc gạch toàn bộ và đến thời Khang Hy lại xây dựng thêm các lầu thành khiến tòa thành càng thêm hoành tráng.
Năm 1997, thành cổ Bỉnh Dao đã được đưa vào “Danh mục di sản thế giới”. Ủy ban di sản thế giới đánh giá về thành cổ này như sau: "Thành cổ Bình Dao là huyện lỵ cổ đại được bảo tồn nguyên vẹn nhất trong địa phận Trung Quốc, mở ra trước mắt mọi người một cuốn họa nguyên vẹn phản ánh quá trình phát triển văn hóa, xã hội, kinh tế và tôn giáo phi thường trong quá trình phát triển lịch sử của Trung Quốc".
Các kiến trúc như tường thành, đường phố, cửa hàng, chùa chiền… đều cơ bản nguyên vẹn, đã thể hiện tư tưởng văn hóa truyền thống dân tộc Trung Quốc trong suốt mấy nghìn năm. Toàn bộ công trình này được bảo tồn hoàn chỉnh nhất từ thời Minh, Thanh.
Hình dáng bên ngoài của thành cổ nhìn như hình con rùa, có sáu cửa thành. Mỗi phía Đông - Nam - Tây - Bắc có một cửa. Cửa thành phía Tây là đuôi rùa, đây cũng là chỗ thấp nhất của thành cổ, tất cả nước đọng của thành đếu chảy ra từ đây khiến cho thành cổ Bình Dao rất kiên cố, mang ngụ ý sâu sắc mãi mãi trường tồn. Trong thành, kiến trúc được bố trí khép kín lấy hướng Nam Bắc làm trục giữa, các phố to ngõ nhỏ đan chéo nhau, bố cục của thành phố rất ngay ngắn với chức năng rõ ràng.
Thành cổ có hình vuông, chu vi 6157,5m. Thân tường đắp bằng đất thô, ngoài bọc gạch. Tường thành dài hơn 6000m, cao 12m, đỉnh thành dày 3-6m, chân thành dày 9-12m. Trên thành cứ cách 50m thì xây một tháp canh, 4 góc thành mỗi góc xây một gác lầu. Phía trên tường thành xẻ 300 cửa và xây 72 tháp canh nhỏ tượng trưng cho 72 hiền nhân của Khổng Tử. Diện tích trong thành là 2.250km2. Đường phố theo hướng Nam Bắc chính là trục giữa của thành cổ, cửa Bắc hơi lệch sang hướng Tây.
Mọi kiến trúc nhà ở của thành cổ Bình dao đều là các khuôn viên tứ hợp viện xây bằng gạch màu tro có đường trục rõ ràng, đối xứng phải trái, chính phụ. Bên ngoài của mỗi khuôn viên khép kín, tường cao bảy tám mét. Cái đặc biệt của các ngôi nhà ở tại thành cổ Bình Dao vẫn giữ được kiểu nhà hang động của khu vực Tây Bắc của Trung quốc với các kiến trúc khắc gỗ, khắc gạch trên cửa sổ, cửa ra vào. Hơn bốn nghìn ngôi nhà ở tại thành cổ Bình Dao còn tồn tại cho đến hôm nay phần lớn đếu được xây dựng dưới thời nhà Minh và nhà Thanh, trong đó có hơn 400 ngôi được bảo tồn tương đối tốt. Đây cũng là cụm nhà ở cổ đại được bảo tồn nguyên vẹn nhất tại khu vực dân tộc Hán hiện nay.
Trong thành cổ Bình Dao còn có sáu ngôi chùa có lịch sử lâu đời, khu vực xung quanh chùa có những dãy cửa hàng với mái ngói lưu ly màu vàng và màu xanh lá cây. Những kiến trúc cổ kính này đã phát họa bộ mặt sầm uất của ngành kinh doanh buôn bán tại Trung Quốc dưới thời nhà Minh và nhà Thanh. Bên cạnh đó, Bình Dao còn lưu giữ được nhiều những di tích, hiện vật cổ như điện Vạn Phật, chùa Chấn Quốc ở phía đông bắc thành cổ. Hai ngôi chùa này đều được xây dưng bằng gỗ quý, đến nay đã có hơn 1000 năm tuổi. Các bức tượng màu của chùa được làm từ thế kỷ thứ 10, đây là một trong những bức tượng màu được làm sớm nhất tại Trung Quốc. Ngoài ra còn có hơn 1000 tấm bia khắc thời cổ dựng khắp trong và ngoài thành Bình Dao.
Trong thành cổ Bình Dao có một kiến trúc đặt chính giữa khiến khách tham quan đặc biệt chú ý, đó là Thị Lầu. Thị Lầu hình vuông trên diện tích 133,4m2 cao 18,5m lợp ngói lưu ly vàng, xanh, 4 bề có hành lang xung quanh, mỗi góc có 3 cột. Toàn bộ lầu chia làm 3 tầng, lên trên nhỏ dần, càng tạo hình dáng của lầu cao thanh thoát. Dưới chân lầu về hướng Đông Nam có một giếng nước, tương truyền nước trong giếng như màu vàng kim nên Thị Lầu còn có tên khác là "Kim Tỉnh Lầu".
Thành cổ Bình Dao trong quá khứ đã đóng vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển kinh tế Trung Hoa. Bởi tỉnh Sơn Tây lại là một trong những trung tâm thương mại ra đời sớm nhất ở Trung Quốc. Vào những năm giữa thế kỷ 18 là thời điểm hoạt động thương mại của Sơn Tây sôi nổi và sầm uất nhất. Vào thời gian đó, chỉ riêng thành cổ Bình Dao đã có 18 chợ bán buôn hoạt động nhộn nhịp trong nội thành. Năm 1824, Bình Dao xuất hiện ngân hàng sơ khai đầu tiên của Trung Quốc gọi là “Nhật Thăng Xương”, lấy hình thức hối phiếu thay đổi chế độ chi trả tiền mặt truyền thống.
Ngày nay, Thành cổ Bình Dao vẫn giữ được gần như nguyên vẹn các nét xưa là điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước của tỉnh Sơn Tây. Hãy đăng ký tham gia tour du lịch Trung Quốc của Viet Viet Toursim để một lần đặt chân đến cổ trấn tuyệt đẹp này nhé!