Tu viện Tashilhunpo (Tashi Lhunpo) nằm ở trên đỉnh đồi Drolmari (thuộc dãy núi Tara), trung tâm Thành phố Shigatse. Tu viện hiện là một cơ sở tôn giáo lớn nhất ở Tây Tạng, và là một trong sáu đại tu viện của phái Gelugpa (phái Mũ Vàng) ở Trung Quốc, và cũng được xem là đại diện cho nghệ thuật kiến trúc Tây Tạng. Nơi đây thu hút được khá nhiều tu sĩ đến học tập, và cũng là một trong những điểm thu hút hàng ngàn tín đồ hành hương và khách du lịch khi tới Tây Tạng.
Tu viện này được thành lập năm 1447 bởi Gendun Drup - đức Đạt Lai Lạt Ma đời đầu tiên, người vừa là cháu trai, vừa là đệ tử truyền thừa của Ngài Tông Khách Ba, tổ sư phái Mũ vàng (Hoàng Mạo giáo) của Tây Tạng. Tu viện dần dần được mở rộng bởi đức Ban Thiền Lạt Ma đời thứ tư và các vị Ban Thiền Lạt Ma đời kế tiếp.
Trải qua năm thế kỷ kể từ khi thành lập, Tashilhunpo trở thành một tu viện đồ sộ với hàng ngàn người cư trú, cũng là nơi lưu giữ vô số kinh sách và những di sản văn hóa quý giá khác.
Về tên gọi Tashilhunpo, nó có nghĩa là “tất cả sự kiết tường và phúc lạc đều hội tụ ở đây”. Ngay từ khi thành lập, Tashilhunpo là nơi cư trú truyền thống của những vị Ban Thiền Lạt-ma, những người xếp vị trí thứ hai ở trong dòng Tulku của truyền thống Gelugpa.
Từng có đến 4.000 tu sĩ cư trú tại tu viện Tashilhunpo và ở đây cũng có 4 trường cao đẳng Mật giáo. Dưới thời Ban Thiền Lạt-ma thứ 4, Tashilhunpo là một nơi lý tưởng dành cho các tu sĩ từ Tây Tạng, Bhutan, Ấn Độ, Nepal, Trung Quốc tìm về tu học; và ở đây họ nhận được một nền giáo dục tốt và một đời sống thanh tịnh trong một cộng đồng tôn giáo hòa hợp cao.
Tu viện Tashilhunpo có tổng diện tích gần 300000 mét vuông. Đứng ở lối vào tu viện Tashilhunpo, du khách có thể nhìn thấy những tòa nhà uy nghi với mái vàng và tường trắng. Kiến trúc chính ở tu viện Tashilhunpo gồm: Tháp thờ Đức Phật Di Lặc (Jamba Chyenmu), hội đường chính (Maitreya Chapel), cung điện của Ban Thiền Lạt-ma (Gudong), thư viện, phòng trưng bày, bảo tháp thờ xá-lợi các vị Ban Thiền Lạt-ma, điện Kelsang, v.v…
Tháp thờ Đức Phật Di Lặc được xây dựng vào năm 1914, và là tòa nhà lớn nhất ở Tashilhunpo. Vị Ban Thiền Lạt-ma thứ chín đã xây tòa nhà này đề thờ bức đại tượng Phật Di Lặc mạ vàng lớn nhất trên thế giới. Bức tượng tuy cao 26.2 m, được đúc và trang trí bởi hơn 279 kg vàng, 150,000 kg đồng, kim cương, ngọc trai và nhiều loại đá quý khác… Một điểm đặc biệt nữa là bức tượng này được làm hoàn toàn bằng thủ công trong suốt 9 năm bởi hơn 900 thợ thủ công giỏi. Khi tới đây, du khách có thể thỏa sức chiêm ngưỡng kiệt tác này bằng cách di chuyển trên những bậc cầu thang gỗ lên phía trên cao.
Hội đường chính là một trong những công trình được xây dựng sớm nhất ở Tashilhunpo, có niên đại vào thế kỷ XV TL. Có một bảo tọa lớn được đặt ở trung tâm hội đường và đây là nơi dành cho vị Ban Thiền Lạt-ma. Trong hội đường được trang trí với nhiều bức thangka dài, mô tả những hình ảnh tái sanh khác nhau của Ban Thiền Lạt-ma. Tuy nhiên khung cảnh ở đây trông khá tối tăm với nền nhà trải đầy tọa cụ của những vị Lạt-ma…
Bảo tháp thờ xá-lợi các vị Ban Thiền Lạt-ma cũng là một trong những điểm thu hút khách hành hương. Một trong số đó là Sisum Namgyel, nơi chứa lăng mộ của đức Ban Thiền Lạt Ma đời thứ 10. Sisum Namgyel nằm ở phía đông của tháp thờ, được xây dựng và trang trí bởi hơn 614 kg vàng cùng với vô số loại đá quý khác. Nhục thân của Đức Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 được tôn thờ và bảo quản một cách cẩn thận ở bên trong. Người ta nói rằng, cho đến nay, nhục thân của Ngài vẫn còn nguyên vẹn, không hề có dấu hiệu hư hại và kỳ diệu hơn, một vài người còn khẳng định rằng họ vẫn thấy tóc và móng tay của ngài tiếp tục phát triển!
Di chuyển tiếp về phía đông của Tu viện, du khách sẽ bắt gặp thêm Lăng tháp của các đời Ban Thiền Lạt Ma khác. Đầu tiên chính là Kundun Lhakhang - lăng tháp của vị Ban Thiền Lạt Ma thứ tư, cũng chính là vị Ban Thiền Lạt Ma đầu tiên của Tây Tạng, thầy dạy của đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ năm, Lobsang Gyatso. Lăng tháp này được xây dựng vào năm 1662, bao phủ hoàn toàn bằng vàng và bạc, may mắn không bị tổn hai gì vào thời Cách mạng Văn hóa. Cuối cùng là Tashi Langyar, nơi chứa lăng mộ của Đức Ban Thiền Lạt Ma từ đời thứ năm đến đời thứ 9. Trong thời Cách Mạng văn hóa, Lăng tháp này đã từng bị phá hủy và mới được Đức Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 cho xây dựng lại vào năm 1989.
Cung điện của Ban Thiền Lạt-ma là nơi ở chính của các vị đức Lạt Ma. Hiện tại, nơi này vẫn đang bị đóng cửa và không cho phép du khách vào tham quan.
Điện Kelsang là nơi thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Đức Quán Thế Âm Bồ tát và Đức Phật A Di Đà.
Bên cạnh cung điện uy nghi, Tu viện Tashilhunpo còn nổi tiếng bởi các bức tường với vô số bức phù điêu ấn ký của Đức Thích Ca. Có khoảng hơn 1000 hình vẽ chỉ ấn khác nhau, xen kẽ bởi tám biểu tượng cát tường của Phật giáo được tìm thấy bên trong tu viện. Bởi vì sự đa dạng về kích cỡ, màu sắc nổi bật và những hình vẽ tinh tế, những bức bích họa này được xem là những kiệt tác nghệ thuật Phật giáo.
Dù được xem là không gặp phải những xâm hại từ bên ngoài như những tu viện khác, Tashilhunpo cũng trải qua những thăng trầm của nó trong lịch sử phát triển của mình. Tu viện từng bị cướp phá khi vương quốc Gorkha xâm lược Tây Tạng vào năm 1791. Và trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, nhiều tòa nhà ở đây cũng bị phá hủy. Mặc dù vậy, những thiệt hại của tu viện trong thời kỳ này là không đáng kể so với những tu viện khác.
Không chỉ được chiêm ngưỡng những tòa tháp uy nghi lộng lẫy, chiêm bái Đức Phật, mà khi du khách thăm viếng tu viện vào khoảng tháng 7 - 8 còn có cơ hội tham dự lễ hội Monlam (Lễ hội Tắm nắng Phật). Đây là một lễ hội quan trọng và rất lớn ở Tây Tạng. Lễ hội Tắm nắng Phật vốn được Tsong Khapa, người sáng lập phái Gelugpa thành lập vào năm 1409. Lễ hội này thường được tổ chức vào ngày 4 và kết thúc vào ngày 15 tháng 1 lịch trăng. Tuy nhiên một số nơi lễ hội này được tổ chức vào những ngày khác. Mục đích của lễ hội này là để cầu nguyện cho Phật pháp được trường tồn và phổ truyền sâu rộng, thế giới hòa bình, những vị thầy (guru) của tất cả mọi truyền thống được trường thọ, dân chúng được bình an…
Vào buổi sáng ngày này, người dân Tây Tạng sẽ tập họp tại những ngôi chùa trong vùng để tổ chức lễ hội. Đi cùng với ban nhạc lễ là những vị Lạt-ma mang một bức thangka Phật rất lớn từ ngôi chùa đến một sườn đồi được dọn dẹp sạch sẽ và quang đãng. Bức đại thangka này sau đó sẽ được những vị Lạt-ma giăng lên sườn đồi và thực hiện buổi lễ. Những Phật tử sẽ quỳ xuống và trì tụng kinh chú dưới bức thangka này và cầu nguyện Đức Phật gia hộ cho họ.
Lễ hội Tắm nắng Phật kéo dài nhiều giờ, sau đó những vị Lạt-ma sẽ xếp bức thangka này lại và khiêng nhiễu quanh ngôi chùa ba vòng để tỏ lòng thành kính.
Ở tu viện Tashilhunpo, lễ hội được tổ chức hàng năm từ ngày 14-16 tháng Năm lịch Tây Tạng (vào khoảng tháng 7-8 TL). Trong suốt lễ hội, có ba bức thangka Phật được lần lượt trưng bày mỗi ngày. Ngày thứ nhất trưng bày bức thangka Phật tượng trưng cho quá khứ, ngày thứ hai tượng trưng cho hiện tại, và ngày thứ ba tượng trưng cho tương lai.
Tu viện Tashilhunpo là một trung tâm Phật giáo lớn của Tây Tạng, nơi có thể nói hội tụ đủ những yếu tố tôn giáo, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật… của Tây Tạng. Vì vậy, nếu có dịp đến Tây Tạng trong hành trình du lịch Trung Quốc cùng Viet Viet Tourism, du khách hãy dành thời gian đến tu viện Tashilhunpo chiêm bái một lần nhé! Đó sẽ là điều rất ý nghĩa cho những du khách muốn được trải nghiệm những nét văn hóa và tôn giáo đặc biệt ở một xứ sở được xem là huyền bí này.