Khi đi du lịch Trung Quốc, mới lần đầu đặt chân đến đất nước đông dân nhất thế giới, tôi rất ngạc nhiên bởi sự ồn ào, náo nhiệt ngay khi vừa bước xuống sân bay Trịnh Châu, Hà Nam, Trung Quốc. Không khí chỉ thực sự dễ chịu hơn khi tôi bước chân ra ngoài và lên xe chở khách khá hiện đại để tiếp tục di chuyển đến điểm dừng chân đầu tiên là phủ Khai Phong trực thuộc tỉnh Hà Nam.
Chuyện ẩm thực ở phủ Khai Phong
Chưa đầy 2 tiếng sau, tôi đã có mặt tại Khai Phong phủ và được bố trí ăn tại một nhà hàng khá sang trọng, mặc dù lúc đó trời đã về đêm. Thức ăn cũng không đến nỗi "khắc khẩu" như một số người đi trước kể lại, có một số món khá ngon, tuy nhiên có vài món hầu hết mọi người ăn không quen. Điều đầu tiên tôi cảm nhận được là mùi thức ăn bao trùm hầu hết không gian của căn phòng khá rộng. Như ở ta, bước chân vào bất kì nhà hàng nào không bao giờ có mùi thức ăn xông lên tận phòng khách.
Tôi quan sát, phát hiện ra một điều thú vị, người Trung Quốc ngồi ăn, họ không cầm bát lên. Họ cứ phải cúi gằm mặt xuống bàn ăn, tôi thấy thật sự không thoải mái. Xét thấy, đây là lần đầu tiếp xúc với một nền văn hóa không phải của mình nên cũng không tiện đặt câu hỏi. Cho đến sau này, khi đã khá thân với một người bạn Trung Quốc, tôi thắc mắc và cũng khá ngạc nhiên khi biết được câu trả lời. Cô bạn của tôi cũng không hề lưu tâm đến vấn đề đó. Nó như một mặc định sẵn có trong họ, khi còn nhỏ thấy bố mẹ, ông bà không cầm bát lên thì cũng làm theo, chỉ có vậy thôi.
Không giống như bạn tôi nói là đơn giản, tôi phát hiện ra chuyện ăn uống ở đây, người bản địa cũng gắn với một số quy tắc nhất định về duy tâm. Thông thường, khi đã mời nhau ăn uống, đa số một bàn ăn có từ 16 món trở lên. Điều này, tôi đã tìm hiểu khi còn ở nhà, lần này mới có dịp được kiểm chứng.
Không nằm ngoài suy đoán, khi thức ăn liên tục được mang lên, tôi có hỏi chị phục vụ về thực đơn và đúng như tôi nghĩ, 16 món tất cả, bao gồm 8 món nguội và 8 món nóng. Các món nguội được để trong đĩa còn món nóng được đựng trong bát to. Số 8 trong văn hóa Trung Quốc tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng. Như vậy, với lượng thức ăn đến tận 16 món, thử hỏi với bàn quay, người ăn phải chờ khá lâu mới chọn được món mình thích chứ chưa nói đến có những món mình chưa được ăn có lẽ đã không còn nằm trên bàn nữa.
Lựa chọn món ăn cũng là một phần trong văn hóa ẩm thực của Trung Quốc. Thông thường sẽ có cá trong thực đơn, bởi vì trong tiếng Trung, phát âm của cá đồng âm với dư thừa. Nhà hàng mong muốn thực khách sẽ có một cuộc sống dư thừa, khá giả. Ngoài ra, chúng tôi cũng được thưởng thức món mỳ với ý nghĩa là mong một cuộc sống trường thọ.
Tôi đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác vì nhiều đồ ăn quá mà không ăn hết. Cuối cùng, đồ ăn tráng miệng được mang lên. Đó là hai đĩa quýt to, nếm thử thấy rất ngọt, múi to, mọng nước. Lúc đó, mọi người cũng chỉ khen hoa quả ngon, tôi tìm hiểu mới biết, chủ nhà hàng đó là người Phúc Kiến mà trong văn hóa ẩm thực của người vùng đó, quýt đồng âm với sự may mắn. Gia chủ mời hoa quả là quýt với mong muốn sẽ đem lại may mắn, một cuộc sống tràn đầy căng mọng như quả quýt kia.
Mục sở thị phủ Khai Phong
Tại Trung Quốc và nhiều nước Á Đông đã từng có một thời phong kiến phát triển thì tên tuổi của Bao Chửng - Bao Thanh Thiên nhiều người biết đến. Đó là vị quan thanh liêm, chất phát công minh của triều Bắc Tống vào hơn 1.000 năm trước. Ông là một người cương trực, đã xử chảm con rể của vua theo pháp luật. Ông cũng chẳng mưu cầu việc riêng tư, mà xử tử người cháu ruột của mình vì phạm pháp. Nếu như bạn muốn biết về Bao Công và nơi mà ông đã từng xử án, cũng như tấm lòng ngưỡng mộ, cung kính của người dân Trung Quốc đối với ông, thì chúng ta đến du ngoạn phủ Khai Phong, để cảm thụ một cách sát gần hơn những gì đã diễn ra ở đây hơn 1.000 năm trước.
Khai Phong phủ ngày nay mà du khách tham quan chỉ là một công trình phục dựng ngay vị trí nền cũ ngày xưa. Công trình này hoàn thành vào năm 2003, sau 15 tháng thi công, dựa trên một cuốn sách cổ miêu tả về các kiến trúc Bắc Tống. Đến năm 2007, Khai Phong phủ nhận được giải Lỗ Ban - giải thưởng cho công trình phục cổ đẹp nhất Trung Hoa.
Gần 9h sáng, trước cổng lớn phủ Khai Phong còn đóng im ỉm, tôi chen chúc trong đám đông du khách, cố tìm cho mình một vị trí tốt để xem chương trình biểu diễn hấp dẫn nhất của ngành du lịch địa phương - vở kịch tái hiện cảnh Bao Công xử án. Đúng 9h, cổng lớn mở, Bao Công (diễn viên đóng - PV) cùng đoàn tùy tùng uy nghiêm xuất hiện với roi gậy, cờ xí ngợp trời. Vở diễn kể lại vụ án xử chém đương kim phò mã Trần Thế Mỹ.
Vụ án thể hiện tính công bằng, chính trực, thượng tôn pháp luật đến tuyệt đối của Bao Công. Kết thúc vở diễn, đám đông du khách tỏa ra tham quan các khu vực kiến trúc của Khai Phong phủ. Hầu hết du khách đều tỏ ra thích thú khi được tận mắt chiêm ngưỡng Khai Phong phủ. Nằm trang trọng ngay trung tâm là phòng xử án, khung cảnh cũng tương tự trong phim: Có trống kêu oan, có long đầu trảm, hổ đầu trảm, cẩu đầu trảm…
Cảnh đầu tiên hiện ra trước mắt tôi khi đặt chân đến phủ Khai Phong là Đình Bia. Tại hai hướng Đông Tây trong phủ này mỗi bên có một ngôi Đình Bia, trong đó, trên bia đá của ngôi Đình Bia phía đông có ghi lại danh sách của các vị quan và niên đại nhậm chức của họ tại phủ Khai Phong triều Bắc Tống. Trên tấm bia đá màu đen này khắc chi chít tên họ của hàng trăm viên quan chức thời phong kiến, nhưng tôi chăm chú tìm đi tìm lại mấy lượt mà không thấy tên của Bao Công đâu.
Một sự ghi chép có quyền uy và nghiêm chỉnh như vậy mà tại sao lại có sự sai sót lớn như thế? Trước lời nghi vấn của tôi, chị hướng dẫn viên của phủ Khai Phong, tên Lưu Thanh tủm tỉm cười, chỉ tay lên một vết sứt trên bia nói: "Nguyên chỗ này có khắc tên của Bao Công". "Nhưng một tấm bia đá to như vậy, mà làm sao lại sứt ngay mỗi chỗ này" - tôi hỏi. Chị hướng dẫn nói: "Vì Bao Công là hình tượng mẫu mực của một vị quan thanh liêm, có rất nhiều người khi nhìn thấy tên của Bao Công, họ đều bất giác sờ tay lên, cứ thế, lâu rồi nên tên của Bao Công đã bị mòn dần theo năm tháng".