Slider

1. Tôn Vũ

Tôn Vũ được hậu thế gọi là Tôn Tử, Tôn Vũ Tử, và được phong làm Binh Thánh - ông tổ của binh pháp phương Đông. Ông cầm quân đánh trận, bách chiến bách thắng. Ông đã cùng Ngũ Tử Tư dẫn quân Ngô đánh Sở, năm trận toàn thắng, chỉ dùng 3 vạn quân đánh bại 25 vạn quân Sở, tiến thẳng vào Dĩnh Đô buộc Sở Vương bỏ chạy.

12 vi dai tuong ta ba 1

Ông là võ tướng có ảnh hưởng lớn nhất tới lịch sử Trung Hoa, là cha đẻ của Binh Pháp Tôn Tử -  cuốn sách về hệ thống lý luận quân sự hoàn chỉnh đầu tiên của nhân loại.

Với những trận đánh để đời, uy danh và tài thao lược quân sự của Tôn Vũ lừng lẫy khắp thiên hạ. Thế nhưng, cho đến cuối đời, ông lại không muốn làm quan, cố tình mai danh ẩn tích làm dân thường.

Trong cuốn Việt Tuyệt Thư có chi tiết “ở mười dặm ngoài thành Cô Tô có mộ Tôn Vũ”, thực hư ra sao vẫn chưa được xác định.

2. Hạng Vũ

Trong Sử Ký, Hạng Vũ được Tư Mã Thiên hết lòng thán phục, dù cho đó có là người đối đầu trực tiếp với Lưu Bang - vị vua của vương triều mà ông phục vụ. Có thể nói, Hạng Vũ là nhà quân sự, nhà chính trị kiệt xuất của Trung Hoa cổ đại. Ông là nhân vật đại biểu cho tư tưởng quân sự “dũng chiến”. 

Lúc còn nhỏ, Hạng Vũ chỉ chăm học kiếm thuật mà không lo học chữ nên đã bị Hạng Lương quát mắng, Hạng Vũ đã nói: “Biết chữ chỉ đủ để viết tên họ mà thôi. Kiếm chỉ đánh lại một người, không bõ công học. Nên học cái đánh lại được vạn người!”.

12 vi dai tuong ta ba 2

Cuối nhà Tần, ông cùng với Hạng Lương dấy lên cuộc khởi nghĩa lật đổ chính quyền đương thời. Năm 209 TCN, tại trận Cự Lộc mang tính quyết định, Hạng Vũ đại phá quân chủ lực của nhà Tần. Sau khi Tần vong, ông tự lập làm Tây Sở Bá Vương, thống trị Hoàng Hà và hạ lưu Trường Giang, chín quận nước Sở.

Sau này, dù thất bại trước Lưu Bang, Hạng Vũ lại là người được thi ca nhắc tới nhiều hơn. Dân gian không tiếc lời ca ngợi, khâm phục và nuối tiếc dành cho vị anh hùng cái thế.

Khi chép truyện về Hạng Vũ, Tư Mã Thiên còn đặt tên là “Hạng Vũ Bản Kỷ”, có nghĩa đặt Hạng Vũ ngang hàng với các vị hoàng đế nổi tiếng nhất như Tần Thủy Hoàng, Lưu Bang…

3. Hoắc Khứ Bệnh

Hoắc Khứ Bệnh (140 TCN - 117 TCN), là người huyện Bình Dương, quận Hà Đông, đại tướng chống Hung Nô của nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc. Tuy khá trầm lặng nhưng Hoắc Khứ Bệnh là một vị tướng khôn ngoan và đặc biệt dũng cảm trong chiến đấu. Ông được coi là thiên tài và là biểu tượng cho sức mạnh quân sự của Trung Hoa thời bấy giờ.

Triều đại nhà Hán (206 TCN - 220 SCN), dưới thời Hán Vũ Đế, đã có sự bành trướng lãnh thổ rất mạnh mẽ. Với sự giúp sức của nhiều tướng tài, Hán Vũ Đế đã từ bỏ tư duy phòng thủ của các Hoàng đế trước đó và phát động nhiều chiến dịch quân sự thành công chống lại Hung Nô - mối đe dọa từ phương Bắc. Trong hàng ngũ quân chủng của Hán Vũ Đế, Hoắc Khứ Bệnh nổi lên như một vị tướng có những thành tựu vĩ đại nhất trong nhiều thập kỷ chiến tranh với Hung Nô.

Hoắc Khứ Bệnh có một thời thơ ấu bình dị và ham học. Vệ Thanh - cậu của Hoắc Khứ Bệnh - là một vị tướng nổi tiếng. Ông dạy cho Hoắc các loại võ thuật, đặc biệt là kỹ năng cưỡi ngựa và bắn cung. Vào thời đó, quân Hung Nô vượt xa nhà Hán ở hai kỹ năng này. Gia tộc của Hoắc Khứ Bệnh có địa vị lớn dần khi dì ruột ông trở thành hoàng hậu của Hán Vũ Đế. Ở tuổi 17, Hoắc Khứ Bệnh đã chứng tỏ tài năng và trí tuệ quân sự kiệt xuất, từ đó được Hoàng đế sủng ái, chọn làm cận vệ.

12 vi dai tuong ta ba 3

Năm 123 TCN, Hán Vũ Đế ra lệnh cho Vệ Thanh và quân đội tiến công Hung Nô. Trận đánh này trở thành một trong những chiến thắng lớn nhất của nhà Hán trong lịch sử chống lại kẻ thù phương Bắc. Hoắc Khứ Bệnh - mới 18 tuổi - đã cầu xin Hoàng đế cho phép tham gia trận đánh. Yêu cầu được chấp thuận, Vệ Thanh chọn một đội kỵ binh 800 người giao cho Hoắc chỉ huy. Mặc dù đây là lần viễn chinh đầu tiên, song Hoắc không hề tỏ ra lo sợ. Ông đột kích thành công doanh trại địch, tiêu diệt hơn 2.000 quân Hung Nô.

Hoắc Khứ Bệnh được công nhận là người chiến binh xuất sắc nhất và Hán Vũ Đế đã ban cho ông danh hiệu “Quán Quân Hầu”. Sau đó, tên tuổi của Hoắc trở nên nổi tiếng và ông được phong tướng. Thời điểm đó, Hoắc Khứ Bệnh được đánh giá cao ngang với chú của mình là Tướng quân Vệ Thanh. Hán Vũ Đế ban cho ông một dinh thự xa hoa ở kinh đô Trường An. Tuy nhiên, Hoắc đã từ chối món quà và thưa rằng: “Làm sao thần có thể an nhàn trong khi Hung Nô vẫn tấn công đất nước ta?”. Những từ ngữ đơn giản này đã trở thành một câu nói nổi tiếng lưu truyền qua các thời đại, như một ví dụ điển hình của tinh thần yêu nước và lòng tận tụy của Hoắc Khứ Bệnh.

Có truyền thuyết kể rằng một bình rượu quý được gửi đi từ kinh đô đến doanh trại Hoắc Khứ Bệnh như một món quà từ Hán Vũ Đế. Thay vì giữ cho riêng mình, Hoắc Khứ Bệnh cho đổ rượu vào một dòng suối gần đó để tất cả binh sĩ đều có thể thưởng thức. Thung lũng tràn ngập hương thơm của rượu và vùng này sau đó đã được đổi tên thành Tửu Tuyền, nghĩa là “Suối rượu”.

Hoắc Khứ Bệnh qua đời ở tuổi rất trẻ vì một căn bệnh gần giống như dịch hạch ở tuổi 24. Cuộc sống của ông có thể được ví như một vì sao băng - ngắn ngủi nhưng huy hoàng, sáng chói. Hán Vũ Đế đã tổ chức một đám tang lớn cho Hoắc Khứ Bệnh và cho dựng lăng mộ ông bên cạnh các Hoàng đế. Để tưởng niệm những thành tựu quân sự xuất chúng của vị tướng trẻ này, 16 bức tượng đá khổng lồ được trạm khắc.

4.Nhạc Phi 

Nhạc Phi, tự Bằng Cử, người Hán, thời thiếu niên lòng ôm chí lớn, văn võ song toàn. Năm 19 tuổi xin đầu quân, được bổ nhiệm làm tiểu đội trưởng, sau đó tham gia vào liên quân Tống - Kim diệt Liêu, tham gia chiến dịch Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay), tác chiến anh dũng. Năm 1127, quân Kim công phá Khai Phong, hai vua Đại Tống là Huy Tông và Khâm Tông bị triều Kim bắt về thành Ngũ Quốc tại Mạc Bắc. Bắc Tống diệt vong. Cao Tông dời đô đến Lâm An (Hàng Châu ngày nay), kiến lập triều Nam Tống.

Nhạc Phi đã vượt cấp dâng sớ cho Cao Tông trách mắng chủ trương của phái chủ hoà, khuyên vua Cao Tông thân chinh thống lĩnh sáu quân vượt lên phía Bắc, khôi phục lại Trung Nguyên. Nhưng Cao Tông bạc nhược lại không nghe những ý kiến này, mà ngược lại Nhạc Phi còn bị những quan lại của phái chủ hoà khép cho tội danh “quan nhỏ vượt chức” mà đòi bãi chức quan của Nhạc Phi.

Nhưng quyết tâm của Nhạc Phi chống Kim không bao giờ thay đổi, ông đầu quân vào Chiêu thảo sứ Hà Bắc là Trương Sở, được Sở đối đãi vào hàng quốc sĩ, nhậm Thống lĩnh trung quân đánh lại quân Kim, nhiều lần lập được chiến công, xây dựng nên một đối “nhạc gia quân” kỷ luật nghiêm minh, chiến đấu anh dũng.

12 vi dai tuong ta ba 4

Năm 7 Thiệu Hưng, Nhạc Phi nhiều lần kiến nghị Cao Tông bắc phạt thu phục lại Trung Nguyên, nhưng đều bị từ chối. Năm 9 Thiệu Hưng, Cao Tông và Tần Cối nghị hòa với nhà Kim, triều đình Nam Tống hạ mình xưng thần cống nạp với nhà Kim, khi đó Tần Cối từ sớm đã làm nội ứng cho người Kim, muốn phản bội Nam Tống. Sau đó, Ngột Truật (danh tướng nhà Kim) hủy bỏ hòa ước, lần nữa xâm lược phía nam. Nhạc Phi thống lĩnh “Nhạc gia quân” nhiều lần xuất binh đánh trả. Ông giỏi về mưu lược, trị quân nghiêm minh, trước sau đội quân của ông tổng cộng đã có 126 trận chiến với quân Kim và toàn thắng. Ông là một trong số ít những vị tướng nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Cuối cùng Nhạc Phi bị gian thần Tần Cối hãm hại, trong một ngày liên tiếp cho phát đi 12 lệnh kim bài triệu hồi Nhạc Phi. Trước đó, Tần Cối đã bí mật lệnh cho các tướng lĩnh rút lui, để lại một mình Nhạc Phi cùng quân của ông thâm nhập trận địa, cưỡng lệnh cho Nhạc Phi thoái binh, lấy tội danh “không cần có” hãm hại vào ngục. Ngày 25 tháng 12 âm lịch, năm 1141, Nhạc Phi và con trai của mình, Nhạc Vân, bị Tần Cối hạ độc giết chết tại đình Phong Ba thuộc Đại Lý tự Lâm An. Khi đó, Nhạc Phi chỉ mới 39 tuổi.

5. Hàn Tín

Được coi là một trong “Hán Sơ Tam Kiệt”, Hàn Tín là nhà quân sư kiệt xuất đã giúp Hán Cao Tổ Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ, lập ra nhà Hán kéo dài 400 năm. Ông là nhân vật tiêu biểu cho tư tưởng quân sự “mưu chiến” của Trung Quốc, được hậu thế tôn sùng là “binh tiên”, “chiến thần”, “vương tướng”…

12 vi dai tuong ta ba 5

Tên tuổi của ông gắn liền với những trận đánh nổi tiếng, được hậu thế nhắc đến như những điển hình về nghệ thuật quân sự. Nhiều người còn nói, trong thời Hán Sở tranh hùng, Hàn Tín nghiêng về bên nào thì bên đó chắc chắn sẽ thắng.

Hàn Tín có thể là vô địch về quân sự nhưng lại không giỏi ở chính trị, điều mà ông đã thua Lưu Bang từ lâu. Dịch Trung Thiên từng cho rằng Hàn Tín là người chỉ biết người mà không biết mình. Điều này phần nào lý giải cái chết oan uổng của vị tướng nổi tiếng này.

6. Thích Kế Quang

Thích Kế Quang (1528 - 1588), tự Nguyên Kính, tên hiệu là Nam Đường và Mạnh Chư, thụy hiệu Võ Nghị, người tỉnh Sơn Đông, miền Bắc Trung Quốc là một võ tướng Trung Quốc. Ông nổi tiếng lãnh đạo quân nhà Minh phòng thủ các vùng bờ biển phía Đông Trung Quốc từ các cuộc tập kích của người Uy khấu vào thế kỷ XVI và là một anh hùng quốc gia trong văn hóa Trung Quốc. Ông thuộc gia đình truyền thống quan võ, từ nhỏ, được cha cho theo học văn chương và binh thư.

Thích Kế Quang đã viết nhiều tác phẩm võ học đồ sộ, thuộc hạ của ông là Du Đại Du cũng là một võ thuật gia nổi tiếng thời đó, các binh sĩ do Thích Kế Quang huấn luyện có thể đánh một chọi mười, được coi là đội binh có sức chiến đấu mãnh liệt nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Thích Kế Quang rất thành thạo các kỹ thuật sử dụng côn, đao, thương, xiên, bừa, kiếm, kích, cung, tên, lá chắn, tuy nhiên ông vẫn rất xem trọng quyền pháp. Ông cho rằng quyền pháp mặc dù không có nhiều tác dụng trong thực chiến, nhưng có thể rèn luyện cho chân tay nhanh nhẹn, thân thể thuần thục, do vậy quyền là nguồn gốc của võ nghệ, là điều mà mọi người mới học võ đều phải luyện qua. Do vậy ông đã luyện võ từ những động tác đơn giản nhất, đơn điệu nhất, tập trung vào từng chiêu một, tối kị theo đuổi những chiêu thức cao siêu.

12 vi dai tuong ta ba 6

Theo sử sách ghi chép, khi ông luyện quyền “thân pháp đơn giản, thủ pháp thuận tiện, cước pháp nhẹ nhàng, thối pháp bốc cao”, đạt đến cảnh giới cao siêu “mọi thế đều thành, chiến thắng mọi kẻ địch”, động tác của ông tinh xảo khó lường, uyển chuyển nhanh nhẹn. Thích Kế Quang không đồng tình với việc gia truyền kế tục, mà căn cứ vào tố chất, điều kiện, thiên chất, khí chất để thu nạp những người tài từ các gia phái khác. Về quyền thuật ông tham khảo trường quyền 32 thức của Tống Thái Tổ, lục bộ quyền, hầu quyền và hành quyền 72 thức của Ôn gia, 36 thức khóa, 24 thức thám mã, 8 thức lật mình, v.v.. Đồng thời ông cũng dung hợp chiêu pháp của các phái, ví dụ như vào những năm Gia Tĩnh tại Sơn Đông ông đã học được thối pháp độc đáo của Lý Bán Thiên, nã pháp của Ưng Trảo Vương, điệt pháp của Thiên Điệt Trương, đả pháp của Trương Bá Kính. Với mong muốn hoàn thiện quyền pháp, Thích Kế Quang đã đi hàng trăm dặm vào núi sâu để bái một vị cao tăng làm sư , mong được học quyền thuật. Cuối cùng, Thích Kế Quang với sự kiên trì nhẫn nại, trí tuệ uyên bác đã tạo nên một bộ quyền pháp hoàn chỉnh có giá trị thực dụng. Ông đã kết hợp các công pháp tay, khuỷu tay, đầu gối, hông, chân, kết hợp năm loại quyền thuật đè, đánh, ngã, nắm, đá thành “Thích gia quyền” với phong cách đặc biệt.

Thích Kế Quang không chỉ tinh thông quyền thuật, ông cũng nghiên cứu sâu về thương pháp và côn pháp. Thương pháp của ông là tổ truyền, vào thời đó đã rất có danh tiếng. Nhưng Thích Kế Quang vẫn không thỏa mãn, ông đã có bước đột phá mới trong thương pháp. Ông đã xin được học danh gia Đường Thuận Chi, được Đường Thuận Chi chỉ dạy, ông cải tiến thương pháp mà mình đã luyện, giúp nó càng hoàn thiện hơn. Ông được công nhận là thương thủ hàng đầu. Khi đó, tướng triều Minh Du Đại Du tinh thông côn pháp, có tiếng nói trong quân lính, Thích Kế Quang liền tranh thủ thời gian học tập ông. Do ông có nền tảng võ thuật chắc chắn nên tiến bộ rất nhanh, sau đó khi quân doanh tổ chức thi đấu, Thích Kế Quang và Du Đại Du cùng tỉ thí côn pháp, không ngờ rằng Thích Kế Quang còn thắng cả thầy. Thích Kế Quang là người có tư chất thông minh, ông còn học cả côn pháp điên của Thiếu lâm, côn pháp Thanh phong, côn pháp Dương thị, côn pháp Ba cung quyền v.v.., giúp cho võ thuật thương côn của ông càng thêm hoàn hảo.

Thích Kế Quang không chỉ tinh thâm võ thuật Trung Quốc, ông cũng không bỏ qua võ thuật đối kháng của các vùng khác. Trong khi giao chiến với giặc Oa (quân Nhật Bản), ông phát hiện cây kiếm Nhật mà họ sử dụng rất có giá trị trong thực chiến.

Trong một lần tác chiến, Thích Kế Quang thu được một quyển “Kiếm cổ Nhật Bản”, trong đó có một phần thực hành trường đao của Nhật, ông lại từ đó mà chế tác thêm, tạo ra “đao pháp Tân dậu”. Đao pháp này đã kết hợp những tinh hoa trong đao pháp của Trung Quốc và Nhật Bản thành một thể thống nhất, lại phối hợp với trường đao Nhật Bản trong phòng vệ, đạt đến uy lực vô song. Ngoài ra, để phá vỡ trường đao của Nhật Bản, Thích Kế Quang dùng một loại trúc xoa (gậy trúc có chạc) dùng phơi quần áo trong dân gian để làm binh khí, chuyên phá trường đao của Nhật Bản. Vì trúc xoa có nhiều chạc, có thể tiếp cận cách quân địch sáu, bảy bước, quân địch sợ bị trúc xoa đâm vào mắt nên không dám đến gần. Nếu quân địch rút dao xông đến, có thể dùng trúc xoa đón đầu chống lại. Khi đao chặt vào trúc xoa, nó liền bị dắt lại trong gậy trúc xoa, không thể rút ra được, đầu gậy rất sắc, khi thừa cơ đâm tới, quân địch cầm chắc phần thua. Sau đó quân của Thích gia đã sử dụng phương pháp này một cách rộng rãi, chặn được đao của quân Oa, giành thắng lợi lớn.

Trong thời gian rong ruổi trên ngựa chiến, Thích Kế Quang đã viết cuốn sách về võ thuật “Kỷ hiệu tân thư”. Trong số các tài liệu về võ thuật vào thời kỳ đầu của Trung Quốc, cuốn sách này vô cùng trân quý. Với nội dung phong phú, cuốn sách là tập hợp những nghiên cứu võ thuật rất tinh thâm của ông, là sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật đối kháng trong chiến đấu và các quyền thuật để tăng cường sức khỏe trong cuộc sống. Sau “Kỷ hiệu tân thư” ông còn viết tiếp cuốn “Luyện binh kỷ thực”, cuốn sách có ý nghĩa rất lớn trong huấn luyện bộ đội biên phòng và chiến tranh chống quân xâm lực thời đó.

Sau khi dẹp yên giặc Oa ở Phúc Kiến, Chiết Giang, Thích Kế Quang lại bị điều về Kế Môn ở phía bắc, đảm nhận trọng trách bảo vệ cho kinh thành. Năm 1587 công nguyên, Thích Kế Quang qua đời vì bệnh tại quê hương.

7. Vệ Thanh

12 vi dai tuong ta ba 7

Vệ Thanh (? - 106 TCN), tự Trọng Khanh. Danh tướng thời Tây Hán, người Bình Dương, Hà Đông (nay là phía tây nam Lâm Phần, Sơn Tây). Ông là tướng lĩnh có đóng góp công lao to lớn trong việc bảo vệ lãnh thổ phía bắc nhà Hán và là tướng quân nổi tiếng thường thắng trong lịch sử Trung Quốc. Vệ Thanh đã thu phục và sáp nhập vùng đất Hà Sáo của Hung Nô, đánh bại hoàn toàn quân của Hữu Hiền Vương. Vệ Thanh đã mở ra chương mới trong lịch sử chống quân Hung Nô, bảy lần đánh bảy lần đại thắng, không thua một trận nào, khiến nhà quân sự các thế hệ rất ngưỡng mộ.

8. Liêm Pha

12 vi dai tuong ta ba 8

Liêm Pha là là danh tướng thời Chiến Quốc. Năm 283 TCN, nước Triệu theo kế hợp tung của nước Yên cùng đánh Tề Mẫn vương kiêu ngạo, Liêm Pha được Triệu Huệ Văn vương cử làm tướng đi đánh Tề dưới quyền tổng chỉ huy của tướng Yên là Nhạc Nghị. Liêm Pha phá tan quân Tề, lấy ấp Dương Tấn về nước Triệu, oai phong nổi tiếng các nước chư hầu. Sau đó, ông khải hoàn về triều được phong làm thượng khanh (tước vị cao nhất lúc ấy). Nước Tần nhìn nước Triệu thèm thuồng mà không dám tùy tiện tấn công, là do khiếp sợ sức mạnh của Liêm Pha.

9. Lý Quảng

Lý Quảng (? - 119 TCN), còn có biệt danh là Phi tướng quân, là một võ tướng dưới thời nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc, người Lũng Tây, nổi tiếng là biệt tài cưỡi ngựa bắn cung. Theo ghi chép trong bộ Sử ký của Tư Mã Thiên thì Lý Quảng là con cháu của Lý Tín và là tổ tiên của các vị vua nhà Đường (theo Cựu và Tân Đường thư).

12 vi dai tuong ta ba 9

Trong khoảng thời gian cầm quân của mình, Lý Quảng nhiều lần tham gia các chiến dịch chống lại bộ tộc Hung Nô ở miền bắc Trung Quốc. Năm 119 TCN, do sơ suất trong một lần ra trận giao tranh với Hung Nô nên ông hội quân trễ với các cánh quân khác và vô tình tạo điều kiện cho thiền vu Hung Nô trốn thoát, nên bị đưa ra xét xử. Do cho đó là một sự sỉ nhục, Lý Quảng đã tự sát.

10. Quan Vũ

Quan Vũ (? - 220), cũng được gọi là Quan Công, biểu tự Vân Trường hoặc Trường Sinh là một vị tướng thời kỳ cuối nhà Đông Hán và thời Tam Quốc ở Trung Quốc. Ông là người đã góp công vào việc thành lập nhà Thục Hán, với vị hoàng đế đầu tiên là Lưu Bị.

Là nhân vật lịch sử nổi trội của Trung Hoa, Quan Vũ được dân gian tôn làm Võ Thánh vì những chiến tích oai hùng. Theo những nhà nghiên cứu Tam Quốc Diễn Nghĩa, ông từng chém được 17 viên tướng địch ngoài mặt trận. Hình ảnh vị chiến tướng cưỡi Xích Thố, vung Thanh Long Đao đã trở thành nỗi khiếp sợ của các thế lực khác. Tào Tháo từng nhiều lần mời mọc, kéo Quan Vân Trường về với mình nhưng không thắng nổi cái trung nghĩa của vị tướng này.

12 vi dai tuong ta ba 10

Mặc dù không được các tài liệu chính thống xác nhận, ông thường được cho là anh em kết nghĩa với Lưu Bị và Trương Phi, và là người đứng đầu trong số ngũ hổ tướng của nhà Thục Hán gồm: Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu và Hoàng Trung.

Là một trong những nhân vật lịch sử của Trung Quốc được biết đến nhiều nhất ở khu vực Đông Á, hình tượng của ông đã được tiểu thuyết hóa trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung và sau này được khắc họa trong các dạng hình nghệ thuật như kịch, chèo, tuồng, phim ảnh v.v... với những chiến tích và phẩm chất đạo đức được đề cao, thêm thắt, cũng như được thần thánh hóa trong các câu chuyện dân gian, bắt đầu từ thời kỳ nhà Tùy (581-618). Ông cũng được thờ cúng ở nhiều nơi với tượng mặt đỏ, râu dài, tay cầm cây thanh long yển nguyệt và/hoặc cưỡi ngựa xích thố, đặc biệt là ở Hồng Kông. Tương truyền thanh long đao của ông nặng 82 cân (khoảng 49 kg ngày nay). Dân gian xem ông như một biểu tượng của tính hào hiệp, trượng nghĩa và trung thành, nhưng các nhà sử học cũng phê phán ông vì tính kiêu căng, ngạo mạn.

11. Tần Quỳnh

Tần Quỳnh (? - 638), tự Thúc Bảo, là một trong những vị tướng tài ba nhất lịch sử Trung Hoa, đóng góp không nhỏ trong công cuộc xây dựng nhà Đường. Tần Quỳnh được Lý Thế Dân hết lòng sủng ái. Ông là một trong 24 công thần được vẽ chân dung trên Lăng Yên Các. 

12 vi dai tuong ta ba 12

Không chỉ dũng mãnh, giỏi võ nghệ, Tần Quỳnh trong con mắt người đời là một nhân vật cái thế truyền kỳ có thể lấy đầu tướng địch trong hàng vạn quân như lấy đồ trong túi. Tần Quỳnh cùng Uất Trì Kính Đức cũng là 2 nhân vật then chốt trong Sự Biến Huyền Vũ Môn. Sau này, dân gian tôn ông và Kính Đức thành Môn Thần trấn cửa, xua đuổi tà ma.

12. Triệu Vân

Triệu Vân (168?-229), tên tự là Tử Long, người vùng Thường Sơn, là danh tướng thời kỳ cuối nhà Đông Hán và thời Tam Quốc ở trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đã góp công vào việc thành lập nhà Thục Hán.

Mặc dù thường được dân gian xem là nhân vật thứ ba trong Ngũ hổ tướng, trên thực tế sau khi Lưu Bị lên ngôi vương, Triệu Vân chỉ được phong là Dực quân tướng, đứng sau bốn người kia. Trong Tam Quốc Chí, Trần Thọ cũng dựa vào đó mà xếp Triệu Vân cuối cùng trong "Quan Trung Mã Hoàng Triệu truyện".

Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Triệu Vân được gộp chung với Trần Đáo, hình tượng nhân vật Triệu Vân cưỡi ngựa trắng bảo vệ Lưu Bị cũng được vay mượn từ Trần Đáo, người chỉ huy đội quân thân vệ Bạch Mạo [Nhị] dưới trướng Lưu Bị.

12 vi dai tuong ta ba 13

Tào Tháo lấy Kinh Châu, Lưu Bị bại trận Đương Dương -Trường Bản. Triệu Tử Long dốc sức chiến đấu cứu Cam phu nhân và con trai A Đẩu của Lưu Bị. Năm Kiến Hưng thứ 6 (tức năm 228), Triệu Vân dẫn quân hỗ trợ Gia Cát Lượng tiến đánh Quan Trung, tuy lúc này tuổi đã cao nhưng Triệu Vân vẫn hết sức dũng mãnh quyết chiến với quân địch, rút quân về được Hán Trung, năm sau thì mất. Ông từng dùng mấy chục kỵ binh chống đỡ đại quân Tào Tháo, được Lưu Bị khen ngợi là “Nhất thân đô thị đảm” (một tấm thân luôn dũng cảm).

13. Vương Tiễn

Vương Tiễn (304 TCN - 214 TCN), là đại danh tướng nước Tần cuối thời Chiến Quốc, có công đánh dẹp các nước chư hầu ở Sơn Đông giúp Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Quốc, lập ra nhà Tần. Ông người ở làng Tân Dương Đông (nay thuộc đông bắc huyện Phú Bình, Thiểm Tây, Trung Quốc). Ông đứng ngang hàng với các danh tướng cuối thời Chiến Quốc khác là Liêm Pha, Lý Mục và chỉ đứng sau đại danh tướng bách chiến bách thắng nổi tiếng nhất thời điểm đó là Bạch Khởi.

Vương Tiễn cùng với Bạch Khởi, Liêm Pha, Lý Mục được xưng là “tứ đại tướng quân” thời Chiến Quốc. Còn người mà trong suốt cuộc đời cầm quân của mình chưa một lần bại trận, thiết nghĩ chỉ có một mình ông.

Vương Tiễn ngay từ khi còn nhỏ đã rất yêu thích binh pháp, từng theo Tần Thủy Hoàng chinh chiến. Vào năm Thủy Hoàng thứ 11 (năm 236 TCN), Vương Tiễn đem quân chủ lực đánh thẳng vào Át Dữ (nay là huyện Hòa Thuận, tỉnh Sơn Tây). Sau đó thừa thắng đánh lấy Liêu Dương (nay là Tả Quyền, Sơn Tây), Nghiệp Thành (nay là trấn Nghiệp, huyện Từ, Hà Bắc), An Dương (nay là Tây Nam thành phố An Dương, Hà Nam), liên tục phá được 9 thành của Triệu giành được lưu vực Triệu Chương. Năm thứ 18, ông lại công đánh nước Triệu, Triệu U Mục vương đã phái đại tướng Lý Mục nghênh chiến. Hai bên giằng co cầm cự một năm.

12 vi dai tuong ta ba 14

Năm 228 TCN, vua Triệu mắc kế ky gián của Tần, theo lời gian thần Quách Khai mà giết chết Lý Mục. Vương Tiễn thừa cơ tấn công tổng lực Hàm Đan, bắt sống Triệu vương, diệt được nước Triệu. Nước Triệu trở thành một quận của Tần. Năm sau, Thái tử Đan của nước Yên sai Kinh Kha thích sát Tần vương nhưng không thành, Vương Tiễn được lệnh mang quân tấn công nước Yên. Quân Yên hợp binh chống trả. Vương Tiễn đánh tan quân Yên ở Dịch Thủy. Tháng 10 năm sau, Vương Tiễn chiếm được kinh đô Kế của nước Yên. Yên vương phải trốn lên Liêu Đông. Vương Tiễn bình định Yên Kế, đắc thắng trở về.

Tần Thủy Hoàng lệnh cho con ông là Vương Bí tiếp tục cầm quân diệt nốt các nước chư hầu còn thoi thóp. Năm 222 TCN, Vương Bí qua sông Áp Lục, vây phá được thành Bình Nhưỡng, bắt vua Yên là Hỉ đưa về Hàm Dương. Nhân đà thắng lợi, Vương Bí sang đánh đất Đại, bắt sống Triệu Gia, diệt hẳn nước Triệu. Năm 223, Vương Bí từ Yên đánh xuống Tề, bắt sống Tề vương Điền Kiến, hoàn thành thống nhất Trung Hoa. Tần vương Chính lên ngôi hoàng đế, tức là Tần Thuỷ Hoàng.

Trong quá trình chỉ huy quân đội, Vương Tiễn không chỉ giỏi chớp thời cơ tiến đánh bất ngờ mà còn biết liệu thực lực, tùy vào sự biến hóa của quân địch mà tìm ra phương pháp đánh thắng một cách linh hoạt.

14. Tổ Địch

Tổ Địch (266 - 321), tự Sĩ Trĩ, người huyện Tù, Phạm Dương (phía bắc huyện Lai Thuỷ, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc ngày nay), là đại tướng bắc phạt nổi tiếng thời đầu Đông Tấn. Câu thành ngữ “văn kê khởi vũ” (ý là nửa đêm nghe tiếng gà gáy thì dậy tập múa kiếm) là nói về câu chuyện của ông và Lưu Côn.

12 vi dai tuong ta ba 15

Mùa thu năm 314, ông dẫn hơn 100 gia đình trong họ tộc từ Kinh Khẩu lên Giang Bắc. Khi qua sông, Tổ Địch chỉ sóng nước thề rằng: “Tổ Địch nếu không bình định được Trung Nguyên, quyết sẽ không trở về Giang Đông nữa!”.

Tổ Địch sang sông, tự mở lò luyện sắt để làm binh khí, chiêu mộ được 2000 quân triển khai bắc phạt. Đối diện với các bộ tộc phương bắc hung mãnh, quân bắc phạt thế như chẻ tre, đã từng một lần chiếm lại một vùng đất lớn từ Hoàng Hà về phía nam. Nhưng về sau bởi nội loạn triều đình, sau khi ông mất việc bắc phạt sắp thành lại bại. Tổ Địch cũng là một tướng lĩnh rất được người dân yêu mến, sau khi ông mất, vùng Dự Châu nơi ông quản lý người người đều đau lòng như cha mẹ đã qua đời vậy.

15. Cao Trường Cung

Cao Trường Cung (541 - 573), nguyên tên Túc, lại có tên là Cao Hiếu Quán, biểu tự Trường Cung, là một tướng lĩnh, hoàng thân nhà Bắc Tề, mỹ nam nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Dân gian thường gọi ông với vương hiệu là Lan Lăng vương

Lan Lăng Vương một đời đã tham gia vô số trận chiến lớn nhỏ khác nhau. Một lần được ca ngợi nhất trong đó là “đại chiến Mang Sơn” nổi tiếng trong lịch sử.

12 vi dai tuong ta ba 16

Năm 564, Đột Quyết ở thảo nguyên phương bắc và Bắc Chu nơi cao nguyên hoàng thổ phát động tấn công Bắc Tề. Lạc Dương, nguyên là thị trấn quan trọng của Bắc Tề, bị 10 vạn đại quân của Bắc Chu bao vây. Võ Thành Hoàng Đế của Bắc Tề vội vàng triệu tập quân đội đi giải vây. Bên ngoài thành Lạc Dương, viện quân của Bắc Tề liên tiếp phát động tiến công, đều bị quân đội Bắc Chu đánh bại, mắt thấy sắp phải đứng trước cảnh toàn quân bị tiêu diệt. Khi ấy thành Lạc Dương bị vây rất gấp, Cao Trường Cung mặc giáp trụ, cầm binh khí, soái lĩnh 500 tinh kỵ xông vào vòng vây, đến dưới thành Kim Dong (là một tòa công sự dùng để đóng quân ở phụ cận Lạc Dương). Người Tề trên thành không nhận ra, ông phải gỡ mặt nạ xuống, quân Bắc Tề trên thành trông thấy lập tức reo hò, quân giữ thành một mặt mở cửa, một mặt bắn tên yểm hộ cho ông vào thành. Sĩ khí của quân Tề lên cao, cùng với đại quân ngoài thành hợp thành một, đánh lui quân địch.

16. Thường Ngộ Xuân

Thường Ngộ Xuân (1330 - 1369), tự Bá Nhân, hiệu Yên Hành, là danh tướng đời Minh. Ông cùng Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương lật đổ nhà Nguyên, lập ra nhà Minh, khôi phục chủ quyền của người Hán đối với Trung Quốc. Tước phong Ngạc Quốc Công, truy phong Khai Bình Vương, thụy Trung Võ.

Năm 15 niên hiệu Chí Chính nhà Nguyên (năm 1355), ông tham gia quân khởi nghĩa nông dân, theo Chu Nguyên Chương vượt qua sông Trường Giang, giành được Thái Bình (vùng Tương Đồ, An Huy ngày nay), công hạ Tập Khánh (Nam Kinh ngày nay), mỗi trận chiến đều dẫn đầu, liên tiếp lập nhiều chiến công, được tấn thăng là Trung Dực Đại nguyên soái. Năm thứ 17, ông tiến đánh Ninh Quốc (tỉnh An Huy ngày nay), thân trúng tên lạc, ông băng bó vết thương rồi tiếp tục tác chiến. Trước sau liên tiếp công phá các thành Ninh Quốc, Trì Châu (vùng Quý Trì, tỉnh An Huy ngày nay), Dự Châu (vùng Kim Hoa, Chiết Giang ngày nay),…

12 vi dai tuong ta ba 17

Mùa thu năm 23, trong trận chiến hồ Phàn Dương, ông anh dũng dẫn đầu, cứu ra được Chu Nguyên Chương đang bị quân đội của Trần Hữu Lượng vây khốn. Ông lại dẫn quân phong tỏa Hồ Khẩu, cùng với các tướng tiêu diệt hết 60 vạn quân Trần. Tháng 10 năm 25, ông cùng với phó tướng quân và Từ Đạt dẫn quân tấn công Trương Sĩ Thành, trước chiếm Hoài Đông, sau chiếm Chiết Tây. Tháng 9 năm 27 phá được Bình Giang (Tô Châu ngày nay), bắt được Trương Sĩ Thành cùng với 25 vạn tướng sĩ. Bởi chiến công hiển hách, được tấn phong là Ngạc Quốc Công. Tháng 10, ông lại cùng với phó tướng quân và Từ Đạt dẫn 25 vạn quân đi lên phía bắc giành lại Trung Nguyên; tháng 8 năm sau, phá được Đại Đô (Bắc Kinh ngày nay), nhà Nguyên diệt vong.

Năm thứ 2 niên hiệu Hồng Vũ triều Minh (năm 1369), ông thống lĩnh đại quân tiếp tục đánh dẹp phương bắc, công chiếm Thượng Đô nhà Nguyên (đông bắc Chính Lam thuộc Nội Mông Cổ ngày nay), bắt Nguyên Tông Vương cùng với hơn vạn tướng sĩ. Tháng 7 cùng năm, trên đường trở về kinh sư, ông bệnh nặng mà mất, được truy phong là Khai Bình Vương, con cháu được ban “binh thiết giản” trên đánh hôn quân, dưới đánh gian thần (về sau có sự tích Khai Bình Vương Thường Bảo Đồng ra sức đánh Nghiêm Tung). Ông anh dũng thiện chiến, dẫn quân có phương sách, tự nhận có thể dùng 10 vạn quân đánh khắp thiên hạ, vậy nên trong quân còn được mọi người gọi là “Thường Thập Vạn”.

Nếu du khách là người có niềm đam mê với văn hóa, lịch sử của đất nước Trung Hoa thì hãy đặt cho mình một tour du lịch Trung Quốc của Viet Viet Tourism nhé! Chắc chắn du khách sẽ có được những sự hiểu biết thú vị khi đặt chân đến vùng đất rộng lớn này.

HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG

098 3355 639
Trân Trân: skype viber zalo
0908 890 187
du lich my 39tr
du lich chau au
du lich canada

Tin Tức Mới Nhất