Thời cổ đại, với tư cách là thiên tử (con trời), những Hoàng đế ở Trung Quốc có thể sủng hạnh bất kỳ nữ nhân nào, chỉ cần vị Hoàng đế đó yêu thích, có ham muốn.
Cũng vì lẽ này, để một đêm đổi đời, hậu cung phi tần thường dùng đủ mọi thủ đoạn để tranh đoạt sự chú ý, sự sủng ái của Hoàng đế. Chỉ cần có thể được Hoàng đế yêu thương, chú ý, một ngày có thể sinh hạ Hoàng tử, có vị trí cao, kết cục tốt. Duy chỉ có các cung nữ thì lại luôn sợ bị Hoàng đế sủng hạnh.
Theo phân tích của chuyên trang lịch sử Qulishi (Trung Quốc), lý do khiến tầng lớp cung nhân sợ hãi được Hoàng đế sủng hạnh bắt nguồn từ 3 nguyên nhân dưới đây:
Ý thức được sự thua thiệt về xuất thân
Nhìn vào thực tế lịch sử Trung Hoa, không khó để nhận thấy hầu hết các cung nữ có cơ hội được Hoàng đế sủng hạnh đều chẳng mấy ai có được kết cục tốt đẹp. Nguyên nhân là bởi họ ý thức rõ hơn ai hết sự thua thiệt về xuất thân của mình trong hoàng cung khi ấy. Bởi lẽ các cung nhân đa số đều xuất thân từ tầng lớp nô bộc trong xã hội, không có sự hậu thuẫn vững chắc. Sau khi nhập cung, họ đều đã buông xuôi hết thảy những lý tưởng, hy vọng của cuộc đời, một lòng chỉ mong có thể may mắn bảo vệ được tính mạng cho tới lúc xuất cung mà thôi.
Các cung nữ biết rằng mình vĩnh viễn không có tư cách đường hoàng tiến vào hoàng cung làm chủ tử, cho nên dù Hoàng đế có vô tình nhìn trúng họ thì cũng chỉ có thể xem là nhất thời xúc động. Vì không có hậu thuẫn, không có địa vị, không có sự danh chính ngôn thuận, nên ngay cả khi được sủng hạnh, họ vẫn dễ dàng bị ban chết chỉ vì một hành động bất cẩn.
Cổ nhân có câu "gần vua như gần cọp", cho nên nếu bị nhà vua nhìn trúng, cuộc sống của họ có lẽ còn bấp bênh hơn cả quãng thời gian làm một cung nữ bình thường.
Chính vì hiểu rõ sự thua thiệt này, hầu hết các cung nữ thà rằng sống một đời trong kiếp nô bộc để bảo vệ tính mạng chứ không dám đánh cuộc tất cả vào tấm chân tình vốn đã hiếm hoi của bậc đế vương.
Không có năng lực trụ lại trong những cuộc sủng khốc liệt
Vào thời phong kiến, hầu hết các Hoàng đế Trung Hoa đều chẳng thiếu cung tần mỹ nữ. Bởi phi tử quá đông, ai ai cũng mang tâm lý muốn đắc sủng, nên hậu cung từ lâu đã được ví như "nơi ăn thịt người", là chiến trường không đao kiếm nhưng vô cùng khốc liệt giữa các mỹ nhân. Bởi vậy, phàm là ai được Hoàng đế sủng ái nhất thời cũng nghiễm nhiên trở thành tâm điểm chú ý của toàn bộ hậu cung khi đó. Đặc biệt là đối với những phi tần đã từng đắc sủng, một khi phát hiện ra những tình địch mới đe dọa tới địa vị của mình, họ nhất định sẽ trăm phương ngàn kế tìm cách loại bỏ rào cản.
Trong khi đó, các cung nữ vốn đã thua thiệt về xuất thân, sao có đủ thế lực để đấu lại những phi tử vừa có hậu thuẫn, vừa có vây cánh, lại sành sỏi muôn vàn mánh lới đấu đá nơi hậu cung?
Hơn nữa ở chốn thâm cung chẳng thiếu cung tần mỹ nữ khi ấy, cái chết của một cung nữ hay một phi tần nhỏ nhoi có xuất thân từ tầng lớp nô bộc chẳng mấy chốc sẽ rơi vào quên lãng.
Đây cũng là lý do trong muôn vàn cung nữ may mắn đắc sủng, số người có thể trụ vững tới sau cùng là hết sức hiếm hoi. Còn những người còn lại đều nhanh chóng rơi vào cảnh thất sủng, thậm chí còn bị vong mạng bởi những chiêu trò minh ám tranh đấu nơi hoàng cung.
Lịch sử đã ghi lại những người cung nữ như vậy, được Hoàng đế để ý tới hay thậm chí là đem lòng yêu thương nhưng rồi họ phải nhận cái kết quá đau đớn.
Thời vua Tống Quang Tông, hoàng đế thứ 12 của nhà Tống, hoàng hậu Lý Phượng Nương nổi tiếng độc ác, sẵn sàng dùng những đòn man rợ nhất để ngăn chặn nữ nhân khác đến gần chồng mình. Có một cung nữ trong lần đem nước rửa tay được vua trầm trồ vì đôi tay nõn nà trắng trẻo. Chỉ là hành động cầm tay lên ngắm nghía thôi nhưng nàng cung nữ này sau đó đã bị hoàng hậu sai người chặt tay ngay khi vừa phát hiện.
Có nàng cung phi tên Kỷ thị (sau là Hiếu Mục Hoàng hậu) được vua sủng ái, thậm chí sinh hạ được Hoàng tử Minh Hiếu Tông Chu Hựu Đường. Những tưởng nàng sẽ có cái kết đẹp, một bước đổi đời song điều này đã vấp phải ánh mắt đố kỵ của Vạn quý phi. Vạn quý phi biết chuyện đã phái người cưỡng ép nhằm khiến Kỷ thị sảy thai.
Người đàn ông này sau đó vì động lòng trắc ẩn mà đã bảo vệ Kỷ thị, sau khi đứa bé ra đời được lén nuôi trong cung rồi 6 tuổi mới được gặp lại vua cha. Cuối cùng, nàng cung nữ ngày nào vẫn bị giết hại khi mới tròn 24 tuổi.
Không có tư cách được mang long thai
Vào thời cổ đại, nền y học còn chưa phát triển, những biện pháp tránh thai cũng bởi vậy mà khó có thể coi là an toàn tuyệt đối. Vì vậy, mang thai ngoài ý muốn là chuyện vẫn thường xảy ra nơi hậu cung.
Đối với các cung nữ được nhà vua ân sủng, nếu vô tình mang thai mà không được sắc phong thì nhất định sẽ bị ban chết. Bởi dù cho họ đã mang trong mình giọt máu của hoàng tộc thì việc sở hữu xuất thân thua thiệt sẽ khiến cho nhà vua mất mặt, vì vậy long thai càng khó có thể giữ lại. Hơn nữa ngay cả khi nhận được sắc phong và có được tư cách mang long thai danh chính ngôn thuận, những phi tử khác trong hậu cung cũng không từ thủ đoạn nào để khiến cho các cung nữ không có căn cơ hay hậu thuẫn này bị sảy thai. Cổ nhân có câu "mẫu dĩ tử quý", bất kỳ cung phi, mỹ nữ nào cũng muốn tranh thủ cơ hội cho con cái mình, vì thế họ sẽ chẳng từ thủ đoạn để loại bỏ mọi chướng ngại.
Điều đáng nói hơn còn nằm ở chỗ, y học thời cổ đại vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều khi sảy thai thì ngay tới tính mạng cũng khó giữ. Nếu may mắn giữ được tính mạng, cơ thể của những người này cũng sẽ bị tổn thương và rất khó có được cơ hội đắc sủng hay mang thai lần nữa.
Một khi rơi vào tình cảnh như vậy, cuộc đời họ sẽ lại bị đẩy vào vết xe đổ đầy bi thảm của vô số những phi tần thất sủng chốn thâm cung.
Cũng có những cung nữ khác, cũng được Hoàng đế ân sủng nhưng không mang long thai. Họ sau khi hết thời hạn phục vụ trong Hoàng cung thường được trở về với gia đình. Tuy nhiên, những tháng ngày sau đó thường là nỗi cô đơn, buồn tủi vì không một người đàn ông bình thường nào dám đem lòng yêu thương họ, tránh phạm đến vua. Trong trường hợp đau đớn hơn, họ có thể phải tuẫn táng theo khi Hoàng đế băng hà.
Từ những minh chứng trên đây, không khó để nhận thấy ân sủng của nhà vua đối với các cung nữ vốn là thứ đem tới họa nhiều hơn phúc. Vì vậy mà hầu hết những cung nhân này đều mong muốn an ổn làm nô tỳ, giữ được tính mạng cho tới ngày xuất cung chứ chẳng hề nuôi khát vọng một bước lên mây, để rồi sau đó lại bị kéo vào những cuộc chiến đẫm máu không hồi kết sau bức tường thành hoa lệ kia…
Trung Hoa nổi tiếng với chiều dài lịch sử nhiều biến cố cùng những triều đại thay phiên nhau và những câu chuyện thâm cung bí sử ít người biết đến. Chính những câu chuyện về lịch sử lại trở thành "liều thuốc" kích thích bất cứ ai muốn tò mò về lịch sử triều đại của một quốc gia đông dân nhất thế giới này. Nếu du khách yêu thích lịch sử Trung Hoa và muốn tự mình khám phá nhiều điều thú vị hơn thì hãy thực hiện ngay một chuyến du lịch Trung Quốc cùng người bạn đồng hành Viet Viet Tourism nhé!