Quyền uy như vua, như tướng quốc vẫn sợ vợ là hiện tượng không hề hiếm trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. Viet Viet Tourism xin nêu nêu 5 thí dụ điển hình sau:
Tấn Huệ Đế
Tấn Huệ Đế tên thật là Tư Mã Trung. Ông không có năng lực cai trị đất nước và để xảy ra cuộc loạn bát vương dẫn đến nhà Tây Tấn suy yếu rồi bị diệt vong. Không những vậy, Tấn Huệ Đế còn nổi danh là sợ vợ hơn sợ cọp.
Tư Mã Trung vốn không thông minh. Khi làm thái tử bị gả cho người vợ xấu ma chê quỷ hờn là Giả Nam Phong xấu xí và độc ác. Nhưng Tư Mã Trung vẫn nhất mực nghe lời Giả Nam Phong.
Do không có con trai, Giả Nam Phong luôn tìm cách hãm hại những phi tần khác khi họ có mang. Có lần, lấy cớ hầu hạ kém, bà ta phóng thẳng ngọn kích vào một cung nữ được cho là sắp sinh con trai, làm cung nữ đó bị trụy thai. Trước tất cả những vụ việc ấy, không bao giờ Tấn Huệ đế dám có ý kiến. Ông ta bị Giả Nam Phong ngăn cản chuyện ái ân với các phi tần, nhưng vẫn phải làm ngơ việc bà ta thường xuyên đưa đàn ông bên ngoài vào cung để hành lạc.
Tấn Huệ Đế chỉ là bù nhìn, để vợ thao túng cả triều đình, giết hại quan thần. Khi Giả Nam Phong đưa ra bằng chứng giả là thái tử phản nghịch, Huệ đế cũng ngoan ngoãn truất ngôi và giết chết thái tử. Khi Giả Nam Phong vu cáo thái hậu (mẹ kế và là dì của Huệ đế) làm phản, ông ta mặc nhiên nhìn vợ giết cả gia đình thái hậu, cũng là những họ hàng ruột thịt bên ngoại của Tấn Huệ Đế.
Tùy Văn Đế Dương Kiên
Ông là người đầy chiến công hiển hách, nam chinh bắc chiến, thống nhất thiên hạ lập ra nhà Tùy. Văn Đế được văn võ bá quan và bàn dân thiên hạ kính nể. Nhưng ông lại là người rất sợ vợ và bị vợ quản rất nghiêm.
Bà vợ ông là con gái thứ 7 trong gia đình Độc Cô Tín, khi lấy Dương Kiên đã cùng chồng ba chìm bảy nổi trong chiến trận và là người giúp ông rất đắc lực với nhiều kế sách trị nước. Bởi vậy bà được Văn Đế rất kính trọng. Khi công thành danh toại, bà là Hoàng hậu nhưng là người quản lý hậu cung rất nghiêm, không cho phép con “trăng gió hoa nguyệt” và năm thê bảy thiếp, ngay cả đối với chồng.
Văn Đế bí mật tuyển hai người tì thiếp là cung nữ rất xinh đẹp hầu hạ, nhưng không hề cho vợ hay biết. Sau khi phát giác, thừa lúc chồng lên ngự triều, bà đã cùng quân cấm vệ hãm hại hai người tới chết. Vua vô cùng phẫn nộ, nhưng không dám xử phạt Hoàng hậu. Ông liên bỏ cung điện ra đi, làm quần thần văn võ bá quan rất lo sợ và phải tìm cách khuyên răn nhà Vua trở lại.
Khi Hoàng hậu qua đời chưa xanh cỏ, Văn Đế đã cho tuyển mỹ nữ làm thê thiếp và lao vào ăn chơi tửu sắc, rồi bị chết bởi tửu sắc quá độ. Trước khi nhắm mắt, Văn Đế đã than thở rằng: “Nếu Hoàng hậu còn sống thì ta không đến nông nỗi này!”
Bởi vậy, sử sách Trung Quốc coi bà là người thực hiện chính sách “Một vợ một chồng” đầu tiên ở Trung Quốc.
Đường Trung Tông - Lý Hiển
Ông được sử sách Trung Quốc ghi lại là người sợ vợ một cách mù quáng, tới mức chính bản thân ông sau này bị vợ ám hại.
Khi mới lên ngôi, Lý Hiển từng nói sẽ phong cho Nhạc phụ của mình làm Tể tướng, thậm chí có thể nhường ngôi cho Nhạc phụ là Vi Huyền Trinh. Quần thần văn võ bá quan phản đối và tấu lên Thái hậu Võ Tắc Thiên. Võ Tắc Thiên nổi giận liền phế truất và đưa tới Hồ Bắc làm Lô Lăng Vương, nhưng thực ra là lưu đày Lý Hiển biệt sứ.
Trong 15 năm bị lưu đày tại đây, Lý Hiển sống những ngày nơm nớp sợ hãi vì sợ bà mẹ Võ Tắc Thiên nổi giận có thể giết bất kỳ lúc nào. Võ Tắc Thiên không hề nương tay đối với gia đình, họ hàng thân thích có hành vi phản nghịch và đã từng giết Thái tử và nhiều người khác trong họ vì phạm tội.
Thời gian này, người an ủi và cũng là chỗ dựa tinh thần duy nhất của Lý Hiển là người vợ có tên Vi Hậu. Lý Hiển thề thốt với Vi Hậu nếu như được phục vị trở lại làm Hoàng đế sẽ ban thưởng tất cả những gì Vi Hậu muốn.
Quả nhiên, sau này Lý Hiển được phục vị lên ngôi Hoàng đế, ông đã giữ lời hứa. Sau khi vinh hoa phú quí, Vi Hậu trở nên ngàng tàng, sa đọa, tư thông với ba người trong hậu cung, tuy biết như vậy nhưng Lý Hiển vẫn bỏ qua, thậm chí còn trừng phạt những ai dâng tấu tố cáo những hành vi ngang tàng của Hoàng hậu.
Chưa hết, Vi Hậu muốn làm Hoàng đế như Võ Tắc Thiên và muốn con gái làm Hoàng Thái Nữ, nên đã dùng thuốc độc hãm hại Lý Hiển. Lý Hiển vốn là vua bất tài nhưng sợ vợ tới mù quáng, nên đã làm sụp đổ Đại Chu do Võ Tắc Thiên gây dựng và làm trò cười cho hậu thế.
Minh Hiến Tông - Chu Kiến Thâm
Minh Hiến Tông tên thật là Chu Kiến Thâm. Ông vua này cũng được người đời ghi tên vào danh sách các ông vua nổi tiếng sợ vợ.
Chu Kiến Thâm được lập Thái tử lúc còn nhỏ, nhưng luôn bị người chú và quan thần nhiều lần phế truất. Bởi vậy, Chu Kiến Thâm sợ hãi, không dám tiếp xúc với mọi người, cam tâm sống cuộc sống rất buồn tẻ vì luôn lo sợ bị ám hại.
Thời điểm đó chỉ có cung nữ Vạn Trinh Nhi, lớn hơn Chu Kiến Thâm 17 tuổi luôn ở bên cạnh chăm sóc an ủi. Khi Chu Kiến Thâm mới chào đời, cung nữ Vạn Trinh Nhi đã được cử tới chăm sóc, bởi vậy sau này trong lúc gặp cảnh hàn vi, Vạn Trinh Nhi là người an ủi và trở thành chỗ dựa tinh thần của Chu Kiến Thâm.
Đối với người đàn bà này, Chu Kiến Thâm không chỉ có ham muốn tình dục mà còn nể sợ, bảo gì cũng nghe. Sau khi ông lên ngôi, Vạn Trân Nhi đã bước vào tuổi trung niên và vẫn chưa có danh phận gì, nhưng bà ta đã lộng quyền, hống hách, coi khinh cả hoàng hậu và các quý phi.
Có lần, vì ngạo mạn, vô lễ, Vạn thị bị Ngô hoàng hậu vớ lấy cái gậy thái giám gõ cho mấy cái vào đầu. Bà ta liền về kể lể với vua, thêm mắm thêm muối, rồi khóc lóc, làm mình làm mẩy cho đến khi nhà vua hạ lệnh phế truất hoàng hậu.
Sử sách ghi chép viết: Vạn Trinh Nhi giữ một vai trò phức tạp với Chu Kiến Thâm như vừa là chị, là mẹ, là bạn, là nô tì, cũng là người tình. Sau khi Chu Kiến Thâm lên ngôi, do tuổi tác của Vạn Trinh Nhi quá cao nên không thể lập vị Hoàng Hậu mà được phong làm Hoàng Quý Phi. Hoàng hậu đã nổi cơn ghen định hãm hại, nhưng do được Vua sủng ái, nên rốt cuộc Hoàng Hậu bị phế truất.
Khi Vạn Trinh Nhi 37 tuổi đã sinh hạ cho Chu Kiến Thâm một Hoàng tử, nhưng chỉ sau một năm đã chết. Sau đó, Vạn Trinh Nhi không còn khả năng sinh con. Vì vậy, bà đã hãm hại tất cả tì thiếp, cung nữ nào có thai với Vua cũng như những đưa trẻ sinh ra. Hiến tôn biết hết nhưng chẳng dám trách mắng gì, chỉ nhẹ nhàng khuyên giải dù biết bà ta chẳng nghe. Thế là nhà vua đành làm ngơ để bà vợ lẽ già cả diệt sạch máu mủ của mình. Cung nữ họ Kỷ đã sinh hạ cho vua một Hoàng tử, liền bị Vạn Trinh Nhi hãm hại, còn đứa con may nhờ các quan trong Triều và Hoàng Thái Hậu bảo vệ nghiêm ngặt, nên mới sống sót và sau này đã trở thành Minh Hiếu Tông.
Đến năm Vạn Trân Nhi là một bà già 58 tuổi, béo phục phịch, Minh Hiến tôn vẫn vừa yêu vừa sợ vợ. Và khi Vạn Trân Nhi đứt hơi chết trong lúc hành hạ một cung nữ, nhà vua đau khổ như đứt từng khúc ruột, gào khóc rồi sinh bệnh. Cũng vì thương tiếc Vạn phi mà vài tháng sau, nhà vua qua đời ở tuổi 40.
Tể tướng Phòng Huyền Linh
Ông đường đường chính chính là tể tướng đứng đầu các quan và được Đường Thái Tông Lý Thế Dân cũng như các quan trong triều rất kính nể, trọng vọng. Nhưng ông lại là người vô cùng sợ vợ.
Một hôm, sau khi bãi triều, văn võ bá quan đều ra về duy chỉ có Phòng Huyền Linh vẫn đứng tại chỗ không ra về. Đường Thái Tông thấy lạ, cho rằng Tể tướng có điều gì muốn tâu vua, nên hỏi: “Khanh còn có gì tấu cho Trẫm hay sao?”. Phòng Huyền Linh quỳ xuống tâu rằng mình đã bị vợ đuổi ra khỏi nhà và không cho về. “Mong Bệ hạ hạ lệnh cho vợ thần phải để Tể tướng hồi gia”, Phòng Huyền Linh khẩn khoản. Lý Thế Dân trố mắt kinh ngạc và bật cười, không ngờ một tể tướng thông minh xuất chúng, học rộng tài cao, được mọi người ví như “Gia Cát Lượng của Nhà Đường” lại tới nông nỗi này. Cuối cùng, ông đành phải ra lệnh cho bà vợ kia để Phòng Huyền Linh được về nhà.
Sau đó, Lý Thế Dân ban chỉ cho Phòng Huyền Linh hai người thiếp làm vợ để dung hòa, nhưng Phòng Huyền Linh không dám nhận. Vua bèn sai hoàng hậu tới “tâm sự” để thuyết phục nhưng vợ Phòng Huyền Linh không chịu. Vua bèn ban lệnh nếu không để Phòng Huyền Linh “nạp thiếp” thì bà vợ phải uống thuốc độc tự tử. Ai ngờ, bà này ung dung cầm chai thuốc độc để uống như để khẳng định: “thà chết chứ không chịu để chồng nạp thiếp”.
Sở dĩ Phường Huyền Linh sợ vợ như vậy vì thuở hàn vi, ông là người nghèo khổ, nhưng nhờ vợ tận tâm cứu vớt, vun vén gia đình để ông chuyên tâm việc học. Trong một lần bệnh nặng, Phòng Huyền Linh nói với vợ rằng: “Tôi không qua được đâu, mình còn trẻ vì vậy phải đi bước nữa”. Nhưng bà vợ kiên quyết từ chối thậm chí đã lấy chiếc dùi đâm vào mắt để chứng tỏ lòng thủy chung của mình với chồng. Từ đó, Phòng Huyền Linh rất nể và sợ vợ, sau này khi công thành danh toại, ông vẫn không dám làm tổn thương tới tình cảm trước đây của hai người.
Hẳn với những thông tin mà Viet Viet Tourism vừa trên sẻ trên đây, du khách cảm thấy thích thú và muốn khám phá nhiều hơn về lịch sử phong kiến Trung Hoa. Vậy còn chần chờ gì nữa mà du khách không đặt ngay cho mình một tour du lịch Trung Quốc của Viet Viet Tourism để tự mình tìm hiểu nhiều hơn về đất nước - văn hóa và con người nơi đây nhé!