Slider

Trung Hoa không chỉ được thế giới biết đến là đất nước có nhiều bậc kỳ tài, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà còn là nơi có nền văn hóa lâu đời nhất và phong phú nhất. Văn hóa Trung Hoa được xưng là nền văn hóa Thần truyền, có rất nhiều điều trải qua hàng ngàn năm lịch sử nhưng vẫn được lưu giữ đến tận ngày nay.

Nhắc đến văn hóa Trung Hoa, người đời thường nhắc đến 8 môn nghệ thuật tinh túy nhất dưới đây:

1. Thư pháp

Thư pháp nếu hiểu một cách nôm na theo cách chiết tự thì: “Thư” là viết, ghi chép lại; “Pháp” là hình pháp, mẫu mực, cách thức, phép tắc. Từ đó, ta thấy “Thư pháp” là mẫu mực của chữ viết hay hiểu cách khác là nó đã được nâng tầm lên thành một môn nghệ thuật riêng biệt. Không chỉ có ở Trung Quốc hay ở phương Đông mới có môn nghệ thuật con chữ này mà ngay cả phương Tây, thư pháp (Calligraphy - Calligraphie - Calligraphia) hay còn gọi là nghệ thuật viết chữ cũng khá thịnh hành, nó cũng tồn tại trong chữ viết người Ả Rập. Thư pháp phương Đông hướng đến sự phóng khoáng trong cách viết nhưng vẫn trong khuôn khổ nhất định thì nghệ thuật chữ viết phương Tây lại được cắt gọt sắc cạnh, tỉ mỉ, phổ biến khi nghề in chưa phát triển, dùng để chép các văn kiện quan trọng như Kinh Thánh thành các tác phầm mỹ thuật. Còn ở các quốc gia theo đạo Hồi, thư pháp lại là một môn nghệ thuật thị giác quan trọng, một môn khoa học ưu việt.

Nói một chút như vậy để thấy từ lâu trên thế giới đã coi trọng cái đẹp của chữ viết. Quay lại với nghệ thuật thư pháp Trung Hoa, người Trung Hoa đã nâng tầm nó thành môn nghệ thuật có tính tổng hợp cao, thanh khiết và là linh hồn của nghệ thuật mỹ thuật. Người Trung Hoa quan niệm rằng, mỗi chữ được viết ra không chỉ thể hiện tài hoa và sự khéo léo của người viết mà còn ẩn chứa những tâm tư, tình cảm, suy nghĩ hoặc cảm xúc nhất thời của người viết chữ. Mỗi nét chữ lại mang phong cách riêng của từng thư pháp gia, không ai giống ai, mang cốt cách từng người. Xuất phát từ tâm thức nông nghiệp phương Đông ưa thích sự kín đáo, khai thác nhiều chiều sâu nội tâm, thư pháp chữ Hán đòi hỏi người viết phải khổ luyện và người thưởng thức cũng phải hết sức tinh tế để thấy chiều sâu nội tâm người viết trong mỗi con chữ.

Thư pháp Trung Hoa được hình thành từ rất sớm và được xem là một loại hình nghệ thuật rất cao. Hán tự có 5 thể chính là: Triện thư, Lệ thư, Khải thư, Hành thư và Thảo thư. Đó cũng chính là những thủ pháp chính của cách viết thư pháp. Người ta cho rằng: Thư pháp ra đời vào khoảng thế kỷ II - IV, được xem là thú chơi cao nhã của những người có học.

Nghệ thuật thư pháp giúp người ta rèn luyện óc thẩm mỹ cũng như nâng cao tính kiên nhẫn của mỗi người theo học. Đối với người Trung Quốc, thư pháp không phải ai cũng học tập và lĩnh hội được hết cái hay của nó mà phải trải qua khổ luyện, tu tâm dưỡng tính, nuôi dưỡng tình cảm. Người Trung Quốc có câu: “Thư pháp khả dĩ tu tâm dưỡng tính, đào dã tâm tình” (Thư pháp có thể khiến người ta tu tâm dưỡng tính, rèn luyện tình cảm). Người chơi và viết thư pháp cũng lắm công phu: Phải biết cách đặt thân đúng, đặt bút đúng theo các quy tắc riêng, mắt nhìn thẳng, dụng bút phải chuẩn, thời gian luyện tập dài, không được nóng vội. Thư pháp gắn với “Văn phòng tứ bảo” gồm có: giấy, mực, nghiên, bút, mỗi thứ phải tuân theo quy cách, phải đúng loại thì chữ mới đẹp được. Giấy phải là loại giấy “xuyến chỉ” đắt tiền, mực thì dùng loại mực thỏi hoặc mực trấp pha theo tỉ lệ và phải điều tiết khi viết, nghiên mực phải có độ nghiêng nhỏ để tránh bị đọng mực. Bút lại càng phức tạp hơn, bút chuyên dụng để viết thư pháp gồm các loại tiểu, trung, đại, phải có mao quản (ngòi bằng lông để có thể thấm mực dễ dàng), phải có đủ các bộ phận: Đào tuyến (sợi dây để treo bút), bút quản (quản bút bằng trúc), bút hào (búp lông giống búp sen), bút căn (phần lông gắn với quản bút). Vậy mới thấy, thú chơi thư pháp công phu và tỉ mỉ như thế nào.

8 nghe thuat tinh tuy 1

Thư pháp của người Trung Hoa được xem như một loại hình nghệ thuật, thậm chí là một môn học với đầy đủ cơ sở lý luận mà người ta gọi là “Thư học”. Thư pháp đòi hỏi có sự khổ luyện cao, người viết nếu thiếu kiên nhẫn sẽ khó học thành, như câu nói: “Học thư vô nhật bất lâm trì” (Học thư pháp không có ngày nào mà không vào ao). Thuật ngữ “lâm trì” chỉ sự khổ luyện thư pháp xuất phát từ giai thoại của thư pháp gia Trương Chi mỗi ngày luyện tập viết chữ xong lại rửa bút ở ao khiến nước đen như mực (Lâm trì học thư, trì thủy tận mặc). Về sau này, “lâm trì” được dùng để chỉ sự luyện tập thư pháp. Ngược dòng lịch sử Trung Hoa, thời đại nào cũng có những nhà thư pháp lẫy lừng với phong cách rất riêng. Thời Hán với Trương Chi say mê thư pháp, không có giấy phải viết lên vải lụa cho đến khi không còn chỗ viết thì đem nhuộm để cắt may thành quần áo mặc. Sau này, thư pháp gia nổi tiếng Vương Hi Chi (nhà Tấn) noi gương Trương Chi mà bỏ đến 15 năm rèn luyện chữ nghĩa để trở thành “Thư thánh” (một trong Thập Thánh được dân gian Trung Quốc ca ngợi và truyền tụng). Thế mới thấy, nghệ thuật con chữ có sức hút thật mãnh liệt với người đời xưa.

Nghệ thuật viết chữ đẹp của người phương Bắc phải kể đến Vương Hi Chi và dòng dõi nhà ông. Vương Hi Chi ngày trước bắt đầu luyện chữ thư pháp bằng cách viết chữ “Vĩnh” (chữ hội tụ đầy đủ tám nét cơ bản trong cách viết chữ Hán), tạo nên “Vĩnh tự bát pháp” - bài học cơ bản cho người tập viết thư pháp. Không chỉ có Vương Hi Chi mà con cháu ông cũng say mê nghiên cứu thư pháp. Con trai ông Vương Hiến Chi cũng yêu thích viết chữ không kém gì cha nên ngay từ thuở nhỏ đã gánh nước đổ đầy 18 chum nước để mài mực. Hai cha con Vương Hi Chi và Vương Hiến Chi nổi tiếng với lối viết chữ Thảo, được người đời xưng tụng là “Thảo Thánh Nhị Vương” (Hai vị vua của lối viết chữ thảo), chữ thảo của hai ông mềm mại, uyển chuyển, trở thành khuôn mẫu của cách viết chữ thảo cho hậu thế luyện theo. Dòng dõi nhà Vương Hi Chi còn phải kể đến nhà sư Thích Trí Vĩnh (Vĩnh Thiền Sư), tương truyền là cháu bảy đời của Vương Hi Chi, sống đời nhà Tấn, là người khổ luyện thư pháp nhiều đến nỗi thoái bút (bút bị cùn do viết chữ) chất cao thành gò. Vĩnh Thiền Sư tu luyện ở chùa Vĩnh Hân, yêu thích thư pháp đến nỗi 40 năm luyện chữ trên lầu chùa mà không xuống đất (Đăng lâu bất hạ tứ thập niên, Thiền Sư cũng là người kế tục và nghiên cứu, phát triển “Vĩnh tự bát pháp” (Tám nét tạo thành chữ “Vĩnh”) đã được khởi xướng từ thời ông tổ bảy đời Vương Hi Chi. Giai thoại về Vĩnh Thiền Sư kể lại rằng: Khi nhà sư đã luyện chữ đạt đến mức độ điêu luyện, người người biết đến ông, ham thích và mong muốn sở hữu chữ ông đã chen lấn nhau xin chữ dẫm nát ngạch cửa đến nỗi phải lấy sắt bao lại, gọi là “Thiết môn hạn”. Nhà Đường có nhà sư Hoài Tố nhà nghèo không có tiền mua giấy, phải tập viết trên lá chuối mà được xưng tụng là “Thảo thánh”. Dần dần, người yêu thích thư pháp không chỉ là bậc vua chúa, kẻ sĩ mà còn có cả thứ dân cũng rất thích mà ngày nay còn lưu truyền nhiều câu chuyện thú vị: Đường Thái Tông rảnh rỗi lại luyện “Trừu không luyện tự” (lấy ngón tay mà viết chữ vào không khí), nửa đêm đốt đuốc luyện Lan Đình tự (chữ của Vương Hi Chi trong “Lan Đình tập tự”) thật đáng khâm phục. Lương Vũ Đế vì quá ham thích nét chữ Thư Thánh đã truyền lệnh thu thập bút tích và ra lệnh trong cung phải lấy chữ viết của Vương Hi Chi làm chuẩn, nhà vua còn sai Chu Hưng Tự soạn “Thiên tự văn” bằng bốn cách viết thư pháp của Vương Hi Chi, dùng nó làm phương tiện dạy chữ Hán và viết thư pháp trong cung còn lưu truyền tới ngày nay.

Thư pháp đồng hành với sự phát triển và ổn định của chữ Hán, có lịch sử trải dài và thời đại nào cũng có những thư gia tiêu biểu với dấu ấn cá nhân không pha trộn. Đời nhà Tần không thể không kể đến “đệ nhất thư pháp gia” - Tể tướng Lý Tư, Triệu Cao hay Mẫu Kính. Nhà Hán cũng góp mặt những thư gia như Sử Du, Trương Chi, Tào Hỷ, Sái Ung, Lương Hộc, Lưu Đức Thăng… Đời Tam Quốc và Tây Tấn có Hàm Đan Thuần, Vỹ Đản, cha con Vệ Ký - Vệ Cẩn, Lục Cơ… Đời Đông Tấn có gia đình Vương Hi Chi - Vương Hiến Chi - Vương Tuần - Vương Dân. Thư pháp đời Nam Bắc triều có Bạc Thiệu Chi, Vương Tăng Kiều, Đào Hoằng Cảnh, Vương Bao… Xuôi đến thời thịnh vượng nhất của thư pháp chữ Hán là đời Tùy - Đường cũng sản sinh nhiều cái tên như: Trí Vĩnh, Đinh Đạo Hộ, Âu Dương Tuân, Ngu Thế Nam, Lục Giản Chi, Vũ Tắc Thiên, Lý Ung, Trương Húc, Hàn Trạch Mộc, Hạ Tri Chương, Nhan Chân Khanh, Liễu Công Quyền, Đỗ Mục, Cao Nhàn… Đời Ngũ Đại với Dương Ngưng Thúc, Từ Huyễn… Đời Tống có Lý Kiến Trung, Vương An Thạch, Tô-Hoàng-Mễ-Sái (Tô Thức, Hoàng Đình Kiên, Mễ Phế, Sái Tương), Nhạc Phi, Lục Du, Vương Đình Quân… Đời nhà Nguyên có Triệu Mạnh Phủ, Tiêu Vu Khu, Nghê Tán… Đời Minh - Thanh với những cái tên tiêu biểu như: Cha con Tống Liêm - Tống Thoại, Trần Hiến Chương, Thẩm Chu, Hình Đồng, Trương Thụy Đồ, Phó Sơn, Vương Đạc, Kim Nông, Bao Thế Thần, Hà Thiệu Cơ, Trần Diệc Hi, Tề Bạch Thạch, Trịnh Bản Kiều… Ngay cả đến thời hiện đại, số lượng thư gia cũng hết sức nhiều, có thể kể đến vài cái tên như: Trịnh Văn Trác, Tăng Hi, Hoàng Tân Hồng, Hồ Tiểu Thạch, Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược, Vu Hữu Nhiệm, Mã Nhất Phù…

Trên đây chỉ là vài cái tên tiêu biểu nhất của nghệ thuật thư pháp chữ Hán qua các triều đại. Kỳ thực, số lượng các nhà thư pháp Trung Hoa còn rất nhiều và ngày càng có nhiều người tiếp nối bộ môn nghệ thuật này. Điểm qua một số cái tên như vậy cũng đủ để thấy sức hấp dẫn lòng ham thích nghiên cứu, luyện tập của người Trung Quốc lớn thế nào. Thư pháp tinh tế không chỉ ở chỗ phải trải qua khổ luyện mới có nét chữ đẹp, có hồn, mà nghệ thuật “cho chữ” cũng là một nét văn hóa. Chữ được viết ra là kết tinh của những năm tháng khổ luyện không ngừng của người viết, nó còn thể hiện cảm xúc, tình cảm và suy nghĩ của người tạo chữ. Chính vì thế, việc cho chữ cho ai cũng là điều mà các thư gia hết sức coi trọng, không phải ai cũng được tặng chữ. Văn hóa Trung Quốc nặng lễ nghĩa, coi trọng sách vở, chữ nghĩa, người có học luôn được trọng vọng, làm quan cũng lấy chữ nghĩa làm đầu, lời nói của người nhiều chữ rất có trọng lượng… tâm lý ấy không chỉ tồn tại trong xã hội mà ngay trong cả phạm vi gia đình truyền thống người Hoa, kẻ thất học không bao giờ được xem trọng, khó có thể thay đổi địa vị của mình. Mặt khác, viết thư pháp lại được xem là nghệ thuật của chữ nghĩa, do đó người viết cũng không thể tặng chữ mình cho đối tượng mình không xem trọng. Rất khó để có thể ép một thư gia viết chữ khi tâm họ không mong muốn, vì khi đó nét chữ sẽ không đẹp vì tấm lòng không thỏa mãn. Truyền thống từ ngày xưa để lại, các nhà thư pháp chỉ tặng chữ chứ không đem ra bán như bây giờ, họ cũng chỉ tặng anh em, bạn bè thân hữu mà họ quý mến, tuyệt đối không cho chữ tùy tiện. Người được tặng chữ phải là người có học, biết quý trọng và nâng niu chữ mình được tặng. Người Trung Quốc thường treo chữ thư pháp ở giữa gian phòng khách, hay bên cột nhà chính, hay trước cửa, cổng nhà, đình, thể hiện sự trang trọng, đề cao chữ được tặng, xem chữ là một vật quý giá trong nhà, ở những vị trí đặc biệt quan trọng trong không gian sống.

2. Kinh kịch

Kinh kịch là loại kịch truyền thống được phổ biến rộng rãi tại Trung Quốc. Loại hình này là sự chắt lọc những nét tinh tế của tuồng cổ địa phương, vừa là sự ảnh hưởng của ngôn ngữ địa phương và phong tục tập quán. Kinh kịch đánh giá là di sản văn hóa đặc sắc nhất của Trung Quốc.

Kinh kịch là môn nghệ thuật phối hợp đồng thời cả: ca, nói, diễn, đấu võ để thuật lại những cốt truyện và khắc họa nhân vật. Hệ thống nhân vật trong Kinh kịch chủ yếu được chia làm bốn vai lớn là: Sinh (vai nam), Đán (vai nữ), Tịnh (vai tà), Sửu (vai hề). Bên cạnh đó thì còn có một số vai vụ.

Kinh kịch Trung Quốc còn được gọi là “Ca kịch phương Đông”. Đây được đánh giá là loại hình sân khấu đặc sắc của Trung Quốc mang đậm nét đặc trưng văn hóa Á Đông.

8 nghe thuat tinh tuy 2

Kinh kịch là sự biến thể của những loại tuồng cổ địa phương. Theo đó, từ thời nhà Thanh, 4 gánh hát Huy Ban từ phía nam đại lục Trung Quốc bắt đầu đến Bắc Kinh. Gánh Huy Ban đầu tiên vào kinh là gánh hát Tam Khánh, do Giang Hạc Đình - một chủ buôn muối ở Dương Châu người An Huy đứng đầu. Tiếp đó, 3 gánh hát Huy Ban khác là Xuân Đài, Tứ Hỉ, Hòa Xuân cũng đến Bắc Kinh . Điều này tạo cho sân khấu Bắc Kinh có một sự biến chuyển lớn. Đến khoảng những năm Đạo Quang nhà Thanh, những diễn viên ở Hồ Bắc là Vương Hồng Quý, Lý Lục, Dư Tam Thắng đến Bắc Kinh mang theo điệu hát Sở, còn được gọi là điệu Tây Bì, tạo nên sự hợp lưu lần thứ hai giữa hai làn điệu Nhị Huỳnh và Tây Bì ở kinh sư, tạo nên loại hình gọi là “Bì Huỳnh hí”.

“Bì huỳnh hí” được hình thành ở Bắc Kinh, chịu ảnh hưởng từ những làn điệu và ngữ âm Bắc Kinh nên mang các đặc điểm và tiếng nói Bắc Kinh. Do họ thường đến Thượng Hải biểu diễn nên người Thượng Hải mới gọi loại hình “Bì huỳnh hí” mang đặc điểm Bắc Kinh này là Kinh Kịch.

Trong quá trình hình thành và phát triển, kinh kịch đã tạo nên một hệ thống động tác biểu diễn mang tính chất tượng trưng cao. Chẳng hạn như lấy một chiếc mái chèo biểu thị một con thuyền, hay một chiếc roi ngựa biểu thị một con ngựa. Diễn viên không cần đạo cụ vẫn có thể biểu diễn những động tác như lên lầu, xuống lầu, mở cửa, đóng cửa. Những động tác này tuy có hơi khuếch đại, nhưng có thể đem lại cảm giác chân thật cho khán giả.

Với loại hình nghệ thuật kinh kịch, mặt nạ được xem là yếu tố đặc sắc nhất. Đây là yếu tố để người xem nhận biết cách nhân vật: là nhân vật trung thành hoặc gian trá, tốt đẹp hay xấu xa, lương thiện hay gian ác, cao thượng hay thấp hèn. Chẳng hạn, nặt nạ tô đỏ thể hiện nhân vật trung thành nhất mực, mặt nạ trắng thì nhân vật đó có tính cách gian trá, độc ác, màu xanh lam thể hiện nhân vật đó kiên cường dũng cảm, màu vàng nói nên nhân vật đó tàn bạo, màu vàng hoặc màu bạc tượng trưng cho thần phật, quỷ quái… Điều này đem lại sự độc đáo cho thể loại này, đồng thời tạo cho người xem cảm giác thiêng liêng, huyền ảo.

Gắn liền với nghệ thuật kinh kịch là sân khấu dân gian rất phồn thịnh. Trong Hoàng cung cũng thường xuyên tổ chức biểu diễn. Do những Hoàng gia quý tộc cũng rất thích xem Kinh kịch nên đã cung cấp, giúp đỡ về các mặt biểu diễn, quy chế trang phục, hóa trang mặt nạ, phông cảnh sân khấu.. Đây được xem là yếu tố khiến Kinh kịch có được sự hình thành và phát triển mạnh mẽ.

3. Thêu thùa

Thêu thùa là thuật ngữ cho các loại mẫu trang trí khác nhau được dùng chỉ xuyên qua xuyên lại trên mặt vải Thêu là một nghệ thuật dân gian truyền thống của Trung Quốc với ít nhất 2000 năm đến 3000 năm lịch sử. Vải thêu chủ yếu là lụa tơ tằm. Công nghê thêu thùa của Trung Quốc đã đạt đến một trình độ cực kì cao cấp trong triều đại Tần Hán. Đây là một trong những mặt hàng trong lịch sử của “Con đường tơ lụa”.

8 nghe thuat tinh tuy 3
Tranh thêu vượt trội ở Trung Quốc là hàng thêu Tô Châu, hàng thêu Hồ Nam, Quảng Đông, và của Tứ Xuyên. Ngoài ra còn có Hà Nam và Hàng Châu cũng là 2 nơi nổi bật trong nghệ thuật thêu thùa. (wikiwand)

4. Cắt giấy

Cắt giấy là nghệ thuật truyền thống ở Trung Quốc, gần như song hành với lịch sử phát minh ra giấy thời nhà Hán. Các phát hiện khảo cổ cho thấy nghệ thuật truyền thống này bắt đầu từ thế kỷ thứ 6, thậm chí còn có thể sớm hơn, và rất thịnh hành ở đất nước gấu trúc từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 13. Đến thế kỷ thứ 14, nó bắt đầu được phổ biến ra thế giới…

Thời gian đầu, những bức tranh được cắt từ giấy thường được sử dụng cho mục đích tôn giáo, thể hiện những nét đặc trưng tín ngưỡng khác nhau. Sau đó, nó được dùng để trang trí hay làm những hình mẫu. Nghệ thuật cắt giấy từng rất được coi trọng. Thậm chí, giới nữ trong hoàng triều được đánh giá bằng khả năng cắt giấy và đây cũng từng là một trong những yếu tố để chọn dâu của người Trung Quốc.

Đa phần các nghệ sỹ cắt giấy là nữ giới, chủ đề của họ thường bao gồm mọi thứ từ bình dị đến phức tạp trong cuộc sống hàng ngày. Chính sự hiểu biết cuộc sống thường nhật đó khiến phụ nữ thấu hiểu và cảm nhận sâu sắc tinh thần thực sự của nghệ thuật này. Tuy nhiên, ngày nay những người thợ cắt giấy chuyên nghiệp lại là đàn ông. Họ có thu nhập ổn định và cùng làm việc trong các xưởng thủ công. Công cụ chính để tạo ra các tác phẩm cắt giấy không phải gì khác ngoài những chiếc kéo. Một khi được sở hữu bởi các nghệ nhân, chúng sẽ trở thành một vật dụng siêu phàm và những tác phẩm công phu dần hiện ra từ những nhát kéo đầy tính nghệ thuật. Một trong những dụng cụ khác không thể thiếu là những chiếc dao với các kích cỡ khác nhau, rất cần thiết để tăng cường độ sắc nét hoặc tạo ra những nét thanh nhấn tinh tế cho các tác phẩm cầu kỳ. Tranh giấy cắt bằng thủ công trăm phần trăm, đòi hỏi sự cần mẫn, tỷ mỉ và tập trung của người thực hiện. Bạn có thể dễ dàng cắt tranh giấy nhưng rất khó để có thể đạt được trình độ kiệt tác. Bởi ngoài khả năng tưởng tượng phong phú, bạn cũng cần phải biết cách làm chủ chiếc kéo, con dao, đưa những nhát cắt ngọt với những lực phù hợp để tạo được những đường cong mềm mại, không bị xiên xẹo, bờm xờm cho tác phẩm.

8 nghe thuat tinh tuy 4

Có hai kiểu cắt giấy: trước hết là dùng kéo, ở cách này, người ta có thể cắt chồng một lúc nhiều mảnh giấy cho nhanh, thậm chí lên tới 8 tờ. Để tác phẩm được đẹp, ngoài sự khéo léo đương nhiên của người thực hiện, bí quyết ở đây còn là mũi kéo phải thật sắc. Kiểu cắt thứ hai là bằng dao. Người ta sẽ đặt một vài lớp giấy trên một bề mặt phẳng mềm, sau đó người nghệ sỹ sẽ dùng dao nhọn, sắc rạch theo chiều thẳng đứng tạo nên những đường nét cho tác phẩm. Cắt bằng dao có một lợi thế là người sáng tạo có thể thực hiện hoàn hảo những chi tiết nhỏ, mảnh mà dùng kéo khó có thể làm được. Ngoài ra màu giấy cũng rất được chú trọng, thực tế, các tác phẩm có thể được thực hiện ở bất cứ màu sắc nào nhưng màu đỏ luôn là ưu tiên hàng đầu.

Đề tài cho nghệ thuật cắt giấy thì có muôn hình vạn trạng, từ động vật chim muông đến phong cảnh, con người và cả những nhân vật dân gian, nhân vật trong các tác phẩm văn học cổ hay những hình tượng như 12 con giáp…Nói chung, bất cứ đề tài nào con người cũng có thể mô phỏng và hiện thực hóa trên những mảnh giấy màu theo những cung bậc sáng tạo riêng của từng người.

Không nghi ngờ rằng những mẫu giấy màu được cắt một cách công phu, cầu kì có khả năng tạo ra bầu không khí vui vẻ, một không gian truyền thống ấm cúng. Có lẽ chính vì vậy, các tác phẩm cắt giấy thường được dán ở đám cưới hay các lễ hội, tết nhất ở Trung Quốc cùng với những khao khát được mang lại may mắn, hạnh phúc bền lâu. Ngày nay, nghệ thuật cắt giấy chủ yếu là để trang trí, chúng được dán trên tường, cửa sổí, cột nhà, gương, đèn lồng ở nhà hay làm quà. Ngoài ra các mẫu cắt giấy còn được sử dụng như làm mẫu thêu và tác phẩm sơn mài.

Ra đời từ thủa xa xưa, nhưng sự sáng tạo của nghệ thuật cắt giấy vẫn còn trường tồn với thời gian. Và Trung Quốc rất có ý thức bảo tồn nghệ thuật này qua rất nhiều hiệp hội tranh giấy cắt mang tính toàn quốc, các cuộc triển lãm, cuộc thi cắt giấy…

5. Cờ vây

Cờ vây là một trò chơi trí tuệ cổ đại, được phát minh bởi Nghiêu Đế (một trong “Ngũ Đế”), đến nay nó đã có hơn 4.000 năm lịch sử. Cờ vây đầu tiên được gọi là “dịch” hay “kỳ”. Sau đó theo đặc điểm của việc dịch chuyển tương tác giữa hai bên cờ đen và trắng mà gọi thành cờ vây. Cờ vây đã trở thành một trong tứ nghệ của Trung Hoa: Cầm, Kỳ, Thi, Họa (Kỳ chính chỉ cờ vây).

8 nghe thuat tinh tuy 5

Trong Nam Bắc triều, bàn cờ đã được định hình với lưới dòng kẻ có kích cỡ 19×19, nó có một hệ thống 9 mức độ bình phẩm để đánh giá trình độ của người chơi. Dần dần cờ vây trở thành một môn học bắt buộc để tu luyện trí thức của giai cấp trí thức Trung Quốc. Cờ vây sau đó đã được truyền đến Nhật Bản trong thế kỷ thứ 7 (Trung Quốc nhà Đường) và nhanh chóng trở nên phổ biến ở Nhật Bản. Nó được mọi người gọi với một cái tên rất sinh động “thế giới đen trắng”.

6. Võ thuật Trung Quốc

Võ thuật Trung Quốc - Kungfu là một môn võ truyền thống của Trung Quốc, nó có lịch sử lâu đời, sớm nhất có thể tìm ngược lại về triều đại nhà Chu. Kungfu có nền tảng rộng lớn, đây là một di sản quý giá nổi bật của người dân Trung Quốc.

8 nghe thuat tinh tuy 6

Kungfu thực chất không hẳn chỉ mỗi việc luyện võ của con người, mà nó là bất kỳ một loại tài năng ở lĩnh vực nào. Kungfu thực chất là một sự rèn luyện, là một tiến trình rèn luyện lâu dài của con người. Rèn luyện từ cơ thể cho đến ý chí kiên định tập luyện hàng ngày. Kungfu là kết quả của một chuỗi thời gian lâu dài kiên trì bền bỉ mà tạo thành. Có 8 biến hoá trong thân thể đó là: tay, mắt, thân, pháp, bộ, tinh thần, khí lực, công. Các phản ứng đặc biệt này trong võ thuật Trung Hoa tạo thành một loại hình thức văn hoá nghệ thuật với sự phát triển lịch sử lâu dài của triết học, y học, mỹ học. Kungfu tạo thành một phong cách luyện công pháp độc đáo và một hình thức rèn luyện thân thể.

7. Gốm sứ Trung Hoa

Sứ là một biểu tượng của nền văn minh Trung Quốc cổ đại và cũng là một quốc bảo của văn hóa nghệ thuật của dân tộc Trung Quốc. Ngoài ra sứ được Trung Quốc phát minh là một đóng góp to lớn của quốc gia Trung Quốc cho nền văn minh thế giới. Trung Quốc được gọi là “đất nước của sứ”. Người khắp nơi trên thế giới đều rất yêu thích với những sản phẩm chế tạo tinh xảo tuyệt diệu này. Công nghệ sản xuất sứ của Trung Quốc đã lan rộng ra các nước trên thế giới và đã có những đóng góp quan trọng trong việc trao đổi văn hóa giữa Trung Quốc và các nước khác. Trung Quốc giành được danh hiệu “thế giới sứ quốc”.

Gốm sứ Trung Quốc có bề dày lịch sử phát triển hơn 10.000 năm. Trải, qua nhiều thời đại gốm sứ Trung Quốc không ngừng chuyển mình và vươn lên đỉnh cao, cho ra các sản phẩm đặc sắc, ấn tượng.

Trong nền văn minh của thời đồ đá, đồ đất nung được trang trí màu và những sản phẩm đồ gốm xương sứ trắng hoặc đỏ đã được ra đời và cho đến thời Longshan thì xuất hiện thêm đồ gốm sứ đen và chúng trở lên phát triển hơn.

Vào thời nhà Thương, gốm sứ men tro, gốm men ngọc đã bắt đầu xuất hiện. Cuối thời Xuân-Thu cho tới thời Chiến quốc, những sản phẩm gốm sứ Trung Quốc có đặc trưng xương gốm cứng cáp, chúng được nung ở nhiệt độ cao với các lớp họa tiết ấn tượng đã được hình thành và phát triển mạnh mẽ.

Đến thời Đường đồ gốm sứ Trung Quốc đã cho thấy những ảnh hưởng rõ rệt của các nền văn hóa khác trong các hình vẽ cũng như chủ đề trang trí trên gốm sứ. Ở khu vực phía Bắc Trung Quốc, nền công nghiệp sản xuất đồ sứ trắng vốn dĩ trước đây chỉ sản xuất ở lò nung Xing thời nhà Tùy, đến nay cũng đã phát triển tại các lò nung Ding thời Đường. Đặc biệt, trong khoảng thời gian này, các sản phẩm gốm men ngọc vẫn tiếp tục duy trì, được sản xuất và phát triển tại các lò nung gốm Yue.

8 nghe thuat tinh tuy 7

Trong thời Bắc Tống, loại gốm sứ trắng Ding đã được cải tiến với lớp men trắng ngà và hoa văn chạm khắc đầy tinh tế tạo ra cảm giác ba chiều rất đẹp mắt. Cũng trong thời kỳ này, gốm sứ Trung Quốc đã xuất hiện thêm nhiều loại gốm vô cùng độc đáo theo từng vùng miền.

Ở thời Nam Tống, những lò nung Guan chuyên sản xuất các sản phẩm gốm men ngọc với lớp men dày và xương gốm màu đen đặc trưng. Các vật dụng gốm sứ Trung Quốc cũng được sản xuât hàng loạt với chất lượng cao cùng những nét đặc trưng riêng biệt.

Vào thời nhà Nguyên bước đột phá mới là công nghệ sản xuất gốm xanh trắng được hoàn thiện. Bên cạnh đó những sản phẩm đồ gốm có màu đỏ đồng được vẽ dưới men sử dụng bùn nhuộm có oxít đồng cũng đã ra đời. Các sản phẩm này được ưa chuộng và xuất khẩu sang các khu vực lân cận và các nước láng giềng.

Cho đến thời vua Chenghua, từ năm1465-1487 đồ gốm sứ Trung Quốc bắt đầu được nâng tầm lên đỉnh cao của sự hoàn hảo với các sản phẩm là những chiếc chén, đĩa nhỏ sử dụng phương thức trang trí đặc biệt với các chủ đề đã được phác họa dưới lớp men xanh lam bên dưới và chúng được tô màu trên lớp men bên ngoài.

Thời đại vua Jiajing, vào những năm 1522-1566 các lò nung gốm tư nhân với năng suất cao đã được chỉ định chuyên sản xuất gốm sứ cho hoàng tộc. Tuy nhiên những quy đinh về kiểu cách, chất lượng của đồ gốm hoàng gia cũng ngày càng trở nên khó khăn và yêu cầu cao hơn.

Cuối cùng là thời vua Kangxi, từ năm 1662-1722, đây là giai đoạn triều đại nhà Thanh, giai đoạn này sản xuất ra rất nhiều những đồ gốm sứ chất lượng cao và tinh xảo cho hoàng tộc. Các phương pháp sản xuất gốm sứ Trung Quốc đã thực sự đạt đến đỉnh cao trong suốt những năm về sau, đặc biệt là thời vua Yongzheng từ năm 1723-1735, và thời vua Qianlong năm1736-1795.

8. Trà đạo

Trung Quốc là cái nôi của trà đạo, bởi đây là quốc gia đầu tiên phát hiện ra trà và sử dụng trà như một đồ uống. Trà không chỉ là thức uống thanh nhiệt mà còn chữa được bệnh. Đối với người Trung, thưởng trà đã trở thành nét văn hóa ngàn năm lịch sử. Việc thưởng trà cũng là một nghệ thuật. Để có thể có được một ấm trà ngon, không đơn giản chỉ là nguyên liệu tốt. mà còn là thể hiện sự tinh tế trong nghệ thuật pha trà, sự kết hợp hài hòa giữa trà và Đạo.

Người Trung Quốc uống trà đã có hơn 4.000 năm lịch sử, trong sinh họat hằng ngày của người Trung Quốc không thể thiếu một loại nước giải khát đó là trà, tục ngữ có câu: “củi đóm, gạo dầu, muối, tương, dấm và trà” Trà được liệt vào một trong 7 thứ quan trọng trong cuộc sống, có thể thấy được uống trà là điều rất quan trọng. Dùng trà để tiếp khách là thói quen của người Trung Quốc. Khi có khách đến nhà, chủ nhà liền bưng một chén trà thơm ngào ngạt cho khách, vừa uống vừa chuyện trò, bầu không khí rất thoải mái.

Tương truyền, trước năm 280, ở miền Nam Trung Quốc có một nước nhỏ gọi là nước Ngô, mỗi khi nhà vua thết tiệc các đại thần, thường ép các đại thần uống rượu cho say mềm. Trong số các đại thần có một đại thần tên là Vĩ Siêu không uống được nhiều rượu, nhà vua cho phép ông ta uống trà thay rượu. Từ đó về sau, các quan văn bắt đầu dùng trà để tiếp khách. Đến đời nhà Đường, uống trà đã trở thành thói quen của mọi người.

8 nghe thuat tinh tuy 8

Cũng có ghi chép rằng, thói quen này còn có liên quan đến Phật giáo. Vào khoảng năm 713 đến năm 741, lúc đó các sư sãi và các tín đồ trong nhà chùa do ngồi tụng kinh trong thời gian dài, thường hay ngủ ngật và ăn vặt, nhà sư liền nghĩ ra cách cho họ uống trà cho tỉnh táo, từ đó, biện pháp này được lưu truyền đi khắp nơi.

Trong khi đó, những gia đình giàu có của nhà Đường, còn mở phòng chuyên pha trà, thưởng thức trà và đọc sách, gọi là phòng trà. Năm 780, ông Lục Vũ chuyên gia về trà của nhà Đường đã tổng kết kinh nghiệp trồng trà, làm trà và uống trà, viết cuốn sách về trà đầu tiên của Trung Quốc với tựa đề: “Kinh nghiệm về trà”. Ông được người đời tôn là Thánh trà.

Trong đời nhà Tống, nhà vua Tống Huy Tôn dùng tiệc trà để thết các đại thần, tự tay pha trà; Trong Hoàng cung đời nhà Thanh, không những uống trà, mà còn dùng trà tiếp khách nước ngoài.

Ngày nay, hàng năm vào những ngày tết quan trọng như: tết Dương lịch hoặc tết Nguyên Đán, có một số cơ quan, đoàn thể thường tổ chức liên hoan tiệc trà.

8 môn nghệ thuật tinh túy trên đây đã góp phần tạo nên một nền văn hóa Trung Hoa đặc sắc, và đây cũng là một trong những lý do thu hút lượng lớn khách du lịch quốc tế tìm đến khám phá hàng năm. Nếu du khách cũng yêu thích nền văn hóa truyền thống của vùng đất rộng lớn này thì hãy tham gia ngay tour Trung Quốc cùng người bạn đồng hành Viet Viet Tourism nhé! 

HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG

098 3355 639
0919 558 631
Thanh Thanh: skype viber zalo
0919 558 631 - 0168 986 8984
Thanh Hùng: skype viber zalo
090 303 1476 - 093 714 1976
du lich my 39tr
du lich chau au
du lich canada

Tin Tức Mới Nhất