Từ thời xa xưa, trong dân gian Trung Hoa đã có rất nhiều truyền thuyết về các vị thần tiên là biểu tượng cho tình yêu. Các đôi lứa đều tin rằng khi thành tâm bái cầu những vị thần tiên này thì sẽ được ban cho một tình duyên tốt đẹp, một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc.
1. NỮ OA
Nữ Oa là vị thần được dân gian sùng bái như một vị thần thuỷ tổ của loài người đã sáng tạo ra thế giới, vạn vật, kỳ tích nổi tiếng nhất của bà là Luyện thạch bổ thiên (luyện đá vá trời), và nặn đất tạo ra loài người; Sát Hắc long tế Kí châu (giết Hắc long giúp Kí châu);... và quan trọng nhất là lập nên hôn nhân, là Nữ thần bảo trợ cho gia đình.
Thần thoại Trung Quốc, Nữ Oa, hay Nữ Oa thị, Oa Hoàng, Nữ Hi thị, tục gọi là Nữ Oa nương nương, là một thủ lĩnh thị tộc của Trung Quốc cổ đại, dần được tôn xưng là một vị nữ thần thủy tổ. Đương thời bà là nữ thần thượng cổ vĩ đại nhất trong thần thoại Trung Hoa, được liệt vào trở thành một trong Tam Hoàng Ngũ Đế. Bà là em gái đồng thời cũng là vợ của Phục Hy, đứng đầu danh sách Tam Hoàng.
Theo truyền thuyết, Nữ Oa có hình dáng đầu người và thân con rắn, một ngày nọ, bà tưởng nhớ Bàn Cổ khai thiên tích địa. tạo ra những ngọn núi và hồ nước, động vật, thay đổi sự tỉnh lặng của thế giới. Tuy nhiên, Nữ Oa luôn luôn cảm thấy rằng thế giới này vẫn còn thiếu một cái gì đó, nhưng không thể nhớ những gì. Trong khi Nữ Oa suy niệm, nhìn xuống dưới nước Hoàng Hà, lúc đó, nước trong xanh, mặt nước tựa như gương, in bóng hình của bà. Khi đó đã ngộ ra thế giới thiếu một "người" như bà. Nữ Oa đã tham chiếu tướng mạo bản thân sử dụng bùn của Hoàng Hà tạo ra một thân hình con người sau đó sử dụng pháp thuật để cho bùn đất sét đó có sự sống thành con người thật thụ.
Nhưng Nữ Oa không thể cứ mãi mãi nặn hình con người như thế này, cần phải ban cho họ khả năng sinh sản để họ tự phát triển giống nòi. Thế là Nữ Oa tạo những tượng đất sét cho thân thể khỏe, thổi dương khí vào những tượng đó, những bức tượng đó trở thành đàn ông, thổi âm khí vào những bức tượng trông yếu mềm hơn, thành đàn bà. Nữ Oa còn ban cho hai giới tính đó bộ sinh thực khí để sinh sản. Nữ Oa còn nghĩ cách để con người phân bố nhiều rải khắp nơi trên thế giới, liền dây ngoáy bùn dưới sông, cho bắn tung tóe lên khắp nơi trên mặt đất, tạo thành những lớp người phân bố khắp nơi.
Nữ Oa truyền thuyết đã tạo ra nam và nữ, và vì thế bà trở thành vị nữ thần cho họ kết đôi với cuộc hôn nhân. Bà trở thành hình tượng quan trọng trong việc thiết lập chế độ hôn nhân, căn bản của xã hội loài người. Phục Hy và Nữ Oa kết duyên với là cùng họ, nay Nữ Oa tạo ra con người bắt họ phải khác họ mới được lấy nhau; vì thế quy định khác họ mới kết hôn bắt đầu từ đây.
Do là hình tượng thần thoại tạo ra hôn nhân, vào thời Nhà Hán về sau, Nữ Oa và Phục Hy thường được tạo hình quyện vào nhau theo truyền thuyết về sự kết duyên của họ. Ngoài ra, Nữ Oa được tạo hình đang cầm Viên Quy, còn Phục Hy cầm Củ Xích tượng trưng cho hôn nhân quy cũ.
Ngày nay, người ta đã dựng miếu thờ Nữ Oa, hay còn gọi miếu Cao Môi và tế lễ vị thần hôn nhân này rất linh đình bằng lễ thái lao (giết ba con vật lợn, trâu, dê để cúng tế), đây là lễ tế cao nhất trong các hoạt động tế tự xưa. Những miếu Cao Môi hiện vẫn còn ở nhiều nơi như Lạc Ninh - Sơn Đông, Hà Tân - Sơn Tây, Vu Đô - Giang Tây thuộc Trung Quốc.
2. NGUYỆT THẦN (THẦN MẶT TRĂNG)
Nguyệt Thần là một trong những thần tiên được lưu truyền rộng rãi nhất ở Trung Quốc. Nguyệt Thần còn được gọi với những tên khác như: Nguyệt Quang nương nương, Thái âm tinh chủ, Nguyệt Cô, Nguyệt Quang Bồ Tát… Việc sùng bái Nguyệt Thần đã có từ rất xa xưa, ở nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng có những hiện tượng như vậy.
Trong đêm tối, mặt trăng đem đến cho con người thế gian ánh sáng. Ánh trăng lung linh huyền ảo thường khơi gợi nhiều tưởng tượng xa vời, rất nhiều câu chuyện vì vậy mà được sinh ra. “Hằng Nga lên trời” là một trong những câu chuyện của trí tưởng tượng ấy.
Theo truyền thuyết Hằng Nga là vợ của Hậu Nghệ, vì Hậu Nghệ bắn rơi chín mặt trời nên phải tội với Thượng Đế và bị đày xuống nhân gian. Sau đó, Hậu Nghệ được thuốc trường sinh bất lão của Tây Vương Mẫu, Hằng Nga uống trộm của Hậu Nghệ rồi bay lên trời, ở trong cung trăng, trở thành Nguyệt thần. Trong các sách cổ như “Sơn hải kinh”, “Sưu thần ký”… đều có chép chuyện này.
Từ đó về sau, Nguyệt Thần được thế nhân khắp nơi sùng bái. Trai gái yêu đương thường cùng thề nguyền dưới trăng, bái cầu Nguyệt Thần. Những người yêu nhau mà phải chia ly cũng thường cầu Nguyệt Thần phù hộ để được đoàn viên.
3. NGUYỆT HẠ LÃO NHÂN
Nguyệt hạ lão nhân (còn gọi là Nguyệt lão) là vị thần chuyên quản việc hôn nhân theo truyền thuyết Trung Quốc. Theo Thẩm Tam Bạch ghi trong sách "Phù sinh lục ký" thì vị thần này "một tay cầm dây tơ đỏ, một tay chống cây gậy trên đầu có treo sổ hôn nhân, sắc mặt như trẻ thơ mà tóc bạc trắng, đi lại giữa mịt mù không ra khói, không ra sương".
Người ta cho rằng Nguyệt lão là thần nhân duyên, chuyên se duyên cho các đôi trai gái. Ông lấy sợi dây đỏ buộc chân họ lại với nhau, đã buộc ai vào ai thì dù xa cách núi sông cũng đến được với nhau, còn nếu như hai người không có dây đỏ buộc chân vào nhau thì có ở kề bên cũng không nên duyên chồng vợ được.
Rất nhiều nơi ở Trung Quốc có đền Nguyệt lão. Trong Bạch Vân am dưới núi Cô Sơn ở bên Tây Hồ - Hàng Châu có Nguyệt lão điện, thờ thần Nguyệt lão, với đôi câu đối:
願天下有情人,都成了眷屬;
是前生注定事,莫錯過姻緣。
"Nguyện thiên hạ hữu tình nhân, đô thành liễu quyến thuộc;
Thị tiền sinh chú định sự, mạc thố quá nhân duyên"
(Mong người yêu nhau trong thiên hạ đều được thành gia quyến; Là việc đã định sẵn từ kiếp trước, chuyện nhân duyên chẳng sai bao giờ)
Đó chính là nguyên nhân mà từ xưa đến nay người ta vẫn tôn thờ Nguyệt lão. Câu chuyện về Nguyệt lão nổi tiếng nhất là câu chuyện Vi Cố lấy vợ được ghi trong "Tục u quái lục" của Lý Phục Ngôn đời Đường. Câu chuyện này lưu truyền rộng rãi trong nhân dân, về sau Lưu Đoái đời Minh còn viết vở hý kịch "Nguyệt hạ lão nhân định thế gian phối ngẫu" diễn về tích này.
Trong hôn lễ ở Trung Quốc còn có phong tục buộc dây tơ hồng, hoặc đôi trai gái cùng cầm một dải lụa đỏ đi vào phòng cưới… Tế thần Nguyệt lão (hay Tế tơ hồng) cũng trở thành một nghi thức trong hôn lễ xưa.
4. TỨ CHÂU ĐẠI THÁNH
Dân gian lưu truyền rằng, Tứ châu Đại Thánh rất thương cảm cho những người trai gái si tình, gặp tình yêu trắc trở. Những người đang yêu mà muốn người yêu không bao giờ rời bỏ mình thì chỉ cần lấy một chút bụi ở phía sau gáy của bức tượng Tứ châu Đại Thánh rồi lặng lẽ rắc lên người đối phương thì người ấy trọn đời sẽ không thay lòng đổi dạ, hôn nhân sẽ hạnh phúc.
Truyền thuyết kể rằng: Giữa hai huyện Huệ An và Tấn Giang của tỉnh Phúc Kiến có con sông Lạc Dương chảy qua. Nước sông ở đây luôn chảy siết, nên dù người dân ở đó đã nhiều đời cố gắng mà không xây được cầu. Sau đó, có một ông lão chở một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp đi trên thuyền ở giữa sông. Ông lão nói vọng lên rằng, nếu ai có thể dùng tiền ném vào trúng người cô gái ngồi trên thuyền thì ông sẽ gả cô gái làm vợ người ấy.
Mọi người kéo nhau đến ném tiền đông như đi trảy hội, nhưng không có một ai ném trúng vào người cô gái, tiền chỉ toàn rơi xuống sông. Mấy tháng sau, những đồng tiền rơi xuống lòng sông chất thành một cái móng vững chắc để xây cầu. Hoá ra, ông lão ấy vốn là Thần Thổ Địa, còn cô gái kia chính là Quan âm Bồ tát hoá thành để giúp dân xây cầu.
Nhưng về sau, có một người ở đất Tứ Châu Đại Thánh đã nghĩ ra một kế và ném trúng được vào người cô gái. Ông lão bèn gọi anh ta ra lương đình bên cạnh bờ sông ngồi chờ để bàn chuyện hôn sự. Nhưng anh này vừa ngồi xuống liền hoá thành bức tượng đá. Bởi vì linh hồn của anh ta đã được Quan âm Bồ tát độ hóa.
5. HOA NHẠC TAM NƯƠNG
Hoa Nhạc Tam Nương là cháu ngoại của Ngọc Hoàng đại đế, dung nhan xinh đẹp và trí tuệ vẹn toàn. Hoa Nhạc Tam Nương nhiều năm ở trong cung thánh mẫu Tây Lạc Hoa Sơn. Bởi vì xếp thứ ba nên gọi là Tam Nương. Người anh tiếng tăm lừng lẫy của bà chính là Nhị Lang Thần Dương Tiễn.
Hoa Nhạc Tam Nương ở Hoa Sơn thường xuyên trông thấy nam nữ lên núi dâng hương nên vô cùng hâm mộ cuộc sống của phàm nhân. Một hôm, bà ở trong cung ca múa thì đột nhiên có một thư sinh đi vào. Vì quá vội vã, Tam Nương đã bay lên hoa sen ngồi và hóa thành pho tượng nhưng dải lụa vẫn ở trên bàn. Bởi vì thi rớt, trên đường trở về quê hương, thư sinh rẽ vào trong chùa Hoa Sơn. Nhìn thấy dải lụa ở trên bàn, thư sinh liền cầm bút giãi bày hoài bão của mình. Tam Nương nhìn thấy thư sinh liền ngưỡng mộ phong thái của chàng. Lúc thư sinh xuống núi, bỗng nhiên gặp một con mãng xà, Tam Nương lấy Bảo Liên Đăng cứu giúp. Hai người gặp nhau rồi thành vợ chồng, sau này, sinh được một người con. Nhị Lang Thần vô cùng phẫn nộ khi biết việc này liền dẫn thiên binh đi bắt Tam Nương. Trước khi bị bắt đi, Tam Nương trao cho chồng một khối trầm hương và nói rằng đặt tên con là Trầm Hương.
10 năm sau, Trầm Hương một mình lên núi Hoa Sơn cứu mẹ, tình cờ gặp một vị Đại Tiên truyền Pháp và tặng cho búa thần. 3 năm sau, Trầm Hương đi lên Hoa Sơn gặp Nhị Lang Thần đòi công đạo, dùng búa thần giải cứu được mẹ. Người đời sau cảm động trước việc Hoa Nhạc Tam Nương dũng cảm theo đuổi tình yêu của mình nên đã phong bà là Thần bảo vệ tình yêu.
6. NGƯU LANG - CHỨC NỮ
Câu chuyện Ngưu Lang - Chức Nữ là một trong bốn truyền thuyết ca tụng tình yêu nam nữ nổi tiếng nhất của Trung Quốc (Ba truyền thuyết còn lại là Hằng Nga Hậu Nghệ, Mạnh Khương nữ, và Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài).
Sau thời Đông Hán thì câu chuyện tình yêu của Ngưu Lang - Chức Nữ được lưu truyền ra dân gian, đại ý cốt truyện là Chức Nữ là cháu của Ngọc Hoàng Thượng đế, đã đem lòng yêu chàng trai chăn trâu (Ngưu Lang) ở dưới trần gian, hai bên bèn kết duyên chồng vợ, sống với nhau rất hạnh phúc. Sau đó, Ngọc Hoàng biết chuyện, sai Vương Mẫu nương nương xuống trần gian bắt Chức Nữ về trời chịu tội.
Ngưu Lang vô cùng đau khổ, nhờ con trâu giúp sức, đuổi theo lên trời, gần đuổi kịp thì bị Vương Mẫu dùng cây trâm trên đầu vạch một đường thành sông Ngân Hà ngăn cách. Ngưu Lang, Chức Nữ bị Ngân Hà cách trở chỉ biết đứng nhìn nhau qua sông mà khóc. Ngọc Hoàng biết chuyện thương tình, mới cho phép họ mỗi năm vào ngày mùng 7 tháng 7 nhờ chim ô thước bắc cầu để được gặp nhau.
Sau này ngày 7 tháng 7 hàng năm trở thành một ngày lễ trong dân gian, gọi là “Thất xảo tiết” hay “Khất xảo tiết”. Những người phụ nữ thường đem kim chỉ ra để “khất xảo” - cầu xin Chức Nữ ban cho sự khéo léo giỏi giang. Không những vậy, sau này người ta còn cầu xin cả thông minh, giàu sang, phúc thọ,… và đặc biệt là cầu tình duyên.
7. HỶ THẦN
Hỷ thần là thần may mắn và tốt lành. Con người ai cũng có mong muốn vươn tới cái tốt, tránh cái xấu, có được may mắn và sung sướng, do vậy mà người ta đã xây dựng ra hình ảnh Hỷ thần. Chuyện hôn nhân là một chuyện vui lớn trong đời mỗi con người, vì thế hôn nhân được coi là hỷ sự. Đã là hỷ sự thì đương nhiên không thể tách rời hỷ thần được. Theo tục lệ xưa ở Trung Quốc, trong ngày cưới, cô dâu phải ngồi ở vị trí đối diện với phương vị của hỷ thần trong ngày hôm đó, vậy vị trí của hỷ thần ở hướng nào? Thông thường trước lễ cưới người ta phải tìm hiểu về vấn đề đó qua các thầy bói, các nhà âm dương. Theo sách “Quân kỷ biện phương thư hỷ thần” viết thời Càn Long thì phương vị của hỷ thần vào các ngày theo lịch can chi Trung Quốc như sau:
- Ngày Giáp, Kỷ - Hỷ thần ở hướng Cấn (Đông Bắc), giờ Dần
- Ngày Ất, Canh - Hỷ thần ở hướng Càn (Tây Bắc), giờ Tuất
- Ngày Bính, Tân - Hỷ thần ở hướng Khôn (Tây Nam), giờ Thân
- Ngày Đinh, Nhâm - Hỷ thần ở hướng Ly (Chính Nam), giờ Ngọ
- Ngày Mậu, Quý - Hỷ thần ở hướng Tốn (Đông Nam), giờ Thìn
Theo hướng hỷ thần mà thầy bói tính ra, kiệu của cô dâu phải để quay về đúng hướng đó, sau khi cô dâu lên kiệu, người ta không đi ngay mà phải dừng một lúc gọi là “Đón Hỷ thần”, sau đó mới xuất phát.
Thời xưa, vào ngày mùng 1 tết, kỹ nữ trong các kỹ viện ở Bắc Kinh cũng thường có tục lệ mặc trang phục đẹp để đi đón Hỷ thần cầu mong sự may mắn trong chuyện “làm ăn” của mình.
8. SÀNG THẦN (THẦN GIƯỜNG)
Phong tục lễ Sàng thần đã có từ rất lâu, từ thời Tống đã lưu hành tục lệ này. Tục truyền Sàng thần có thần nam (Sàng công), thần nữ (Sàng bà). Sàng bà thì thích uống rượu, Sàng công thì thích uống trà, gọi là “nam trà nữ tửu”, nên người ta truyền nhau “dùng rượu cúng Sàng bà, dùng trà cúng Sàng công”. Khi cúng tế, người ta đặt trà, rượu, bánh trái trong phòng ngủ, để cầu được ngủ yên giấc và cuộc sống hôn nhân như ý. Nhưng thời gian cúng tế Sàng thần thì mỗi nơi một khác, có nơi vào đêm trừ tịch, sau khi lễ đón thần linh, Táo quân, thì lễ đón Sàng thần, có nơi lại làm vào ngày 16 tháng Giêng (ÂL)…
Một số vùng ở Trung Quốc xưa còn có tục lệ “an sàng”, tức là trước ngày hôn lễ vài hôm, người ta đặt giường mới cho đôi vợ chồng trong phòng tân hôn. Vị trí đặt giường phải tính theo ngày, giờ, tháng, năm sinh của cô dâu và chú rể, ngoài ra còn phải chú ý hướng cửa, hướng của Sàng thần, kỵ đối diện với bàn, tủ… Khi “an sàng” cũng phải chọn ngày giờ tốt, an sàng xong thì tối hôm đó sẽ lễ Sàng thần. Tập tục này thời Minh, Thanh rất thịnh hành. Lễ Sàng thần trong ngày cưới để cầu mong cho đôi vợ chồng mới có được cuộc sống lứa đôi hạnh phúc keo sơn.
9. THẦN HÒA HỢP
Thuở xưa, thần Hòa Hợp có nhiều hàm ý khác nhau. Từ “hòa hợp”, có nghĩa là hòa thuận, đồng lòng, hài hòa, hợp ý… Rất sớm, trong sách “Chu lễ - Địa quan” phần “Môi thị” đã viết: “Sử môi cầu phụ, hòa hợp nhị tính” tức là: sai bà mối đi tìm vợ, làm cho hai họ được hòa hợp với nhau, đó là câu giải thích chính xác nhất về hai từ “hòa hợp”. Nhưng người ta lại có thể hiểu là: “sai bà mối đi tìm vợ, là hai người họ Hòa, họ Hợp”. Vì vậy mà người ta đã suy diễn ra hai thần Hòa Hợp. Ban đầu thần Hòa Hợp là vị thần chủ về việc giúp mọi người trong gia đình êm ấm, hòa thuận với nhau, nhưng rồi theo thời gian dần dần diễn biến ra vị thần phù hộ cho hôn nhân hòa hợp. Đồng thời, từ hình tượng một vị thần có gương mặt tươi cười, xõa tóc, đánh trống, hình ảnh thần Hòa Hợp cũng diễn biến thành hai vị thần một người cầm cành hoa sen, một người bưng chiếc tráp (do hoa sen tức “hà” đồng âm với từ “hòa”, còn tráp tức “hạp” đồng âm với từ “hợp”) gọi là Hòa Hợp nhị tiên.
Trong sách “Sự vật nguyên hội” lại nói: “Hòa Hợp thần nãi Thiên Thai sơn tăng Hàn San dữ Thập Đắc dã.” (Thần Hòa Hợp là hai vị sư Hàn San và Thập Đắc ở núi Thiên Thai). Trên vách sau tòa Đại Hùng bảo điện ở chùa Hàn San - Tô Châu, có bức tranh khắc đá về hai vị sư Hàn Sơn và Thập Đắc của La Sính - nhà danh họa đời Thanh. Trong đại điện cũng có tượng của Hàn Sơn và Thập Đắc, mà nghệ nhân xưa cũng cho hai ông một người cầm hoa sen, một người cầm chiếc tráp. Thực ra, vào năm Ung Chính thứ 11 đời Thanh (1733) triều đình có chỉ dụ phong Hàn San đại sĩ ở Thiên Thai làm “Hòa thánh”, Thập Đắc đại sĩ làm “Hợp thánh”, vì vậy mà hai ông được tôn xưng là “Hòa Hợp nhị tiên” hay “Hòa Hợp nhị thánh”. Qua đó có thể thấy thuyết này chỉ mới xuất hiện từ đời Thanh mà thôi.
Xưa kia người ta thường treo tranh “Hòa Hợp nhị tiên” ở phòng khách giữa nhà để mong cho gia đình cát tường hòa hợp, lại thường treo trong hôn lễ để tượng trưng cho vợ chồng hòa thuận yêu thương.
Trên đây những thông tin thú vị mà Viet Viet Tourism muốn giới thiệu với các du khách về 9 vị Thần Tình yêu, mong rằng bài viết sẽ đem đến nhiều hiểu biết hơn cho du khách về các vị thần Trung Hoa. Nếu du khách muốn tìm hiểu nhiều hơn thì đừng chần chờ gì mà không thực hiện một chuyến du lịch Trung Quốc cùng người bạn đồng hành Viet Viet Tourism!