Càn Long là một vị hoàng đế anh minh nổi tiếng của thời Mãn Thanh Trung Quốc. Hầu hết người ta biết đến ông như một vị hoàng đế hào hoa, đa tình với rất nhiều mỹ nữ vây quanh.
Sử sách chép lại, trong suốt thời gian trị vì, vua Càn Long lập tới 3 hoàng hậu, hơn 40 bà phi chưa kể hàng trăm quý nhân, thường tại, đáp ứng khác. Thế nhưng Càn Long cũng chỉ có yêu thương sâu đậm 6 người phụ nữ trong suốt cuộc đời huy hoàng và trị vì cả một đế quốc Mãn Thanh rộng lớn.
1. Phú Sát Hoàng Hậu (Hiếu Hiền Thuần Hoàng Hậu)
Trong Diên Hi Công Lược, Phú Sát Hoàng Hậu do nữ diễn viên Tần Lam thể hiện đã và đang nhận được rất nhiều sự yêu quý của khán giả bởi nhan sắc thanh nhã cùng tính cách trầm lắng, dịu dàng. Và trên thực tế, trong lịch sử triều Thanh, vị Hoàng hậu này cũng không khác nhiều so với hình tượng được xây dựng trong phim.
Theo dòng lịch sử được ghi nhận, Phú Sát Hoàng Hậu hay còn gọi là Hiếu Hiền Thuần Hoàng Hậu về sau có xuất thân hết sức hiển hách, nàng mang dòng họ Phú Sát ở Sa Tế thuộc Mãn Châu Tương Hoàng Kỳ. Vì có gia thế danh môn, từ năm 16 tuổi, nàng đã được nhà vua Ung Chính tuyển chọn và trở thành người vợ chỉ định hôn phối với Tứ Hoàng Tử Hoằng Lịch - vua Càn Long của Đại Thanh hoàng triều.
Vốn là người hiền lành, thục đức, tính tình vô cùng đoan trang, giản dị và hơn hết trong suốt những năm tiếp nhận vị trí mẫu nghi thiên hạ, bà luôn làm tròn trách nhiệm của mình. Không chỉ tài năng trong việc quán xuyến hậu cung, bà còn là người phụ nữ cư xử hòa nhã, tốt bụng với các phi tần khác trong cung. Chính vì điều này, dù nổi tiếng đa tình, mỹ nhân vô số nhưng Càn Long luôn dành cho nàng một tình yêu đặc biệt, một vị trí tôn trọng trong trái tim nhà vua.
Thật đáng tiếc, vị Hoàng hậu này lại không có "phúc dày" để được hưởng ân sủng lâu dài của Hoàng đế Đại Thanh. Bà sinh cho vua 2 vị hoàng tử nhưng cả hai đều yểu mệnh ngay từ lúc còn nhỏ. Vì tâm bệnh nặng nề nên vị Hoàng hậu hiền lương không còn đủ sức khỏe để tiếp tục tại thế. Bà qua đời khi chỉ mới 37 tuổi. Sự ra đi của hoàng hậu đã khiến cho Càn Long thương tiếc khôn nguôi. Ngoài việc đặt thụy hiệu cho bà, nhà vua còn tổ chức lễ truy điệu trở thành giai thoại trong lịch sử vương triều Đại Thanh.
2. Cao Quý Phi (Tuệ Hiền Hoàng Quý Phi)
Trên phim, Cao Quý Phi được xem là vị phi tần đáng ghét nhất hậu cung khi cậy quyền ân sủng cùng chức vị mà tạo nên nhiều sóng gió giữa các vị mỹ nhân. Bà không coi ai ra gì do xuất thân cao quý đến vua Càn Long cũng e dè. Và trong tim nhà vua, bà nhận được ít sự sủng ái so với nhiều phi tần khác.
Tuy nhiên, trong lịch sử triều đại Nhà Thanh ghi nhận, Cao Quý Phi được xem là một trong những vị phi tần được vua Càn Long sủng ái hết mực. Với xuất thân từ dòng dõi Mãn Châu Tương Hoàng Kỳ, tầng lớp Bao y danh giá, bà được chỉ định trở thành trắc phúc tấn của tứ hoàng tử Hoằng Lịch và sau khi lên ngôi, Càn Long sắc phong bà trở thành Cao Quý Phi.
Năm Càn Long thứ 10 (1745), trong lúc bệnh nặng, bà được vua Càn Long sắc phong thành Hoàng Quý Phi nhưng chỉ sau 2 ngày kế vị, bà cũng qua đời và được vua phong tặng Tuệ Hiền Hoàng Quý Phi.
Sự ra đi của bà trở thành nỗi đau của nhà vua. Và ngoài việc được ban thụy hiệu, bà còn được nhà vua ban cho hợp táng vào Dụ lăng địa cung. Đây được xem là ân sủng với những vị phi tần được sủng ái nhất của vua Càn Long sau khi qua đời.
3. Nhàn Phi (Kế Hoàng Hậu)
Nhàn Phi tên thật là Ô Lạp Na Lạp Thị, là con gái của Tá lĩnh Na Nhĩ Bố thuộc dòng dõi cao quý. Ban đầu, bà được chỉ định trở thành Trắc phúc tấn của tứ hoàng tử Hoằng Lịch. Đến khi lên ngôi, vua Càn Long sắc phong bà trở thành Nhàn Phi. Và cuộc sống của vị phi tần này về sau là những bước tiến dần đến vị trí cao nhất hậu cung của vương triều Đại Thanh.
Theo lịch sử ghi chép thì Nhàn Phi từng bước trở thành Nhàn Quý Phi sau khi Cao Quý Phi qua đời và chỉ xếp sau Phú Sát Hoàng Hậu. Đến khi vị Hoàng Hậu đầu tiên của vua Càn Long qua đời, với sự sủng ái, thương yêu của Hoàng đế Càn Long, bà chính thức thăng tiến trở thành Kế Hoàng Hậu của nhà vua.
Trong suốt thời gian trở thành Hoàng Hậu, bà vẫn được nhà vua yêu chiều hết mực, được Càn Long đưa đi cùng vi hành xuống Giang Nam, tổ chức tiệc sinh nhật linh đình. Thế nhưng, sau chuyến đi định mệnh đó, bà ngay lập tức bị nhà vua Đại Thanh ghẻ lạnh cho đến khi qua đời, Hoàng đế Càn Long cũng không thèm quan tâm đến, chỉ lạnh lùng an táng sơ sài và cũng chẳng truy phong cho bà.
Và cho đến nay, điều này vẫn là uẩn khúc lớn nhất của triều đại nhà Thanh và bà được nhiều khán giả đánh giá là vị Hoàng hậu đáng thương nhất lịch sử Thanh triều.
4. Lệnh Phi (Lệnh Ý Hoàng Quý Phi)
Ngụy Anh Lạc trong Diên Hi Công Lược là nhân vật có thật trong lịch sử triều đại nhà Thanh. Tên thật của bà là Ngụy Giai Thị, có xuất thân từ Ngụy Thị. Với sự sủng ái của vua Càn Long, vị mỹ nhân này cũng trở thành giai thoại trong lịch sử thăng tiến bậc nhất hậu cung ngày ấy. Từ Quý Nhân trở thành Tần, rồi đến Phi và cuối cùng là Quý Phi.
Mặc dù những ngày còn tại thế, bà chỉ là Hoàng Quý Phi nhưng vì là mẹ ruột của Gia Khánh Đế nên khi qua đời bà được truy phong tước vị Hoàng Hậu. Ngoài tước vị cao quý, Lệnh Phi còn được xem là mỹ nhân tri kỷ trong cuộc đời của vị vua đa tình Càn Long và nhận được sự sủng ái lâu dài của nhà vua.
Càn Long tuy cung tần mỹ nữ vô số nhưng con nối dõi lại không có nhiều và Lệnh phi chính là người sinh cho vua đến bốn Hoàng tử và hai Hoàng nữ. Thế nhưng, trong số đó, lại không có mấy người sống thọ, niềm an ủi duy nhất chính là Thập ngũ Hoàng tử Vĩnh Diễm sau này trở thành Gia Khánh đế.
Lệnh Phi qua đời vào năm 49 tuổi, ngoài việc ban thụy hiệu Lệnh Ý cho bà, Càn Long còn viết bài thơ tưởng niệm người xưa - Lệnh ý Hoàng quý phi vãn thi. Không những vậy, bà còn là người thứ 5 được hợp tác cùng vua ở địa cung.
5. Thuần Phi (Thuần Huệ Hoàng Quý Phi)
Trong Diên Hi Công Lược, Thuần Phi được xây dựng thành hình tượng nhân vật với tính cách khác lạ nhất hậu cung. Mặc dù là phi nhưng lại không tranh sủng, không quan tâm thậm chí là còn sử dụng chiêu trò để né tránh thị tẩm của Hoàng đế.
Tên thật của Thuần Phi trong sử sách gọi là Tô thị - mỹ nữ được vua Càn Long sủng ái nhất. Không xuất thân cao quý lại là người Hán, khi đến tuổi trưởng thành, bà trở thành Cách Cách của tứ hoàng tử Hoằng Lịch. Do xuất thân bình dân, cộng thêm gia cảnh không phải quan viên và lại là người Hán nên dù sinh con trai bà cũng không được chỉ định thành Trắc Phúc Tấn.
Vị mỹ nhân này được sủng ái và sinh ra hoàng tử, chính vì điều này mà vị thế của gia đình bà cũng được nâng lên. Trong suốt nhiều năm sống trong hậu cung, bà được vua chỉ dụ tấn phong Thuần Phi Tô Thị trở thành Thuần Quý phi. Nếu nói đến chức vị, bà chỉ xếp sau Phú Sát Hoàng Hậu, Cao Quý Phi cùng Nhàn Phi mà thôi. Còn nói đến sự sủng ái thì sau khi bà tạ thế vẫn khiến Càn Long thương tiếc khôn nguôi, đặc biệt còn xây dựng một tòa Minh lâu ngói màu lục và dựng văn bia trước mộ bà.
6 - Hương Phi
Hương Phi là nhân vật không xuất hiện trong bộ phim Diên Hi Công Lược, nhưng theo lịch sử lúc bấy giờ, Hương Phi cũng là người phụ nữ được Hoàng đế Càn Long yêu thương sâu đậm.
Hương Phi sinh ngày 15/9/1734 tức năm thứ 12 Ung Chính. Nàng là hậu duệ của thủy tổ Hồi giáo phái Cát Mộc Ba Nhĩ, Bỉnh Trì, Tân Cương.Gia tộc nàng là Hòa Trác vốn gọi là Hòa Trác Thị còn được gọi là Hoắc Trác Thị. Cha là A Lí Hòa Trác là Hồi bộ đài cát, anh trai là Đồ Nhĩ Đô. Gia tộc Hương Phi sống lâu đời tại Diệp Nhĩ Khương, Tân Cương, Trung Quốc.
Tháng 5/1755, tức năm thứ 20 Càn Long, triều Thanh cho quân đến dẹp quân phản loạn ở A Mộc Nhĩ Tản Nạp, Tân Cương, giải cứu hai con trai của Mặc Đặc là Ba La Ni Đô và Hoắc Tập Chiếm (đại tiểu Hòa Trác). Nhưng hai người này đã không biết cảm tạ ân đức, lấy oán báo ân, tập hợp binh mã tạo phản, phản đối triều đình, chia rẽ tố quốc. Gia tộc nàng Hương Phi đều phản đối tạo phản, ủng hộ triều đình, không chịu tuân theo đại tiểu Hòa Trác nên buộc phải xa xứ. Cả nhà nàng di chuyển từ Diệp Nhĩ Khương phía nam của Thiên Sơn lên Y Lê phía bắc Thiên Sơn định cư sinh sống.
Hai năm sau (1757), nhà Thanh lại phái quân đến dẹp loạn, mùa thu năm 1759 tức năm thứ 24 Càn Long, đám phản loạn Đại Tiểu Hòa Trác bị dẹp tan. Trong đó có công rất lớn của Ngũ thúc, Lục thúc, anh trai và gia quyến của Hương Phi. Họ được triệu về Bắc Kinh, phong quan tấn tước, mở tiệc chiêu đãi, triều đình còn xây Hồi Tử cung cho họ ở. Hương Phi cũng theo gia đình đến Bắc Kinh.
Để cảm tạ ân đức của hoàng thượng và biểu thị lòng trung thành với triều đình, Ngạch Sắc Doãn Hòa Đồ Nhi Đô đã quyết định cho nàng Hương Phi thông minh xinh đẹp tiến cung. Vào ngày 4/2/1760, tức năm thứ 25 Càn Long, hoàng đế đã phong ngay nàng là quý nhân không phải qua "thường tại" và "đáp ứng", chứng tỏ Càn Long rất coi trọng chuyện này.
Mọi thói quen sinh hoạt và tín ngưỡng tôn giáo của nàng đều được hoàng thượng quan tâm và coi trọng. Càn Long còn cho mời đầu bếp đạo Hồi vào cung để nấu ăn cho nàng. Nơi Viên Minh Viên nàng sống, Càn Long còn dành phương ngoại quán trong vườn cho nàng làm nơi tế lễ, đặc biệt còn cho người khắc văn “Cổ lan kinh” lên bức tường bằng đá đại lý.
Hương Phi vào cung hai năm, người trên kẻ dưới đều rất quý mến nàng. Ngày 30/12/1761, Càn Long phụng ý chỉ của Hoàng thái hậu tấn phong cho nàng từ hòa quý nhân lên Dung tần.
Năm sau phong cho Đồ Nhĩ Đô anh trai nàng là phụ quốc công. Tháng Giêng năm thứ 30 Càn Long, hoàng thượng lần thứ 4 tuần thú phía nam, Dung tần và anh trai nàng cùng đồng hành.
Phi tần của Càn Long rất nhiều nhưng được bồi giá xuất cung thì chỉ có mấy người. Hương Phi được tùy giá. Như vậy, có thể thấy địa vị của nàng rất quan trọng trong trái tim của Càn Long.
Vào ngày 5/6/1768, tức năm thứ 33 Càn Long, Hoàng Đế phụng ý chỉ của hoàng thái hậu tấn phong cho nàng thành Dung phi, Càn Long năm thứ 36 Dung phi tùy giá tuần thú phương Đông, bái yết Khổng miếu, lên Đông Nhạc Thái Sơn. Càn Long năm thứ 43 (1778), Dung phi cùng với 5 vị phi tần khác lại tiếp tục được tùy giá chiêm ngưỡng Thịnh Kinh.
Năm thứ 30 Càn Long, Khánh quý phi mất, năm thứ 40, Lệnh Ý hoàng quý phi mất, từ đó Càn Long cũng không sắc phong quý phi và hoàng quý phi nữa. Năm thứ 31 Càn Long, tức năm 1766, Ô Nạp La Nạp hoàng hậu mất, Càn Long không lập thêm hoàng hậu nữa. Cho nên trong hậu cung địa vi cao nhất chính là phi. Dung phi là một trong 6 nàng phi trong cung. Sau tháng 7 năm thứ 43 Càn Long(1778), Dung phi đã được thăng lên hàng thứ ba đứng sau Du phi, Dĩnh phi.
Sau năm thứ 50 Càn Long (1785), có thể do sức khỏe giảm sút mà Dung phi rất ít xuất hiện, nhưng hoàng thượng vẫn thường xuyên ban thưởng quan tâm đến nàng. Theo ghi chép của “Thưởng tứ đề bạc”, ngày 14/4/1788 năm thứ 53 Càn Long, hoàng thượng đã ban thưởng cho Dung phi 10 quả quýt, đây là lần cuối cùng tìm thấy ghi chép về việc ban thưởng cho nàng.
5 ngày sau, tức ngày 19/4/1788, nàng ra đi đột ngột tại Viên Minh Viên, thọ 55 tuổi. Có lẽ điều hối tiếc nhất của nàng là chưa sinh được con cho Hoàng đế Càn Long. Sau khi Dung phi mất, Càn Long thường cho người trong cung tưởng nhớ nàng. Ông hạ lệnh đem những vật phẩm đã ban tặng cho nàng trong mấy chục năm qua tặng lại các công chúa, cách cách, người thân của nàng, các phi tần khác và người hầu. Kim quan của Dung phi tạm thời được quàn tại Tây Hoa Viên nằm phía bắc Sướng Xuân Viên, ngày 27/4/ cùng năm được phụng di từ Tây Hoa Viên đến quàn tại Tấn cung Tịnh An trang ngoại thành phía bắc Bắc Kinh. Ngày 17/9 cùng năm, Càn Long hạ lệnh cho Hoàng bát tử Nghị Quận Vương Vĩnh Tuyền hộ tống phụng di kim quan của Dung phi đến Đông lăng. Ngày 25/9, nàng được táng tại Phi Viên tẩm của Dụ lăng.
Có thể nói sự sủng ái mà Càn Long dành cho nàng Hương phi vô cùng sâu sắc. Một mặt có thể vì chính trị nhưng mặt khác chúng ta cũng không thể phủ nhận được tình cảm chân thành của hoàng thượng dành cho nàng. Tình cảm đó rất sâu sắc, đặt biệt là sau khi nàng mất, Càn Long vẫn thường xuyên thể hiện tình cảm và sự nhớ nhung với nàng.
Nhưng có một điều khiến người đời thắc mắc tại sao dù được yêu quý như thế nhưng nàng lại không phải là một trong 5 vị phi tần được hợp táng cùng Càn Long. Nhưng dù thế nào thì trong thế giới của các bậc đế vương, khi người đẹp quá nhiều mà tấm chân tình lại hiếm hoi, thì đây có thể được coi là một kì tích rực rỡ của nàng Hương phi.
Có thể nói, những sự thật được ghi chép lại trong lịch sử vương triều Đại Thanh về các giai nhân được vua Càn Long sủng ái hết mực khiến cho những ai yêu thích lịch sử Trung Hoa muốn khám phá nhiều hơn. Vậy thì còn chần chờ gì nữa mà du khách không đặt ngay cho mình một tour du lịch Trung Quốc của Viet Viet Tourism để tự mình khám phá nhiều điều thú vị về đất nước rộng lớn này!