Không đèn lồng, câu đối đỏ, người dân thuộc các dân tộc thiểu số tại Trung Quốc vẫn có nhiều cách khác nhau để chào đón năm mới, tạo nên một cái Tết mang đậm phong cách riêng của từng dân tộc mình không lẫn vào đâu được giữa một đất nước tỉ dân với nền văn hóa cực kì đa dạng phong phú.
1. Dân tộc Tây Tạng ở thành phố Xigaze, khu tự trị Tây Tạng
Lễ mừng năm mới hay còn gọi là Tết Losar là lễ hội có ý nghĩa và quan trọng nhất trong năm của người dân Tây Tạng. Theo đó, người dân tại đây thường đón Tết vào ngày đầu tiên của tháng 12 Âm lịch (tức ngày 1/1 theo lịch Tây Tạng).
Trước Tết khoảng nửa tháng, người dân Tây Tạng đã bắt đầu việc chuẩn bị và sắm sửa cho năm mới. Sau khi dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa, người Tây Tạng sẽ dâng hương cúng tổ tiên. Pháo hoa và đuốc sẽ được thắp lên để xua đuổi những linh hồn ma quỷ và những điều xấu xa. Sau đó mọi người sẽ cùng nhau rảo bước trên đường, đi mãi cho đến khi gặp một giao lộ mới dừng lại. Người Tây Tạng tin rằng, làm như thế họ sẽ diệt trừ được ma quỷ và những điều xui rủi cho năm sắp đến.
Theo truyền thống của Tây Tạng, vào buổi sáng ngày đầu năm, người đầu tiên dậy sớm nhất trong mỗi gia đình nên là những người mẹ. Những người phụ nữ này sẽ lấy những xô nước đầu tiên, được coi là nước may mắn. Gia đình nào lấy được nước may mắn sẽ gặp nhiều bình an trong năm tới, và có được thời tiết tốt cho mùa màng bội thu.
Sau đó, những người phụ nữ này lại tiếp tục cho gia súc ăn, và đánh thức cả gia đình. Tất cả các thành viên trong gia đình sẽ mặc trang phục lễ hội. Người trẻ hơn nên nói “Tashi delek” (Chúc may mắn bằng tiếng Tây Tạng) trước với người lớn tuổi, sau đó họ sẽ dành những lời chúc tốt đẹp nhất cho nhau.
Người Tây Tạng trao các vật trang trí trên ghế ngồi theo độ tuổi. Trước khi ăn, mỗi người phải cho một ít bộ Tsampa vào miệng. Sau đó, người cao tuổi trong nhà lấy một cái phễu ngũ cốc trong đó có lúa mạch rang, trái sâm, đậu rán, ngũ cốc chiên và các thực phẩm khác. Mỗi người bắt một chút và ném lên không trung, đó là nghi thức cho năm mới, sau đó họ lấy một ít để ăn.
Sau buổi lễ, cả gia đình sẽ cùng nhau ngồi lại quanh bàn ăn, uống rượu lúa mạch, ăn trái nhân sâm và các thực phẩm khác để chúc mừng năm mới. Trong ngày này, cả gia đình quây quần bên nhau và đóng cửa, không quét dọn, không cho phép những lời không may mắn và họ không đến thăm gia đình khác vào ngày đầu tiên của năm mới.
Vào dịp Tết, người dân Tây Tạng còn có tục lệ thay mới những lá cờ cầu nguyện trên núi và trong nhà để cầu may mắn. Đặc biệt vào dịp này, mỗi gia đình ở Tây Tạng đều cố lấy cho được xô nước đầu tiên từ giếng, sông hoặc suối để mang về nhà. Vì theo truyền thống của người Tây Tạng, xô nước đầu tiên được lấy vào ngày đầu năm mới sẽ là nước vàng, xô nước thứ hai là nước bạc và tất cả chúng đều mang đến may mắn, hạnh phúc cũng như sự giàu có cho gia đình nào có được.
2. Dân tộc Ơ-luân-xuân ở tỉnh Hắc Long Giang
Sáng mùng 1 tết, trước hết các thanh niên dân tộc Ơ-luân-xuân dâng lên ông bà, cha mẹ một chén rượu đầy tỏ ý tôn kính và thăm hỏi. Sau đó, những người cùng bậc chúc rượu lẫn nhau. Sau khi ăn cơm sáng, thanh niên cùng sum họp tổ chức đua ngựa, thi bắn cung,...
3. Dân tộc Bố Y ở tỉnh Quý Châu
Trong những ngày tết, thanh niên nam nữ dân tộc Bu-y mặc quần áo đẹp chúc tết lẫn nhau hoặc cùng nhau vui chơi, ca hát thoả thích mới ra về.
4. Dân tộc Mông Cổ ở khu tự trị Nội Mông
Tết cổ truyền của người Mông Cổ còn được gọi là tết Tsagaan Sar, hoặc tết Tháng Trắng. Thời điểm diễn ra Tết cổ truyền của người Mông Cổ trùng vào dịp tết Nguyên Đán của người Việt.
Tsagaan Sar được dịch từ tiếng Mông Cổ sang tiếng Việt có nghĩa là tháng trắng. Nguồn gốc của tên gọi này có thể bắt nguồn từ màu trắng của mùa đông hay từ màu trắng của thực phẩm. Thời điểm bắt đầu lễ Tsagaan Sar báo hiệu rằng mùa đông lạnh lẽo tại đây sắp chấm dứt, mùa xuân sắp tới, đây cũng là dịp các gia đình quần quần sum họp. Có lẽ vì lý do này, người dân Mông Cổ đặc biệt yêu thích màu trắng. Người Mông Cổ coi màu trắng là biểu tượng của sự thuần khiết, đem lại sự cát tường, may mắn. Trong những ngày đầu năm mới, họ thường mặc đồ trắng hay tặng nhau những đồ vật có màu trắng.
Trước Tết, người Mông Cổ sẽ tiến hành dọn dẹp thật sạch nhà cửa cũng như chuồng trại, thậm chí còn dùng sữa ngựa để rửa bát trong đêm Giao thừa. Vào thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, người Mông Cổ duy trì tập tục uống trà. Chén bát sẽ được rửa sạch bằng sữa ngựa. Chủ nhà rót ra một chén trà đầu tiên, đem ra sân trước vẩy khắp 4 hướng. Chén trà thứ hai dành cho người chủ gia đình, các chén sau đó mời những thành viên còn lại.
Nghi thức uống rượu trong ngày tết Tsagaan Sar tại vùng Nội Mông cũng hết sức cầu kì, đặc biệt trong những ngày tết còn diễn ra hết sức phức tạp. Vào ngày mùng 1, khi tới nhà người khác, việc đầu tiên phải làm là cúi đầu trước Phật đường, sau đó hành lễ với bậc trưởng bối trong nhà. Người trẻ trong nhà phải phải có trách nhiệm thực hiện công việc này, tiền bối khi nhận rượu cũng phải quỳ gối tỏ lòng cảm kích. Đàn ông sẽ quỳ hai gối, cúi đầu xuống thấp, cung kính đưa hai tay về phía trước. Con gái chưa gả chồng cũng hành lễ như vậy. Phụ nữ đã xuất giá chỉ cần quỳ một gối, tay phải đưa lên để mời rượu. Tân nương mới lấy chồng trong lúc kính rượu lại cần ca hát.
Tết Tsagaan Sar cũng là dịp các cao niên tại Nội Mông chuộng mốt mặc đồ như những người chăn dê: Khoác áo lông thú, đội mũ da, tay cầm một chiếc roi, liên tiếp quất vào không trung. Hành động này xuất phát từ suy nghĩ trừ tà, bảo vệ dân làng và đàn gia súc. Cũng dịp này nam thanh nữ tú sẽ chọn một con ngựa tốt để thể hiện tại năng và đi dạo chơi thăm thú.
5. Dân tộc Hà Nhì ở tỉnh Vân Nam
Trong những ngày tết, các thanh niên nam nữ dân tộc Hà Nhì cùng sum họp uống rượu, ca múa và lựa chọn người mà mình yêu mến.
6. Dân tộc Bạch ở tỉnh Vân Nam
Bữa cơm đầu tiên sáng mùng một tết, già trẻ đều ăn chè bỏng gạo, mong muốn năm mới cuộc sống ngọt ngào như mật.
7. Dân tộc Miêu ở huyện tự trị dân tộc Miêu Rongshui, thuộc khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây
Người Miêu tại Trung Quốc cũng đón mừng năm mới theo cách riêng của họ. Thông thường, năm mới của người Miêu sẽ diễn ra vào khoảng tháng 10 Âm lịch (cuối tháng 10 hoặc tháng 11 Dương lịch), hoặc có khi trễ hơn.
Thời điểm chính xác để đón mừng năm mới thường chỉ được tiết lộ khoảng 2 tháng trước khi lễ mừng diễn ra. Tết là dịp lễ hội quan trọng nhất trong năm của người Miêu. Nó tượng trưng cho sự khởi đầu của những điều mới mẻ và thành công.
Trong dịp lễ này, những cô gái dân tộc Miêu sẽ mặc trang phục truyền thống xuống đường du xuân. Nhiều cuộc diễu hành lớn cũng được tổ chức. Nhiều hoạt động vui chơi giải trí như đua ngựa, đấu bò, thi thổi lusheng cũng được diễn ra thu hút rất đông người xem và tham dự.
8. Dân tộc Đồng huyện Rongjiang, tỉnh Quý Châu
Lễ mừng năm mới của người Đồng không có thời gian cố định mà thường thay đổi qua từng năm. Thông thường, người Đồng sẽ đón Tết vào những ngày đầu tiên của tháng 11 Âm lịch (khoảng cuối tháng 11 hoặc 12 theo Dương lịch). Tuy nhiên, thời gian còn có thể thay đổi tùy theo từng ngôi làng, một vài nơi còn tổ chức mừng năm mới vào những ngày cuối của tháng 10.
Lễ mừng năm mới của người Đồng thường là dịp để đánh dấu sự kết thúc một mùa gặt (thường là mùa thu). Theo đó dân làng sẽ bắt đầu nghỉ ngơi, dành thời gian để vui chơi thư giãn sau một vụ mùa bận rộn.
Trước Tết, người Đồng thường dọn dẹp nhà cửa, mua sắm quần áo mới, làm bánh gạo, giết mổ động vật, thắp nhang và nến để cúng bái tổ tiên.
Trong lễ mừng năm mới, người Đồng sẽ mặc trang phục truyền thống và mời khách đến nhà để dự tiệc, đồng thời gửi nhiều loại thức ăn khác nhau cho bạn bè, bà con họ hàng như rau củ muối chua, cá đông lạnh và ziba (một loại bánh làm từ gạo nếp). Để đáp lại tấm lòng của người gửi, thông thường người nhận sẽ tặng lại một số đồ tương đương cho người gửi. Phong tục này thường được người dân địa phương gọi là "Sự trở lại của ziba".
Nhiều hoạt động vui chơi giải trí cũng được tổ chức vào dịp này. Điểm nổi bật nhất trong các lễ hội là những màn chơi lusheng (một loại sáo làm từ tre) của các nam thanh niên trong làng cùng những màn chọi trâu. Cả hai hoạt động đều thu hút rất đông khán giả đến xem.
9. Dân tộc Lê ở tỉnh Hải Nam
Đêm giao thừa, các gia đình người dân tộc Lê đều cả nhà ngồi quây quần, thưởng thức tiệc rượu, trong bữa ăn còn hát mừng năm mới. Đến mùng 1 hoặc mùng 2 tết, mọi người cùng nhau đi săn lợn, chia một nửa cho người đầu tiên bắn được còn lại một nửa chia đều cho mọi người, người phụ nữ có thai được chia hai suất.
10. Dân tộc Di ở tỉnh Tứ Xuyên
Trong những ngày Tết, bà con dân tộc Di cùng múa điệu múa “Múa dưới ánh trăng”để đón mừng ngày Tết. Mùng 1 Tết có một số bản làng để người nam giới cáng đáng công việc gia đình còn phụ nữ nghỉ ngơi, để tỏ lòng quan tâm chị em cả năm làm lụng vất vả.
11. Dân tộc Thủy ở tỉnh Quý Châu
Trong những ngày tết, các các em nhỏ dân tộc Thủy sẽ đến từng nhà xin người lớn kẹo ăn, em nào xin được nhiều nhất thì em đó được coi là nhiều phúc lộc nhất, sau này thông minh, mạnh khỏe.
12. Dân tộc Triều Tiên ở tỉnh Cát Lâm
Tập tục dân Tộc Triều Tiên là nhà nào nhà nấy dán câu đối, nấu các món ăn thịnh soạn, ăn “cơm bát bảo”. Sáng sớm mùng 1 tết, mọi người mặc quần áo của dân tộc mình đi chúc tết.
Chắc chắn sau khi đọc qua bài viết này, du khách sẽ cảm thấy các phong tục Tết Nguyên Đán của đất nước Trung Quốc cũng rất đa dạng bởi có sự "góp mặt" của những ngày tết riêng biệt của mỗi dân tộc thiếu số ở đây. Du khách hãy đến du lịch Trung Quốc trong dịp này để khám phá nhiều điều thú vị hơn về đất nước này nhé!