Sử sách ghi chép, Cố Luân Hoà Hiếu Công Chúa sinh ngày 3 tháng 1 (âm lịch) năm Càn Long thứ 40 (1775). Thân mẫu của bà là Đôn phi - một phi tần người Mãn Châu, xuất thân từ Mãn châu Chính Bạch kỳ, đồng thời cũng là vị phi tần được sủng ái bậc nhất Hậu cung lúc bấy giờ.
Lúc này, gần như hầu hết các con gái của Càn Long Đế, bao gồm cả Cố Luân Hòa Tĩnh Công chúa và Hòa Thạc Hòa Khác Công chúa, hai con gái của Càn Long Đế với Lệnh Ý Hoàng quý phi Ngụy thị hoặc đều đã qua đời, hoặc đã lấy chồng và rời khỏi Tử Cấm Thành. Càn Long Đế khi ấy đã 63 tuổi vì vậy rất vui mừng khi có thêm một tiểu Công chúa bên cạnh. Càn Long xem Cố Luân Hòa Hiếu Công Chúa là vinh phúc mà ông trời còn ưu ái ban cho mình. Kể từ khi sinh ra, Hoà Hiếu Công chúa đã được Càn Long Đế hết mực cưng chiều, cùng với các Hoàng thất tông nữ, hoặc các anh em trong Hoàng tộc vui chơi. Bà là con gái thứ 10 của Càn Long Đế, nên được gọi là "Thập Công chúa".
Được sự cưng chiều của phụ hoàng, Hòa Hiếu Công Chúa thường quấn quýt bên Càn Long. Thậm chí bà còn được phép có mặt trong các cuộc họp chính sự. Chưa kể, vì quá thương yêu cô con gái út này, mà Càn Long là phá vỡ quy tắc của các lão tổ tông để lại, đó là Càn Long đã nâng tước vị của Hòa Hiếu Công Chúa từ Hoà Thạc Công Chúa (tước vị dành cho công chúa do các phi tần sinh ra) lên thành Cố Luân Công Chúa (tước vị chỉ dành cho công chúa do Hoàng Hậu sinh ra).
Cố Luân Hòa Hiếu Công Chúa thường được nhận xét là có vẻ ngoài rất giống cha mình, bà được nhận xét là tính cách quyết đoán, và thường giả nam trang tháp tùng Càn Long Đế trong những chuyến đi săn. Càn Long Đế từng than thở với Công chúa rằng: "Nếu con mà là Hoàng tử, ắt ta sẽ lập làm Trữ quân rồi". Câu nói này càng nói lên mức độ yêu thương và đặt nhiều kỳ vọng của ông dành cho cô công chúa út của mình.
Một lần khác, sự thương yêu của đấng Thiên tử dành cho Cố Luân Hòa Hiếu Công Chúa trở thành thứ giúp mẫu thân Đôn Phi của công chúa thoát khỏi cảnh bị trừng phạt. Sử liệu ghi chép, năm Càn Long thứ 43 (1778), Đôn Phi Uông thị đã đánh đập tỳ nữ của mình cho đến chết, chỉ vì một sai lầm nhỏ. Tất nhiên, Tử Cấm Thành có quy tắc của Tử Cấm Thành, giết người là trọng tội trọng đối với luật pháp nhà Thanh nên Đôn Phi Uông thị không tránh khỏi việc bị trừng phạt nặng nề. Tuy nhiên, do tính đến việc Cố Luân Hòa Hiếu Công Chúa sẽ bị ảnh hưởng nếu mẫu thân bị trừng phạt, thế là Càn Long Đế dơ cao đánh khẽ, chỉ giáng chức Uông Thị xuống thành Đôn tần.
Do được vua cha Càn Long quá cưng chiều như thế, nên Cố Luân Hòa Hiếu Công Chúa ngay từ tấm bé đã rất nghịch ngợm. Điều này, làm không ít người lo lắng, vì suy cho cùng, Hòa Hiếu Công Chúa cũng là nữ tử của Hoàng đế, làm gì cũng phải có phép tắc, nhưng vẫn chẳng có ai dám lên tiếng chỉnh đốn. Bởi lẽ, ngoài Càn Long, Cố Luân Hòa Hiếu Công Chúa còn được một thế lực Hậu cung khác "chống lưng", bảo vệ. Đó chính là Dung phi Hòa Trác Thị.
Dung phi Hòa Trác Thị lúc bấy giờ là sủng thiếp của Thanh Cao Tông Càn Long Đế. Bà xuất thân từ gia tộc rất có uy vọng nên tiếng nói trong Hậu cung cực kỳ lớn. Bà lớn lên ở vùng thảo nguyên, yêu thích tự do bay nhảy, cho đến khi bị gả vào Tử Cấm Thành thì đành trói chặt mình ở nơi đây. Với thời niên thiếu như vậy nên bà rất cảm thông với sự nghịch ngợm bất quy tắc của Cố Luân Hòa Hiếu Công Chúa và dành cho vị Công Chúa không phải do mình sinh ra rất nhiều tình cảm.
Dung phi không có con, nên tình yêu, tình thương bà dành cho Cố Luân Hòa Hiếu Công Chúa không khác gì tình mẫu tử, mãi cho đến khi qua đời. Năm Càn Long thứ 53 (1788), Dung phi lâm trọng bệnh khó mà qua khỏi, lúc này hôn lễ của Hòa Hiếu Công Chúa cũng đã đến gần. Cảm thấy cực kỳ tiếc nuối, liền trước lúc mình qua đời, Dung phi hạ lệnh đem hết châu báu do bản thân tự cất giữ đem chia cho Hòa Hiếu một phần coi như của hồi môn. Nói là "một phần" chứ thực chất là lên đến hơn 200 kiện nữ trang quý giá.
Một năm sau khi Dung phi qua đời, năm Càn Long thứ 54 (1789), tháng 11, Cố Luân Hòa Hiếu Công Chúa khi đó đã 14 tuổi, chính thức kết hôn với Phong Thân Ân Đức,15 tuổi.
Chồng của Công Chúa là trưởng tử của Hòa Thân - viên quan xuất thân từ tộc Nữu Hỗ Lộc (gia tộc của Sùng Khánh Hoàng Thái hậu, mẫu thân của Càn Long). Viên quan này rất được Càn Long Đế sủng ái lúc bấy giờ.
Sau khi con gái xuất giá 3 ngày, vì quá thương nhớ, Càn Long Đế triệu vợ chồng Cố Luân Hòa Hiếu Công Chúa vào cung và ban cho cô công chúa này 300.000 lạng bạc. Số bạc này, có thể nói là lớn nhất và lớn hơn rất nhiều so với của hồi môn của bất kỳ vị công chúa nào khác. Điều này, lại càng nói thêm rằng, tình phụ tử mà Càn Long Đế dành cho cô công chúa út Hòa Hiếu là vô bờ bến.
Đáng tiếc, dù được hưởng vinh hoa phú quý ngập trời, nhưng con đường sinh nở của Cố Luân Hòa Hiếu Công Chúa lại gặp quá nhiều trắc trở. Trong khoảng từ năm Càn Long thứ 58 (1794) đến năm thứ 60 (1796), Hòa Hiếu sinh được một người con trai cho chồng. Đến năm năm Gia Khánh thứ 2 (1798), đứa trẻ yểu mệnh, qua đời. Từ đó công chúa không thể sinh con được nữa. Do lo sợ nhà chồng tuyệt tự, công chúa khuyên Ân Đức nạp thiếp, nhưng rồi cũng chỉ có thêm 2 đứa con gái.
Năm Gia Khánh thứ 4 (1799), Hòa Thân bị bắt vì tội tham ô và lũng đoạn quan trường. Sau khi bị kết tội, Hòa Thân bị xử tùng xẻo, nhưng Gia Khánh Đế sau đó cho phép Hòa Thân được tự vận tại nhà để giữ thể diện cho em gái là Cố Luân Hoà Hiếu Công chúa. Gia Khánh Đế cũng vì thế tha tội cho Phong Thân Ân Đức, chỉ bị tước hết danh hiệu. Riêng khối tài sản được Hòa Thân tích cóp suốt một đời làm tham quan, cũng bị Gia Khánh Đế ra lệnh tịch thu và ban một phần số gia sản khổng lồ này cho Cố Luân Hòa Hiếu Công Chúa, coi như an ủi em gái út lâm vào cảnh gia đình chồng tan tác.
Đến năm Gia Khánh thứ 11 (1806), Gia Khánh Đế hạ lệnh điều Phong Thân Ân Đức đến Mông Cổ để phục vụ cho quân đội nơi đây. Từ đó, Cố Luân Hòa Hiếu Công Chúa theo chồng về nơi thảo nguyên sinh sống.
Chẳng được bao lâu thì Phong Thân Ân Đức ngã bệnh, Gia Khánh đế lại hạ lệnh cho phép vợ chồng công chúa quay về Bắc Kinh và nhận tước Tấn công. Ba tháng sau, vào tháng 5, ông qua đời, để lại Hoà Hiếu Công chúa chịu cảnh ở goá, nuôi dạy hai con gái 11 tuổi và 5 tuổi của chồng mình.
Cuộc sống của công chúa ổn định về tài chính, do Gia Khánh Đế ra lệnh cho Nội vụ phủ phải chu cấp chu đáo cho bà, tầm 6000 lạng bạc. Để cho công chúa có nơi nương tựa, ngoài số lương bổng lớn, Gia Khánh Đế còn để Phúc Ân làm con thừa tự, thế tập tước Khinh xa Đô úy của Hòa Thân. Thời Đạo Quang Đế, Công chúa tiếp tục được cháu trai chiếu cố.
Năm Đạo Quang thứ 3 (1823), ngày 10 tháng 9 (âm lịch), Cố Luân Hòa Hiếu Công chúa qua đời, Đạo Quang Đế đích thân đến viếng tang. Tại khu Hải Điến, Bắc Kinh, có một tòa nhà thôn trang tầm 300 người ở, theo truyền thuyết là nơi chôn cất của Cố Luân Hòa Hiếu Công chúa.
Trung Hoa nổi tiếng với chiều dài lịch sử nhiều biến cố cùng những triều đại thay phiên nhau và những câu chuyện thâm cung bí sử ít người biết đến. Chính những câu chuyện về lịch sử lại trở thành "liều thuốc" kích thích bất cứ ai muốn tò mò về lịch sử triều đại của một quốc gia đông dân nhất thế giới này. Nếu du khách yêu thích lịch sử Trung Hoa và muốn tự mình khám phá nhiều điều thú vị hơn thì hãy thực hiện ngay một chuyến du lịch Trung Quốc cùng người bạn đồng hành Viet Viet Tourism nhé!