Cờ vây là môn cờ cổ nhất trong lịch sử, được cho là một trong tứ nghệ - bốn loại hình nghệ thuật thiết yếu được các bậc đại học sĩ, vương công quý tộc áp dụng trong việc nuôi dạy và giáo huấn con người thời cổ đại. Do nó mang những giá trị về trí tuệ, đạo lý nhân sinh, triết lý và nghệ thuật sống, nên cờ vây được lưu truyền và bảo lưu cho tới tận ngày nay.
CỜ VÂY KHỞI ĐẦU TỪ THỜI NGHIÊU ĐẾ
Ngay từ lúc đầu, cờ vây được đánh giá rất cao vì chú trọng đến phương pháp luận, với một lịch sử rất lâu dài. Có nhiều truyền thuyết về nguồn gốc của nó, trong đó có một thuyết được khá nhiều người công nhận là môn này khởi đầu từ thời Nghiêu Đế.
Trương Hoa, thời nhà Tấn, đã viết trong sách “Bác vật chí” rằng: “Vua Nghiêu nghĩ ra môn chơi cờ vây để dạy dỗ Đan Chu, con trai của mình”. Trong đó còn nói vua Thuấn cảm thấy con mình là Thương Quân không được thông minh lắm, cũng từng dạy dỗ con bằng bàn cờ vây.
Trong “Lộ sử hậu ký” của La Bí, thời đại nhà Tống, có nói rằng: Phi tần của vua Nghiêu là Phú Nghi Thị sinh được một hoàng tử, đặt tên là Đan Chu. Hành vi của Đan Chu không được tốt, nên vua Nghiêu đã đi tìm những vị đạo tiên để hỏi cách chỉ bảo cách dạy con.
Một hôm, ở gần bờ sông Phấn, ông nhìn thấy hai vị tiên đang ngồi đối diện nhau dưới cây tùng. Ông ngắm họ vạch những đường ngang dọc trên cát, rồi đặt những miếng đá đen trắng trên hàng vẽ như đang bày trận đồ. Nhà vua tiến đến hỏi cách làm thế nào để có thể sửa đổi tính tình Đan Chu.
Một vị tiên nói: “Đan Chu hay tranh giành mà lại ngu ngốc, hãy dùng những phương diện gì hắn có sở trường mà uốn nắn tính tình của nó theo con đường tốt”. Còn vị tiên kia lấy tay chỉ những đường kẻ trên cát và các viên đá đen trắng nói rằng: “Cái này gọi là bàn cờ Vi Kỳ. Bàn cờ này hình vuông mà yên tĩnh, trong khi những viên đá kia hình tròn mà chuyển động. Nó đi theo cách vận chuyển của Trời và Đất. Từ khi bàn cờ vây được thành lập đến nay, chưa có ai có thể hoàn toàn phá giải nó được”. Sau đó Đan Chu đã được vua Nghiêu dạy chơi cờ vây, và quả thật tính nết cũng thay đổi thành tốt hơn.
Từ đó mà thấy, người xưa sáng tạo ra môn cờ vây, không phải chỉ để tiêu khiển giết thời giờ hay học cách tranh giành hơn thua, mà để tu thân dưỡng tính, phát sinh trí tuệ, và biểu lộ tài năng nghệ thuật của người chơi. Vả lại, cờ vây còn có tương quan liên hệ đến thiên tượng dịch lý, binh pháp chiến lược, và vấn đề trị quốc an dân.
CỜ VÂY CHỨA NHỮNG TRÍ TUỆ VỀ KHÁM PHÁ VÀ HIỂU BIẾT VỀ VŨ TRỤ CỦA NGƯỜI XƯA
Người Trung Hoa cổ đại trong quá khứ có trí tuệ siêu phàm và khoa học phát triển. Sự phát triển của họ không giống như ngày nay con người hiện đại lựa chọn cho mình con đường đi.
Người cổ đại nghiên cứu nhắm thẳng tới sinh mệnh con người, tới không gian vũ trụ. Họ không cần dùng những công cụ như vệ tinh chụp hình vũ trụ để nhận định về vũ trụ, họ dùng trí huệ có được trong bản nguyên sinh mệnh họ mà đột phá không gian, tìm hiểu về tận gốc rễ.
Người hiện đại trị bệnh dùng máy móc để phát hiện bệnh và trị bệnh, người cổ đại không cần dùng máy móc vẫn chữa được bệnh. Họ chỉ cần dùng mắt nhìn qua là thấy được căn nguyên gốc rễ của vấn đề. Điều đó phản ánh trí tuệ của người xưa.
Và khi có hiểu biết về vũ trụ, người cổ đại cũng sáng tạo ra những loại hình nghệ thuật để mô tả nó, ví như thiết kế của bàn cờ vây cũng lí giải cho tầm hiểu biết thâm sâu đó.
CỜ VÂY VÀ VŨ TRỤ
Một số những thầy chơi cờ vây giỏi ngày nay cho rằng bàn cờ vây nhìn giống như một vũ trụ, do 360 thiên thể hợp lại mà thành. Có 19 đường dọc và 19 đường ngang trên bàn cờ, và 361 điểm tổng cộng. Một điểm dư ở trung tâm, gọi là Thiên Nguyên, tức là Thái Cực, đại biểu cho trung tâm của vũ trụ. Con số 360 chính là số ngày trong một năm âm-lịch, được chia ra làm bốn. Bốn góc là xuân, hạ, thu, đông. Những con cờ đen và trắng đại biểu cho ngày và đêm. Như vậy cả bàn cờ giống như là hình tượng biến hóa của Trời và Đất.
Cờ vây nổi tiếng tới mức trong một loạt phim cổ sử của Trung Quốc, ta thấy Tần Thủy Hoàng đêm ngày luyện cờ vây nhằm mở rộng đất đai lãnh thổ, chinh phục, thống nhất thiên hạ, ta thấy Khổng Minh đánh cờ vây để tạo ra những trận nổi tiếng như Xích Bích, Hoa Dung, ta thấy Càn Long lấy cờ vây để thể hiện trí dũng của mình, còn Tể Tướng Lưng Gù chơi những ván cờ vây tuyệt diệu và cơ trí đã lấy được vợ đẹp và nhiều lần mưu trí hạ bệ Hòa Thân gian xảo?… Xưa kia, trong triều đình Trung Hoa, ai không biết chơi cờ vây thì vẫn bị coi là “kẻ vẫn còn khiếm khuyết”.
CỜ VÂY MANG THEO GIÁ TRỊ TRIẾT LÝ VÀ NGHỆ THUẬT SỐNG: BIẾT MÌNH BIẾT NGƯỜI, TRĂM TRẬN TRĂM THẮNG
Người Trung Hoa cổ đại coi trọng đạo lý và tâm tính của con người, giống như bắn cung, trà đạo, hay cắm hoa, thì cờ vây cũng mang theo những triết lý và những nghệ thuật sống được gọi chung là: Đạo.
Đạo trong cờ vây là một khái niệm rất rộng và liên quan tới cả thuyết của Đạo gia, Phật gia và có hồi hướng liên quan tới Nho giáo.
BÀI HỌC ĐẦU TIÊN CON NGƯỜI PHẢI HỌC CHÍNH LÀ BÀI HỌC "NHẪN" THÔNG QUA CỜ VÂY
Con người có nhẫn thì mới có thiện, bất nhẫn ắt bất thiện, khi có thiện sẽ phát sinh ra chân tính. Đây là giá trị cốt lõi mà trong cờ vây hướng tới.
Người chơi phải rèn luyện tinh thần: ‘‘nhẫn đạo’’. Luyện óc quan sát và phán đoán tìm hiểu đối phương mà đưa ra chiêu sách hợp lý đối phó. Ví như: với người quá mạo hiểm, thích tấn công, đánh nhanh thắng nhanh, thì mưu cầu tấn công lại chính là sơ hở. Nhưng, nếu rụt rè sẽ thua, ôm tham vọng lớn mà không xét nội lực thì thất bại lúc nào không hay. Bởi trong cờ vây, không chỉ cần nắm vững kĩ thuật, mà chiến thuật, chiến lược phải chặt chẽ. Trạng thái tinh thần ổn định, điềm tĩnh, nhẫn nại quan sát, tập trung cao độ và óc phán đoán thì mới nắm được tinh thần của người chiến thắng.
Ngoài nhẫn đạo, người chơi cờ vây sẽ cần một khả năng cảm nhận trực quan về con người một cách sâu sắc. Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng. Nắm được đối phương thuộc loại người nào nhút nhát, tham lam, cố chấp, nhu nhược, hiếu thắng, nóng tính hay hiền hòa. Tất cả những điều này đều được thực hiện trong từng nước đi của cờ.
Từ đó mà nắm luôn điểm yếu và sơ hở của đối phương mà dành chủ động trên thế trận.
Nhưng cũng từ những nước đi của đối phương mà tìm ra tri kỉ và người tương hợp với tư tưởng của mình. Người xưa gọi đó là kết giao thâm tình qua bàn cờ.
Cờ vây là một môn nghệ thuật mà tính cách, tư tưởng, đạo đức đều nằm trên bàn cờ, nó xóa đi mọi rào cản về địa lý và ngôn ngữ, mang con người và con người gần nhau hơn, hiểu nhau hơn, dễ thông cảm và sẻ chia hơn.
Do vậy người xưa coi Kỳ trong tứ nghệ là một môn nghệ thuật không thể thiếu trong đời sống con người. Người chơi cờ vây không chỉ là giải trí, mà còn được học về đạo lý nhân sinh, giáo huấn con người nâng cao bài học về đạo đức.
Nên cờ vây không dừng lại ở tính khoa học, mà hơn hết nó còn là kho tàng kiến thức trong mọi lĩnh vực, giúp con người trở nên hoàn thiện hơn, am hiểu hơn từ đó mà thay đổi cách nhìn nhân sinh quan. Hiểu được chính bản thân mình mà bồi đắp trở thành một con người hoàn thiện.
CỜ VÂY - TRÒ CHƠI TRÍ TUỆ CÓ SỨC SỐNG MÃNH LIỆT
Cho tới ngày nay, dù đã hơn 4.000 tuổi nhưng cờ vây không những bị lão hóa, bị mai một mà ngày càng tràn trề sức sống, 68 quốc gia trên thế giới ở khắp các châu lục đã cùng nhau lập ra Hiệp hội cờ vây quốc tế (trong đó có Việt Nam được kết nạp năm 1998) thu hút hàng triệu người hâm mộ.
Người Trung Hoa sau gần 100 năm quên lãng sản phẩm chính hiệu của mình do mải chạy theo cờ Tướng, nay đang ra sức phục hồi. Nhật Bản đã vươn lên hàng đầu trong thế giới cờ vây và họ giữ ngôi quán quân cờ vây trong rất nhiều năm.
Nếu như cờ Tướng và cờ Vua đều có một mục tiêu duy nhất là tiêu diệt quân Tướng hay Vua thì chỉ cần diệt được quân đó thôi thì tất cả còn lại sẽ sụp đổ hoàn toàn. Cờ Tướng và cờ Vua nhắm vào một quân duy nhất nên hai loại cờ mang tính chiến tranh, tính hủy diệt rất cao. Tất cả các quân hai bên đều tìm cách ăn quân càng nhiều càng tốt mà không hề để ý gì tới lãnh thổ đất đai. Sự đối kháng trên bàn cờ tướng, cờ vua là một mất một còn, không hề có sự khoan nhượng. Cờ Vây thì hoàn toàn khác.
Cờ vây có mục tiêu tối thượng và duy nhất là chiếm được “đất” càng rộng càng tốt. Bắt quân cũng rất cần nhưng luôn là chuyện thứ yếu. Nếu so với cờ Tướng, Vua chỉ có 32 quân và 64 ô để hoạt động thì người chơi cờ vây phải có sự tính toán cực kỳ sâu xa mới có thể điều khiển 361 quân trên một diện tích rộng gấp 5 lần. Điều đó giải thích tại sao người chơi cờ vây phải tính trước rất nhiều nước không chỉ cho một đám quân mà cả cho chục đám quân xen kẽ rất phức tạp trên bàn cờ. Óc tưởng tượng trong cờ vây là rất lớn.
Tuy thế trong suốt chiều dài lịch sử, cờ vây cũng trải qua không ít thăng trầm. Trong một thời gian dài, khoảng một thế kỷ cờ vây hầu như bị quên lãng do những cuộc chiến tranh liên miên của các nước châu Á, do không tổ chức các cuộc thi đấu, khiến cho tình trạng chơi cờ trong dân gian rất tản mạn, bị co hẹp. Đến thời kỳ yên bình, cờ vây mới được khôi phục. Nhưng khi đó các môn cờ khác cũng trỗi dậy và cờ vây lại bị sự lấn át của môn cờ Tướng và sau đó cũng mạnh không kém của môn cờ Vua. Trung tâm cờ vây không còn nằm ở Trung Quốc mà chuyển sang các nước lân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc…
Nghệ thuật Cờ vây đã góp phần tạo nên một nền văn hóa Trung Hoa đặc sắc, và đây cũng là một trong những lý do thu hút lượng lớn khách du lịch quốc tế tìm đến khám phá hàng năm. Nếu du khách cũng yêu thích nền văn hóa truyền thống của vùng đất rộng lớn này thì hãy tham gia ngay tour Trung Quốc cùng người bạn đồng hành Viet Viet Tourism nhé!