Hàng năm, cứ đến Tết Đoan Ngọ là người dân Trung Quốc lại tổ chức lễ hội Thuyền Rồng trên khắp đất nước. Đây là một lễ hội truyền thống rất có ý nghĩa ở Trung Quốc. Lễ hội thuyền Rồng là ngày người dân Trung Quốc cầu bình an trong cuộc sống và mong tránh xa bệnh dịch.
Theo nhiều tài liệu, lễ hội Thuyền Rồng truyền thống trong văn hóa Trung Quốc được tổ chức với lần đầu tiên ở Phiên Ngu, nơi đã sản sinh ra một nền văn hóa thuyền rồng mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Trung Hoa, với các hoạt động như: lễ hội uống rượu, cuộc thi nấu cơm trên thuyền rồng, cuộc thi điêu khắc đầu rồng.
Lễ hội được tổ chức vào mùng 5/5 âm lịch hàng năm, trên dọc tất cả các con sông của đất nước Trung Quốc. Cứ vào dịp lễ hội là trên các con sông khắp đất nước Trung Hoa lại xuất hiện từng hàng dài những chiếc thuyền rồng có màu sắc sặc sỡ. Người dân, ngồi trên những chiếc thuyền rồng, mặc trên mình những bộ trang phục truyền thống và cùng nhau ném bánh nếp, bánh gạo và trứng luộc xuống sông. Có rất nhiều giải thích khác nhau được đưa ra để giải thích về nguồn gốc của nghi thức này nhưng đáng tin nhất vẫn là câu chuyện của vị quan Khuất Nguyên. Khuất Nguyên là vị quan nước Sở, nổi tiếng là trung quân ái quốc. Lúc hay tin nước Sở bị nhà Tần đánh bại ông đã gieo mình xuống sông Mịch La đúng vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch. Người dân địa phương kính trọng tấm lòng trong sạch của ông nên đã ném đủ loại thức ăn xuống con sông này với mong muốn là cá tôm đừng ăn mất xác của ông.
Lễ hội Thuyền Rồng gồm 2 phần chính: phần lễ và phần hội. Trong phần lễ, những ngư dân tại nơi đây sẽ dâng hương cúng như một lòng thể hiện sự kính trọng của riêng họ đến với tổ tiên, cùng các vị thần linh của sông nước và biển cả. Nó được xem như là phần rất quan trọng, tất yếu của ngày hội.
Tiếp theo đó sẽ được diễn ra phần hội, chính là phần của sự thi tài đua thuyền của các ngư dân nơi đây, được diễn ra rất gay gắt và thu hút được khá nhiều sự chú ý của nhiều người dân. Các nhóm chèo thuyền sẽ cạnh tranh nhau quyết liệt cùng nhịp trống đập thình thịch vang dội cả khúc sông.
Ngoài những hoạt động đặc biệt trên, trong lễ hội còn có cuộc thi uống rượu, thi nấu cơm trên thuyền rồng, hay các cuộc thi điêu khắc đầu rồng,...
Đến tham dự lễ hội, du khách sẽ được tận hưởng trọn vẹn bầu không khí vô cùng sôi động, náo nức của lễ hội này. Bên cạnh đó, đây còn là dịp để du khách có thể thưởng thức những món ăn ngon, đặc sắc của nền ẩm thực Trung Hoa. Trong ngày diễn ra lễ hội này, có rất nhiều món ăn độc đáo được chế biến để mời thực khách như:
Bánh nếp đậu Zongzi là món bánh được người dân thả xuống sông nhiều nhất. Món bánh này có hình tam giác, nhân đậu đỏ mềm, bùi và thơm ngon. Tại mỗi địa phương trên đất nước Trung Quốc, Zongzi lại được “biến tấu” với nhiều phiên bản khác nhau, nhưng vẫn dựa trên nguyên liệu chủ đạo là vỏ gạo nếp và nhân đậu.
Bánh rán vừng Jiandui là món tráng miệng thường ngày rất quen thuộc của người Trung Quốc. Và đây còn là món ăn truyền thống trong Lễ hội Thuyền Rồng. Tuy nhiên có chút khác biệt là bánh dùng trong lễ hội sẽ có nhân đậu đỏ để tượng trưng cho sự may mắn và sung túc.
Trứng hấp trà được đánh giá là món ăn cực kỳ độc đáo và chỉ xuất hiện trong dịp lễ hội này. Trứng sẽ được hấp với nước trà pha loãng và sau khi hấp, vỏ trứng sẽ có màu đỏ thẫm, còn lòng trắng trứng trở nên dai, giòn và ngon hơn rất nhiều. Đặc biệt, để tạo nên vẻ bắt mắt, người ta còn tô vẽ thêm lên vỏ của trứng hấp trà bằng nhiều hình thù sinh động, sau đó cho vào một túi vải thêu hoa rực rỡ rồi đeo vào cổ các em bé như một món quà cầu chúc sự may mắn.
Vào ngày 20/5/2006, lễ hội Thuyền Rồng lần đầu tiên được chọn là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia và vào ngày 30/10/2009, nó được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.