Slider

Dương Quý Phi (719 - 756), hay còn gọi với cái tên Dương Ngọc Hoàn là sủng phi của vua Đường Huyền Tông Lý Long Cơ. Nàng được xếp vào hàng Tứ đại mỹ nhân trong lịch sử Trung Quốc nhờ sắc đẹp được ví như "Tu hoa", khiến hoa phải thu mình lại vì hổ thẹn.

Dù vượt qua nhiều người đẹp khác thuộc tam cung lục viện để chiếm trọn trái tim của Đường Huyền Tông, song mỹ nhân họ Dương cũng mang tiếng xấu khi từ phận con dâu lại trở thành sủng phi của cha chồng, rồi còn “vụng trộm” với người con nuôi trẻ tuổi An Lộc Sơn.

Nhưng cuối cùng, nàng vẫn không được sắc phong làm Hoàng hậu và số phận bi đát không ngoại lệ "hồng nhan bạc phận"...

Tuyệt sắc giai nhân nhà Đường

Dương Quý phi sinh năm Khai Nguyên thứ 7 (719), nguyên quán Thục Quận (nay là Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên), xuất thân từ gia tộc Hoằng Nông Dương thị tại Hoằng Nông, Bồ Châu (nay là ngoại ô thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây). Thật ra sử chính không hề ghi năm sinh của Dương phi, vì khi bà qua đời, sách ghi khi 38 tuổi (tuổi mụ), nên mới suy ra là thời gian này.

Dương thị là con út trong số bốn người con gái của một vị quan tư hộ đất Thục Chân. Gia đình này nguyên gốc ở một quận Hoa Âm, Thiểm Tây, có tổ tiên là Dương Uông, một hậu duệ hoàng tộc nhà Tùy, bị Đường Thái Tông Lý Thế Dân xử tử. Cha Dương thị là Dương Nguyên Diễn, thuộc dòng khá giả vì tổ phụ từng làm Thứ sử tại quận Kim. Xuất thân trong gia đình quan lại, cùng gia quyến sống ở Tứ Xuyên, từ nhỏ Dương Ngọc Hoàn được học hát, múa. Đến năm 10 tuổi, cha mẹ mất, Ngọc Hoàn mới đến Lạc Dương, sống với nhà bác ruột, tức Dương Huyền Diễn.

Sử sách ghi chép: “Mỹ nữ họ Dương sở hữu vẻ đẹp tròn trịa và phúc hậu. Bởi vậy, nàng sớm được chọn làm Thọ vương phi, cho hoàng tử thứ 18 của Đường Minh Hoàng là Thọ Vương Lý Mạo vào năm 14 tuổi. Nhưng vì còn quá nhỏ nên họ chưa từng có cuộc sống vợ chồng thực sự. Và chính sắc đẹp "khuynh nước khuynh thành" đã khiến cuộc đời của nàng bắt đầu gặp sóng gió trong chốn hậu cung”.

Do rất sủng ái Võ Huệ Phi nên khi người này qua đời, vua Đường Minh Hoàng tức Huyền Tông tỏ ra khá buồn bã và mệt mỏi triền miền vì thương nhớ phi. Nhưng tới khi trông thấy Ngọc Hoàn vào 5 năm sau, ông lập tức phá bỏ mọi lễ nghĩa truyền thống rồi tìm mọi cách để sắc phong nàng làm Quý Phi. Chuyện đó khiến Hoàng Thọ Vương vô cùng uất hận.

Tuy nhiên, vì đã trải qua hai mối tình với cả hai cha con, lại được sủng ái quá mức nên các quần thần trong triều không ai chịu quy phục nàng cả. Họ luôn nói xấu sau lưng hoặc ngấm ngầm đả kích vị Quý phi họ Dương bằng lời lẽ cay đắng, thậm chí còn tìm cách hạ bệ người đẹp.

duong quy phi 5

Tại sao mà Đường Minh Hoàng lại say mê Dương Ngọc Hoàn đến mức bất chấp cả luân thường đạo lý, cướp nàng từ phủ của nhi tử như vậy? Đó là vì nhan sắc tuyệt diễm của nàng. Tương truyền, chỉ cần nhìn thấy nàng là đến cả phụ nữ cũng phải ngẩn ngơ, chết lặng nói chi là đàn ông. Ở thời đó, không ai là không say đắm nhan sắc của nàng; người ta còn tặng nàng hai chữ "Tu hoa", nghĩa là đến hoa cũng thẹn thùng khép cánh lại trước sắc đẹp của nàng mỹ nữ họ Dương.

Tương truyền, có lần nàng ra hồ ngắm cá thì cá cũng lặn xuống đáy hồ hết. Người ta bảo rằng vì nàng đẹp, đẹp tới mức chim sa cá lặn, lại thêm thân hình gợi cảm, đầy đặn tròn trịa mà rất phù hợp với quan điểm thẩm mỹ thời nhà Đường. Do đó, chỉ cần một lần lướt mắt qua đã đủ khiến Đường Huyền Tông xiêu lòng và ngày đêm tìm cách có được mỹ nhân.

Nhà vua chiều chuộng nàng hết mực. Dù chỉ là quý phi nhưng trong cung của nàng lúc nào cũng có hàng trăm kẻ hầu người hạ. Các đại thần muốn thăng quan tiến chức thì đều chủ động dâng lễ vật tới cho vị quý phi này; còn các phi tần khác trong hậu cung từ đó cũng chẳng còn được nhiều sủng ái, mưa móc nữa.

Chỉ một lần đi tắm suối của nàng tại Hoa Thanh Trì cũng đã tiêu tốn hàng vạn bạc và làm chết đến trăm mạng người. Ấy vậy mà hoàng đế chưa một lần tỏ ý khó chịu. Nàng vốn thích ăn quả vải của miền Nam nên nhà vua ra lệnh cắt cử người cưỡi ngựa chạy suốt ngày đêm để vận chuyển vải từ Lĩnh Nam đến kinh thành sao cho quả vải đến tay người đẹp vẫn còn tươi mới.

Bí quyết làm đẹp của Dương Qúy Phi chiếm trọn ân sủng của Đường Huyền Tông

Dương Quý Phi luôn giữ cho thân thể của mình sạch sẽ, thơm tho, nàng tắm nhiều lần trong ngày. Ai không hiểu chỉ nghĩ nàng rảnh rỗi, không có việc gì làm nên dùng việc tắm rửa giải khuây. Nhưng thật ra đó là bí quyết khiến thân thể nàng không bao giờ có mùi xú uế, hôi hám. Dương Quý Phi mê tắm rửa bằng sữa và các loại thảo dược thiên nhiên. Nàng thường bắt cung nữ chuẩn bị sữa dê tươi và trộn lẫn thảo mộc làm nước tắm.

Nàng còn đặc biệt quan tâm đến những mùi hương lưu lại trên cơ thể. Một thứ mùi dịu nhẹ, thoang thoảng chỉ khi lại gần mới toát lên. Đó là mùi hương của tinh dầu bạc hà. Dương Quý Phi sử dụng dầu bạc hà để làm làn da của mình nhẵn mịn, trơn láng. Dầu bạc hà có mùi thơm rất lạ, nó chẳng giống thứ hương hoa nào trên đời. Tuy nhiên ai đã ngửi qua, sẽ yêu thích hương thơm dịu mát nó mang lại.

duong quy phi 4

Việc tắm rửa thường xuyên bằng dược liệu khiến thân thể Quý Phi luôn sạch sẽ và ấm áp. Khi làn da sạch, các mạch máu được khai thông, nhiệt độ thân thể sẽ tăng lên. Không một người đàn ông nào cưỡng lại được thân thể ấm áp, mềm mại của người đàn bà. Người đàn bà dù nhan sắc có lộng lẫy cỡ nào, tuy nhiên thân thể cứng như gỗ, da lạnh như sắt thép và có mùi xú uế, đàn ông dù háo sắc đến mấy cũng vội vàng tránh xa.

Một trong những loại cánh hoa Dương Quý Phi dùng để tắm có cánh hoa sen. Tác dụng của hoa sen giúp cho làn da của nàng luôn có sắc hồng. Màu hồng trên da thịt biểu thị cho sự trẻ trung, tươi mới. Đó là lí do mỗi lần xuất hiện trước mặt Hoàng đế, nàng luôn biến thành một người khác.

Dù chỉ là việc rất nhỏ nhặt là tắm bằng các loại thảo mộc, Dương Quý Phi cũng tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho riêng mình. Nàng từng vòi vĩnh Hoàng đế cho du ngoạn lên núi Quái Nham chỉ để đắm mình vào dòng nước nóng ở đây. Một cuộc đi tắm tưởng chừng vô tiền khoáng hậu, nhưng cũng đều nằm trong bí quyết làm đẹp của Dương Quý Phi.

Thân thể thơm ngát, đầy đặn, ấm áp của Quý Phi sưởi ấm cho Hoàng đế đã qua tuổi lục tuần, khiến ngài thờ ơ với hàng ngàn giai nhân đang mỏi mắt ngóng chờ ân sủng. Có lẽ hương thơm trên cơ thể của Dương Quý Phi còn hấp dẫn Hoàng đế hơn là nhan sắc khiến hoa cũng phải nhún nhường của nàng.

Cả đời không có nổi mụn con

Đẹp, thông minh, tinh thông múa hát, đàn ca nên chẳng có người đàn ông nào có thể từ chối được nàng. Đặc biệt, người ta nói nàng còn rất có kỹ thuật trong chuyện phòng the, luôn biết cách chăm chút cho bản thân khiến cơ thể tỏa ra hương thơm vô cùng lôi cuốn. Chả thế mà Đường Huyền Tông vô cùng say mê nàng, hằng đêm đều phải có nàng ở bên mới đi vào giấc ngủ được. Thế nhưng tại sao mà cả đời được sủng ái nhưng vị giai nhân tuyệt sắc này lại không có lấy nổi một mụn con?

duong quy phi 1

Người đời sau chỉ có thể suy đoán đó là do thân hình tròn trịa, đầy đặn của nàng. Nó chính là con dao hai lưỡi, một mặt giúp nàng giữ được sự sủng ái của bậc đế vương, mặt khác lại gián tiếp khiến nàng không có năng lực sinh dục. Nếu nhìn trên góc độ y học thì việc quá béo ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, gây áp lực tới tử cung, làm tăng nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung và tác động đến nội tiết tố nữ oestrogen.

Ở người phụ nữ quá đầy đặn, tròn trịa thì tổ chức mỡ khiến cho nội tiết tố androgen có trong máu chuyển hóa thành một loại oestrogen mà có khả năng gây nên bệnh ung thư. Ngoài ra, những người phụ nữ béo này cũng có vòng kinh không đều, thường xuyên bị rối loạn. Do đó, hiện tượng tăng sinh quá độ nội mạc tử cung diễn ra và dẫn đến việc khó có thể mang thai và sinh con.

Đó chỉ là một nguyên nhân mà người đời sau có cơ sở dựa vào để đưa ra các lý giải cho việc tại sao trang quốc sắc này lại chưa một lần sinh nở, ngay cả khi còn là Thọ Vương Phi và hai người đều đang trong độ tuổi sung mãn. Ngoài ra, có thể có các nguyên nhân khác khiến cho vị quý phi họ Dương không bao giờ tận hưởng niềm vui được làm mẹ, tuy nhiên chính sử chưa bao giờ nhắc đến điều này.

Dương Ngọc Hoàn mãi mãi chỉ là quý phi

Xinh đẹp, có tài đàn hát và được hoàng đế nhà Đường sủng ái bậc nhất nhưng Dương Ngọc Hoàn cả đời không được phong làm hoàng hậu. Vậy lý do tại sao? 

Tuy rất sủng ái Dương Quý Phi nhưng Đường Huyền Tông cũng hiểu rằng nếu lập nàng là hoàng hậu thì sẽ có nhiều bất trắc. Bởi thực tế Dương Quý phi trước kia là thê tử của Thọ vương Lý Mạo. Nếu nay lập Dương Quý Phi làm hoàng hậu thì sẽ khơi lại lòng căm hận của Thọ vương.

Thêm vào đó việc "cướp vợ" của con trai dù sao cũng là vi phạm đạo đức, dù có là đế vương cũng không tránh khỏi bị dèm pha. Và Dương Quý Phi cũng không tránh khỏi vết nhơ này. Đã không được lòng dân chúng và quần thần sao có thể trở thành "Mẫu nghi thiên hạ", sao có thể đứng đầu hậu cung.

duong quy phi 6

Đường Huyền Tông là người rất thích nghệ thuật, ông không chỉ yêu vẻ đẹp của Dương Ngọc Hoàn mà còn rất thích tài nghệ đàn hát của nàng. Ông cũng tinh thông rất nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Dương Ngọc Hoàn từ nhỏ đã được học đàn hát lại cũng rất tinh thông âm luật, chơi đàn tỳ bà rất giỏi. Đường Huyền Tông coi Dương Ngọc Hoàn như tri kỷ về nghệ thuật, chính vì thế thực lòng Đường Huyền Tông cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc lập nàng là hoàng hậu.

Còn có một nguyên nhân khác khiến Đường Huyền Tông thấy Dương Quý Phi không thích hợp làm hoàng hậu là vì vị thế của Dương gia. Vì quá sủng ái Dương Quý Phi, Dương phủ được hưởng nhiều bổng lộc, anh chị em thân thích đều được trọng dụng trong triều đình, thế lực không ngừng lớn mạnh. Nếu phong Dương Quý Phi làm hoàng hậu sẽ bị triều thần phản đối, nguy cơ biến chính có thể xảy ra.

Đời nhà Đường, Đường Huyền Tông là một hoàng đế trị vì lâu hơn cả. Các phi tần được hoàng đế sủng ái sinh cả thảy 59 người con nhưng Huyền Tông lại không có người con nào với Dương Quý Phi. Không có ghi chép lịch sử nào về nguyên nhân tại sao Dương Quý Phi không có con, nhưng không có con trai là trở ngại lớn nhất để bà trở thành hoàng hậu.

Vì việc lập hoàng hậu là việc hết sức trọng đại của đất nước, phải có sự tham gia của quần thần, chiếu thị toàn dân. Hoàng hậu phải là người đạo đức, công dung tốt, có thể làm mẫu nghi thiên hạ, con trai của hoàng hậu sẽ được chọn làm thái tử, kế vị ngai vàng.

Thái tử được lập trước đó nay đã lớn mà Dương Quý Phi vẫn không thể sinh được một người con nào nên không có lý do gì để phong làm hoàng hậu. Nếu bất chấp phong hậu cho bà thì không chỉ có thái tử, Thọ vương mà thậm chí là các đại thần cũng phản đối, triều đình bất ổn. Đường Huyên Tông chắc chắc sẽ không mạo hiểm như vậy.

Dương Quý Phi mặc dù không được làm hoàng hậu nhưng ân sủng của Hoàng thượng dành cho bà chính là tiêu chuẩn ân sủng của hậu. Bà cũng là người rất lãng mạn, không tham quyền thế. Vì vậy, Dương Quý Phi chưa một lần yêu cầu hay nhắc đến việc lập bà làm hoàng hậu. Là một phi tử được sủng ái nhất mực như vậy, hà tất phải cần danh hiệu hoàng hậu kia. Dương Quý Phi là một trong số ít phi tần có được suy nghĩ như vậy. Đó cũng là một trong những lý do khiến bà được Đường Huyền Tông yêu quý hết lòng.

Cái chết của Dương Qúy Phi

Từ khi Đường Minh Hoàng có Dương Quý Phi bên cạnh đã bỏ bê triều chính, mọi việc lớn nhỏ giao cho anh họ bà con của Dương Quý Phi là thừa tướng Dương Quốc Trung lo liệu, nên gây ra cảnh lộng quyền, hơn nữa, cũng vì muốn đoạt người đẹp về tay mình, nên An Lộc Sơn dấy binh tạo phản vào năm 755 để cướp ngôi lẫn cướp người đẹp.

Đường Huyền Tông cùng Dương Quý Phi chạy sang Tứ Xuyên lánh nạn. Trên đường đi, quân lính đổ mọi tội lỗi lên đầu Dương Quý Phi, cho rằng chính người đẹp đã dùng sắc đẹp mê hoặc vua chúa, khiến ông bỏ bê triều chính, cũng là vì sắc đẹp mới có để An Lộc Sơn phải dấy binh tạo phản.

Dưới sức ép của binh lính, buộc Đường Minh Hoàng xử tử Dương Quý Phi, cô bị xiết cổ chết, lúc chết Dương Quý Phi 38 tuổi. Sau khi chết, xác quý phi chỉ là chôn vội ven đường, sau đó binh lính hành quân tiếp.

duong quy phi 7

Có hai dòng quan điểm chính xoay quanh vấn đề “định tội” Dương Quý phi trước những biến cố của Đường triều.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: “hồng nhan” chính là đại họa. Những người theo ý kiến này cũng một mực khẳng định Dương Quý phi dụ dỗ Hoàng đế, hại nước, hại dân, có chết cũng không đền hết tội. Quan điểm đối lập lại chỉ ra: “hồng nhan” vô tội, bởi bản thân nàng cũng là một nạn nhân của thời thế. Những người này bênh vực cho Ngọc Hoàn, khẳng định Quý phi là một cô gái yếu đuối, số phận của nàng cũng chỉ là một quân cờ hi sinh trên bàn cờ chính trị mà thôi. Như vậy, có thể thấy rõ: quan điểm thứ nhất một mặt định tội cho Dương Quý phi, mặt khác lại ngầm đề cao năng lực của “mỹ nữ”.

Xưa nay có câu: Đàn ông chinh phục cả thế giới để chinh phục người đẹp, mà người đẹp lại thông qua việc chinh phục đàn ông để nắm lấy cả thế giới. Đường Huyền Tông một đời anh hùng, nhưng cuối cùng vẫn phải khuất phục dưới gấu váy mỹ nhân là vì vậy.

Nhờ vị quý phi họ Dương được sủng ái, Dương Quốc Trung, Vi Kiến Tố, Ngụy Phương mới dựa vào nàng mà thâu tóm được quyền lực trong triều đình.

Cũng theo lý luận trên đây, Dương Quý phi chính là một nhân vật gián tiếp có ảnh hưởng đến chính trị. Nàng đã khuyên Huyền Tông xuất chinh và nhập Thục. Hai hành động này của nhà vua đã đủ để chứng minh sức ảnh hưởng từ Ngọc Hoàn.

Trong khi các đại thần túc trí, đa mưu đều không thuyết phục được Hoàng đế thì đôi ba câu của người đẹp lại có thể nhanh chóng trở thành quyết sách. Vậy mới thấy, mặc dù đứng ngoài chính trị, nhưng Dương Quý phi hoàn toàn có năng lực tác động tới việc triều chính của nhà Đường lúc bấy giờ.

Đó chính là thứ gọi là “họa hồng nhan”, là “năng lực của mỹ nữ” mà quan điểm thứ nhất thể hiện.

Ngược lại, quan điểm thứ hai tuy bênh vực Dương Quý phi nhưng cũng đồng nghĩa với việc đánh giá không cao năng lực của mỹ nữ.

Chủ nghĩa Mác-Lênin từng khẳng định: Nguyên nhân bên trong bao giờ cũng quyết định sự hình thành, tồn tại và phát triển của các kết cấu vật chất. Còn nguyên nhân bên ngoài chỉ phát huy được tác dụng thông qua những nguyên nhân bên trong. Vận dụng lý thuyết trên vào Đường Huyền Tông và Dương Quý phi, ta có thể dễ dàng nhận thấy Huyền Tông được xếp vào “nguyên nhân bên trong”, còn Quý phi chính là “nguyên nhân bên ngoài”. Bởi vậy, ngay cả khi có năng lực ảnh hưởng tới triều chính, những ý kiến của Dương Quý phi vẫn phải được Hoàng đế thông qua mới có thể trở thành hiện thực. Hơn nữa, Huyền Tông là Thiên tử, là Hoàng thượng, là vua của một nước. Ngay cả khi Dương Quý phi có sở hữu dung mạo đẹp hay cốt cách mỹ nhân thì việc gây ảnh hưởng tới quyết sách của nhà vua và cả một vương triều cũng là điều không hề dễ dàng.

Đối với “loạn An Sử”, Dương Ngọc Hoàn cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng đây không phải là trách nhiệm chủ chốt nhất. Quan điểm thứ hai bênh vực Dương Quý phi và coi nhẹ năng lực của mỹ nhân chính là vì những lý lẽ này.

Những quan điểm chính thống về kết cục của Dương Quý phi chủ yếu đến từ “Cựu Đường thư”, "Tân Đường thư" và “Tư trị thông giám”. Theo đó, sử sách và nhiều tác phẩm văn học vẫn khẳng định Dương Quý phi chết do tự vẫn.

“Đường thư” bản cũ do Lưu Hủ biên soạn, “Tân Đường thư” được chỉnh sửa bởi Âu Dương Tử và “Tư trị thông giám” được Tư Mã Quang biên soạn đều là ba cuốn sách có uy tín trong lịch sử Trung Hoa. Mặc dù miêu tả có một số sai biệt, nhưng ba nguồn sử liệu này đều ghi chép việc Dương Ngọc Hoàn tự vẫn ở sườn núi Mã Ngôi. Bên cạnh đó, đa số những tác phẩm văn học viết về Đường triều như “Trường Hận Ca” (Bạch Cư Dị), “Ngoại truyện Cao Lực Sĩ” (Quách Thực), “An Lộc Sơn sự tích” (Diêu Nhữ Năng)…đều cùng chung ý kiến này.

Tuy nhiên, các dòng quan điểm “không chính thống” lại đưa ra nhiều giả thuyết gây được tiếng vang và thu hút sự chú ý của dư luận nhiều hơn. Những quan điểm này chủ yếu được chia thành hai giả thuyết lớn:

Ý kiến thứ nhất cho rằng Dương Quý phi không phải bỏ mạng vì tự vẫn mà chết trong tay loạn quân. Giả thuyết này được đưa ra sớm nhất từ triều đại nhà Đường, xuất phát bởi một số văn nhân, thi nhân sống cùng thời với Dương Quý phi. Đại biểu lớn nhất của giả thuyết này phải kể tới “Thi thánh” Đỗ Phủ. Trong bài thơ “Ai giang đầu”, ông từng viết: “Mắt ngọc mày ngài nay ở đâu, vết máu du hồn về không được.” Có thể thấy trong câu thơ của ông xuất hiện chữ “máu”. Một số bài thơ của Lý Ích, Đỗ Mục, Trương Hựu… viết về cái chết của Quý phi cũng đều xuất hiện cảnh đổ máu. Nếu có máu chảy, ắt không phải do thắt cổ mà chết. Bản thân Đường Huyền Tông cũng không đủ nhẫn tâm để xuống tay với ái thiếp. Như vậy, giải thích hợp lý nhất chính là việc Ngọc Hoàn bị đám loạn quân giết chết.

Giả thuyết thứ hai cho rằng: Dương Quý phi không chết mà tới Nhật Bản sống đến cuối đời. Đứng đầu quan điểm này chính là người Nhật. Theo đó, Trần Huyền Lễ năm xưa vì thương cảm cho vị quý phi xinh đẹp nên không đành lòng sát hại. Ông bàn với Cao Lực Sĩ, dàn xếp kế sách “thay mận đổi đào”, tìm một cung nữ có ngoại hình gần giống Quý phi để thế mạng cho nàng. Sau khi kế hoạch tráo đổi này thành công, Trần Huyền Lễ phái tâm phúc hộ tống Quý phi trốn về Nam Triệu (gần Thượng Hải ngày nay) rồi căng buồm ra biển, cuối cùng cập bến tại thị trấn Yuya (quận Otsu - tỉnh Yamaguchi). Như vậy, điểm khởi đầu và đích đến trong cuộc hành trình “xuất ngoại” của Dương Quý phi rất rõ ràng, khiến nhiều người khó có thể không tin.

duong quy phi 2

Đến nay, tại địa phương này vẫn còn tồn tại một ngọn bảo tháp được khẳng định là mộ của Dương Quý phi. Trong sân của ngôi chùa có ngọn bảo tháp này còn lưu lại hai bức tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Đức Phật A Di Đà.

Căn cứ theo cuốn “Cố sự truyền từ Trung Hoa” của Nhật Bản, một lá thư trong đó từng ghi chép: Đường Huyền Tông sau khi bình định loạn An Lộc Sơn đã quay về Trường An, vì tưởng nhớ Dương Quý phi nên hạ lệnh cho thân tín vượt biển tìm kiếm, mang theo hai bức tượng Phật của nhà vua để gửi tặng nàng. Quý phi sau khi nhận được cũng tặng trâm ngọc để đáp lễ, sai người đó gửi về cho Huyền Tông.

Như vậy, mặc dù vẫn giữ liên lạc với Tổ quốc, nhưng Dương Quý phi không trở về quê cũ mà ở lại Nhật Bản cho tới cuối đời. Giả thuyết này thậm chí còn có hai bức tượng Phật là bằng chứng lưu lại tới ngày nay.

Năm 1963, một phụ nữ Nhật Bản từng công bố gia phả của dòng họ trên truyền hình và khẳng định mình là hậu duệ của Dương Quý phi. Sự kiện này đã gây nên tiếng vang lớn tại hai nước lúc bấy giờ.

Bên cạnh hai giả thuyết trên, còn có một vài quan điểm nhỏ lẻ khác. Tác giả Du Bình Bá cho rằng Dương Quý phi không chết mà xuất gia. Học giả Đài Loan Ngụy Tụ Hiền trong cuốn “Người Trung Quốc phát hiện châu Mỹ” thì khẳng định Dương Ngọc Hoàn đi tới châu Mỹ.

Chết vì binh đao loạn lạc là do văn nhân, thi nhân nói ra, khó có thể tin được. Thủ pháp văn học rất linh động, thường thường sẽ vì cái đẹp mà hư cấu sự thật.

Bởi vậy kết cục của Quý phi trong những bài thơ của họ tuy vô cùng sinh động, nhưng tính thực tế lại không cao.

Việc vượt biên sang Nhật Bản tuy rằng có bằng chứng, nhưng lại có vẻ khiên cưỡng, gán ghép. Quá nhiều nhân chứng, vật chứng, lại trùng hợp như vậy, chỉ sợ đều là ngụy tạo, do đó cũng không được nhiều người công nhận.

Về phần “xuất gia”, “đi tới châu Mỹ”, những giả thuyết này nói ra khiến ai nấy đều giật mình, có ý cố tình gây tranh cãi, hiềm nghi, độ tin cậy cũng không được đánh giá cao.

Bởi vậy, cho tới ngày nay, giả thuyết Dương Quý phi tự vẫn ở sườn núi vẫn được hậu thế tin tưởng hơn cả.

Nhưng Dương Ngọc Hoàn dù qua đời hay tiếp tục sống, dù đi Nhật hay đi Mỹ, nàng vẫn được hậu thế nhắc tới như một biểu tượng cho vẻ đẹp của phụ nữ thời Đường nói riêng và phụ nữ Trung Hoa cổ đại nói chung.

Lịch sử Trung Hoa quả thật có rất nhiều điều hấp dẫn gây sự thích thú và tò mò khám phá của rất nhiều khách du lịch nước ngoài. Du khách hãy tham gia tour du lịch Trung Quốc cùng Viet Viet Tourism để có cơ hội tìm hiểu nhiều hơn về vùng đất xinh đẹp này nhé! 

HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG

098 3355 639
Trân Trân: skype viber zalo
0908 890 187
du lich my 39tr
du lich chau au
du lich canada

Tin Tức Mới Nhất