THÂN THẾ
Lệnh Ý Hoàng quý phi (23/10/1727 - 28/2/1775) là một phi tần của Thanh Cao Tông Càn Long Đế. Bà là sinh mẫu của Thanh Nhân Tông Gia Khánh Đế.
Trong lịch sử hậu cung, Lệnh Ý Hoàng quý phi là phi tần sinh nhiều con nhất cho Càn Long Đế và con số này cũng thuộc hàng nhiều nhất so với một số hậu phi khác của nhà Thanh. Bà chưa từng được phong Hoàng hậu khi còn sống, danh phận cao nhất của bà là Hoàng quý phi. Sau này con trai bà được chọn làm Trữ quân, với tư cách là mẹ đẻ của Tân đế, bà được truy phong Hoàng hậu.
Lệnh Ý Hoàng quý phi xuất thân từ Chính Hoàng kỳ Bao y quản lĩnh hạ nhân, thuộc tầng lớp Bao y. Dòng họ bà sau đó được con trai bà là Gia Khánh Đế theo truyền thống nâng kỳ thành Mãn Châu bổn kỳ, sửa họ thành Ngụy Giai thị của người Mãn.
Theo Bát Kỳ Mãn Châu thị tộc tông phổ, bà vốn xuất thân từ dòng họ Thẩm Dương Ngụy thị, nhưng cứ liệu còn mơ hồ. Có một ít tư liệu chứng minh, tổ tiên Ngụy thị vốn là bộ hạ của Tam Phiên Cảnh thị, Tam Phiên Cảnh thị có 7 chức Tá lĩnh, 2 cũ 5 mới, trong đó có Tân Tá lĩnh tên Ngụy Quốc Hiền, là tổ 4 đời của Ngụy thị, mà chi họ của Ngụy Quốc Hiền ở Thanh sơ cải thành Chính Hoàng kỳ Bao y, trực thuộc Tân Giả khố.
Đến thời trung kì Ung Chính, gia tộc Ngụy thị đã đạt đến hàng giai cấp tầm trung đẳng trong nhóm quan lại Bao y thuộc Nội vụ phủ. Tằng tổ phụ của bà là tặng Hộ trường quân đội Ngụy Tự Hưng, tằng tổ mẫu Trần thị; nội tổ phụ Tổng quản Nội vụ phủ đại thần Ngụy Võ Sĩ Nghi, sơ nhậm Nội Quản lĩnh, có hai vợ là Niên thị và Triều thị. Tuy Võ Sĩ Nghi làm chức Nội vụ phủ Tổng quản khá ngắn, nhưng có thể leo lên được vị trí như vậy, chứng minh khi đó vị thế của gia tộc Ngụy thị cũng thuộc hàng có căn cơ và danh vọng lớn trong nhóm quan viên Nội vụ phủ. Cha bà là Ngụy Thanh Thái, người Giang Tô, từng giữ chức Nội quản lĩnh. Mẹ bà là Dương Giai thị, từng cùng tổ mẫu của Ngụy thị là Niên thị đảm nhiệm tuyên sách bảo văn nữ quan. Bên cạnh đó, chú bác trong họ nhà bà, thời kỳ Ung-Càn đều là quan viên trung cấp của Nội vụ phủ, bà còn có người anh em trai tên Ngụy Đức Hinh.
Như vậy tổng quan mà nói, Nguỵ thị xuất thân Chính Hoàng kỳ Bao y, là tầng lớp phục vụ hoàng thất Mãn Châu. Khi đến tuổi trưởng thành, nhờ lệ thuộc Nội vụ phủ, bà tự nhiên được chọn vào cung sai dịch trong đợt Nội vụ phủ Tuyển tú hằng năm. Xét đến vấn đề này, Bát Kỳ tuyển tú là lựa chọn con nhà quan chức, xuất thân từ Kỳ phân Tá lĩnh, được chỉ hôn cho nam giới hoàng thất hoặc nạp vào làm phi tần. Với thân phận là Nội vụ phủ Bao y nữ tử, Ngụy thị ngay từ ban đầu không được lấy thân phận tú nữ tham gia ứng tuyển phi tần, mà theo Nội vụ phủ vào cung làm cung nữ.
LỆNH PHI ĐƯỢC CÀN LONG ĐẾ SỦNG ÁI NHƯ THẾ NÀO?
Trong lịch sử, Lệnh Ý Hoàng quý phi là vị phi tần được Càn Long, ông vua nổi tiếng phong lưu đa tình, sủng ái nhất.
Ngụy Giai thị nhập cung năm 13 tuổi làm cung nữ. Do gia thế Ngụy thị cũng có máu mặt trong Nội Vụ phủ Bao y, tổ phụ của gia đình bà được nhậm những chức quan quan trọng nên Ngụy Giai thị ngay khi nhập cung đã được chọn làm cung nữ hầu hạ thân cận của Phú Sát Hoàng hậu, được vị Hoàng hậu này đích thân chỉ bảo.
Tới năm Ngụy Giai thị 19 tuổi, năm Càn Long thứ 10 (năm 1745), bà được sắc phong làm Quý nhân. Từ đây, con đường thăng tiến của bà trong cung vô cùng suôn sẻ. Với tài trí, thông minh hơn người, Ngụy Quý nhân được Càn Long vô cùng sủng ái và không lâu sau đó được phong lên tước vị Tần, phong hiệu “Lệnh”, có nghĩa là “Thông tuệ”, “Sáng suốt”. Đến năm 1748, Lệnh Tần Ngụy thị được phong làm Lệnh Phi.
Sự yêu thương của Càn Long dành cho Lệnh Phi còn thể hiện qua việc sủng hạnh liên tục, cũng nhờ đó mà bà liên tiếp mang thai và sinh hạ cho Càn Long Đế 2 công chúa, 4 hoàng tử. Cụ thể, năm 1756, bà sinh hạ Thất công chúa, tức Cố Luân Hòa Tĩnh công chúa. Năm 1757, bà sinh hạ Hoàng thập tứ tử Vĩnh Lộ nhưng vị hoàng tử này bất hạnh qua đời khi mới 3 tuổi. Năm 1758, bà tiếp tục sinh hạ Hoàng cửu nữ, tức Hòa Thạc Hòa Khác công chúa. Năm 1759, Lệnh Phi tiếp tục mang thai nhưng không may bà bị sảy thai không lâu sau đó. Cũng cùng năm đó, Lệnh Phi được sắc phong làm Quý phi.
Năm tháng 10/1760, Lệnh Quý phi sinh hạ Hoàng thập ngũ tử Vĩnh Diễm, sau này là Gia Khánh Hoàng đế. Năm 1762, bà sinh ra Hoàng thập lục tử nhưng vị hoàng tử này qua đời lúc 2 tuổi vì bệnh đậu mùa. Năm 1766, Ngụy thị hạ sinh Hoàng thập thất tử Vĩnh Lân.
Năm 1765, Kế Hoàng hậu Ô Lạt Na Lạp thị thị đột ngột xảy ra chuyện, muốn cắt tóc nguyện đi tu, bị Càn Long Đế giam lỏng trong cung. Vài tháng sau đó, Càn Long Đế ra chỉ dụ tấn phong Lệnh Quý phi Ngụy thị làm Hoàng quý phi, trao quyền cai quản lục cung.
Càn Long sủng ái Lệnh Ý Hoàng quý phi tới nỗi khi bà qua đời hưởng thọ 49 tuổi, Càn Long Đế còn ngừng thiết triều 5 ngày, để tang vị phi tần này. Lượng văn vật bồi táng của bà còn được thêm 18 kiện so với đãi ngộ thông thường dành cho Hoàng quý phi khi tổng cộng có tới 76 kiện, chỉ kém 1 kiện so với Hoàng hậu. Bên cạnh đó, Lệnh Ý Hoàng quý phi là người thứ 5 và cũng là người cuối cùng được hợp táng cùng với Càn Long tại địa cung.
Sự sủng ái của Càn Long Đế dành cho Lệnh Ý Hoàng quý phi được thể hiện cao nhất là vào năm Càn Long thứ 60 (1795), khi ông lập con trai của bà là Thập ngũ A Ca lên làm vua, chính là vua Gia Khánh sau này.
LỆNH Ý HOÀNG QUÝ PHI KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI MÀ CÀN LONG ĐẾ YÊU NHẤT?
Nhiều nhà sử gia khẳng định rằng, trong 3 vị Hoàng hậu, Càn Long yêu Phú Sát Hoàng hậu nhất, không yêu Kế Hoàng hậu còn Hiếu Nghi Thuần Hoàng hậu thì không rõ ông có yêu hay không. Thậm chí, có người còn hoài nghi Càn Long đế sủng ái Lệnh Ý Hoàng quý phi chỉ là do cái bóng của Phú Sát Hoàng hậu.
Bởi lẽ, khi nhập cung, Lệnh Phi tuy thân phận là cung nữ nhưng Ngụy thị cũng có gia thế nhất định trong các nữ tử Bao y, nên có thể bà được trở thành cung nữ thân cận của Hiếu Hiền Hoàng hậu, do đích thân vị Hoàng hậu này chỉ bảo. Vì vậy, không loại trừ khả năng Càn Long sủng ái Lệnh Phi là do người ông từng yêu thương nay được “tái sinh” trong cô gái Ngụy thị. Để rồi đến khi Lệnh Ý Hoàng quý phi qua đời và được truy Hậu, Càn Long đế cũng lấy lý do bồi hầu Hiếu Hiền Hoàng hậu phụ địa cung.
Bên cạnh đó, Càn Long có hành động phân biệt đối xử khá kỳ quặc với vị Lệnh Phi này. Theo luật lệ của nhà Thanh, sắc phong một vị phi tần nào đó lên Quý phi sẽ được ra chỉ dụ tế cáo Thái miếu (như đã làm với Nhàn Quý phi, Thuần Quý phi, Gia Quý phi), nhưng đến Lệnh Phi lễ sắc phòng này bị dẹp bỏ. Ngược lại, vào năm Càn Long thứ 33 (1768), Khánh Quý phi được sắc phong, Càn Long vẫn ra chỉ dụ tế cáo Thái miếu như thường lệ. Câu hỏi được đặt ra là Càn Long sủng ái Lệnh Phi vậy tại sao không dành những nghi lễ trang trọng như theo quy định cho phi tử của mình?
Đỉnh cao của sự nghi ngờ về tình cảm của Càn Long đối đãi với Lệnh Phi thể hiện qua vị trí Hoàng quý phi của Ngụy Giai thị mang trên người ròng rã suốt 10 năm. Theo luật lệ Thanh triều, Hoàng đế có thể lập tân hậu sau khi mãn tang vị Hoàng hậu cũ 3 năm. Thế nhưng, Lệnh Ý Hoàng quý phi lại mang danh Hoàng quý phi suốt 10 năm và chỉ đến khi qua đời, con trai lên ngôi vua mới được truy phong làm Hoàng hậu.
Tuy nhiên, đến lúc nhắm mắt xuôi tay, được con đẻ truy phong danh Hoàng hậu, Lệnh Ý Hoàng quý phi cũng không được nhận trọn vẹn những ân huệ như luật lệ. Theo ân điển của một Hoàng hậu được truy phong, thần vị của bà nên có ở Thái miếu và cử hành nghi lễ tế cáo đất trời. Nhưng cuối cùng, Càn Long vẫn nhất quyết đặt thần vị của Hiếu Nghi Thuần hoàng hậu ở điện Phụng Tiên, chứ không được đưa vào Thái miếu, mặc dù được các đại thần đề nghị.
TẠI SAO LỆNH Ý HOÀNG QUÝ PHI KHÔNG ĐƯỢC LẬP LÀM HOÀNG HẬU?
Một năm sau khi thất sủng và bị Càn Long Đế giam lỏng trong cung, Kế Hoàng hậu Ô Lạt Na Lạp thị đã qua đời (năm 1766). Lúc này, Lệnh Ý Hoàng quý phi Ngụy thị là phi tần có tước vị cao nhất, đứng đầu hậu cung hơn 10 năm trời, đồng thời bà là Hoàng quý phi tại vị cuối cùng dưới thời Càn Long.
Theo thông lệ, đáng lẽ sau 3 năm mãn tang Hoàng hậu, Ngụy thị có thể trở thành Hoàng hậu kế tiếp nhưng đến cuối đời bà cũng chỉ ở danh vị Hoàng quý phi. Mãi cho tới năm 1795, Càn Long thoái vị nhường ngôi cho Gia Khánh, Lệnh Ý Hoàng quý phi mới được truy phong làm Hoàng hậu, thụy hiệu Hiếu Nghi.
Vậy tại sao yêu thương, sủng ái Lệnh Ý Hoàng quý phi hết mực, Càn Long Đế vẫn không sắc phong bà làm Hoàng hậu?
Thứ nhất, Càn Long không sắc phong Lệnh Phi làm Hoàng hậu là do bảo toàn sinh mạng cho các con trai của bà, đặc biệt là Vĩnh Diễm - Gia Khánh Đế sau này. Theo đó, Càn Long Đế từ sớm đã có ý định nhường ngôi cho Thập ngũ A ca Vĩnh Diễm, con trai của Lệnh Phi làm người kế vị. Tuy nhiên, theo quy tắc từ thời Ung Chính để lại về việc chọn người kế vị, hoàng đế không được sắc phong cho vị hoàng tử nào làm thái tử, người kế vị tiếp theo, trước khi họ thoái vị hoặc qua đời. Mục đích của việc này là trách hậu cung và các đại thần gièm pha, câu kết, bày mưu hãm hại người kế vị tương lai.
Trong khi đó, Càn Long lại là ông vua phải chịu cảnh “kẻ đầu bạc tiễn người tóc xanh” quá nhiều lần. Cụ thể, ông có tới 17 người con trai nhưng cho tới thời điểm thoái vị, ông chỉ còn lại 5 người con. Những đứa con khác không chết yểu vì bệnh tật cũng vì tai nạn bất ngờ mà qua đời.
Nếu lập Lệnh Ý Hoàng quý phi làm Hoàng hậu thì ngôi vị Hoàng đế tương lai sẽ thuộc về con trai của Lệnh Ý Hoàng quý phi chắc như đinh đóng cột. Từ đó, các phi tần, quan lại trong triều có thể sẽ âm thầm làm hại vị vua tương lai mà Càn Long Đế đã chọn. Hoặc tranh thủ thời cơ làm thân, xu nịnh vị hoàng tử đó, gây ra tình trạng kết bè kéo cánh, làm loạn triều cương. Vì vậy, dù cho có muốn lập Lệnh Ý Hoàng quý phi làm Hoàng hậu, Càn Long cũng phải đè nén tâm tư này, tránh khiến phi tần mình sủng ái nhất và các con rơi vào vòng xoáy quyền lực.
Càn Long vốn có ý định sẽ sắc phong Lệnh Ý Hoàng quý phi làm Hoàng hậu sau khi thoái vị, truyền ngôi cho Vĩnh Diễm. Thế nhưng, bà đã không chờ được tới ngày đó mà đi trước một bước.
Thứ hai, Càn long không lập Lệnh Ý Hoàng quý phi làm Hoàng hậu một phần cũng xuất phát từ sự ích kỷ của riêng ông.
Mối quan hệ của Càn Long và vị Hoàng hậu thứ 2, tức Kế Hoàng hậu Ô Lạt Na Lạp thị, kết thúc không hề tốt đẹp. Năm Càn Long thứ 30 (1765), Kế Hoàng hậu Ô Lạt Na Lạp thị đột nhiên bị thất sủng, giam lỏng tại Tử Cấm Thành và một năm sau đó đã qua đời. Khi qua đời, Kế Hoàng hậu không được phong thụy hiệu, tang lễ được tổ chức rất sơ sài không khác gì với một cung nữ và thậm chí bà còn không có mộ phần riêng.
Theo một số nhà sử gia, Càn Long không muốn lập Lệnh Ý Hoàng quý phi làm Hoàng hậu vì không muốn mang tiếng là ông vua nhìn sắc chọn hậu.
Về việc Kế Hoàng hậu bị thất sủng, Càn Long Đế luôn nói rằng bà đã gây ra sai lầm không thể dung thứ nhưng cụ thể đó là gì thì không được ông nhắc tới. Xoay quanh việc này, nhiều người đồn rằng do Kế hoàng hậu đã già, nhan sắc phai tàn nên mới bị Càn Long ghẻ lạnh. Trước những tin đồn này, Càn Long vô cùng tức giận, phản bác mọi việc và nói rằng ông không phải là một kẻ trọng sắc khinh tình.
Trong khi đó, Lệnh Ý Hoàng quý phi lại là một phi tần không chỉ có tâm tính lương thiện, thông minh nhanh nhẹn mà còn có nhan sắc tuyệt trần. Vẻ đẹp của bà được ví giống như một bức tranh thủy mặc, sâu lắng, nhưng lại khiến người khác có cảm giác thoải mái, yên bình.
Cũng chính vì vậy, Càn Long không muốn mình bị đánh giá là một ông vua chỉ coi trọng khuôn mặt nên không lập Lệnh Ý Hoàng quý phi làm Hoàng hậu.
Trung Hoa nổi tiếng với chiều dài lịch sử nhiều biến cố cùng những triều đại thay phiên nhau và những câu chuyện thâm cung bí sử ít người biết đến. Chính những câu chuyện về lịch sử lại trở thành "liều thuốc" kích thích bất cứ ai muốn tò mò về lịch sử triều đại của một quốc gia đông dân nhất thế giới này. Nếu du khách yêu thích lịch sử Trung Hoa và muốn tự mình khám phá nhiều điều thú vị hơn thì hãy thực hiện ngay một chuyến du lịch Trung Quốc cùng người bạn đồng hành Viet Viet Tourism nhé!