Hồng Kông chính thức là vùng lãnh thổ của Trung Quốc vào thời nhà Tần nhưng phải đợi đến thời nhà Đường, Hồng Kông mới thực sự phát triển và trở thành một cảng biển sầm uất và quy mô tầm cỡ thế giới, một căn cứ hải quân mang tính chiến lược của Trung Quốc. Năm 1887 sau cuộc “chiến tranh nha phiến” triều đình nhà Thanh bị ép phải dâng Hồng Kông cho thực dân Anh với hiệp định nhường lãnh thổ. Dưới chế độ Anh, Hồng Kông có những bước phát triển vượt bậc về tất cả mọi mặt của đời sống xã hội như: kinh tế, chính trị, văn hóa, tôn giáo… và trở thành một trong những vùng đất tự do nhất thế giới. Năm 1997, Hồng Kông được trao trả về Trung Quốc sau 100 năm theo như quy định của hiệp ước, trở thành đặc khu kinh tế của Trung Quốc tuy nhiên Hồng Kông vẫn có quyền tự trị cao, có những chính sách và luật lệ riêng. Chính vì những điều này mà văn hóa Đông - Tây đan xen, hòa hợp tạo ra một nền văn hóa độc đáo của Hồng Kông.
Con người Hồng Kông
Khoảng 95% dân Hồng Kông là gốc Trung Hoa, đa số dân của Hồng Kông là Quảng Đông hoặc từ các nhóm dân tộc như Người Khách gia và Triều Châu. Phần còn lại 5% dân số bao gồm các dân tộc không phải là người Hoa là một nhóm dân cư có thể thấy rất rõ dù số lượng nhỏ. Một cộng đồng Nam Á bao gồm người Ấn Độ, Nepal. Dân tị nạn người Việt đã trở thành các cư dân thường trú của Hồng Kông. Khoảng 140.000 người Philippines làm việc ở Hồng Kông với những công việc như những người giúp việc nhà. Một số công nhân cũng đến từ Indonesia. Có một số người châu Âu, người Mỹ, người Úc, người Canada, người Nhật, và người Triều Tiên làm việc trong các lĩnh vực tài chính và thương mại.
Nếu được xem là một xứ phụ thuộc, Hồng Kông là một trong quốc gia/lãnh thổ phụ thuộc có mật độ dân dày đặc nhất, với mật độ chung hơn 6200 người trên km². Hồng Kông có tỷ lệ sinh 0,95 trẻ trên một người phụ nữ, một trong những nơi thấp nhất thế giới và thấp xa so với tỷ lệ 2,1 trẻ em trên một phụ nữ cần để duy trì mức dân số hiện hữu. Tuy nhiên, dân số của Hồng Kông tiếp tục tăng do làn sóng dân di cư từ Trung Hoa Đại Lục khoảng 45.000 người mỗi năm. Tuổi thọ trung bình của dân Hồng Kông là 81,6 năm năm 2006, cao thứ 5 thế giới.
Dân số Hồng Kông tập trung cao độ vào một khu vực trung tâm bao gồm Cửu Long, Hồng Kông Cửu Long và phía Bắc Đảo Hồng Kông. Phần còn lại dân cư thưa thớt với hàng triệu dân rải rác không đều khắp Tân Giới, phía Nam Đảo Hồng Kông và Đảo Lantau. Một số lượng đang tăng công dân đang sống ở Thâm Quyến và đi lại bằng xe hàng ngày từ Trung Hoa Đại Lục.
Ngôn ngữ
Ngôn ngữ và văn hóa Hồng Kông chịu ảnh hưởng từ chính thời gian là thuộc địa và giao thương Quốc tế dẫn đến sự pha trộn phong phú về văn hóa, điều đó đã biến nó trở nên độc đáo và đặc sắc. Trong khi hầu hết người dân của thành phố nói tiếng Trung Quốc thì chỉ cần du khách đi bộ trên phố cũng có thể dễ dàng bắt gặp sự pha lẫn giữa ngôn ngữ Châu Á và Châu Âu.
Tiếng Trung
Quảng Đông, phương ngữ của một số người ở Trung Quốc đại lục, được sử dụng bởi 88% người dân ở Hồng Kông. Tuy nhiên, một phương ngữ khác như Hakka, Taishanese và Teochiu cũng được dùng, như là tiếng Quan Thoại - phương ngữ chính thức của Trung Quốc đại lục đã được nói rộng rãi ở Hồng Kông từ những năm thống nhất 1997.
Tiếng Anh
Từ khi Hồng Kông được thành lập như một cảng thuộc địa, trong suốt quá trình hình thành và phát triển cho đến khi nó được coi là một trung tâm tài chính quốc tế, dân số Hồng Kông dường như được tăng thêm rất nhiều. Và kết quả là Tiếng Anh được nói rộng rãi. Ngày nay, Tiếng Anh là ngôn ngữ được ưu tiên trong Chính phủ, kinh doanh và trong các lĩnh vực du lịch. Tất cả những biển chỉ dẫn và thông báo ở các phương tiện công cộng cũng như hầu hết các thực đơn đều được viết bằng song ngữ. Chính vì vậy mà ở Hồng Kông, có rất nhiều người sử dụng được cả Tiếng Trung và các cụm từ Tiếng Anh.
Tôn giáo
Tự do tôn giáo là một trong những lý do giải thích tại sao Hồng Kông lại có nhiều giáo phái đến như vậy: Thiên chúa giáo, Hồi giáo, Do thái giáo, Hindu giáo… nhưng trên hết vẫn là Phật giáo. Ở Hồng Kông, Phật giáo được phép tham gia vào rất nhiều hoạt động xã hội như trường học, bệnh viên, thành lập các quỹ từ thiện… Nhìn chung Hồng Kông là một trong những khu vực mà phật giáo phát triển và có những hoạt động sôi nổi nhất nhì khu vực châu Á.
Hồng Kông là nơi duy nhất ở Trung Quốc có những người truyền giáo từ Giáo hội Các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô (Nhà thờ Mormon) có thể tu hành. Nhà thờ này có một đền ở Hồng Kông được Gordon B.Hinckley hiến dâng vào ngày 26-27 tháng 5 năm 1996. Các thành viên của Nhà thờ xem Hinkley, chủ tịch của Nhà thờ này, là một giáo đồ của Chúa.
Phật giáo một trong ba tôn giáo chính (Ca tô giáo và Tin lành giáo) tại Hồng Kông, những tôn giáo nhỏ khác là Lão giáo, Khổng giáo, Ấn giáo và Do Thái giáo. Phật giáo được truyền bá đến Hồng Kông từ Trung Hoa khoảng 1.500 năm về trước. Hiện tại có khoảng 6 triệu Phật tử chiếm khoảng 90% dân số, 400 tự viện và 30 tổ chức Phật giáo tại Hồng Kông, trong đó nổi bật nhất là Giáo Hội Phật Giáo Hồng Kông (Hong Kong Buddhist Association) là tổ chức lớn nhất và là tổ chức lãnh đạo Phật giáo tại xứ sở này. Trước khi sát nhập với Trung Hoa vào ngày 01 tháng 07 năm 1997, Hồng Kông được đặt dưới luật pháp của Anh quốc và Phật giáo đã không được ưu đãi như Ca tô giáo và Tin lành giáo. Sau khi tái thống nhất, chính quyền mới đã tỏ ra quan tâm đến Phật giáo, trong đó đặc biệt là ngày lễ Phật Đản hằng năm, nhân dân các giới được nghỉ phép như là một ngày nghỉ lễ quốc gia và Phật giáo hiện nay đã trở thành tôn giáo chính và được hầu hết các cộng đồng tôn kính.
Hằng năm, Phật tử Hồng Kông thích nhất là lễ Phật đản, họ đợi chờ để được dự lễ tắm Phật ( Bathing the Buddha ceremony), và đón rước xe hoa Phật Đản đi nhiễu quanh thành phố Hương Cảng, truyền thống này đã tạo nên một niềm vui kỳ lạ cho cư dân Hồng Kông. Năm 1999, Giáo Hội Phật Giáo Hồng Kông đã tổ chức đại lễ Phật Đản với một lễ đài khổng lồ để tuyên dương công đức giáng hạ của ngài, lễ kéo dài đến bảy ngày, và có trên 40.000 người tham dự các khóa lễ. Nhiều tự viện PG ở Hồng Kông được xây dựng từ hằng trăm năm về trước với kiến trúc độc đáo mang dáng vẽ Đông phương đầy tính nghệ thuật, nổi bật nhất là chùa Bảo Liên, Chùa Tây Phương, Ni Viện Chí Liên… tất cả đều xây dựng theo kiểu kiến trúc phức hợp mang tính Đông phương, thu hút khách thập phương đến viếng mỗi năm.
Phong thủy trong văn hóa của người dân Hồng Kông
Người ta biết đến Hồng Kông là thành phố không bao giờ ngủ, Hồng Kông như một ống kính vạn hoa về văn hóa và màu sắc chuyển động không ngừng. Văn hóa Hồng Kông mang đậm màu sắc của Trung Quốc, nên đặc biệt rất coi trọng phong thủy.
Văn hóa phong thủy của Hồng Kông là kết quả của trào lưu di dân từ đại lục ở nhiều thời kỳ khác nhau. Lý thuyết về phong thủy của Trung Quốc được hình thành từ thời Đường - Tống với nhiều trường phái, như phái Hình thế ở Giang Tây, phái Lý pháp ở Phúc Kiến. Phái Lý pháp lấy âm dương, quẻ lý để luận cát hung, truyền bá tới một số khu vực như Chiết Giang, Quảng Đông, Giang Tây…Vì thế mà một số dòng họ như Cám, Mẫn, Việt ở những khu vực này sau khi tới Hong Kong đã mang theo và lưu giữ những tập quán phong thủy và văn hóa tín ngưỡng. Đây chính là nguyên nhân cơ bản tạo nên sự thịnh hành của phong thủy tại Hồng Kông ngày nay.
Sự tuyên truyền tích cực của các hãng truyền thông đại chúng tại Hồng Kông về phong thủy đã phần nào thúc đẩy xu hướng yêu thích và tin vào phong thủy. Một số đài truyền hình, đài phát thanh thường mời những chuyên gia về tướng số tới nói chuyện về vận mệnh, tướng mạo hay những chòm sao số mệnh rất được người dân Hồng Kông quan tâm.
Nhiều tờ báo, tạp chí cũng dành riêng chuyên mục cho việc dự đoán vận mệnh, xem tử vi…Hồng Kông hàng năm xuất bản hơn 50 đầu sách khác nhau liên quan tới tử vi, tướng số với số lượng bán ra lên tới 400.000 cuốn mỗi năm.
Ngày cuối tuần, dịp lễ tết các đoàn thể thường mời chuyên gia phong thủy, tướng số tới các công viên phục vụ nhu cầu của người dân.
Du khách có biết các công ty tại Hồng Kông thường sắp xếp lịch làm việc dựa vào lịch âm? Ví như ngày khai trương, họ rất chú trọng nghi lễ cúng bái Thần Phật. Người làm ăn buôn bán thường xem trọng ngày giờ. Công ty nước ngoài cũng phải “nhập gia tùy tục”, tính toán ngày giờ rất kỹ càng.
Với những đại gia giàu có, phong thủy lại càng quan trọng. Họ thường có những nhà phong thủy riêng để hàng tháng đưa ra những tư vấn cụ thể về cách bài trí, sắp xếp phòng ở, phòng làm việc… sao cho mọi việc thuận lợi nhất.
Ở Hồng Kông các bậc giới chức lại càng tin tưởng vào phong thủy, bởi ai cũng biết logic trong phong thủy hàm chứa cả chính trị. Nơi nào có con người thì nơi ấy cũng xuất hiện bon chen, đấu đá chính trị. Thực tế, tại Hồng Kông từng xảy ra cuộc đấu đá phong thủy nổi tiếng giữa ngân hàng HSBC và tòa nhà chọc trời Bank of China Tower.
Nền giải trí ở Hồng Kông
Trong khi Hồng Kông là một trung tâm thương mại toàn cầu, có lẽ sản phẩm xuất khẩu nổi tiếng nhất của thành phố này là ngành giải trí, đặc biệt là thể loại võ thuật, nhiều minh tinh Hollywood xuất thân từ Hồng Kông như: Lý Tiểu Long, Châu Nhuận Phát, Jackie Chan, Michelle Yeoh, và Jet Li. Những nhà làm phim Hồng Kông cũng làm nên sự nghiệp ở Hollywood như John Woo, Wong Kar-wai, Tsui Hark và các biên đạo võ thuật đã thiết kế các cảnh giao chiến trong các phim Matrix trilogy, Kill Bill và Ngọa hổ tàng long.
Nhiều phim sản xuất tại Hồng Kông cũng nhận được sự công nhận quốc tế như Chungking Express, Infernal Affairs, Shaolin Soccer, Rumble in the Bronx và In the Mood for Love. Nhà làm phim nổi tiếng Quentin Tarantino từng cho rằng ông chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi điện ảnh hành động Hồng Kông.
Hồng Kông cũng là trung tâm chính của thế giới về thể loại nhạc cantopop. Trong lúc lãnh thổ này là nơi có nhiều ngôi sao, văn hóa karaoke cũng là một phần hoạt động về đêm của Hồng Kông.
Ẩm thực Hồng Kông
Nếu có dịp đến Hồng Kông, du khách sẽ hiểu hơn về nền văn hóa ẩm thực nổi bật và độc đáo của đất nuớc này. Ẩm thực Hồng Kông không chỉ thuận theo quy luật âm - dương mà dường như còn muốn khoe cả thiên nhiên trên bàn tiệc.
Một món ăn ngon theo tiêu chuẩn truyền thống là phải đảm bảo có màu sắc đẹp mắt, có hương thơm ngào ngạt làm say lòng thực khách, có vị ngon của đồ ăn được chế biến từ nguyên liệu tươi, và cách trình bày thật thu hút, ấn tượng. Món ăn còn bổ dưỡng bởi sự kết hợp tài tình giữa các thực phẩm và vị thuốc như hải sâm, bào ngư, vi cá…
Không có gì đáng ngạc nhiên khi các du khách phương Tây sững sờ trước một bàn tiệc đặc trưng phương Đông. Ngồi bên bàn tiệc, họ như đã được ngắm cảnh thiên nhiên, như đang trải qua một khóa điều trị nâng cao sức khỏe, và thậm chí như đã chạm vào những nguyên lý đầu tiên để có thể hiểu được Kinh Dịch. Hồng Kông mang trong mình biết bao đặc sản, của ngon vật lạ hay tinh túy văn hóa ẩm thực của nhiều vùng miền.
Đi lướt ngang qua những quán ăn nhanh, nhiều người rẽ vào những quán ăn truyền thống để tìm kiếm một bát súp vi cá, húp một bát canh gà tiềm thuốc Bắc, hay đơn giản chỉ là nhấm nháp một chén trà Ô long thơm ngát…
Ẩm thực Hồng Kông rất phong phú và đa dạng. Những đĩa Dim Sum dùng để vừa ăn, vừa thưởng trà, vị béo, thanh, ngọt và chát hòa quyện vào nhau. Món xào mang hương vị của biển và đồng quê. Chén súp với nguyên liệu quý như tổ yến, vi cá, nhân sâm…
Đôi khi chỉ thông qua cách ăn uống, người ta cũng lồng vào đó ẩn ý văn hóa và phương pháp giữ gìn sức khỏe của riêng mình. Những sợi mỳ thường thay cho lời chúc vạn thọ, bát súp tượng trưng cho một khởi đầu may mắn, đĩa vịt quay như là ước mong gia đình sum họp, mọi việc may mắn… Đặc biệt, với đĩa thức ăn được sắp xếp theo 6 bát 8 đĩa… thực khách còn có thể hiểu thêm sự kiêng kỵ về phong thủy, để mang lại cho mình thêm nhiều điềm lành, tránh xa điềm dữ...
Mỗi món ăn đều mang một hương vị thanh tao, màu sắc thanh lịch, trẻ trung và hiện đại trong cách bày biện. Ẩm thực Hồng Kông bổ dưỡng, đẹp mắt. Nếu như món Súp vây cá thịt cua hồng xíu là một trong 8 vi bát trân quý hiếm, thì Xôi hấp tôm lại là nghệ thuật của sự sắp đặt. Còn Cá tuyết chiên giòn nhân mực bọc sợi mỳ đặc biệt là món ăn vàng rộm đầy thơm ngon, quyến rũ.
Lủ mỳ là tên gọi của một loại nước sốt đặc trưng kiểu truyền thống. Nồi nước sốt này được coi là một trong những thứ quan trọng nhất của nhà bếp. Với người sành ăn, lủ mỳ vẫn luôn là một bí mật hấp dẫn. Lủ mỳ được chế biến từ khoảng 20 đến 30 loại hương liệu khác nhau, chủ yếu là quế, hồi, thảo quả, ớt khô Tây Tạng, húng lìu… Nước sốt chế biến từ những nguyên liệu này được dùng để ngấm vào các món lủ mỳ.
Ẩm thực Hong Kong độc đáo và khác biệt với những nét riêng như ít cay, vừa đủ để kích thích vị giác, không dùng nhiều dầu mỡ để các nguyên liệu hòa quyện với nhau, thanh tao và trong trẻo, không mang mùi thuốc bắc nhưng rất bổ dưỡng. Ngoài ra, đối với những người chủ trương tìm đến ẩm thực để nâng cao sức khỏe, thậm chí là phòng ngừa các chứng bệnh, thì đất nước Hong Kong chính là một gợi ý.
Trong khi sử dụng những nguyên liệu đế vương nhưng các món ăn vẫn hiện đại, tinh tế, lại rất tốt cho sức khỏe, ấn tượng vào ngay giây phút chạm môi đầu tiên… là những điểm nổi bật của ẩm thực Hong Kong.
Ẩm thực Hồng Kông, xứng đáng được mệnh danh là phong cách ẩm thực thứ 9 của nền ẩm thực Trung Hoa. Đến Hồng Kông và thuởng thức những món ăn này cũng là cách để giúp du khách hiểu hơn về con nguời cũng như văn hóa nơi đây.
Phong tục ăn uống
- Người Hồng Kông có phong cách ăn uống rất thoải mái, mặc dù có những quy tắc nhất định trong văn hoá. Nếu như du khách chưa biết gì, hãy xem những gì họ làm trên bàn ăn và bắt chước hành vi của họ.
- Du khách nên chờ để biết chủ nhà mời mình ngồi chỗ nào.
- Du khách nên chờ cho đến khi chủ nhà nói với du khách để bắt đầu ăn.
- Thức ăn thường được phục vụ trên một khay xoay, để giữ tôn trọng, du khách nên thử quả tất cả. Lưu ý là du khách đừng bao ăn miếng cuối cùng từ khay phục vụ.
- Khi du khách "ợ" thì đừng sợ bất lịch sự, người Hồng Kông cho rằng đó là một lời khen mà khách dành cho bữa ăn.
- Gác đũa ngang bát là điều tối kỵ trong văn hóa ăn uống.
- Khi dùng bữa ở nhà hàng hoặc hàng quán, không nên gõ đũa vào bát vì ở Hồng Kông chỉ có người hành khất mới làm như vậy.
- Đũa nên để lại trên gác đũa sau mỗi lần du khách dừng ăn lại để nói chuyện.
- Để lại một số thức ăn trong bát của du khách khi du khách đã ăn xong, đó được cho là hành động giữ thể diện cho mình.
- Khi du khách đã ăn xong, đặt đũa lại trên gác đũa hoặc không có gác đũa thì phải để ngay ngắn trên bàn.
- Luôn từ chối nếu như chủ nhà mời du khách đến nhà lần nữa, vì như thể dễ làm cho họ nghĩ là du khách háu ăn.
Gặp gỡ và chúc mừng
- Chào hỏi với người phương Tây bằng cách bắt tay.
- Những cái bắt tay của người Hồng Kông khá nhẹ.
- Trong khi chào, nhiều người Hồng Kông hạ thấp đôi mắt của họ như là một dấu hiệu của sự tôn trọng.
- Không cần phải "thi đua" trong việc trao nhau một ánh mắt, giao tiếp bằng mắt nên tránh kéo dài.
- Nếu người nào đó ở "đẳng cấp" cao hơn thì người đó giới thiệu về mình trước. Nếu là người nhỏ hơn, sẽ là lịch sự nếu người đó chờ người chủ nhà giới thiệu trước.
- Người Hồng Kông cũng có cái tên với thứ tự như người Việt Nam, gồm tên họ, tên đệm và tên riêng.
- Tác phong nói chuyện với người già bằng một danh hiệu kính cẩn và tên của họ.
- Văn hóa Anh quốc ảnh hưởng rất nhiều đến Hồng Kông, vì vậy họ luôn có một cái tên theo phương Tây, hãy gọi tên đó nếu họ yêu cầu.
Tục lệ tặng quà
- Một món quà có thể bị từ chối một hoặc hai lần trước khi nó được chấp nhận.
- Nếu du khách được mời đến nhà người khác thì hãy mang bánh kẹo, trái cây, hoa, hoặc rượu mạnh nhập khẩu để tặng cho nữ chủ nhà.
- Đừng tặng hoa màu đỏ hoặc màu trắng.
- Đừng tặng kéo, dao hoặc dụng cụ sắc bén khác vì họ cho rằng du khách muốn cắt đứt quan hệ.
- Đừng tặng đồng hồ, khăn tay hoặc dép rơm vì những thứ này chẳng khác gì những phụ kiện của một đám tang.
- Đừng tặng quà với gói quà có màu trắng, xanh hoặc đen.
- Vàng và màu đỏ là màu may mắn, họ ưa thích những màu này để gói quà.
- Điều tra tỉ mỉ về việc gói quà là rất quan trọng.
- Đừng bao giờ cho đồ vật liên quan đến số lẻ, vì điều này được cho là không may mắn.
- Số 8 là con số đặc biệt tốt lành, vần với âm "Phát" trong phát đạt. Ngược lại, người Hồng Kông rất kiêng kỵ số 4 vì thế đừng nhắc đến số đó khi thật sự không cần thiết vì số 4 thường liên quan đến chết chóc, ma chay.
- Một món quà nhỏ cho trẻ em luôn được đánh giá cao. Tuy nhiên, không nên tặng mũ màu xanh lá cây.
- Luôn tặng quà bằng hai tay.
- Món quà không được mở ra ngay khi nhận được.
Từng là thuộc địa của Anh 100 năm vậy nên Hồng Kông là một trong những đất nước có nền văn hóa cởi mở và thoải mái nhất thế giới và cũng vì vậy du khách cũng không cần quá lo lắng về vấn đề giao tiếp ở Hồng Kông.
Trên đây chỉ là một số nét chính trong nền văn hóa của Hồng Kông. Nếu có hứng thú với nền văn hóa độc đáo của xứ Hương Cảng, du khách hãy tham gia tour du lịch Hồng Kông để cùng Viet Viet Tourism có những khám phá thú vị nhé!