Qua những ghi chép lịch sử và một số tác phẩm nghệ thuật, có thể thấy các thái giám đều chiếm một vị trí rất nổi bật trong chốn hậu cung, khiến cho nhiều người lầm tưởng ở trong cung, ngoài Vua và các Hoàng tử, thái giám ra, thì chỉ còn các nữ nhân là cung phi và nô tì. Tuy nhiên, họ không biết rằng ở chốn "tôn nghiêm, bất khả xâm phạm" ấy còn có một nhân vật khác có thân phận vừa bí ẩn lại vừa thảm khốc, đó là những nữ thái giám, hay còn được gọi là các nữ quan.
Nữ thái giám đã xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử Trung Hoa phong kiến
Với một quốc gia ngay từ thời cổ đại đã luôn có tư tưởng trọng nam khinh nữ, việc đưa những người phụ nữ vào cung để "tịnh thân" làm quan có lẽ là một điều ngoại lệ và khó hiểu bậc nhất lịch sử Trung Hoa. Vậy ở trong cung họ nắm giữ chức vụ cụ thể gì, có quyền lực như thế nào và có khả năng chi phối chốn hậu cung thâm hiểm như các hoạn quan hay không?
Kỳ thực, nữ thái giám đã xuất hiện từ rất sớm trong các triều đại Trung Hoa xưa. Sử sách nước này có ghi lại một vài nhân vật nổi tiếng như: tài nữ Ban Chiêu đời Hán, Lâm Diệu Ngọc đời Tống, Tiết Đào đời đường và Vạn Quý Nhi đời Minh.
Thậm chí, trong quy định về chế độ quan chức đời Chu cách đây 3.000 năm đã có ghi chép về nữ quan. Cuốn sách "Chu lễ, Thiên quan" cũng có mục "Nữ lại", trong đó ghi rõ: Nữ lại là chức lễ chủ quản vương hậu, nắm nội trị, nội chính trong cung. Nhà Chu đặt ra 8 chức nữ quan. Đến đời Hán có tổng cộng gần 200 nữ quan.
Khác với những cung tần, mỹ nữ được đưa vào cung nhằm mục đích duy trì nòi giống Hoàng tộc, các nữ quan chẳng những "không được phép" đẹp mà đa số còn là những người phụ nữ đã đứng tuổi, sống cô đơn không lập gia đình.
Quá trình "tịnh thân" của nữ thái giám
Xưa nay người ta vẫn nghĩ, các Thái giám ở trong hoàng cung của triều đình phong kiến chỉ là những người đàn ông đã bị thiến (tịnh thân). Nhưng đó chỉ là hiểu theo nghĩa hẹp, còn trên thực tế thì có cả các nữ thái giám.
Mặc dù, nam thái giám là chủ yếu và rất có thế lực, thậm chí các thái giám như An Đức Hải, Lý Liên Anh đã làm loạn cả hậu cung nhà Thanh, nhưng việc sử dụng nữ thái giám để quản lý hậu cung vẫn là một cách lựa chọn được coi là sáng suốt của các hoàng đế. Vì vậy, bên cạnh các nam hoạn quan như truyền thống, trong một số triều vua, người ta thấy xuất hiện cả các nữ thái giám.
Nếu như các nam thái giám phải chịu “tịnh thân”, tức là phải chịu đau đớn để cắt bỏ sinh thực khí trước khi vào cung, thì đối với các nữ thái giám, việc tác động làm họ trở thành một phụ nữ không hoàn chỉnh có vẻ phức tạp hơn nhiều.
Những người được lựa chọn sẽ bị cột vào một cây cột thật lớn, uống một chén ma thang (thuốc giảm đau trong đông y). Chờ những cô gái này mê man vì thuốc phát huy tác dụng, người ta mới dùng một cây móc đặc biệt để kéo buồng trứng và các bộ phận trong âm đạo ra ngoài. Sau đó dùng loại dây được làm từ gân trâu bò (tương tự như dây thun ngày nay) để buộc chặt ống nối rồi cắt bỏ. Vì miệng vết thương đã được buộc chặt bằng dây gân trâu bò nên sẽ tránh được tình trạng mất máu quá nhiều. Tiếp theo đó người ta mới dùng tro của một loạt thảo dược bôi lên vết thương như một cách để cầm máu và giúp vết thương mau lành. Sau khi hoàn thành quá trình, những cô gái này sẽ được đưa vào phòng để nghỉ ngơi và chờ trong nhiều tháng cho đến khi vết thương lành hẳn. Tuy nhiên trong thời cổ đại kỹ thuật y học chưa phát triển thì những ca như thế này đều cực kỳ nguy hiểm. Đa phần các cô gái sau khi phẫu thuật đều chết vì bị sốc, nhiễm trùng vết thương hoặc vì biến chứng sau phẫu thuật. Chỉ có những người còn sống mới được coi là nữ thái giám. Và chỉ những ai có thành tích xuất sắc nổi trội mới được phong làm nữ quan.
Cũng có một số giả thuyết khác về giải pháp “hoạn” họ như khâu hẹp hay làm biến dạng sinh thực khí... nhưng giả thuyết có vẻ hợp lý được nhà văn Lỗ Tấn gọi là “U bế” trong tác phẩm “Bệnh hậu tạp đàm”. Đây là một biện pháp rất tàn bạo: người ta dùng gậy nhỏ đập vào bụng người phụ nữ để cho dạ con sa xuống, không thể thụ thai, mang thai và sinh đẻ được.
Nhiệm vụ và quyền lực của nữ thái giám trong cung
Nhiệm vụ của họ rất phức tạp, mà cũng có thể nói là tạp nham. Từ việc nắm giữ các loại vân ấn, ghi chép lại lịch trình làm việc, cho tới việc quản lý đời sống phòng the chốn hậu cung, xem xét và báo cáo tình hình thai nghén của các phi tần.
Các nữ thái giám thường chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và hầu như không nhúng tay vào các vấn đề chính sự, cũng như việc tranh giành sủng ái nơi hậu cung như các nam thái giám. Vì vậy, họ được Hoàng thượng coi là phương án tối ưu để giải quyết những sự xáo trộn chốn cung cấm. Tuy nhiên, khi nữ thái giám nổi lòng tham, họ có thể cấu kết với các nam thái giám để tác oai tác quái và khiến cung đình dậy sóng. Sử sách Trung Hoa cũng có ghi chép về những vụ án động trời mà kẻ chủ mưu đứng đằng sau chính là nữ thái giám được Hoàng đế hết lòng tin tưởng.
Như vụ án thời nhà Minh, có nàng Công chúa sau khi lấy chồng phải vào sống trong phủ riêng được gọi là Thập Vương phủ. Khi đó, hoàng đế cử đến cho con gái một nữ quan già luôn ở bên cạnh để hầu hạ. Nữ quan này gọi là “quản gia bà”, có quyền quản lý khá lớn.
Phò mã ở ngoài cung muốn vào vui vầy với vợ là công chúa ở trong cung, luôn phải đối mặt với một vật cản lớn là “quản gia bà”, phải hối lộ cho bà ta nhiều tiền bạc mới được vào, vì nếu không có lời truyền cho phép ra ngoài cổng thì phò mã không thể vào với vợ được.
Vì thế đã xảy ra nhiều chuyện bất hạnh. Người chồng của công chúa em gái hoàng đế Minh Thần Tôn, do hối lộ không đáp ứng yêu cầu của “quản gia bà” nên không được bà ta cho vào với vợ, kết cục mắc chứng suy nhược thần kinh mà chết khiến công chúa phải ở góa cả đời.
Một lần, công chúa yêu của Minh Thần Tông cho gọi phò mã vào cung nhưng khi đó viên nữ quan quản lý lại đang mải uống rượu vui thú với tay hoạn quan mà bà ta đem lòng yêu. Đợi mãi không thấy nữ quan truyền đạt cho vào, phò mã cứ vào với vợ. Sau đó, khi biết chuyện, nữ quan rất tức giận bèn giả cớ say rượu lôi phò mã khỏi giường đuổi cổ ra ngoài cung rồi mắng mỏ công chúa một hồi.
Công chúa rất tức, định sáng hôm sau sẽ bẩm báo với cha mẹ, nhưng không ngờ nữ quan lại cáo hơn, “kẻ ác đi cáo giác trước”, nên khi công chúa mới gặp mẹ chưa kịp mở miệng đã bị bà chửi cho một chặp. Và phò mã sau khi bị đuổi khỏi cung, định vào để thanh minh với nhạc phụ, nhạc mẫu, nào ngờ tay hoạn quan “bồ” của nữ quan đã cử người đợi sẵn đánh cho một trận tơi tả.
Vụ việc được làm to chuyện, phò mã bị buộc tội vô lễ, bắt đi học lại lễ nghi phép tắc và phạt 3 tháng không được vào cung với vợ. Bà nữ quan được điều đi giữ chức khác, còn gã hoạn quan thì chẳng hề hấn gì.
Còn có một loại nữ quan khác trong cung là những nữ y, gọi là “Y bà”. Trong cung cũng có các quan ngự y nam, nhưng họ chỉ khám bệnh cho cánh đàn ông là chính, khi khám bệnh cho phụ nữ họ phải khám gián tiếp. Vì vậy, các nữ lang y được tuyển chọn vào cung để khám bênh, điều trị cho hậu, phi, các công chúa... Nhìn chung, những nữ y được tuyển chọn vào cung đều có tố chất cao, thái độ làm việc nghiêm túc. Họ dùng y thuật của mình để giúp điều trị những chứng bệnh khó nói cho cánh phụ nữ trong cung, giúp họ kìm nén chế áp tình dục, có khi lại giúp tăng cường dục tính, dưỡng thai thậm chí phá thai. Tuy nhiên, xét trong sử sách Trung Quốc thì không thấy có ghi chép chuyện nữ y can thiệp chuyện chính trị cung đình hay gây nên đại loạn.
Sống cô độc đến cuối đời
Cũng giống như nam thái giám, nữ thái giám tồn tại chỉ để phục vụ hoàng tộc, không có không gian và thời gian riêng cho mình, cũng không có quyền được hưởng thụ hạnh phúc.Địa vị của họ ở chốn hậu cung vẫn rất thấp vì bị coi thường và đối xử bất công dù được phong làm nữ quan.
Đa phần nữ thái giám đều không có cuộc sống hạnh phúc, phải cô độc đến hết cuộc đời vì họ đã mất đi khả năng sinh con, lại thường xuyên bị bệnh tật dày vò vì di chứng sau khi bị phẫu thuật.
Vậy là qua bài viết này, du khách đã biết được thêm về tầng lớp nữ thái giám tồn tại trong chiều dài lịch sử phong kiến Trung Hoa. Nếu du khách là người có niềm đam mê với văn hóa, lịch sử của đất nước Trung Hoa thì hãy đặt cho mình một tour du lịch Trung Quốc của Viet Viet Tourism nhé! Chắc chắn du khách sẽ có được những sự hiểu biết thú vị khi đặt chân đến vùng đất rộng lớn này