Trong mỗi dịp Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc có rất nhiều thức uống được yêu thích, trong đó đặc biệt nhất có lẽ chính là rượu Đồ Tô. Đây là một loại rượu trắng thường được cất giữ trong những chiếc bình làm bằng gốm sứ.
Truyền thuyết kể lại rằng, vào một năm nọ, một trận dịch hạch lớn đã bùng phát tại nhiều ngôi làng và cướp đi sinh mạng của rất nhiều người. Trong lúc mọi người không biết phải làm sao thì một người đàn ông trong làng đã lấy một số thảo mộc, lá cây và ngũ cốc cho vào trong các túi.
Sau đó, người đàn ông này mang từng chiếc túi đến tặng cho những người hàng xóm và bảo họ ngâm túi vào trong nước. Vào dịp năm mới, mọi người lấy nước ra uống và nhận thấy rằng loại đồ uống kì diệu này đã cứu thoát họ khỏi bệnh dịch.
Sau đó, mọi người đã lấy tên ngôi nhà của người đàn ông để đặt tên cho loại rượu này gọi là rượu Đồ Tô. Không ai biết rằng câu chuyện này có thật hay không nhưng đến ngày nay loại rượu này vẫn thường được sử dụng như một vị thuốc của y học cổ truyền Trung Quốc.
Điều này còn để lại dấu vết trong sách: “Kinh Sở Tuế thời ký”. Rượu Đồ Tô tương truyền do danh y Hoa Đà đời Hán sáng chế, nhân vì thời đó y học chưa phát triển, do đó bệnh dịch tràn lan, đe dọa sức khoẻ của nhân dân. Trần Diên trong “Tiểu phẩm phương” ghi rằng: “Rượu này uống vào Tết Nguyên đán, tránh được tất thảy các bệnh tà xâm nhập”. Lý Thời Trân trong “Bản Thảo cương mục” cũng nói: “Uống vào nguyên đán, tránh được bệnh tật”.
Công thức pha chế rượu Đồ Tô: Xích mộc quế (lõi) 7 tiền 5 phân, Phòng phong 1 lạng, Bát tiết 5 tiền, Thục tiêu, Cát cánh, Đại hoàng mỗi thứ 5 tiền 7 phân, Ô đầu 2 tiền 5 phân, Xích tiểu đậu 14 hạt. Các thứ trên đem đựng trong một túi nhỏ hình tam giác, đem treo xuống giếng (懸掛在井底), đêm giao thừa ngâm vào rượu, hâm nóng. Thời cổ, khi uống rượu Đồ Tô, cả nhà già trẻ lớn bé hướng về phía Đông, lần lượt uống. Sau đó, bã rượu đem quẳng xuống giếng, trong năm ngày ngày đem uống, bách bệnh tiêu tan.
Theo tập tục, uống rượu Đồ Tô, người già cả sẽ là người uống trước, sau đó là trẻ em, tiếp đến mới là các hạng trung niên, thanh niên. Điều này thể hiện ý nghĩa mong muốn người già trẻ lại, cải lão hoàn đồng.
Thi nhân đời Tống là Tô Đông Pha trong bài TRỪ DẠ DÃ TÚC THƯỜNG CHÂU THÀNH NGOẠI có câu: “Đãn bả cùng sầu bác trưởng kiện, bất từ tối hậu ẩm Đồ Tô” (Mong hết u sầu nơi già trẻ, chả cần ai kẻ uống sau cùng), lấy ý từ điển cố về tập tục rượu Đồ Tô vậy.
Thi nhân Chu Vọng Chi trong bài Trừ Tịch, dùng 8 vị thuốc miêu tả lại toàn bộ cảnh uống rượu Đồ Tô:
“Thung dung tuế sự dĩ vô mang,
Quả thảo thôn hào thiết tiểu đàng.
Ham chước Đồ Tô khuynh trúc diệp,
Noãn ôi cốt đột đái tùng hương.
Sáp mai bình trung Liên kiều ảnh,
Tiễn chúc đăng minh tục đoạn quang.
Bạch phụ địa chuyên thư thể tự,
Vạn niên trưởng tích hữu dư lương”.
Điều đó nói lên sự lưu hành của rượu Đồ Tô trong dân gian thời đó.
Sau, phong tục uống rượu Đồ Tô du nhập vào Nhật Bản, được biến đổi đến nay thành một truyền thống văn hoá bản địa đặc sắc. Vào ngày nguyên đán, sáng sớm người ta múc lên một thùng nước gọi là “Nước mới” (Tân Thuỷ), sau khi kính Thần, đổ rượu Đồ Tô vào đó để cả nhà cùng uống, vừa cầu nguyện bình an cho năm mới. Thứ tự uống rượu cũng tương tự như ở xứ sở Trung Hoa - cha đẻ của nó.
Rượu Đồ Tô là thần bí, hương thơm của nó làm say đắm lòng người, phong cách của nó khuynh đảo bao người, công hiệu của nó làm người đời ca ngợi. Uống một lượng rượu Đồ Tô vừa độ làm người ta khỏe lên. Và, đã từ rất lâu, rượu Đồ Tô trở thành đặc sản mùa xuân nổi tiếng của Trung Quốc. Đã có nhiều khách du lịch nước ngoài có dịp du lịch Trung Quốc mong muốn được một lần thưởng thức chén rượu Đồ Tô làm say đắm lòng người và không quên mua về làm quà tặng người thân.