Cũng như Việt Nam và các nước Châu Á khác, Tết Nguyên Đán là ngày Tết quan trọng nhất của người Trung Hoa, được tính theo âm lịch.
Tết Nguyên Đán tại Trung Quốc còn có tên gọi là Xuân Tiết (Chūn Jíe), đánh dấu sự kết thúc của mùa đông và khởi đầu mùa xuân mới. Thời điểm giao mùa này khác với cách tính của phương Tây vì nó được tính theo lịch âm.
Tết được tính từ ngày đầu tiên của tháng âm lịch đầu tiên - ngày Chính (Chánh Nguyệt) và kết thúc vào ngày tổ chức lễ hội đèn lồng rằm tháng giêng. Đêm giao thừa của Trung Quốc, ngày dành cho sum họp gia đình, được gọi là đêm Trừ Tịch với “trừ” nghĩa là thay đổi, hoán đổi và “tịch” là đêm, “trừ tịch” nghĩa là “đêm của sự thay đổi””đêm của thời khắc giao thời”.
Tết Nguyên Đán là ngày tết âm lịch dài nhất và quan trọng nhất ở Trung Quốc, thường kéo dài từ ngày 8 tháng 12 âm lịch đến ngày 15 tháng giêng âm lịch. Nguồn gốc của ngày tết này có từ xa xưa với rất nhiều truyền thuyết và tập tục liên quan, phản ánh niềm tin và cách sống của con người thời cổ xưa. Dưới đây là một số nét truyền thống trong phong tục đón năm mới của người Trung Quốc:
Tiễn Ông táo về trời
Theo như truyền thuyết thì mỗi gian bếp của từng nhà đều có ông thần Táo (hay gọi tắt là ông Táo). Vào ngày 23 tháng 12 Âm lịch thì ông Táo sẽ bay về trời báo cáo cho Ngọc Hoàng về những sự việc đã xảy ra dưới hạ giới trong năm qua. Vì thế, tiễn ông Táo về trời là một phong tục Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc mà người dân địa phương luôn thực hiện. Món ăn để dâng cúng ông Táo thường là bánh đường, bánh rán và súp đậu hũ.
Trang trí nhà cửa
Màu đỏ và vàng là hai màu sắc mang ý nghĩa biểu tượng trong văn hóa Trung Quốc. Màu đỏ biểu tượng cho sợ may mắn và tràn đầy năng lượng, màu vàng liên quan đến sự giàu sang và hạnh phúc. Dùng màu sắc này để trang trí hay trên quần áo là cách để chào đón năm mới may mắn. Số "8" cũng được xem là biểu tượng cho sự may mắn và giàu có, vì trong tiếng Trung số 8 được phát âm gần với chữ "phát" - có nghĩa là thịnh vượng và giàu có.
Dán giấy lên ô cửa sổ. Các loại giấy được dán thường là những bức tranh miêu tả tranh về cuộc sống nông thôn hay thần thoại Trung Quốc, và người dân thường có truyền thống đặt cửa sổ quay về hướng Nam và Bắc.
Bày tranh và tác phẩm nghệ thuật về năm mới. Theo truyền thống, các tác phẩm này đều có hình ảnh thể hiện sự an khang và thịnh vượng, bao gồm động vật và hoa quả. Theo phong tục, bạn có thể dán bức tranh của một "vị thần canh cửa" lên cửa nhà bạn, để giúp chống lại linh hồn ma quỷ và mang phước lành cho nhà mình.
Treo câu đối. Mỗi người ở Trung Quốc có thể tự viết câu đối về chủ đề mùa xuân hoặc mua một bức thư pháp tiếng Trung in trên giấy màu đỏ.
Treo đèn lồng giấy. Đèn lồng đỏ được dùng trong những lễ hội Trung Quốc trong đó có năm mới. Đèn lồng treo cao có nghĩa giống như mặt trăng trên bầu trời. Dây pháo được làm từ giấy đỏ sau đó đốt sáng để phát tiếng nổ sẽ xua đuổi tà ma.
Sơn lại cửa, khung cửa, hoặc tấm kính cửa sổ bằng màu đỏ!
Làm bánh bao hấp vào đêm giao thừa
Ăn bánh bao hấp trong những ngày Xuân về là một phong tục Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc mang ý nghĩ truyền thống, lâu đời. Và người dân địa phương thường trang trí những chấm tròn đỏ lên bánh bao để tạo màu sắc tươi sáng. Trước đây thì mọi người trong gia đình luôn quây quần lại để cùng nhau làm bánh.
Nhưng hiện nay thì do xã hội phát triển, mọi người cũng không có thời gian tự làm nên họ sẽ mua bánh bao bán sẵn trong siêu thị hay cửa hàng tiện lợi để đem về cúng. Chỉ có một số vùng quê nông thôn là vẫn còn giữ gìn tập tục truyền thống này.
Đốt pháo vào đầu năm mới
Đốt pháo đầu năm chính là một phong tục Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc để tạo nên bầu không khí rộn ràng những ngày đầu năm. Đầu tiên sẽ đốt một dây pháo nhỏ rồi tiếp theo là đốt 3 tiếng pháo lớn hơn tượng trưng cho việc năm cũ đã qua và chào đón năm mới đang tới. Tuy nhiên thì việc đốt pháo đã bị cấm ở những thành phố lớn của đất nước. Và chỉ còn xuất hiện tại một số vùng nông thôn hẻo lánh.
Hiện nay thì chỉ có nhà nước mới được phép bắn pháo hoa vào ngày đầu năm. Nếu du khách đi du lịch Trung Quốc vào dịp này sẽ chứng kiến nhiều màn trình diễn pháo hoa đẹp mắt, sáng rực cả góc trời.
Ăn mặc trang trọng
Đây là thời điểm rất tốt để mặc quần áo truyền thống của Trung Quốc. Trang phục truyền thống của Trung Quốc (được làm từ lụa) có thể được mua tại Phố người Hoa. Gắn liền với niềm vui, hạnh phúc, may mắn, thịnh vượng và an khang, quần áo màu đỏ sẽ đảm bảo rằng bạn đã thể hiện trọn vẹn tinh thần của ngày Tết. Ngoài màu đỏ, màu vàng cũng là một màu được sử dụng rất nhiều trong dịp đón năm mới, hoặc họ có thể học cách kết hợp cả 2 màu này. Người Trung Quốc tránh ăn mặc quần áo có màu đen trong dịp Tết. Màu đen tượng trưng cho điềm xui rủi, và thậm chí cái chết.
Thờ cúng Tổ tiên
Nhằm tỏ lòng biết ơn và tôn trọng những gì tổ tiên đã ra cho mình, các gia đình Trung Quốc đã thờ cúng tổ tiên của mình, đặc biệt là rất trang trọng vào những ngày này. Có rất nhiều phong tục truyền thống để thể hiện lòng biết ơn của họ, chẳng hạn như cúi lạy trước mộ hoặc bàn thờ tổ tiên hoặc chuẩn bị thức ăn và đồ uống để thờ cúng tổ tiên.
Đi chùa
Vào dịp tết Nguyên Đán, người Trung Quốc có thói quen đi chùa hay đền thờ để cầu may mắn. Họ sẽ thắp nhang và khấn nguyện. Hầu hết các ngôi chùa đều chào đón tất cả mọi người, không chỉ riêng người Trung Quốc. Đặc biệt, họ cũng thường tìm được ống xăm may mắn ở gần lối đi vào các đền thờ hoặc chùa. Khấn nguyện xin một quẻ xăm, rồi lắc ống xăm cho đến khi một thẻ xăm rơi ra. Sẽ có một thầy bói giải thích quẻ xăm đó cho khách.
Bữa ăn lớn cùng gia đình
Một bữa ăn lớn cùng gia đình là cách chào đón năm mới phổ biến nhất của người Trung Quốc. Một thành phần trong các món ăn là mỳ vì độ dài của chúng là dấu hiệu của sự trường cửu.
Cá là món ăn may mắn khác và theo truyền thống, cần ăn cá nguyên con. Ăn cả đầu và đuôi, năm mới sẽ mang đến hạnh phúc từ đầu đến cuối và vì không để thừa, món ăn này là biểu tượng cho sự sung túc.
Quýt cũng rất phổ biến trong ngày Tết Trung Quốc. Quýt vàng được trao đổi giữa các gia đình vì tên của nó phát âm gần với "may mắn".
Mỗi năm trong lịch của người Trung Quốc tương ứng với một con vật nên trong năm của con vật nào thì người ta thường tránh ăn thịt con vật đó vào đầu năm.
Không quét nhà vào ngày Mùng 1 Tết
Người Trung Quốc thường quét dọn nhà cửa, dọn dẹp vào những ngày trước Tết. Vào đêm giao thừa thì họ chỉ lo cúng kiến ông bà, tổ tiên và đón năm mới. Đặc biệt là không dùng chổi để quét nhà vào ngày Mùng 1. Vì điều đó được xem là không may mắn trong ngày đầu năm. Nhưng hiện nay thì họ cũng không kiêng kị việc này lắm. Chỉ có những người lớn tuổi như ông bà thì mới coi trọng phong tục truyền thống này.
Không đi ra ngoài vào ngày Mùng 3 Tết
Theo dân gian thì Mùng 3 Tết là ngày không may mắn nên mọi người thường hạn chế đi ra ngoài, chỉ nghỉ ngơi trong nhà. Tuy nhiên nếu đi du lịch Trung Quốc vào dịp Tết Nguyên Đán thì du khách sẽ thấy đường phố vẫn đông đúc, tấp nập vào ngày Mùng 3. Bởi những thanh niên trẻ tuổi ngày nay xem đó chỉ là điều mê tín của người xưa. Họ vẫn đi thăm bạn bè, đi chơi vào ngày Mùng 3 Tết hàng năm.
Các phong tục khác
Múa lân sư tử trong tiếng trống lớn là một nghi thức mang tính biểu tượng trong năm mới. Hai hay ba người luôn mặc trang phục đặc biệt và chuyển động đầu sư tử để xua đuổi xui xẻo và mang đế may mắn.
Bao lì xì đỏ đựng tiền để trao cho các thành viên gần gũi trong gia đình cho sự may mắn, luôn từ người đã có gia đình hay người lớn tuổi cho người còn độc thân và trẻ em.
Chắc chắn sau khi đọc qua bài viết này, du khách sẽ cảm thấy các phong tục Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc cũng rất giống với nước ta. Đó cũng là điều rất dễ hiểu bởi vì ngày Tết Nguyên Đán của Việt Nam cũng bắt nguồn từ đất nước Trung Hoa rộng lớn. Du khách hãy đến du lịch Trung Quốc trong dịp này để khám phá nhiều điều thú vị hơn về những ngày tết Nguyên Đán ở đất nước này nhé!