Năm 618, cuộc nội chiến kết thúc, Đường quốc công Lý Uyên là người thắng trận. Ông tái thống nhất Trung Quốc, mở đầu thời đại nhà Đường và được tôn xưng là Đường Cao Tổ. Tuy nhiên, các con ông lại đánh nhau để giành quyền thừa kế ngai vàng. Hai người con trai của ông là Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát đã thiệt mạng trong cuộc tranh giành quyền lực này. Lý Uyên chỉ còn một sự lựa chon duy nhất là Lý Thế Dân, con trai đã trưởng thành duy nhất còn sống sót. Năm 626, Lý Uyên nhường ngôi cho Lý Thế Dân, người mà về sau đã đưa đất nước Trung Quốc quay trở lại thời thịnh vượng và vàng son.
Tuy nhiên, người thừa kế của Thái Tông Lý Thế Dân là Cao Tông lại là một người ốm yếu nhu nhược, và là nguyên nhân làm cho Trung Quốc rơi vào xung đột và giết chóc. Quá trình hỗn loạn này bắt đầu khi người thiếp của Cao Tông là Võ Tắc Thiên, tìm cách thúc đẩy ông ta đưa bà lên thay hoàng hậu. Võ Tắc Thiên dùng những phương cách truyền thống để tống khứ những kẻ đối nghịch: bà giết hoàng hậu cùng một số kẻ khác. Võ Tắc Thiên trở thành Hoàng hậu, và bà đày ải, giết hại và bắt hàng chục quan chức lớn tuổi tự sát.
Vua Cao Tông phải chịu một sự khủng hoảng trong 11 năm cầm quyền của mình, trở nên yếu đuối và tầm thường. Võ Hậu củng cố hơn nữa quyền lực của mình. Bà giết các tôn thất họ Lý mà bà coi là đối thủ, và bà đưa các thành viên gia tộc của mình lên nắm quyền. Năm 690, bà phế truất chính người con của mình là Lý Đán để tự mình lên làm vua khi đã 67 tuổi, lập nên một triều đình ngắn ngủi với danh hiệu là Chu.
Võ Tắc Thiên là vị Nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc. Bằng cách sử dụng những kẻ chỉ điểm, bà lập lên một chính quyền cai trị dựa trên sự sợ hãi. Bà thanh lọc các trí thức Khổng giáo và các thành phần chống đối khác. Nhưng bà cũng xây dựng lên một nền tảng chính trị bằng cách cung cấp đủ những nhu cầu công cộng và thăng chức cho những vị quan ủng hộ mình. Bà rất sùng kính đạo Phật và tập trung quanh mình những người đàn ông sùng đạo như bà, các nhà sư và ra lệnh dựng chùa ở mọi quận huyện.
Khi tuổi đã già, nữ hoàng họ Võ mất dần quyền kiểm soát triểu đình, và năm 705 các quan lại ở triều buộc bà rút lui để trả lại ngôi vua cho một người con của bà là Lý Hiển, vốn đã bị bà phế truất vào năm 684. Trung Tông Lý Hiển trở lại ngai vàng và cai trị tới tận khi ông chết vào năm 710 - vợ ông, hoàng hậu họ Vi, bị nghi ngờ đã đầu độc ông. Vi hậu tìm cách cai trị giống như Võ hậu. Bà bán chức tước và quyền làm sư sãi, và bà cũng đứng đằng sau những vụ tham nhũng trong triều. Bà đã tạo ra các đối thủ mà bà không thể tiêu diệt, và họ đã tập hợp lực lượng để làm cuộc đảo chính giết chết Vi hậu, đưa vị vua vốn cũng bị Võ Tắc Thiên phế truất là Lý Đán trở lại ngai vàng.
Đến lượt các đồng minh này lại đánh nhau. Tuy nhiên, cuộc tranh giành quyền lực nhanh chóng kết thúc với ưu thế tuyệt đối của một hoàng tử nhà Đường, người được kế thừa ngôi vua vào năm 712, Huyền Tông Lý Long Cơ.
Huyền Tông lên nắm quyền ở tuổi 28 và ở ngôi 44 năm. Ông năng động và can đảm, và dưới thời ông, sự thịnh vượng quay trở lại. Nhưng vào những năm cuối đời ông ngày càng bị lôi cuốn vào tư tưởng Đạo giáo và không quan tâm đến cai trị nữa. Sau năm 745 ông say mê một người thiếp của mình là Dương Quý Phi và bỏ rơi triều chính. Triều đình trở nên hỗn loạn bởi sự tranh giành ảnh hưởng của các đại thần trong triều và các quân phiệt địa phương. Trung Quốc nhanh chóng lại rơi vào tình trạng suy sụp.
Năm 715, các đội quân Hồi giáo đánh bại Trung Quốc ở Trung Á, cắt đứt con đường dẫn tới phía tây và Ấn Độ của Trung Quốc. Những người Hồi giáo thay thế người Trung Quốc trong vị thế ảnh hưởng thống trị dọc theo Con đường tơ lụa, và các tiểu quốc bộ tộc ở biên giới Trung Quốc dần dần có nhiều ảnh hưởng. Năm 755, An Lộc Sơn, một vị tướng có nguồn gốc Đột Quyết và là tình nhân của Dương Quý Phi tiến đánh kinh thành Trường An, buộc Huyền Tông và triều thần phải lưu vong. Cuộc bạo loạn này tuy chỉ kéo dài trong 8 năm (756-763) và con Huyền Tông là Lý Hanh cuối cùng cũng lấy lại được ngai vàng, nhưng cuộc tranh quyền lực giữa các đại thần trung ương và các tiết độ sứ địa phương vẫn diễn ra gay gắt.
Trong thời Vũ Tông Lý Viêm, vốn là người theo Đạo giáo, ông cho đóng cửa chùa Phật giáo, bắt sư sãi đạo Phật phải hoàn tục và tịch thu hàng triệu mẫu đất trồng trọt cho nhà nước sử dụng. Đạo Phật ở Trung Quốc sống sót nhưng không bao giờ đạt lại được mức cũ, trong khi đối thủ của Phật giáo, Khổng giáo lại hồi phục lại trong giới trí thức.
Đạo giáo tuy được trọng dụng nhưng không phát triển được thành quốc giáo. Tuy nhiên, những người theo Đạo giáo đã kiếm lợi được từ việc thực hiện các thí nghiệm hóa học. Những người theo Khổng giáo xem đó như là một phần của sự thô tục của Đạo giáo - như thuộc về những người bình dân. Những nhà Nho vốn có thành kiến xấu về khoa học, điều này đã làm cho khoa học ở Trung Quốc chậm phát triển. Nho giáo tin tưởng việc học tập tốt nhất là dành cho văn học và lịch sử - những kiểu văn học và lịch sử của họ.
Trong cuộc tranh giành quyền lực triều đình, bất ngờ trỗi lên một lực lượng thứ ba. Đó là nhóm các vị hoạn quan. Nhóm này tỏ ra biết các luồn lách khéo léo, lợi dụng của hai bên kia để nắm được quyền lực triều đình. Ở những năm cuối của triều Đường, các hoạn quan hoàn toàn thao túng triều đình, thậm chí có thể lựa chọn người sẽ lên làm vua. Trong 22 vị hoàng đế của nhà Đường, thì đã có 10 vị do các hoạn quan lập nên. Tất cả đều ở những năm cuối cùng của triều Đường.
Vậy là thông qua bài viết này, du khách đã có thêm sự hiểu biết về lịch sử Trung Quốc thời kỳ Nhà Đường - Võ Tắc Thiên. Lịch sử - đất nước - con người Trung Hoa còn có rất nhiều điều thú vị đang chờ đón du khách đến khám phá. Hãy để Viet Viet Tourism mang đến cho du khách một hành trình du lịch Trung Quốc trọn vẹn và đầy ý nghĩa nhé!