Tết Nguyên Đán là lễ hội truyền thống quan trọng nhất trong năm của một số dân tộc Châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Triều Tiên,…Tết Nguyên Đán đánh dấu sự kết thúc của năm cũ và khởi đầu một năm mới.
Tết Nguyên Đán được tính theo Âm lịch của người Châu Á, trong khi đó, Âm lịch là một loại lịch theo chu kỳ vận hành của mặt trăng, do vậy, Tết Nguyên Đán luôn bắt đầu muộn hơn Tết Dương dịch. Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của Âm lịch nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên Đán không bao giờ trước ngày 21/1 Dương lịch và sau ngày 19/2 Dương lịch mà thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 đến giữatháng 2 Dương lịch. Toàn bộ dịp Tết Nguyên Đán hàng năm thường kéo dài trong khoảng 7 đến 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng).
Chữ "Tết" được người Việt Nam đọc chệch đi từ chữ "Tiết" (mùa màng, lễ hội) mà thành.Trong khi đó, cả hai chữ "Nguyên Đán" (元旦) nghĩa là "sự khởi đầu buổi sáng mới"; "nguyên" có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và "đán" có nghĩa là buổi sáng sớm, cho nên đọc đúng phiên âm phải là "Tiết Nguyên Đán". Thời xa xưa, người Trung Quốc gọi Tết Nguyên Đán bằng nhiều tên khác nhau như: "Nguyên thần", "Tuế đầu", "Niên tiết", "Nguyên thần", "Nguyên nhật",…
Tuy nhiên, khi nhắc đến Tết Nguyên Đán tại Trung Quốc hiện nay, người Trung Quốc sẽ hiểu rằng đây là Tết Dương lịch. Thay vào đó, Tết Nguyên Đán được người Trung Quốc hiện nay gọi là "Xuân Tiết" hoặc "Nông lịch tân niên", hoặc "Quá niên", "Quá đại niên", hay "Quá xuân tiết" (quá: qua, đón; ý chỉ: đón năm mới). Sau cách mạng Tân Hợi, Trung Quốc bắt đầu sử dụng Dương lịch để tính lịch cho cả năm, do vậy gọi ngày 1/1 Dương lịch hàng năm là "Nguyên Đán", và gọi ngày 1/1 Âm lịch thành "Xuân Tiết". Trong thời kỳ Chính phủ Bắc Dương Dân quốc, Viên Thế Khải có ý định bãi bỏ "Xuân Tiết" nhưng cuối cùng đã thất bại trước sự phản đối của dân chúng.
Liên quan đến nguồn gốc của Tết Nguyên Đán có nhiều cách diễn giải, tuy nhiên, giả thiết được nhiều người Trung Quốc đại lục phổ biến chấp nhận hiện nay đó là thời kỳ vua Nghiêu vua Thuấn, vào chính ngày mà vua Nghiêu lên nắm ngai vàng, ông đã dẫn theo thuộc hạ của mình lên núi khấn bái trời đất, kể từ đó, người ta gọi ngày này là "tuế thủ" và coi là khởi đầu của một năm. Đây là một trong những giả thuyết được lưu truyền rộng rãi nhất.
Còn theo lịch sử Hồng Kông, nguồn gốc Tết Nguyên Đán có từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế và thay đổi theo từng thời kỳ các triều đại. Thời kỳ Tam Hoàng, nhà Hạ chuộng màu đen nên chọn tháng giêng, tức tháng Dần làm tháng đầu năm mới.Nhà Thương thích màu trắng nên lấy tháng Sửu, tức tháng chạp, làm tháng đầu năm. Còn nhà Chu ưa sắc đỏ nên chọn tháng Tý, tức tháng mười một, làm tháng Tết. Mãi cho đến đời nhà Hán, sau khi Hán Vũ Đế thống nhất giang sơn đã đặt lại ngày đầu năm mới vào tháng Dần, tức tháng giêng. Từ đó về sau, trải qua bao nhiêu thời đại, không còn nhà vua nào thay đổi về tháng Tết nữa.
Cũng có nghiên cứu cho rằng Tết Nguyên Đán có nguồn gốc từ phong tục "Tế lễ tháng chạp" (lạp tế) từ thời thượng cổ, đến nay đã có lịch sử phát triển hơn 4.000 năm. Ngay từ thời kỳ vua Nghiêu vua Thuấn, xã hội Trung Quốc đã xuất hiện hoạt động “Lạp tế”.“Lạp tế” tức là hoạt động tế lễ bách thần diễn ra vào tháng cuối cùng trong năm (lạp nguyệt), nhằm cảm tạ thần linh đã phù hộ cho mọi người được no đủ, mùa màng bội thu. Nghi thức tế lễ này vô cùng trang trọng, mọi người phải chuẩn bị những loại thực phẩm ngon nhất để tế tự bách thần. Bởi thế, người ta phải đi săn (đả liệp), nhằm kiếm thịt thú rừng tươi, có mùi vị thơm ngon để làm tế phẩm. Thời cổ, chữ “liệp” đồng nghĩa với chữ “lạp”, bởi vậy “Lạp tế” còn có ý nghĩa là hoạt động "săn bắt, tế tự".
Ngoài ra, "Tết Nguyên Đán" của người dân Trung Hoa cũng bắt nguồn từ truyền thuyết về con Niên. Theo truyền thuyết, khởi đầu của Tết Nguyên Đán Trung Quốc là một cuộc chiến chống lại con niên (Niên Thú) quanh năm sống dưới đáy biển. Con niên hay đến vào dịp đầu năm mới để phá hoại gia súc, mùa màng, giết hại dân làng, đặc biệt là trẻ con. Để bảo vệ mình, dân làng đặt thức ăn trước cửa nhà vào dịp đầu năm và sau đó, già trẻ trai gái cùng dắt nhau lên núi trốn chạy con niên. Mọi người tin rằng sau khi ăn những thức ăn đó, nó sẽ không tấn công dân làng nữa. Một lần, có một ông già ăn xin đến thôn làng, khi đó dân làng đã trốn hết lên núi, chỉ còn một bà lão ở lại cho ông thức ăn và khuyên ông lão nhanh chân đi trốn. Ông lão bất ngờ nói: "Hãy cho tôi ở lại nhà hôm nay, tôi sẽ đuổi được con niên đi". Thế rồi vào đêm trừ tịch (giao thừa), con niên đến thôn như thường lệ, nhưng phát hiện ra có điều bất thường, ngoài cửa nhà bà lão đầu thôn có dán giấy đỏ, bên trong nhà có ánh lửa sáng rực, con niên khi đó đã vô cùng sợ hãi, kêu to một tiếng toan tháo chạy. Ngay khi đến gần cửa, bên trong vườn đột nhiên phát ra tiếng pháo nổ lớn, con niên khiếp đảm, một mạch chạy thẳng ra cửa mà không dám quay đầu trở lại nữa. Sau này, dân làng mới hiểu ra rằng con niên sợ màu đỏ, ánh lửa và tiếng pháo nổ. Do đó, về sau, vào những ngày đầu năm mới, dân làng đều treo đèn lồng đỏ, dán giấy đỏ trên cửa sổ, cửa ra vào. Mọi người cũng dùng pháo hoa để làm cho con niên khiếp sợ. Từ đó, con niên không bao giờ tới làng nữa. Cuối cùng, con niên bị Hồng Quân Lão Tổ bắt (ngài là thầy dạy của Tam Thanh - là ba vị thần tiên tối cao trong Đạo Giáo). Con niên trở thành vật cưỡi của Hồng Quân Lão Tổ.
Nếu du khách muốn khám phá nhiều hơn về Tết Nguyên Đán của người dân Trung Hoa thì hãy đặt ngay một tour du lịch Trung Quốc của Viet Viet Tourism nhé! Chắc chắn du khách sẽ "gặt hái" được nhiều trải nghiệm thú vị đấy!