TRUYỀN THUYẾT TÁO QUÂN CỦA TRUNG HOA
Ngày xưa, có hai vợ chồng đốn củi sống sâu trong rừng, cuộc sống nghèo khó, ăn không đủ ăn, mặc không đủ mặc nhưng không biết làm cách nào thoát ra khỏi tình cảnh này nên người chồng mỗi lúc một chán nản, sinh ra rượu chè. Gã đốn củi thuê mỗi đêm trở về nhà trong bộ dạng say khướt, không còn làm chủ được suy nghĩ, hành động của mình.
Phẫn uất vì hận đời, ông ta trút hết mọi giận dữ lên bà vợ đáng thương. Những trận đòn roi đau đớn lâu dần đối với bà cũng thành quen, người phụ nữ thương chồng nên nhẫn nhục từ tháng này sang tháng khác, năm này qua năm khác. Sự chịu đựng có giới hạn, vì thế, khi không thể nhẫn nhịn được nữa, bà vợ đã bỏ trốn khỏi túp lều trong rừng để đi tìm một cuộc sống mới, không bao giờ muốn trở về nơi tăm tối này một lần nào nữa.
Nhiều ngày trôi qua, vừa đói vừa khát nhưng người phụ nữ ấy vẫn chưa ra được khỏi rừng mà bụng thì đói, đôi chân đã rớm máu rất đau đớn. May mắn thay, trong lúc đang kiệt sức cô nhìn thấy ca-bin của 1 thợ săn. Người đàn ông tốt bụng mang đồ ăn và cho cô chỗ ngủ ấm áp. Thời gian qua đi, hai người dần nảy sinh tình cảm và lấy nhau.
Cuộc sống mới bên người thợ săn yêu mến mình hết mực, cô vợ đã quên mất quá khứ cùng người chồng cũ.
Mọi thứ cứ thế bình lặng trôi qua cho đến một ngày gần Tết, đúng lúc người thợ săn đang vắng nhà, một người ăn xin gõ cửa để xin thức ăn. Người vợ thương tình mời kẻ ăn xin vào nhà, cảm thương trước vẻ rách rưới đang run lên vì đói rét, cô đã sửa soạn cho hắn 1 bữa cơm thịnh soạn. Trong khi quan sát kẻ vô gia cư, nghèo đói ăn ngấu nghiến hết món này đến món khác, cô chợt nhận ra đây chính là người chồng cũ của mình.
Đúng lúc này, cô nghe rõ tiếng bước chân của chồng mình sắp về tới nơi. Cô hoảng loạn không biết nên làm gì vì vừa thương cho người chồng cũ vừa lo lắng cho hạnh phúc vừa chớm nở của mình với chồng mới. Trong lúc rối trí cô chỉ nghĩ được cách giấu kẻ ăn xin vào đống rơm sau nhà, đợi lúc phù hợp để cho ông ta đi.
Không may là ngày hôm đó người thợ săn mang về rất nhiều đồ ăn về sau buổi săn thành công nên anh hun hết đống rơm sau nhà để nướng thịt. Ngồi trong đống rơm, người ăn xin hoảng sợ định hét lên nhưng sợ rằng mình làm ảnh hưởng tới người phụ nữ tốt bụng đã cho anh bữa ăn thịnh soạn nên ông cố gắng giữ im lặng.
Biết chồng cũ bỏ mạng trong đám cháy lớn, vì quá thương xót và đau đớn cô tự ném mình vào ngọn lửa đang rực cháy. Người thợ săn thấy thế dù không hiểu gì nhưng cố ngăn lại nhưng không thể. Thấy người vợ yêu quý chết trước mắt mình, anh cũng lao theo vào ngọn lửa vì nghĩ rằng nếu không có vợ cuộc sống của mình cũng không còn ý nghĩa nữa.
Cảm động trước câu chuyện của 3 người nên dân làng lập đền thờ 3 người nọ tỏ lòng tôn trọng. Sau đó người đời gọi 3 người này là các Táo Quân, hay 3 vị thần Bếp Núc.
PHONG TỤC THỜ CÚNG TÁO QUÂN CỦA NGƯỜI DÂN TRUNG HOA
Người Trung Hoa quan niệm vào ngày 23 tháng Chạp sẽ tiến hành nghi lễ tiễn ông Táo lên trời, bẩm báo mọi việc tốt xấu dưới trần gian với Ngọc Hoàng. Qua đó, Ngọc Hoàng sẽ ban thưởng hoặc luận tội từng gia đình. Sau đó, Người Trung Quốc sẽ đón ông Táo về nhà vào ngày 4 tháng Giêng.
Tại Trung Quốc, mâm cơm cúng Táo thường có các vật phẩm vừa ngọt vừa dính miệng, phổ biến nhất là bánh Niangao (loại bánh làm từ bột gạo nếp và đường nâu giống bánh tổ của Việt Nam), để Táo quân ăn rồi chỉ nói toàn những lời ngọt, điều tốt, cũng là để miệng Táo quân bị dính lại, khó nói ra điều xấu. Một số nguồn nói rằng, người dân còn có tục bôi mật vào miệng tượng Táo quân với ý nghĩa tương tự.
Khi nghi lễ khấn bái đã xong xuôi, gia chủ sẽ mang bức hình ông Táo đốt cùng giấy tiền, vàng mã. Ở Trung Quốc, thay vì cúng cá chép, người ta thường cúng nước và chút cỏ khô, coi đây là thức ăn cho ngựa của Táo quân. Vì theo quan niệm của họ, ngựa mới là "phương tiện" đưa Táo quân lên thiên đình. Nếu nhà nào không có cỏ khô thì có thể dùng bánh pháo đốt thay thế, hoặc cho chút rượu vào để lửa cháy bùng lên với ngụ ý giúp ông Táo sớm “thăng thiên” chầu trời. Tuy nhiên, phong tục này đến nay không còn thịnh hành như trước.
Khi bức tranh Táo quân bằng giấy của năm cũ đã đốt cùng vàng mã, gia chủ sẽ để bức tranh mới lên. Nhà nào không dùng tranh thì sẽ dùng mô hình Táo quân bằng giấy, hoặc lau chùi bức tượng để vào vị trí cũ.
Ngày nay, phong tục tiễn Táo quân về trời của người Trung Quốc đang ngày một vắng bóng. Nhiều gia đình chỉ cúng kẹo tượng trưng, dán giấy mới vào nhà và dọn dẹp nhà cửa. Mọi nghi thức cúng bái cũng được làm giản tiện hơn trước cho phù hợp với cuộc sống hối hả của từng nhà và sự phát triển của xã hội.
Chắc chắn sau khi đọc qua bài viết này, du khách sẽ cảm thấy phong tục thờ cúng Táo quân ở Trung Quốc cũng có nhiều nét giống với nước ta. Du khách hãy đến du lịch Trung Quốc để khám phá nhiều điều thú vị hơn trong nền văn hóa đặc sắc của vùng đất rộng lớn này nhé!