Dòng dõi cao môn
Văn Tú sinh xuất thân từ gia tộc Ngạch Nhĩ Đức Đặc thị của Mông Cổ Tương Hoàng kỳ, thuộc về Thượng Tam kỳ. Đương thời có câu về Văn Tú rằng "Dòng dõi tuy cao, nhưng gia cảnh nghèo khó", gia tộc của bà xuất thân nếu so với Hoàng hậu Uyển Dung thì cao quý hơn rất nhiều.
Dòng họ Ngạch Nhĩ Đức Đặc thị, bắt đầu phát tích thời Càn Long, khai thủy bởi Hòa Anh. Năm Càn Long thứ 36, Hòa Anh đậu Tiến sĩ, nhiều lần đảm nhiệm Chủ sự, Án sát, Bố chính sứ, Thị lang, Tuần phủ, Thượng thư, cuối cùng lấy Thượng thư bộ Binh mà thụ chức Quân cơ Đại thần, Lãnh Thị vệ Nội đại thần, Thượng thư phòng Tổng Am Đạt, sau khi qua đời được ban thụy hiệu là Giản Cần. Con trai của Hòa Anh là Bích Xương, làm đến Tổng đốc Lưỡng Giang; con trai thứ nhất của Bích Xương là Hằng Phúc sĩ đến Tổng đốc Trực Lệ; con trai thứ là Đồng Phúc, tuy đương còn sống chỉ bị chờ tuyển Lang trung, nhưng con trai là Tích Trân vào năm Đồng Trị thứ 7 trúng Tiến sĩ, làm đến Thượng thư bộ Lại. Tích Trân chính là tổ phụ của bà.
Như vậy gia tộc của Văn Tú 4 đời làm quan to, gia tộc vinh hiển, để lại cho con cháu không ít sản nghiệp. Cũng vì gia thế vinh hiển, Ngạch Nhĩ Đức Đặc thị bắt đầu tiến vào vòng xoay liên hôn với hoàng thất vương phủ. Hai con gái của Hằng Phúc gả cho dòng tiểu tông của Túc vương phủ, trong đó có một vị chính là văn nhân nổi danh Thịnh Dục. Con gái của Đồng Phúc gả vào Vinh vương phủ, lấy Trấn Quốc công Phổ Mi; còn con gái Tích Trân, cũng là tổ cô mẫu của Văn Tú, được gả vào Trang vương phủ, lấy Phụ Quốc công Phổ Cương. Thuận tiện nhắc tới, Phổ Cương là con trai đầu của Trang Thân vương Tái Huân, nguyên bản tương đương với Trang vương phủ Thế tử, sau do sự kiện Nghĩa Hòa Đoàn mà Tái Huân bị tước vương vị, Phổ Cương do đó cũng không kịp thế tước. Văn Tú cũng có một vị đường tỷ, con gái của đường bá phụ Đoan Kính, trong đợt Bát kỳ tuyển tú được chỉ định gả vào Hòa vương phủ, lấy Trấn quốc công Dục Chương.
Các vị cô mẫu này của Văn Tú, khi gả đến vương phủ đều có tiếng văn chương thi từ rất tốt, tranh chữ cũng bất phàm, ta có thể liên hệ hình dung ra môi trường giáo dục rất chặt chẽ trong gia đình của Văn Tú.
Gia cảnh cùng khổ
Nhưng gia đình này, sau khi Tích Truân qua đời cũng dần dần suy tàn do vấn đề kinh tế.
Đương khi còn sống, Tích Trân có năm con trai, đa phần chỉ làm đến quan liêu tầm trung, không đạt đến quan lớn. Cha bà là Đoan Cung, chỉ từng nhậm Nội vụ phủ Chủ sự, tựa hồ là chức quan cao nhất trong các anh em trong gia tộc. Khi đó việc liên hôn với vương phủ cũng thất thoát khá nhiều của cải, bên cạnh đó liên tiếp Tích Trân qua đời, Đoan Cung cũng mất sớm, gia tộc này ngốn rất nhiều chi phí chia đều cho các phòng, hệ mà lại không có nguồn thu vào cao. Mẹ Văn Tú là Tưởng thị, là người Hán, kế thất của Đoan Cung, có hai người con gái với ông là Văn Tú và một cô con gái nhỏ hơn tên gọi Văn San. Sau khi Đoan Cung mắc bệnh qua đời, mẹ Văn Tú phải một mình nuôi hai chị em bà và con gái của vợ cả Đoan Cung cũng mất từ sớm.
Ban đầu cuộc sống khó khăn, bốn mẹ con Văn Tú thường nương nhờ nhà chú bà là Hoa Kham, em trai Đoan Cung, lúc bấy giờ đang là Lại bộ Thượng thư. Tuy nhiên ngày 12/3/1912, Long Dụ Thái hậu ký chiếu thư thoái vị, nhà Thanh chính thức sụp đổ, Hoa Kham bị mất chức vị, không còn quan chức và bổng lộc từ triều đình. Gia tộc Ngạch Nhĩ Đức Đắc bắt đầu trở nên sa sút, Hoa Kham không thể đảm đương lo cho bốn mẹ con bà, đành chia tài sản cho mọi người rồi mỗi người mỗi ngả. Tình thế có thể nói là đã khó càng khó. Trong cuộc phân chia tài sản, mẹ con Văn Tú chỉ được phân vài món đồ cũ và một số tiền rất ít ỏi. Họ chuyển đến thuê nhà ở phố Hoa Thị ở Bắc Kinh. Tại đây, Tưởng thị - mẹ Văn Tú làm đủ nghề để lo tiền ăn học cho các con gái.
Đầu tháng 9/1916, Văn Tú tròn 8 tuổi, được mẹ gửi tới trường tiểu học Hoa Thị. Từ khi bắt đầu đi học, Văn Tú đổi tên thành Phó Ngọc Phương. Ở trường, các môn quốc văn, toán học, tự nhiên, vẽ tranh cho tới âm nhạc Ngọc Phương đều học rất giỏi. Ngọc Phương hiếu thảo và thương yêu mẹ, ngoài thời gian ở trường, bà đều giúp mẹ làm việc nhà, thêu tranh để bán lấy tiền đóng học phí. Vì vậy, vào năm Ngọc Phương 13 tuổi đã chín chắn như một cô gái trưởng thành, rất được các lão sư yêu thích.
Cô quạnh trong chiếc áo Hoàng phi
Năm 1921, Ngọc Phương là một trong hai người lọt vào mắt xanh của Hoàng đế Phổ Nghi khi ông tiến hành tuyển vợ. Sau đó, Ngọc Phương khi đó 14 tuổi được chọn làm Thục phi, đổi lại tên là Văn Tú, lấy hiệu là Thục phi Văn Tú. Đây cũng là cột mốc đánh dấu chuỗi ngày bất hạnh của bà.
Dù được phong Thục phi nhưng vua Phổ Nghi chưa từng ân ái cùng Văn Tú, sống cô quạnh trong cung như một chiếc bóng. Từ nhỏ bà đã hướng nội, thích đọc thơ nên thường sống một mình trong cung Thường Xuân để bầu bạn với sách. Sau nhờ được vua Phổ Nghi mời giáo viên nước ngoài tới dạy tiếng Anh, Văn Tú bắt đầu trở nên cởi mở hơn, song cuộc sống yên bình bầu bạn với sách cũng chẳng kéo dài được lâu.
Năm 1924, vua Phổ Nghi bị lật đổ, toàn bộ Hoàng thất nhà Thanh bị Phùng Ngọc Tường - một tướng của Quốc dân đảng ép phải rời khỏi Hoàng cung. Đứng trước tình hình thất thế, Phổ Nghi đã không ít lần kêu gọi sự giúp đỡ của Nhật Bản, những mong có thể nương nhờ để khôi phục ngôi vị. Tuy nhiên, với kiến thức tích lũy được của mình, Văn Tú không ít lần hiến kế can Phổ Nghi bởi bà cho rằng muốn có lại quyền lực thì phải chịu đi đường dài, không ai giúp đỡ không công điều gì. Thế nhưng, Phổ Nghi bấy giờ lại thấy phản cảm và cho rằng Văn Tú không biết gì mà xen vào chuyện chính trị. Ông dần lãnh đạm với bà, thậm chí là bỏ mặc. Ông và Uyển Dung sống tại tầng hai trong căn nhà, Văn Tú sống bên dưới, ngày ngày không lên lầu như người xa lạ. Những lúc ăn cơm hay dạo phố, Phổ Nghi cũng chỉ đi cùng Uyển Dung. Những người hầu, thái giám thấy thế cũng tỏ thái độ với cô ra mặt. Văn Tú cảm thấy thực sự không thể sống trong gia đình này nữa!
Quyết định ly hôn gây chấn động
Khi sự việc đến đỉnh điểm, cảm thấy không thể chịu đựng thêm cuộc sống tù túng được nữa, và lúc này lại được sự ủng hộ của cháu gái họ là Ngọc Phần, cô tìm 3 vị luật sư, kiện Phổ Nghi ngược đãi với mình và đòi ly dị, trong đơn kiện có ghi “Kiện Phổ Nghi ngược đãi Văn Tú, không thể chịu đựng hơn được nữa. Phổ Nghi mắc bệnh sinh lý, ở cùng nhau 9 năm mà chưa từng sủng hạnh Văn Tú lần nào. Vì thế, Văn Tú quyết định ly hôn và yêu cầu mỗi tháng Phổ Nghi cung cấp 5 vạn tệ sinh hoạt phí”.
Đơn kiện của Văn Tú khiến Phổ Nghi vừa giận vừa thẹn, cho rằng, nó làm tổn thương tới sĩ diện của Hoàng thất triều Thanh, tổn thương tới thân phận “Hoàng đế” của mình. Tuy nhiên, mặc cho thái độ của Phổ Nghi ra sao, các tờ báo tại Nam Kinh và Thiên Tân liên tục cho đăng tải các thông tin liên quan tới việc Văn Tú đòi ly hôn với cựu hoàng Phổ Nghi, gọi cô là một “Hoàng phi cách mạng”.
Chính nhờ sức mạnh của dư luận, Văn Tú đã thắng kiện, kết quả là, ngày 22/10/1931, sau nhiều ngày đàm phán, cuối cùng, Phổ Nghi cũng ký vào tờ giấy ly hôn gồm 3 điều. Một là, sau khi ly hôn, Phổ Nghi phải cung cấp cho Văn Tú 5 vạn tệ sinh hoạt phí. Hai là, Phổ Nghi phải đồng ý để Văn Tú mang theo những đồ dùng và quần áo thường ngày của mình. Ba là, sau khi Văn Tú về Bắc Bình sống nhất định không được làm việc gì ảnh hưởng tới danh dự của Phổ Nghi.
Cuộc đời sau này vẫn không hết truân chuyên
Sau ly hôn, Văn Tú về thành Bắc Bình, tức Bắc Kinh ngày nay, đổi tên thành Phó Ngọc Phương, làm giáo viên tại một trường dân lập. Cuộc sống gần gũi trẻ con khiến bà luôn cảm thấy hạnh phúc. Song không lâu sau, thân phận Hoàng gia của bà bị phát hiện. Cuộc sống đảo lộn khiến Văn Tú phải rời khỏi trường học trong nước mắt.
Năm 1949, Văn Tú làm người hiệu đính của một tờ báo, sau đó kết hôn với Lưu Chấn Đông, phụ tá của Lý Tông Nhân, quyền Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc sau khi cuộc kháng chiến ở Trung Quốc giành thắng lợi. Hai người mở tiệm cho thuê xe kéo loại nhỏ, cùng nhau trải qua những ngày bình yên đọc sách vẽ tranh. Thế nhưng chỉ được 2 năm thì Lưu Chấn Đông phá sản, chưa kịp trốn về phía Nam thì thành Bắc Bình bị bao vây. Lưu Chấn Đông nghe Văn Tú ra trình diện với chính quyền nên được ở lại làm tại đội vệ sinh quận Tây Thành.
Hai người họ sống trong căn phòng chỉ vỏn vẹn 10 m2. Chồng bà đi làm còn bà thì ở nhà quán xuyến nội trợ. Họ sống với nhau mà không một mụn con nào. Đến năm 1953, Văn Tú qua đời khi mới chỉ 45 tuổi.
Trung Hoa nổi tiếng với chiều dài lịch sử nhiều biến cố cùng những triều đại thay phiên nhau và những câu chuyện thâm cung bí sử ít người biết đến. Chính những câu chuyện về lịch sử lại trở thành "liều thuốc" kích thích bất cứ ai muốn tò mò về lịch sử triều đại của một quốc gia đông dân nhất thế giới này. Nếu du khách yêu thích lịch sử Trung Hoa và muốn tự mình khám phá nhiều điều thú vị hơn thì hãy thực hiện ngay một chuyến du lịch Trung Quốc cùng người bạn đồng hành Viet Viet Tourism nhé!