Người Hán là một dân tộc bản địa của Trung Hoa và là dân tộc đông dân nhất trên thế giới. 91,59% được phân loại là dân tộc Hán (khoảng 1,2 tỷ người). Tên gọi "Hán" xuất phát từ nhà Hán, một triều đại kế tiếp của nhà Tần tồn tại trong thời gian ngắn và đã thống nhất Trung Quốc. Chính trong thời kỳ nhà Tần và nhà Hán thì các bộ lạc của Trung Hoa đã bắt đầu cảm thấy rằng họ thuộc về cùng một nhóm dân tộc, so sánh với các dân tộc khác xung quanh họ. Ngoài ra, nhà Hán đã được xem là đỉnh điểm của nền văn minh Trung Hoa, có khả năng mở rộng sức mạnh và ảnh hưởng đến Trung Á và Đông Bắc Á và có thể so sánh ngang hàng với Đế quốc La Mã về dân số và lãnh thổ.
Trong một số người Hán ở phương Nam, một thuật ngữ khác tồn tại trong nhiều ngôn ngữ khác nhau như tiếng Quảng Đông và tiếng Hẹ và tiếng Mân Nam, thì thuật ngữ "Đường nhân" (có nghĩa là "người Đường"), tiếng Việt trước đây ở Nam bộ gọi người gốc Hoa là chú "Thoòng". Thuật ngữ này xuất phát từ một triều đại khác của Trung Quốc là nhà Đường vốn xem là một đỉnh cao văn minh khác của nền văn minh Trung Hoa. Thuật ngữ này vẫn còn tồn tại trong một số tên gọi mà người Hán dùng để đặt cho phố Tàu "Phố của người Đường".
Một thuật ngữ khác thường được dùng bởi Hoa kiều hải ngoại là "Hoa nhân", xuất phát từ "Trung Hoa" , một tên chữ của Trung Quốc. Thuật ngữ Hán thì thường được người Hán ở Trung Hoa Đại lục và người gốc Hán ở nước ngoài sử dụng để chỉ những gì thuộc về văn hóa và dân tộc của mình.
1. NGUỒN GỐC, QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN TỘC HÁN
Nguồn gốc:
Theo nghiên cứu của một số nhà dân tộc học Trung Quốc, tộc Hán có hai nguồn gốc chính và phụ. Nguồn gốc chính là Viêm Hoàng và Đông Di. Nguồn gốc phụ là Miêu Man, Bách Việt và Nhung Địch. Trong đó, Viêm Hoàng, Đông Di và Nhung Địch là các bộ tộc cư trú ở phía Bắc sông Hoài; Miêu Man và Bách Việt phân bố ở phía Nam sông Hoài.
Quá trình hình thành tộc Hán:
Xuất phát từ đa nguồn gốc, việc hình thành tộc Hán trải qua khoảng thời gian lâu dài. Đầu tiên các thị tộc, bộ lạc củng cố nội bộ. Thị tộc, bộ lạc mạnh hơn chinh phục thị tộc, bộ lạc yếu hơn, kết thành liên minh bộ lạc. Liên minh dần dần lớn mạnh phát triển thành dân tộc, rồi thành lập triều đại. Ở lưu vực sông Hoàng Hà miền bắc có ba nhà Hạ, Thương, Chu lần lượt thay thế nối tiếp nhau. Ở miền nam, các thị tộc, bộ lạc thuộc hệ Miêu Man lưu vực Trường Giang, các thị tộc, bộ lạc thuộc hệ Bách Việt vùng Giang, Triết, Lưỡng Quảng, … thành lập nhà nước muộn hơn, tiêu biểu có Sở, Việt.
Giai đoạn thứ hai của quá trình hình thành tộc Hán là thời kỳ hình thành tộc Hoa Hạ. Về đại thể, thời Tây Chu đã định hình cục diện: ba tộc Hạ, Thương, Chu ở lưu vực Hoàng Hà, hai tộc Sở, Việt ở lưu vực nam Trường Giang, và bốn phía là Man, Di, Nhung, Địch. Thời Xuân Thu Chiến Quốc là thời kỳ lịch sử có những biến động lớn về dân tộc. Các bộ lạc chư hầu phát động chiến tranh thôn tính lẫn nhau. Giữa các bộ lạc xảy ra tình trạng ly hợp thường xuyên và kéo dài. Chiến tranh thôn tính lẫn nhau tạo điều kiện cho các tộc tiếp xúc với nhau, ảnh hưởng và hấp thu lẫn nhau, gọi là dung hợp dân tộc. Kết quả của quá trình dung hợp sau thời kỳ này là một tộc mới ra đời, đó là tộc Hoa Hạ. Tộc mới sinh ra lần này là một tộc “không phải Hạ, không phải Thương, không phải Chu, không phải Sở, không phải Việt, cũng không phải Man, Di, Nhung, Địch” [Từ Kiệt Thuấn 1999: 37]. Sau khi tộc Hoa Hạ hay nói chính xác là tập đoàn tộc Hoa Hạ ra đời, ranh giới giữa các tộc ở vùng Trung Nguyên và các tộc thiểu số chung quanh được thiết lập lại. Cách gọi Man, Di, Nhung, Địch lúc này là chỉ các dân tộc ngoài vùng Trung Nguyên. Quan niệm “nội chư Hạ nhi ngoại Di Địch” (trong là chư Hạ mà ngoài là Di Địch) ra đời trong thời kỳ này. Tập đoàn Hoa Hạ trong sách vở trước Tần được gọi là “Hạ”, “chư Hạ”, “Hoa”, “chư Hoa”.
Giai đoạn cuối là giai đoạn phát triển từ tộc Hoa Hạ đến tộc Hán. Tập đoàn Hoa Hạ tiếp tục củng cố, tiếp tục dung hợp, từ tình trạng phân tán đi đến thống nhất trong điều kiện đất nước thống nhất, quyền lực tập trung về trung ương, đứng đầu là Tần Thủy Hoàng.
Tập đoàn Hoa Hạ mới sau lần dung hợp này, được gọi là “người Tần” dưới triều Tần. Nhà Hán thay thế nhà Tần, dần dần từ “tộc Hán” ra đời. Các tộc xung quanh gọi quân đội triều Hán là “Hán binh”, sứ giả của triều Hán là “Hán sứ”, người của triều Hán là “Hán nhân”. Tên gọi “tộc Hán” được ổn định qua các thời kỳ lịch sử. Đời Đường tuy có cách gọi “người Đường”, nhưng không được dùng rộng rãi, trong mối quan hệ giữa Đường và các tộc xung quanh vẫn gọi “người Hán”, ví dụ như gọi “Phiên Hán lưỡng gia”. Triều Nguyên gọi người Trung Quốc từ Hoàng Hà lên bắc là “người Hán”. Những năm đầu nhà Thanh, gọi người triều Minh là “người Hán”. Thời cách mạng Tân Hợi lại có cách nói “Hán, Mãn, Mông, Hồi, Tạng ngũ tộc cộng hòa”. Ngày nay Trung Quốc thống kê nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa có 56 dân tộc, tộc Hán chiếm 91,02% nhân khẩu cả nước. Như vậy qua bao lần thay đổi triều đại, tên gọi “tộc Hán”vẫn tồn tại.
Quá trình phát triển tộc Hán:
* Miền bắc:
Quá trình phát triển tộc Hán gắn với quá trình dung hợp dân tộc qua các triều đại sau Tần. Tình hình dung hợp diễn ra hai chiều hướng: các dân tộc thiểu số dung hợp vào tộc Hán và ngược lại. Tuy nhiên, xu hướng chính vẫn thiên về phía dung hợp vào tộc Hán.
Các thời đại Tần, Hán, Ngụy, Tấn, Nam Bắc Triều, năm tộc du mục phía Bắc và phía Tây là Hung Nô, Tiên Ty, Kiệt, Thị, Khương (sử gọi là “ngũ hồ”) tiến vào Trung Nguyên. Đây là những đợt di dân lớn. Trước tiên một số lượng lớn dân “ngũ hồ” tự phát di dân vào Trung Nguyên sinh sống với tộc Hán nơi này. Khi các tộc ngũ hồ này mạnh lên thành lập chính quyền ở phía bắc Trung Quốc, tiếp tục có các đợt di dân do chính sách của các chính quyền này. Tiêu biểu có tộc Tiên Ty lập nước Đại Quốc, sau đổi thành Ngụy, chính quyền Bắc Ngụy dời đô đến Bình Thành (nay là Đại Đồng tỉnh Sơn Tây), tiếp tục dời đô đến Lạc Dương, theo đó tộc Tiên Ty vào sâu trong lưu vực Hoàng Hà, cùng sinh sống với người Hán, sự tương tác lẫn nhau tạo điều kiện cho sự dung hợp dân tộc.
Các thời Tùy, Đường, Lưỡng Tống, trước sau có bốn cuộc dung hợp dân tộc lớn. Đáng kể nhất là người Đột Quyết, người Hồi Hột, người Khiết Đan và người Nữ Chân. Người Đột Quyết sống ở vùng thảo nguyên phía bắc. Thời Tùy Đường, tộc trưởng Kha-han của Đột Quyết nhiều lần đưa quân tiến vào lưu vực Hoàng Hà, đều bị nhà Tùy và Đường đánh bại. Đường Thái Tông đã từng lập phủ đô đốc để ràng buộc Đột Quyết. Khi lực lượng Đột Quyết bị diệt vong, một bộ phận người Đột Quyết quy phục nhà Đường. Người Hồi Hột có nguồn gốc từ Trung Á đi vào, lực lượng ngày càng lớn mạnh. Thời loạn An Sử, Hồi Hột nhiều lần đưa quân trợ giúp nhà Đường lập công, một số dân Hồi Hột vì những lý do khác tự di cư đến vùng Giang, Hoài. Sau khi chính quyền Hồi Hột tan rã, dân Hồi Hột sống với dân Hán quy thuận triều đình. Khiết Đan là một dân tộc du mục cổ xưa ở phía bắc, tổ tiên người Khiết Đan là một chi của Đông Hồ. Khoảng thế kỷ X lập nước Khiết Đan, và bắt đầu tiến về nam xâm nhập Trung Nguyên. Cùng với sự xâm nhập của Khiết Đan có nhà Liêu. Nhà Liêu đã từng chiếm Khai Phong sau đó rút về phía bắc Hoàng Hà. Người Nữ Chân thành lập nước Kim. Kim tiêu diệt Liêu, tiến vào lưu vực Hoàng Hà đẩy Tống về Nam. Dân Nữ Chân theo bước tiến đó vào lưu vực Hoàng Hà.
Thời Nguyên, những đợt sóng di dân xuất hiện theo vó ngựa Mông Cổ. Mông Cổ chiếm cứ toàn bộ Trung Quốc, dựng nên triều Nguyên. Dân Mông Cổ trở thành công dân loại một có mặt khắp nơi trên lãnh thổ. Đến khi Chu Nguyên Chương xây dựng triều Minh, người Mông Cổ mới quay về thảo nguyên, trong số họ, một bộ phận bị Hán hóa ở lại làm dân dưới triều Minh. Cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, một số chi của bộ tộc Nữ Chân sống ở vùng đông bắc Trung Quốc thống nhất lại bộ tộc, thành lập nước Hậu Kim. Hoàng Thái Cực đổi tên bộ tộc thành Mãn Châu và đặt tên nước là Đại Thanh. Tộc Mãn Châu tiến về Trung Nguyên và chiếm toàn Trung Quốc. Người Mãn Châu phân bố khắp nơi.
Mỗi đợt di dân của các tộc thiểu số về lưu vực Hoàng Hà tạo điều kiện cho cuộc tiếp xúc và dung hợp dân tộc giữa tộc Hán và các tộc thiểu số diễn ra mạnh mẽ. Nhìn chung, qua các thời đại, miền bắc Trung Quốc xuất hiện những hiện tượng tạp cư giữa tộc Hán và các tộc du mục như Hung Nô, Ngũ Hồ, Đột Quyết, Hồi Hột, Khiết Đan, Liêu, Nữ Chân, Mông Cổ, v.v.. Các tộc này trong thời gian dài sống tạp cư cùng người Hán, qua tiếp xúc, thông hôn, hấp thu phong tục tập quán lẫn nhau.
Xu hướng chính của cuộc dung hợp là các tộc thiểu số bị Hán hóa. Tuy nhiên, quá trình Hán hóa các dân tộc khác cũng là quá trình thay đổi kết cấu tộc Hán. Do dó, diện mạo của tộc Hán hình thành trên cơ sở tộc Hoa Hạ có biến đổi lớn qua các thời kỳ lịch sử.
* Miền Nam:
Ở vùng rộng lớn miền Nam Trung Quốc ngày nay (tính từ Hoài Hà về nam) thời cổ đại là khu vực phân bố của các tộc thuộc hệ Miêu Man, Bách Việt như đã nói trên.
Thời Xuân Thu Chiến Quốc, một số tộc miền nam đã từng đến Trung Nguyên tranh bá chủ. Sở là một nước ở lưu vực Giang, Hán, thời Tây Chu hoạt động ở vùng Đan Dương (nay thuộc Hồ Bắc). Đến năm 689 tr. CN, bắt đầu dựng đô ở Sính (nay tuộc Hồ Bắc), dần dần lớn mạnh thôn tín nhiều nước nhỏ lân cận. Theo thống kê nước Sở thời Xuân Thu thôn tính gần 45 nước, dần dần dung hợp vào chư Hạ và trở thành một chi chủ yếu của tộc Hoa Hạ miền nam [Từ Kiệt Thuấn 1999: 37]. Ngô, Việt đều là nước ở hạ du Trường Giang. Ngô thuộc Kinh Mân, đóng đô ở Cô Tô (nay là huyện Ngô tỉnh Giang Tô). Việt thuộc tộc Việt, đô thành ở Hội Kê (nay là Thiệu Hưng, Triết Giang). Sau khi Câu Tiễn diệt Ngô, nước Việt trở thành nước mạnh nhất ở vùng hạ du Giang, Hoài. Câu Tiễn dẫn quân tiến lên bắc, tiếp tục liên minh các chư hầu ở Từ Châu, trở thành bá chủ mới [Chu Hán Quốc 2004: 23].
Từ đời Hán về sau do nhiều nguyên nhân khác nhau như chính sách của triều đình, dân tránh nạn chiến tranh, áp bức, thuế khóa hà khắc, … ở miền Bắc, có những đợt di dân quy mô lớn từ bắc vượt Hoài Hà - Tần Lĩnh xuống Nam.
Lịch sử di dân Trung Quốc còn ghi chép lại ba lần “Hán nhân nam thiên” lớn. Đợt di dân lớn thứ nhất kéo dài hơn 150 năm từ thời Tây Tấn đến Nam Bắc Triều, đặc biệt là thời loạn Vĩnh Gia. Theo lịch sử ghi lại, trong khoảng thời gian 170 năm từ những năm cuối thời Tây Tấn đến đầu Nam Triều, nhân khẩu miền bắc di dân xuống miền nam trên chín mươi vạn, ước chiếm 1/6 nhân khẩu toàn quốc lúc bấy giờ. Rất nhiều đại quý tộc mang theo mấy mươi gia đình, thậm chí hàng trăm gia đình thiên di xuống nam. Phần lớn trong số họ định cư ở vùng trung hạ du Trường Giang, phần nhỏ tiếp tục di chuyển đến vùng Lĩnh Nam [Chu Hán Quốc 2004: 81]. Đợt di dân lớn thứ hai bắt đầu từ sau loạn An Sử đời Đường đến Ngũ Đại. Đợt di dân lớn thứ ba từ thời Bắc Tống đến thời Nguyên, đặc biệt là thời loạn Tĩnh Khang.
Qua những đợt di cư từ Bắc xuống Nam, tộc Hán miền bắc và các tộc miền nam (chủ yếu là hệ Bách Việt) cộng cư lâu dài và dung hợp lẫn nhau. Sự dung hợp này theo hai xu hướng. Một là, một bộ phận các tộc miền nam dung hợp với tộc Hán, trở thành tộc Hán miền nam. Hai là, một bộ phận người Hán dần bị Việt hóa trở thành thành viên của tộc Việt. Tuy nhiên xu hướng thứ nhất chiếm ưu thế. Quá trình Hán hóa hay quá trình Việt hóa đều ảnh hưởng sâu sắc đến kết cấu thành phần tộc Hán và tộc Việt. Các tộc thuộc hệ Bách Việt cũng không phải hoàn toàn giống nhau về ngôn ngữ, văn hóa,… lại thêm môi trường địa lý miền Nam có nhiều đồi núi cách trở giao thông, do đó quá trình Hán hóa các tộc miền nam khác nhau cũng hình thành các nhóm người Hán khác nhau ở miền Nam.
2. SỐ LƯỢNG NGƯỜI HÁN Ở TRUNG QUỐC VÀ KHẮP NƠI TRÊN THẾ GIỚI HIỆN NAY
1.2 tỷ người Hán sống ở nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, chiếm 92% tống dân số. Tại nước này, người Hán cũng là dân tộc chiếm đa số tại các tỉnh, khu tự trị, ngoại trừ tại khu tự trị Tân Cương (chỉ 41% năm 2000) và Tây Tạng (6% năm 2000), 95% dân Hồng Kông là người Hán, 96% tại Macao.
22 triệu người Hán tại Đài Loan. Người Hán bắt đầu di cư ra Đài Loan từ thế kỷ 17. Lúc đầu, các di dân này chọn sống tại các vùng vốn đã có người cùng quê. Di dân gốc Hán Hoklo vốn từ Quảng Châu định cư tại vùng ven biển, trong khi di dân từ Zangzhou thì sống vùng đồng bằng sâu trong lòng đảo, người Hán Hakka thì định cư ở vùng đồi núi. Mâu thuẫn tranh dành của những nhóm người này xung quanh sở hữu đất, nước và khác biệt về văn hóa dẫn tới việc tái định cư một số cộng đồng, và theo thời gian hôn phối và đồng hóa diễn ra. Nghiên cứu gần đây chỉ ra dân Đài Loan đa số có dòng máu pha trộn người Hán và người bản địa.
Có khoảng 40 triệu Hoa kiều khắp nơi trên thế giới. Trong đó gần 30 triệu sống tại Đông Nam Á. Tỷ lệ Người Hán trên dân số như sau: Singapore 74%. Christmas Island 70%. Malaysia (25%), Thailand (14%), Indonesia, và The Philippines. Có 3 triệu người gốc Trung Quốc sống tại Mỹ, chiếm 1% dân số, hơn 1.000.000 người Hán tại Canada (3.7%), 1.300.000 người Hán tại Peru (4.3%), hơn 600.000 tại Úc (3.5%), gần 150.000 tại New Zealand (3.7%) và khoảng 750.000 tại Châu Phi.
Còn rất nhiều điều thú vị về dân tộc Hán mà với giới hạn ở bài viết này không thể trình bày hết được. Du khách hãy đặt cho mình một tour du lịch Trung Quốc để tự mình khám phá nhiều hơn nhé! Chúc các du khách có một chuyến đi với nhiều trải nghiệm thú vị!